Phúc Âm : Mc 9, 38-43.45-48
"Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ
các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi". (Mc 9,
40.43).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
38 Ông Gio-an nói với Đức Giê-su : "Thưa
Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn
cản, vì người ấy không theo chúng ta." 39 Đức Giê-su bảo : "Đừng ngăn cản người
ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể
nói xấu về Thầy. 40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng
ta.
41 "Ai cho anh em uống một chén nước vì
lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất
phần thưởng đâu.
42 "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé
mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống
biển còn hơn. 43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi ; thà cụt
một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải
vào lửa không hề tắt.
45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì
chặt nó đi ; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà
bị ném vào hoả ngục. 47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi ; thà chột
mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả
ngục, 48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.
Suy
niệm:
Bao dung và quảng đại
Quảng đại trong nghĩa cử chia sẻ tinh thần và vật chất, chúng ta
cũng được mời gọi bao dung trong nhận định đối với những người xung quanh.
Trong
cuộc sống đời thường, do tham lam ích kỷ, chúng ta thường bưng tai bịt mắt trước
nỗi đau của đồng loại. Chúng ta cũng thường chủ quan đánh giá một người hoặc một
sự việc với nhiều thiên kiến. Việc nhận định vội vàng về một con người sẽ gây
nên biết bao hậu quả khôn lường. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng
ta hãy có cái nhìn bao dung thông cảm đối với tha nhân và tấm lòng quảng đại với
người nghèo khó.
Trên
thế giới hiện nay, có một khoảng cách rất lớn giữa các nước bắc bán cầu và nam
bán cầu. Các nước phía bắc giàu có và văn minh hơn. Các nước phía nam nghèo nàn
và lạc hậu hơn. Chẳng phải tìm đâu xa, xung quanh chúng ta vẫn còn những cách
biệt ấy. Trong xã hội Việt Nam, hiện có rất nhiều người giàu có và cũng rất nhiều
người nghèo nàn. Ngoại trừ một số ít người giàu có lòng quảng đại quan tâm đến
người nghèo, phần lớn những người kinh tế khá giả đều dửng dưng trước nỗi khổ của
những người kém may mắn. Không ít những người giàu có phất lên là do gian lận,
tham ô và làm ăn bất chính. Thực ra, nếu người ta biết quảng đại chia sẻ và biết
phân chia công bằng, thì của cải vật chất trên thế gian này luôn luôn đủ để
nuôi sống tất cả mọi người. Nạn đói, chiến tranh, di dân, khủng bố… đều có
nguyên nhân là sự ích kỷ và thù hằn. Thánh tông đồ Giacôbê trong Bài đọc II hôm
nay đã phê phán một số người giàu có mà dửng dưng đối với người nghèo. Vị tông
đồ còn vạch trần những hành động khuất tất của họ, như gian lận, lèo lái bất
công để chiếm đoạt tài sản của người nghèo. Ông kết luận: những người gian ác sẽ
chẳng tránh khỏi tội. Họ không có tội vì họ giàu, nhưng vì họ gian lận áp bức
những người cô thế cô thân.
Giáo
huấn của Chúa luôn mang nội dung bênh vực những người nghèo khổ về tinh thần
cũng như thể xác. Chúa Giêsu quả quyết với chúng ta, sự giúp đỡ cho người
nghèo, dù đơn sơ như bát nước lã, cũng được ghi nhận và thưởng công trong ngày
sau hết. Giá trị của bát nước lã rất nhỏ mọn, nhưng khi nó được trao ban với
tâm tình quý mến, nó có thể đem lại cho chúng ta phần thưởng từ chính Thiên Chúa.
Tình yêu mến đồng loại dựa trên nền tảng Đức tin vào Chúa sẽ tạo nên sức mạnh
giúp con người có thể làm được những điều phi thường. Tác giả Michel Quoist đã
viết: “Chỉ có hai giải pháp cho đời sống: yêu mình đến hoàn toàn quên lãng tha
nhân, hay yêu tha nhân đến hoàn toàn quên lãng bản thân”. Sự hiện diện âm thầm
hy sinh của các nữ tu trong các trại phong, hay tấm gương hy sinh của thánh
Maximilien Kolbe sẵn sàng chết cho người khác, đã chứng minh điều này. Những tấm
gương hy sinh này đã hoàn toàn quên lãng bản thân và đã đạt tới những nhân đức
anh hùng.
Quảng
đại trong nghĩa cử chia sẻ tinh thần và vật chất, chúng ta cũng được mời gọi
bao dung trong nhận định đối với những người xung quanh. Ông Gioan được nhắc tới
trong Tin Mừng đã thể hiện sự ghen tương theo lẽ tự nhiên của con người. Ông
thưa với Chúa Giêsu: “Chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con
đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. Cách lập luận “người
ấy không theo chúng ta” cho thấy tính cục bộ, phe cánh và tư tưởng muốn loại trừ
người khác. Chúa dạy chúng ta hãy có cái nhìn công bằng hơn. Bất cứ ai làm điều
tốt, dù họ thuộc về phe phái chính trị hoặc về tôn giáo nào, đều đáng trân trọng.
Thiên Chúa là nguồn
gốc của Chân, Thiện, Mỹ, nên những ai làm những thiện hảo và tốt đẹp đều đang
hướng về Chúa và mặc dù không ý thức điều đó, họ vẫn đang diễn tả vẻ đẹp và sự
tốt lành của Ngài. Bài đọc I trích từ sách Dân Số cũng kể lại một
trường hợp tương tự, vào thời ông Môisen làm thủ lãnh dẫn đưa người Do Thái ra
khỏi Ai Cập. Một chàng thanh niên đã ghen tỵ
khi thấy hai người khác phát ngôn (tức là rao giảng và truyền đạt thánh ý của
Chúa). Ông Môisen đã trả lời: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban
Thần Khí trên toàn dân của Ngài, để họ đều là ngôn sứ!”.
Điều
ông Môise ao ước ngày xưa, nay đã được thực hiện. Quả vậy, mỗi Kitô hữu đều được
lãnh nhận Thần Khí của Chúa trong ngày họ chịu phép Thanh tẩy, đặc biệt khi họ lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Giáo Hội có sứ mạng
Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế, và mỗi thành viên của Giáo Hội được san sẻ ba chức
vụ này. Người Kitô hữu có bổn phận loan truyền Lời Chúa, góp phần
thánh hóa xã hội và tham gia xây dựng Giáo Hội ngày một lớn mạnh giữa trần
gian.
Một
tác giả đã viết: Người quân tử khắt khe với bản thân và rộng rãi với người khác.
Ý tưởng này được nhấn mạnh trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Cách nói tạo hình ảnh
gây ấn tượng như chặt chân, chặt tay, móc mắt… diễn tả sự chọn lựa cương quyết
giữa hạnh phúc đời này với hạnh phúc đời sau, giữa sự thanh thản nội tâm với những
bổng lộc trần thế. Đây cũng là cách khẳng định mạnh mẽ về sự dứt khoát từ bỏ những
nguyên nhân gây nên tội ác, để trung tín với Đấng đã hy sinh mạng sống vì yêu
thương chúng ta.
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo
phận Hải Phòng
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết nghe lời Chúa dạy, biết dứt khoát
với tội lỗi, để được sống đời đời với Chúa.
Lẽ sống:
Tuyên
úy của tù nhân
Hôm
nay là ngày kính nhớ thánh Vinh Sơn đệ Phaolô. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 17,
linh mục Vinh Sơn được cử đi làm tuyên úy cho các tù khổ sai bị trói vào những
cột chèo lớn trên các thuyền buồm của đế quốc Pháp. Với bản chất nóng nảy, hiếu
thắng, cục mịch... cộng với những phản ứng thô lỗ mà có lẽ vị linh mục tuyên úy
đã bị tiêm nhiễm trong suốt thời kỳ ở với tù nhân, cha Vinh Sơn đã được một nữ
bá tước ra mời làm trưởng nhóm của một số linh mục đang phục vụ như những thừa
sai giữa giới nghèo trong khắp nước Pháp... Cha Vinh Sơn đã chấp thuận lời đề
nghị.
Một
khúc quanh lịch sử không những bắt đầu với cha mà còn cho cả Giáo Hội nữa: các
linh mục dòng thánh Vinh Sơn đệ Phaolô mà chúng ta thường gọi là các cha
Lazaristes đã ra đời từ đó. Ngoài ba nhân đức thông thường ma các tu sĩ phải khấn
giữ, họ còn cam kết phục vụ hoàn toàn cho giới nghèo.
Thời
gian sau, với sự cộng tác của chị Louise de Marillac, cha Vinh Sơn đã thiết lập
dòng Nữ Tử Bác Ái cũng đeo đuổi cùng một mục đích: đó là phục vụ người nghèo...
Cha Vinh Sơn đã định nghĩa dòng nữ này như sau: nhà dòng của họ là nhà thương,
nhà nguyện của họ là nhà thờ giáo xứ, khu nội cấm của họ là các ngả đường phố
xá.
Chúc
thư và cũng là tinh thần của thánh Vinh Sơn đệ Phaolô được chứa đựng trong các
lá thư của ngài. Chúng ta hãy đọc qua một đoạn sau đây: "Hãy cố gắng bằng lòng ngay giữa những điều
làm cho chúng ta bất mãn. Hãy giải thoát tâm trí con khỏi những điều đang làm
con giao động. Chúa sẽ lo liệu cho mọi sự... Cha van xin con, hãy tín thác nơi
Chúa. Con sẽ có mọi sự tâm hồn con khao khát".
Chúa
Giêsu đã bắt đầu bằng con số không: Ngài nghèo đến nỗi không có nơi gối đầu. Thế
nhưng ngày nay, khi nhìn vào Giáo Hội, người ta nghĩ ngay đến quốc gia Vatican,
với một bảo tàng viện phong phú nhất, với những vương cung thánh đường lộng lẫy,
với những cuộc biểu dương rầm rộ. Người ta cũng có thể nhìn vào các tòa giám mục
đồ sộ.
Các
vị sáng lập dòng cũng thường bắt đầu với con số không. Nhưng ngày nay, có ai chối
cãi được rằng những cơ sở lớn mà người ta thường thấy trong các đô thị lại thuộc
về các hội dòng.
Giáo
Hội và cách riêng các hội dòng có phục vụ người nghèo và có thuộc về người
nghèo không?... Có lẽ, nhiều hội dòng mà mục đích nguyên thủy là phục vụ người
nghèo và sống nghèo, cần phải đấm ngực tự thú rằng mình đã quá đi xa tinh thần
của Ðấng sáng lập... Sống nghèo trước hết đó là sống tín thác vào Chúa quan
phòng. Có thể nói đó là nhân đức trỗi vượt và cũng là mẫu số chung của các vị
thánh: phó thác hoàn toàn vào Tình Yêu của Chúa. Chúa kêu mời chúng ta
chớ có lo lắng thái quá về ngày mai. Càng lo lắng, con người càng nuôi dưỡng sự
tham lam và càng thiếu lòng tin tưởng vào Chúa. Lòng tin của chúng ta được đo
lường bằng chính sự phó thác vào Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét