PHÚC ÂM: Lc 6, 1-5
"Tại sao các ông làm điều không được
phép làm trong ngày Sabbat?" (Lc 6,2).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
1 Vào
một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa ; các môn đệ bứt lúa,
vò trong tay mà ăn. 2 Nhưng
có mấy người Pha-ri-sêu nói : "Tại sao các ông làm điều không được phép
làm ngày sa-bát ?"
3 Đức
Giê-su trả lời : "Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao ? Ông Đa-vít
đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng ? 4 Ông
vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có
tư tế mới được ăn mà thôi." 5 Rồi
Người nói : "Con Người làm chủ ngày sa-bát."
Suy niệm:
Ngài đến
để kiện toàn lề luật
Nhiều người chỉ nhắm một cái lợi trước mắt mà không để ý đến cả đống
cái hại sau lưng, hay vịn vào lề luật để vạch lá tìm sâu mà quên đi nguyên tắc
căn bản và nền tảng đưa đến lề luật đó. Hậu quả là họ phải gánh lấy bao tai hại
xảy đến trong tương lai. Vì thế, con người cần có thời gian để học hỏi, suy
xét, và thảo luận trước khi làm bất cứ việc gì, để tránh lối nhìn thiển cận, một
chiều, và quyết định độc đoán.
Tin Mừng hôm nay
là một điển hình cho biết bao trường hợp nhân danh pháp luật để đè bẹp con người.
Chúa Giêsu đã thách thức cho đến cùng thái độ như thế. Thật ra, Chúa Giêsu
không phải là một con người sống ngoài luật pháp, Ngài đến để kiện toàn lề luật. Nhưng
sở dĩ Chúa Giêsu chống lại luật pháp là bởi vì luật pháp đó phi nhân hoặc chối
bỏ con người. Các môn đệ vì đói nên bứt bông lúa mà ăn, thật ra không phải là
vi phạm ngày Hưu lễ. Không có khoản luật nào trong các sách luật xem một hành động
như thế là vi phạm ngày Hưu lễ; nếu có thì chỉ là vi phạm một trong 39 hành động
mà các nhà chú giải Do thái đã thêm vào qui định của ngày Hưu lễ mà thôi. Hơn nữa,
Chúa Giêsu đã dẫn chứng hành động của Vua Ðavít và Ngài khẳng định: hành động của
các môn đệ không hề vi phạm ngày Hưu lễ. Lề luật vì con người, chứ không phải con người vì lề luật.
Ðó là ý nghĩa của luật pháp mà Chúa Giêsu nêu bật trong cuộc tranh luận với những
Biệt phái. Khi luật pháp chống lại con người, nghĩa là chối bỏ phẩm giá và quyền
lợi cơ bản của con người, thì luật pháp đánh mất ý nghĩa và không còn lý do để
hiện hữu nữa; trong trường hợp đó, dĩ nhiên không tuân hành luật pháp là một
thái độ thích đáng.
Thật ra, khi luật
pháp chối bỏ hoặc chà đạp những quyền cơ bản của con người, thì luật pháp đó
cũng xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Thánh Phêrô và thánh Gioan đã hành động
một cách cương quyết khi dõng dạc tuyên bố trước Công nghị Do thái: "Thà vâng lời
Thiên Chúa hơn vâng lời loài người". Chẳng hạn, khi luật
pháp một quốc gia cho phép phá thai, nghĩa là tước đoạt quyền sống của con người,
thì chống lại luật pháp đó là một nghĩa vụ. "Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài
người". đó là nguyên tắc nền tảng hướng dẫn người Kitô hữu
trong các quan hệ xã hội của họ. Chúa Giêsu luôn đòi hỏi các môn đệ của Ngài
một thái độ dứt khoát tận căn: không thể vừa vâng lời Thiên Chúa, vừa chạy theo những gì chống
lại Thiên Chúa.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
“Luật lệ là lời đầu tiên của
Chúa; Tin Mừng là lời cuối cùng của Ngài” (T. Tchividian). Đức Giêsu là Tin Mừng
của Thiên Chúa, Đấng từ Thiên Chúa đến để kiện toàn lề luật bằng cách đưa lề luật
ấy đến cốt lõi của nó là lòng yêu thương. Vì thế, vấn đề của bạn là khi giữ luật,
áp dụng luật, bạn không khô cứng, nệ luật, nhưng giữ được tính bao dung của
lòng yêu mến.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho chúng con ơn can đảm để luôn biết nói không với những gì loại
trừ con người và xúc phạm đến Thiên Chúa, xin gìn giữ chúng con trong niềm xác
tín và vâng phục cho đến cùng, để trong mọi sự, chúng con chỉ tìm thánh ý Chúa
và xây dựng những giá trị Nước Trời.
Lẽ sống:
Bỏ mọi sự để
theo Chúa
"Bỏ tất cả mọi sự để theo Chúa", lời kêu gọi này
của Chúa Giêsu có thể thực hiện được trong xã hội dư dật ngày nay không? Như một
dụ ngôn trong Phúc Âm, chúng ta hãy lắng nghe câu chuyện sau đây của tiến sĩ
Marcello Candia, người đã dâng cúng tất cả tài sản để xây dựng một bệnh viện giữa
khu rừng già Amazone bên Ba Tây và sinh sống tại đó như một người dân nghèo.
"Khi còn ở
bậc trung học, tôi là thành phần của một nhóm trẻ sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của
một cha dòng Phanxico. Chúng tôi thường đi thăm các gia đình nghèo tại ngoại ô
Milano... Sự chú ý đến người nghèo đã làm nảy sinh ước muốn truyền giáo nơi
tôi.
Một hôm thầy
Cêciliô, người coi cổng nhà dòng đã nhờ tôi phát thức ăn cho người nghèo...
Trên tường nơi phòng ăn dành cho người nghèo có treo một tấm hình của cha
Daniele Samarate, một vị thừa sai của dòng đã chết vì bệnh cùi sau một thời
gian phục vụ người thổ dân tại một miền ở Ba Tây... Mỗi lần phát thức ăn cho
người nghèo, tôi đều nhận ra hình ảnh đầy đau khổ của ngài. Dần dà, hình ảnh đó
quen thuộc đến nỗi trong bất cứ người nghèo nào, tôi cũng nhận ra hình ảnh ấy...
Từ đó, ước muốn phục vụ những người cùi đã nảy sinh trong tôi".
Sau khi tốt nghiệp
đại học, Macello đã được cha gửi đi công cán tại nhiều nước nghèo trên thế giới.
Trong dịp ghé thăm một vùng nghèo tại Amazone bên Ba Tây, Macello đã trở về với
quyết định bán hết tất cả tài sản và rút về đây để phục vụ người nghèo. Với tài
sản do gia đình để lại, Macello đã xây cất một bệnh viện với 120 giường và được
trang bị với đầy đủ dụng cụ của một trung tâm y tế đa khoa.
Macello đã giải
thích về việc làm của mình như sau: "Người ta nói với tôi rằng tốt hơn hãy giúp những người
nghèo ở xứ sở của mình trước đã. Tôi xin trả lời rằng điều quan trọng là mỗi
người chúng ta biết làm một chút gì cho những người đang đau khổ, bất cứ họ
đang ở đâu... Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy nhiều người, thụ động và cam chịu
số phận, đã biết cởi mở".
Sự trưởng thành
của Giáo Hội được thể hiện qua ý thức mỗi lúc một sâu sắc của người giáo dân về
vai trò của mình. Ðã qua rồi cái thời mà người ta cho rằng Giáo Hội là chuyện của
các giám mục, linh mục. Ðã qua rồi cái thời mà người ta cho rằng nên thánh là
chuyện của vị giáo hoàng, các giám mục, linh mục và tu sĩ... Không ai chiếm giữ
độc quyền để nên thánh một mình. Nên thánh là ơn gọi chung cho tất cả mọi người đã chịu Phép Rửa...
Do đó, tất cả những lời khuyên trong Phúc Âm đều có giá trị cho tất cả mọi người
theo Chúa Kitô. "Hãy về bán hết mọi sự, phân phát cho người nghèo khó và
trở lại với Ta". Mệnh lệnh này không chỉ ngỏ với một số thành phần ưu tuyển
trong dân Chúa, nhưng là lệnh truyền cho tất cả mọi người.
Chúng ta không
được sống trong một xã hội dư dật. Nghèo đói là một sự dữ mà Thiên Chúa không
bao giờ muốn cho con người rơi vào. Tuy nhiên, bên cạnh sự nghèo đói cơm
bánh, còn có một sự nghèo đói còn đáng khiếp sợ hơn, đó là: nghèo đói tình
thương... Có biết bao người đang chờ một ít cơm thừa cá cặn từ bàn ăn của chúng
ta? Có biết bao nhiêu người đang mong mỏi một nghĩa cử yêu thương của chúng ta? Thế giới cần được
biến đổi không chỉ bằng của cải vật chất, nhưng bằng chính tình thương mà con
người biết san sẻ với nhau. Sự san sẻ đó là: dù sống trong xã hội nào, dù trải
qua hoàn cảnh nào, mọi người Kitô chúng ta đều có thể và phải làm được. Và đó
cũng là bí quyết duy nhất để giúp chúng ta nên thánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét