PHÚC ÂM: Lc 8, 1-3
"Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã
lấy của cải mình mà giúp Người". (Lc 8,2-3)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
1 Sau đó, Đức Giê-su rảo
qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai 2 và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa
bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi
bảy quỷ, 3
bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà
khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.
Suy niệm:
Sự bình
đẳng của phụ nữ
Tin Mừng hôm nay
cho chúng ta thấy cách đối xử của Chúa đối với nữ giới. Những người phụ nữ mà
thánh Luca nhắc đến có người đã từng bị quỉ ám, bởi vì họ là đối tượng của những
sức mạnh huyền bí gây xáo trộn trong cuộc sống và chức năng của họ: không những
họ phải mang nặng đẻ đau mà còn bị nguyền rủa khi son sẻ. Mối quan tâm của Chúa
Giêsu đối với nữ giới, nhất là việc Ngài chữa lành cho họ, là dấu chỉ cho thấy
họ đã được tự do, không những được giải phóng khỏi sức mạnh tăm tối, mà còn trở
nên bình đẳng trước mặt mọi người.
Ðể nói sự bình đẳng ấy, Chúa Giêsu cho các
phụ nữ được tham gia vào sinh hoạt của Nhóm Mười Hai. Sự hiện diện và phục vụ của
họ bên cạnh Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai chứng tỏ rằng trong Giáo Hội của Ngài
không hề có sự phân biệt phụ nữ. Sự kiện những phụ nữ đi theo Chúa Giêsu ngay từ
lúc Ngài bắt đầu sứ vụ công khai chứng tỏ rằng họ là những người đồng hàng với
các Tông Ðồ trong việc loan báo Tin Mừng của Ngài. Có sứ mệnh và
trách nhiệm loan báo sứ điệp Tin Mừng, đây là thể hiện cao độ nhất của sự bình đẳng
của nữ giới.
Chúa Giêsu đã đến
để giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài tái lập con người trong tước
phẩm cao trọng của con cái Chúa. Chính tước phẩm ấy là nền tảng sự bình đẳng của
con người: nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, tất cả đều có một phẩm giá cao trọng như
nhau. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy trong thư Galata: "Không còn Do thái hay Hy lạp, không còn
nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, bởi vì tất cả là một trong Chúa Giêsu
Kitô".
Chúa Giêsu đã khẳng
định sự bình đẳng của nữ giới không bằng tuyên bố suông, Ngài đã chứng minh điều
đó khi để cho các phụ nữ gia nhập vào nhóm mười hai Tông đồ của Ngài. Sự bình đẳng,
hay đúng hơn, phẩm giá của con người được thể hiện trước tiên qua hành vi phục
vụ: càng phục vụ, con người càng chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình. Thật ra,
đây cũng chính là nghịch lý chạy xuyên suốt Tin Mừng: càng đi tìm bản thân, con
người càng đánh mất bản thân; trái lại, càng quên mình phục vụ, con người càng
tìm lại bản thân và chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Xin
Chúa ban đức tin để chúng ta luôn biết tôn trọng phẩm giá nơi mỗi người, nhất
là biết cố gắng thể hiện phẩm giá của mình bằng cuộc sống quảng đại phục vụ và
yêu thương.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết
yêu mến Chúa nồng nàn để chúng con biết góp sức mở mang nước Chúa, và yêu mến
tha nhân như chính mình để chúng con luôn tôn trọng và đối xử tốt với nhau.
Lẽ sống:
Những giọt nước
mắt của sám hối
Người Hồi Giáo
thường nói đến ý nghĩa và giá trị của lòng sám hối qua câu chuyện tưởng tượng
như sau:
Một hôm Allah, Ðấng
Khôn Ngoan, truyền cho một sứ thần xuống trần gian để tìm cho được điều tốt đẹp
nhất và mang về Thiên quốc.
Vị sứ thần đáp
ngay xuống một trận chiến nơi máu của những vị anh hùng đang chảy lai láng. Vị
sứ thần thu nhặt một ít máu và mang về trình cho Ðấng Allah. Nhưng Ðấng Allah
xem ra không hài lòng mấy. Ngài nói: "Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là
một điều quý giá, nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất dưới trần
gian".
Vị sứ thần đành
phải giáng trần một lần nữa. Lần này, ngài gặp ngay một đám tang của một người
giàu có, nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi đằng sau quan tài, vừa đi vừa
khóc lóc, vừa xông hương để biểu lộ lòng biết ơn của họ đối với vị ân nhân. Vị
sứ thần bèn thu nhặt hương thơm ngào ngạt và mang về trời. Lần này, Ðấng Allah
mỉm cười đón lấy mùi thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng. Ngài
nói: "Dĩ nhiên, lòng biết ơn là một trong những điều tốt đẹp và hiếm có dưới
trần gian. Nhưng ta nghĩ rằng còn có một cái gì khác tốt đẹp hơn".
Lại một lần nữa,
vị sứ thần đành phải vâng lệnh Allah để trở lại trần gian. Phải mất một thời
gian lâu, sau khi đã đi rảo khắp bốn phương, vị sứ thần mới tìm được điều mong
mỏi. Một buổi chiều nọ, ngồi nghỉ mệt bên vệ đường, ngài bỗng thấy một người đàn
ông bên cạnh khóc sướt mướt. Vị sứ thần được người đàn ông giải thích như sau:
"Tô đã chiều theo cơn cám dỗ để phạm tội... Giờ đây, nước mắt là cơm bữa hằng
ngày của tôi". Vị sứ thần bèn đưa tay hứng lấy những giọt nước mắt còn
nóng hổi và vội vã bay về trời. Ðấng Allah nhìn thật lâu vào những giọt nước mắt
và mỉm cười nói với vị sứ thần:
"Thế là người
đã hoàn thành tốt sứ mệnh. Quả thật dưới trần gian, không có gì đẹp và hữu ích
cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc sống. Tuy nhiên, người đã
thấy đó, trước khi vui mừng, ta đã nhìn thật kỹ xuyên qua những giọt nước mắt.
Một lòng sám hối giả dối không có ích lợi gì cả. Một sự sám hối thành thật có sức
biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân của Tình Yêu".
Trong Tin Mừng
theo thánh Luca ở đoạn 15 câu 7, Chúa Giêsu đã nói: "Trên trời sẽ vui mừng gấp bội khi có một
người tội lỗi ăn năn hối cải hơn là 99 người công chính không ăn năn hối cải".
Vinh quang của
Thiên Chúa, niềm vui của Thiên Chúa chính là con người được sống. Và sự sung
mãn, sự sống đích thực chính là ân sủng, là sự sống của Thiên Chúa trong tâm hồn
con người. Sự sống
ấy chỉ có thể đến trong tâm hồn con người, nếu con người biết mở rộng cửa tâm hồn
để đón nhận Thiên Chúa. Những giọt nước mắt sám hối chính là sức đẩy để mở tung
cánh cửa tâm hồn vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét