PHÚC ÂM: Lc 5, 1-11
"Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo
Người". (Lc 5,11).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
1 Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ
Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa.2 Người
thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi
thuyền và đang giặt lưới.3 Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của
ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống,
và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.
4 Giảng xong, Người bảo ông Si-môn:
"Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá."5 Ông Si-môn đáp: "Thưa Thầy,
chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi
sẽ thả lưới."6 Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến
nỗi hầu như rách cả lưới.7 Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền
kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến
gần chìm.
8 Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới
chân Đức Giê-su và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!
"9
Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó
với ông đều kinh ngạc.10 Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và
Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo
ông Si-môn: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta."11 Thế
là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
Suy niệm:
Mẻ cá lạ
Một trong những
lời giảng dạy làm nhiều người khó chịu, nhưng cũng rất thú vị, của Minh Sư là: ”Thượng Đế gần gũi kẻ
có tội hơn là người thánh thiện.”
Ngài dùng hình ảnh
để giải thích như sau:
Thượng Đế ở trên thiên đàng nắm mỗi người ở
đầu một sợi dây. Khi người ta phạm tội, sợi dây đó bị cắt đứt. Bấy giờ Thượng Đế
cột sợi dây lại bằng cách làm một nút thắt - và như vậy, Ngài kéo họ lại gần
Ngài hơn. Cứ như thế, mỗi khi người ta phạm tội, sợi giây bị cắt đứt, Thượng Đế
lại buộc một nút thắt mới để kéo chúng ta lại gần Ngài nhiều hơn nữa.
Anthony de Mello, trích trong “One
Minute Wisdom”
***
“Lạy Ngài! Xin tránh xa con, vì con là kẻ
tội lỗi” (Lc.5:8).
Bạn thân mến!
Trên đây là lời nói của Simon Phêrô thưa với Chúa Giêsu khi ông cảm nhận được sự
thấp hèn tội lỗi của mình trước đấng thánh cao cả Giêsu, khi ông kinh ngạc trước
phép lạ “Mẻ Cá Lạ” mà ông đã được chứng kiến và cũng là người trong cuộc. Chúng
ta hãy lần theo dấu vết của Simon Phêrô trong Tin Mừng hôm nay (Lc. 5:1-11) để
hiểu thêm về ông, để biết thêm về “Mẻ Cá Lạ” ngày xưa đã tác động đến ông và
các bạn chài của ông như thế nào? Và cũng để nhận ra “Mẻ Cá Lạ” ngày xưa đã tác
động đến tôi và bạn hôm nay ra sao?
Trước hết, Simon Phê-rô là một người truyền
giáo:
Trong lúc ông và các bạn chài đang giặt lưới sau 1 đêm dài mệt mỏi vật lộn với
biển khơi để đánh bắt cá nhưng chẳng được gì. Chúa Giêsu đã đến bên ông, Ngài
lên thuyền của ông, xin ông chèo ra xa bờ 1 chút để Ngài ngồi trên thuyền mà giảng
dạy cho dân chúng. Ông đã không ngại mệt mỏi sau một đêm vất vả làm việc, Ông đã
bỏ công việc riêng bề bộn sau lưng, đã đứng dậy và làm theo lời yêu cầu của
Ngài…Chúa giảng, ông chèo …Chắc hẳn trong lúc ông chèo thuyền cho Chúa giảng dạy,
ông cũng đã lãnh nhận những lời vàng ngọc, những chân lý ngàn đời không thay đổi
nơi môi miệng của Chúa Giêsu. Ông chèo, Chúa giảng...Ông đã góp công sức vào việc
giúp những người xung quanh biết về Chúa và nghe Lời Ngài. Với chiếc thuyền nhỏ
bé của ông, ông đã “mang Chúa đến cho người khác”, Ông đã làm công việc truyền
giáo trong lúc Giáo Hội chưa được hình thành.
Bạn thân mến! Nếu
hôm nay Chúa dùng những người xung quanh để mời gọi tôi và bạn đóng góp công sức
của mình cho việc truyền giáo, Tôi và bạn sẽ đáp trả ra sao ? Sự đáp trả của
tôi và bạn có giống Simon Phêrô ngày xưa không?
Simon Phêrô: một người khiêm nhượng và biết
lắng nghe.
Sau 1 đêm vất vả đánh cá mà chẳng được gì, chắc hẳn ông mang một tâm trạng mệt
mỏi, chán nản. Thế mà giờ đây, Chúa Giêsu lại bảo ông ra khơi đánh cá giữa ban
ngày, lại ra tận chỗ nước sâu, nơi nguy hiểm nhất và cũng là chỗ khó bắt được
cá nhất …Theo lẽ thông thường, Phêrô phải ngẫm nghĩ trong lòng: “Ông Giêsu ơi! Ông
làm nghề thợ mộc mà! Đánh cá là nghề của tôi. Tôi đã sống bằng nghề này mấy mươi
năm rồi, Ông biết gì về đánh cá mà lại hướng dẫn chỉ bảo tôi?” Nhưng
không phải thế, Simon Phêrô đã lắng nghe lời hướng dẫn của Chúa Giêsu trong
khiêm nhượng và tin tưởng. Ông đã nói lên tâm tình đó qua câu: "Thưa Thầy,
chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy,
tôi sẽ thả lưới".(Lc. 5:5)
Bạn thân mến!
Trong cuộc sống hằng ngày, qua những vị linh mục trong cộng đoàn giáo xứ, qua
các thầy cô trong trường học, qua cha mẹ anh chị em trong gia đình, qua bạn bè
thân hữu ngoài xã hội…Có lẽ Chúa cũng đã gởi đến tôi và bạn biết bao lời khuyên răn
nhắn nhủ, nhưng tôi và bạn có biết lắng nghe hay không? Tôi và bạn có đủ khiêm
nhượng và tin tưởng để lắng nghe như Simon Phêrô ngày xưa không ?
Simon Phêrô: Người được Chúa tỏ mình ra: Chứng kiến “Mẻ Cá Lạ”, Simon Phêrô đã nhận ra
sự cao cả thánh thiện của Chúa Giêsu. Sợ hãi vì nhận thấy mình tội lỗi thấp
hèn, ông đã vội quì xuống và thưa với Chúa Giêsu: “Xin Thầy tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”
(Lc.5:8). Nếu Chúa Giêsu không chủ động tỏ mình ra, chắc hẳn ông
không thể nhận ra “Mẻ Cá Lạ” là do quyền năng cao cả của Thiên Chúa. Nếu không
có ơn Chúa, chắc hẳn ông không thể nhận biết thân phận tội lỗi thấp hèn của
mình. Một đêm dài vất vả mệt mỏi, ông đã
làm việc với sức của riêng mình, kết quả là con số không, Ông chẳng đánh bắt được
gì. Nhưng khi có Chúa bên cạnh, Ông đã cùng làm với Chúa và dùng sức của Chúa,
kết qủa là ông đã có “Mẻ Cá Lạ” gần chìm thuyền.
Bạn thân mến! Cuộc
sống có Chúa bên cạnh thật quan trọng và cần thiết biết bao! Xin bạn cùng với
tôi, chúng ta hãy tự hỏi chính mình: ”Chúa ở đâu trong cuộc sống hằng ngày của tôi? Những lúc tôi ăn
uống nghỉ ngơi, những lúc vui lúc buồn, những lúc thành công hạnh phúc cũng như
lúc thất bại mệt mỏi vất vả… Ngài ở đâu ? Ngài ở đâu ?"
Simon Phêrô: Người biết phó thác để sẵn
sàng ra đi và lên đường: Ra đi là bỏ nơi an toàn để đến nơi bấp bênh không chắc
chắn. Ra đi là bỏ nơi quen biết để đến nơi xa lạ. ”Vâng lời thầy, con đi thả lưới” (Lc.5:5).
Lên đường ra khơi thả lưới là chấp nhận đối đầu với phong ba bão táp, chấp nhận
gian lao thử thách…”Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người” (Lc.5:11).
Ra đi theo Chúa là bỏ lại tất cả: gia đình, thuyền bè, chài lưới… Bỏ cả nghề
nghiệp cũ đã thành thạo để bắt tay vào nghề mới còn chập chững. Bỏ lưới cá để
chài lưới người.
Bỏ tất cả để bước
đi theo Chúa, để làm môn đệ của Ngài…Đây là việc đòi hỏi nhiều cố gắng nỗ lực,
gặp nhiều khó khăn thử thách, nhưng cái khó khăn nhất có lẽ là “bỏ mình”, là ra
khỏi “cái tôi hạn hẹp ích kỷ” của chính mình.
Dù có đi xa ngàn dặm nhưng vẫn giữ những thói tật xưa cũ thì người môn đệ
vẫn còn ở khởi điểm. Muốn lên đường theo Chúa, người môn đệ phải ra khỏi tính tự
mãn của mình. Ra khỏi những quan niệm xưa cũ hẹp hòi. Ra khỏi những ảo tưởng viễn
vông. Ra khỏi thói ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân. Và khi đã từ bỏ tất cả, người
môn đệ sẽ trở nên hoàn toàn nghèo nàn. Gia tài chỉ có niềm cậy tin phó thác
hoàn toàn vào Đấng kêu mời ta. Vũ khí chỉ có lòng vâng phục tuyệt đối vào Đấng
sai ta.
Linh Xuân Thôn - suyniemhangngay.org
Sống Lời Chúa:
“Hãy theo Ta! “ Đó là lời
mời gọi lên đường mà Chúa đã gởi đến cho các môn đệ bên bờ hồ Galilê xưa kia. Lời
mời gọi ấy không ngừng lại với các môn đệ, nhưng vẫn còn tiếp tục vang vọng hằng
ngày trong cuộc sống của con hôm nay, xin cho con biết lắng nghe và đáp trả lời
mời gọi của Chúa, biết từ bỏ và mạnh dạn lên đường như các môn đệ xưa kia.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, lên đường bước đi theo Chúa là được Chúa biến đổi. Giống như Simon
Phêrô xưa kia đã được Chúa biến đổi từ “Simon lưới cá” trở thành “Phêrô lưới người”.
Xin Chúa ban ơn giúp sức cho con để biết noi gương bắt chước Simon Phêrô xưa
kia, biết cố gắng nỗ lực lên đường bước đi theo Chúa và cũng được Chúa biến đổi.
Lẽ sống:
Ði một ngày đàng,
học một sàng khôn
Cách đây không
lâu, một cặp thanh niên người Pháp đã đến Phi Luật Tân bằng chiếc xe đạp riêng
của họ. Nước Phi là quốc gia thứ 31 họ dùng xe đạp để đi tham quan. Trong vòng
7 năm qua, họ đã không ngừng di chuyển một cách thích thú trên hầu hết các nước
và đã học hỏi nhiều kinh nghiệm khác nhau. Họ đã bỏ ra 3 năm để đạp từ Pháp
xuyên qua đến Thái Lan. Họ dành một năm làm việc trong các trại tị nạn dọc biên
giới Thái, chín tháng để đi xuyên qua Trung Hoa Lục Ðịa, sáu tháng để tham quan
Nhật Bản, Ðại Hàn và Ðài Loan.
Người con gái
tên là Claude đã giải thích mục đích của cuộc mạo hiểm như sau: "Kể từ thời của
Marco Polo, con người không ngừng đi thám hiểm thế giới với nhiều lý do và với
nhiều phương tiện khác nhau. Trong thời đại du hành vũ trụ này, việc đi vòng
quanh thế giới bằng phương tiện thô hiển như xe đạp vẫn không ngừng thu hút nhiều
người... Mạo hiểm như thế để giúp thay đổi cuộc sống của chúng tôi, để cùng trải
qua một kinh nghiệm quá lớn lao".
Cuộc mạo hiểm
nào cũng thích thú và nguy hiểm. Claude kể lại rằng tại Thái Lan, họ đã bị hai
tên cướp chận đường toan hành hung. Tại Trung Ðông, họ đã chứng kiến cảnh chết
chóc hằng ngày. Và nhất là tại Ấn Ðộ, sau khi đã trải qua vài tuần lễ tại một
vài trại cùi, họ đã ghi lại trong các sổ ghi niệm của các trung tâm này như sau:
"Sau khi đã đến
đây, chúng tôi cảm thấy không còn gì để than phiền trong cuộc sống này nữa".
Có lẽ đó là kinh
nghiệm lớn lao nhất mà những người trẻ này đã cảm nhận được trong cuộc sống. Chạm
chán với bao nguy hiểm, sờ được từng nỗi đau khổ, cảm nghiệm được niềm vui của
từng dân tộc khác nhau... Tất cả những kinh nghiệm ấy cho họ thấy rằng: người ta có thể vượt
qua được tất cả mọi hàng rào ngăn cách để đến với nhau và nơi nào con người cảm
thấy mình đang sống trong gia đình, thì đó là nhà của họ, là quê hương của họ.
Ðời là
một chuyến đi... Không những đi một ngày đàng, học một sàng khôn, mà đi để tiến
gần đến mục đích của cuộc sống.
Tổ phụ Abraham đã
được Chúa gọi để bỏ quê hương, bỏ tất cả mọi sự và lên đường đến một nơi vô định.
Dân Do thái đã được Chúa mời gọi rời bỏ Ai Cập để tiến về đất hứa.
Ra đi là chết trong lòng một ít. Cuộc ra đi
nào cũng đòi hỏi con người phải dứt khoát, có khi phải từ bỏ những gì mình yêu
thích nhất trong cuộc đời. Abraham đã từ bỏ quê hương. Có gì quý giá và thân
yêu bằng nơi chôn nhau cắt rún... Tiên tri Êlisê đã phải giết bò và dùng cày để
nướng thịt bò trước khi lên đường theo tiên tri Elia... Các môn đệ của Chúa
Giêsu đã bỏ nghề nghiệp, vợ con, tất cả mọi sự để lưu lạc nay đây mai đó với
Chúa Giêsu. Cuộc ra đi nào cũng là một mất mát... Nhưng có mất mát mới tìm lại được
những gì quý hóa hơn.
Giáo Hội đã được
định nghĩa như dân Chúa trên đường lữ thứ trần gian hướng về Thiên Quốc. Mỗi người
Kitô được mời gọi để tham dự vào cuộc lữ hành này.
Họ không trẩy đi
cô độc một mình. Nhưng bên cạnh họ, từng đoàn người tiến bước trong hân hoan.
Người ta không tiến bước trong buồn bã bởi vì đích điểm đang chờ đợi họ là cả một
khung trời của an vui, hạnh phúc... Cuộc lữ hành nào
cũng đầy cam go. Nhưng người Kitô không tiến bước với đôi tay trơ trọi. Hành
trang của họ chính là Sức Sống mà Ðức Kitô hằng thông ban cho họ. Cũng giống như
người Do Thái trên đường trở về đất hứa luôn được nuôi dưỡng bằng manna và được
hướng dẫn bởi cột lửa giữa đêm thâu, người Kitô cũng tiến bước bằng sức mạnh của Chúa Kitô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét