PHÚC ÂM: Lc 6, 6-11
"Các ông quan sát xem Người có chữa
lành bệnh trong ngày Sabbat không". (Lc 6,7)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
6 Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội
đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. 7 Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình
xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo
Người. 8 Nhưng Người biết họ đang
suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay : "Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây
!" Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. 9 Đức
Giê-su nói với họ : "Tôi xin hỏi các ông : ngày sa-bát, được phép làm điều
lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt ?" 10 Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo
người bại tay : "Anh giơ tay ra !" Anh ấy làm như vậy và tay anh liền
trở lại bình thường. 11 Nhưng
họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.
Suy niệm:
Làm việc
ngày Sabát
Ðoạn Phúc Âm hôm
nay kể lại việc Chúa Giêsu chữa lành người bị bại tay phải trong ngày nghỉ
sabát, hoặc cho những luật sĩ và những biệt phái đang rình xem Chúa có lỗi luật
nghỉ ngày sabát hay không, ngõ hầu có lý do ám hại Chúa.
Chu toàn bổn phận
bác ái có ưu tiên trên việc tuân giữ luật nghỉ ngày sabát, một việc thực hành đạo
đức quan trọng của Do Thái Giáo. Thực hành việc đạo đức mà không có lòng bác ái yêu thương anh
chị em thì việc thực hành kia có thể trở thành vụ lợi, khoe khoang.
Bảo vệ cách quá khích luật nghỉ ngày sabát, các luật sĩ và những người biệt
phái đã làm cớ cho người ta hiểu lầm rằng Thiên Chúa đối nghịch với con người.
Trong đoạn Phúc Âm hôm nay, các luật sĩ và biệt phái xem ra bắt buộc Chúa Giêsu
phải chọn một trong hai việc: hoặc tuân giữ luật nghỉ ngày sabát, hoặc chữa
lành người bị bại tay phải. Tinh thần vụ hình thức đã làm hư cốt tủy của đạo
Chúa. "Tôi hỏi
các ông, ngày sabát được làm sự lành hay sự dữ, cứu sống người hay giết chết?"
Câu hỏi của Chúa Giêsu thức tỉnh những kẻ sống đạo vụ hình thức.
Nơi đoạn Phúc Âm
theo thánh Luca mà chúng ta vừa đọc lại trên đây, những luật sĩ và những người
Pharisiêu xem ra có thái độ dứt khoát phải chọn một trong hai việc là giữ ngày
sabát hoặc làm việc thiện để cứu người bị bại tay phải. Nhưng theo Phúc Âm
thánh Mátthêu chương 12 câu 11 và những câu kế tiếp, chúng ta được biết rằng những
luật sĩ và biệt phái có một giải thích rộng rãi khác về luật nghỉ ngày sabát. Họ
cho phép cứu thoát con vật bị sa xuống giếng trong ngày sabát. Thật là nghịch đời,
họ cho phép cứu con vật mà lại không cho phép cứu con người. Phải chăng các luật
sĩ và biệt phái coi trọng con vật hơn con người. Ngày nay, chúng ta có thể gặp trường hợp tương
tự, có những người nhân danh lòng nhân từ để kêu gọi bảo vệ súc vật nhưng lại
thẳng tay loại trừ những thai nhi còn trong lòng mẹ, mạnh mẽ cổ võ việc phá
thai.
Phần Chúa Giêsu,
qua hành động chữa lành người bị bại tay cả trong ngày sabát, Chúa Giêsu biểu lộ
tâm hồn tràn đầy yêu thương đối với con người và đặt luật nghỉ ngày sabát trong
viễn tượng rộng rãi hơn của tình yêu thương. Các ngày sabát được làm việc lành
để thể hiện tình thương. Một tâm hồn khô khan không có tình yêu đối với Thiên
Chúa cũng như đối với anh chị em thì sẽ dễ dàng rơi vào cám dỗ chạy trốn trước
việc lành cần phải làm để phục vụ anh chị em. Họ dễ dàng biện hộ cho thái độ sống
thiếu quảng đại, thiếu bác ái bằng lý do hết sức đạo đức nhưng có thể đó là sự
đạo đức giả hình, chưa trưởng thành.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Chúa Giêsu chữa lành người
bại tay trong ngày Sa-bát, và như thế đối với người Do thái là phạm luật. Nhưng
qua đó, Ngài muốn nói với ta rằng: không có luật nào lớn
hơn luật yêu thương.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì đã thức tỉnh chúng con qua mẫu gương và
bài học căn bản. "Trong ngày sabát được làm sự lành hay sự dữ, cứu sống
hay giết chết?" Xin thương giải thoát con khỏi thái độ sống đạo vụ hình thức,
ham danh lợi, lo củng cố địa vị hơn là thực hành yêu thương bác ái. Xin thương
ban cho chúng con tâm hồn tràn đầy tình yêu Chúa để có thể trổ sinh những việc
làm tốt phục vụ anh chị em mọi nơi và mọi lúc.
Lẽ sống:
Ðâu là hạnh phúc
đích thực
Seiji Katagire,
một phi công Nhật Bản, đang trên cần lái của chiếc phản lực cơ DC 8 của hãng
hàng không dân sự với 174 hành khách trên tàu. Ðang lúc anh chuẩn bị đáp xuống
phi trường Ðông Kinh, thì anh bỗng nghe được những âm thanh khủng khiếp báo hiệu
một sự chết chóc rùng rợn. Do phản ứng tự nhiên, anh đã kéo giật cần lái, khiến
cho chiếc máy bay đâm nhào xuống đất gây tử thương cho 24 hành khách và hàng
trăm người bị thương.
Khi cuộc điều
tra về tai nạn kết thúc thì anh được gửi ngay đến bệnh viện tâm thần. Các bác sĩ về khoa
thần kinh học cho rằng những tiếng kêu gào khủng khiếp mà viên phi công đã nghe
được, xuất hiện ngay trong cơn ác mộng giữa lúc tỉnh táo của anh và đó chính là
nguyên nhân gây ra tai nạn... Theo các bác sĩ tâm thần, ác mộng xảy ra trong
tình trạng nửa tỉnh nửa mơ là dấu hiệu báo trước một cơn khủng hoảng tinh thần.
Theo những con số
chính xác được tiết lộ từ các bệnh viện thần kinh tại Nhật Bản, thì con số người
mắc bệnh mất trí và thác loạn thần kinh đã gia tăng theo tỷ lệ thuận với sự
phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế tại quốc gia này... Người Nhật Bản nổi
tiếng là người cần cù siêng năng nhất thế giới. Từ em bé mới tập tễnh cắp sách
đến trường tới một vị bộ trưởng trong chính phủ, tất cả mọi người đều lấy sự
bon chen và lấy sự phấn đấu làm phương châm của cuộc sống... Sự cố gắng đó vừa
đưa nước Nhật đến chỗ phồn thịnh cũng vừa xô đẩy người dân đến tình trạng căng
thẳng không ngừng. Một chút lơ đễnh có thể đưa đến thất bại, một chút sơ sót có
thể đưa đến chỗ mất công ăn việc làm... Tự ái cá nhân và tự ái dân tộc khiến
người Nhật không chịu đựng được sự thất bại. Một lần thi trượt có thể xô ngã
không biết bao nhiêu học sinh Nhật đến chỗ tự vận.
Nhật Bản là quốc
gia được coi là mạnh nhất Á Châu và là nước một trong những kỹ thuật cao nhất
thế giới. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: liệu sự giàu có phồn thịnh đó có đem lại
cho con người hạnh phúc hay không?
Hạnh phúc là một
cái gì vô cùng tương đối... Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột.
Chúng ta hãy thử
so sánh niềm vui của các trẻ em thuộc hai xã hội khác nhau. Trong một gia đình
mà cơm trắng được coi như một thứ xa xỉ phẩm, thì chắc chắn một ổ bánh mì tây sẽ
tạo cho các em bé trong gia đình nghèo một niềm vui gấp nghìn lần niềm vui của
những em bé suốt đời sống trên nhung lụa và ăn toàn cao lương mỹ vị.
Một chiếc áo mới
mỗi năm chỉ được mặc một lần của em bé nhà nghèo có lẽ sẽ làm cho em bé đó vui
hơn tất cả những em bé suốt đời chỉ biết có lụa là gấm vóc.
Của cải vật chất
là một điều kiện cần thiết để cho con người được sống xứng với phẩm giá con người.
Những phương tiện kỹ thuật giúp con người phát triển nhiều hơn trong nhân cách.
Sự sung túc về vật chất phải đem lại sự phát triển nhân bản và tinh thần. Có hiều
hơn để nên người nhiều hơn: đó là khẩu hiệu người ta thường đề ra để kêu gọi
giúp đỡ các nước kém mở mang... Tuy nhiên, tự nó, của cải vật chất, sự giàu có,
những phương tiện văn minh tiến bộ không phải là cùng đích của con người.
Người Kitô luôn
thức tỉnh để đánh giá đúng những phương tiện vật chất họ đang sử dụng hay đang
tìm cách để đắc thủ. Sự chạy đua với những phương tiện vật chất không nên làm họ
mờ mắt, bán đứng lương tâm của mình. Hạnh phúc duy nhất và đích thực trong cuộc
sống của người Kitô phải là chính Chúa. Có được hạnh phúc đó trong tâm hồn,
chúng ta sẽ đánh giá đúng mức của cải vật chất và đồng thời sẽ tìm được hạnh
phúc ngay trong những điều kiện thiếu thốn nhất của cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét