PHÚC ÂM: Lc 6, 39-42
"Người mù có thể dẫn người mù được
chăng?" (Lc 6,39)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
39 Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn
này : "Mù mà lại dắt mù được sao ? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố
? 40 Học trò không hơn
thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. 41Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người
anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ? 42 Sao anh lại có thể nói với người anh em
: ' Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra ', trong khi chính
mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình ? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy
cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt
người anh em !
Suy niệm:
Ánh
sáng thế gian
Ngày 11/09/2003
Hoa Kỳ và cả thế giới đã tưởng niệm các nạn nhân của cuộc khủng bố ngày
11/09/2001. Thế giới không những tưởng nhớ những người đã chết, thế giới còn nhắc
nhở để ý thức về những sức mạnh mù quáng của sự dữ đang lôi kéo con người vào
vòng tội ác. Những
kẻ gây ra đau thương tang tóc cho người đồng loại mà vẫn nghĩ rằng mình đang
làm điều tốt. Nhiều người đang bị lôi kéo vào vòng tội ác mà không hay biết.
Chúa Giêsu là
ánh sáng thế gian. Ngài đến để cứu thoát con người khỏi tăm tối của sự dữ. Ngài
nói với loài người rằng họ đang bị sức mạnh mù quáng của sự dữ lôi kéo và trói
buộc. Ngài đến để mang lại cho chúng ta ý thức về thân phận tội lỗi của chúng
ta. Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận thân phận tội lỗi của mình chúng ta mới thấy
được sự cần thiết để được giải thoát.
Chúa Giêsu đã khẳng
định:
"Chỉ có sự
thật mới giải thoát các ngươi". Sự thật ở đây trước hết là sự
thật về thân phận yếu hèn tội lỗi của chúng ta. Thật thế, chỉ khi nào biết mình
đang đi trong bóng tối chúng ta mới cảm thấy cần có ánh sáng. Trái lại bao lâu
vẫn không nhận ra thân phận mù lòa của mình, bấy lâu chúng ta sẽ chẳng bao giờ
cảm thấy cần có ánh sáng.
Trong Tin Mừng
hôm nay Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh của người mù dắt người mù để nói lên tình
trạng khốn khổ của con người. Ðể có thể là người dẫn đường, chúng ta phải là
người thấy đường đã. Thấy đường ở đây không hẳn là nắm bắt hay chiếm hữu chân
lý. Thấy đường thiết yếu là thấy được thân phận tội lỗi của mình và từ đó có một
thái độ khiêm tốn hơn trong quan hệ với người khác. Chính vì thế mà Chúa Giêsu dạy
chúng ta hãy lấy cái xà trong con mắt mình trước đã rồi mới thấy rõ hầu lấy cái
rác trong con mắt người anh em.
Tựu trung, chúng
ta được mời gọi để sám hối và sống khiêm tốn hơn. Thế giới đang bị những sức mạnh
mù quáng của sự dữ lôi kéo, xã hội trong đó chúng ta đang sống cũng đang bị nhận
chìm trong tăm tối của sự dữ. Sự dữ đúc chế những danh từ hoa mỹ, sự dữ được cơ chế hóa, sự
dữ được luật pháp che chở. Sống trong bóng tối con người chẳng còn phân biệt được
ánh sáng và bóng tối. Ði trong tăm tối của sự dữ con người chẳng còn biết thế
nào là thiện thế nào là ác, và cuối cùng ý thức về tội lỗi cũng bị đánh mất. Lời đầu tiên của
Chúa Giêsu khi khởi đầu sứ vụ công khai là kêu gọi con người sám hối và tin vào
Tin Mừng. Có nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình con người mới có thể nhận
ra được sự cần thiết của ơn cứu rỗi. Ðây chính là điều Giáo Hội nhắc nhở con
cái mình mỗi ngày. Ở đầu mỗi thánh lễ chúng ta đấm ngực và xưng thú tội lỗi của
mình, làm như thế chúng ta không những nói lên thân phận tội lỗi của mình mà
còn mời gọi mọi người ý thức về những sức mạnh của sự dữ đang hoành hành trên
thế giới. Sám hối là tâm tình cơ bản nhất của người tín hữu Kitô.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Chúa ban cho con đôi mắt
tâm hồn, là trí phán đoán để nhận ra phải trái, thực hư. Trong con, hai đôi mắt
ấy có tương quan mật thiết với nhau. Nhìn đúng, con sẽ phán đoán đúng và hành động
khôn ngoan. Nhìn lầm, con sẽ suy nghĩ lệch lạc và hành xử ngu đần. Nghiệm lại
trong đời sống, con thường cho mình là đúng, là hay, và đã nhiều lần cố chấp với
những sai sót, lỗi lầm của mình. Còn với tha nhân thì ngược lại: con dễ xét
nét, bắt bẻ đủ điều và chẳng vui khi họ trổi vượt, thành công hơn con. Con dễ bất
công với mọi người, thích nhìn “cái rác trong mắt của anh em” hơn là thấy “cái đà to tướng
trong mắt con”. Và vì thế, con đi xa đường lối Chúa, đánh mất lòng đạo
đức chân thật của mình.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp con khiêm nhường để đôi mắt thể xác và đôi mắt tâm hồn con
luôn được sáng mãi trong ánh sáng của Chúa.
Lẽ sống:
Thuốc dã rượu
Cách đây vài
năm, công ty dược phẩm Hoffman La Roche ở Thụy Sĩ đã tình cờ khám phá ra một loại
thuốc có tính chất làm dã rượu. Các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm của
công ty đã đem loại thuốc mới này thí nghiệm trên các chú chuột đang say túy
lúy. Như thuốc tiên, mấy chú chuột đang say bỗng trở nên tỉnh táo hẳn lại.
Nhiều người nghiện
rượu có lẽ đã mừng thầm với phát minh mới này. Nhưng mọi người đều sửng sốt khi
một nhà nghiên cứu của công ty nói trên đã đề nghị hủy bỏ loại thuốc mới này.
Ông giải thích như sau: "Xã hội sẽ tốt hơn nếu không có loại thuốc này, Bởi
vì loại thuốc này sẽ khuyến khích người say uống nhiều hơn. Những người uống
thuốc này sẽ có cảm giác là không bao giờ họ bị đốn ngã vì chất men... Thật ra,
loại thuốc này có đặc tính làm cho dã rượu, chứ không làm bớt lượng rượu trong
máu cũng như các tác hại khác trong hệ thống thần kinh và trong các bộ phận khác".
Loại thuốc dã rượu
trên đây có thể làm cho chúng ta nghĩ đến thứ bình an giả tạo mà nhiều người
đang đi tìm.
Thiên Chúa đã dựng
nên con người để sống trong bình an với Ngài. Những buổi chiều tà khi Thiên
Chúa đến trong Vườn Ðịa Ðàng để chuyện vãn với Ađam và Evà: đó là hình ảnh của
một sự kết hiệp thâm sâu giữa con người và Thiên Chúa. Thế nhưng, con người đã chối
bỏ Thiên Chúa và đã cắt đứt mối dây thân tình ấy. Từ đó, bất an đã trở thành số
phận thường tình của con người.
Nhưng bất an
không những chỉ là một trừng phạt, bất an là nỗi khao khát mà Thiên Chúa đã đặt
vào lòng người để giúp con người tìm đường quay lại với Ngài.
Dù sống trong
hoàn cảnh nào, dù sống trong xã hội nào, dường như không ai thoát khỏi cái lo,
cái sợ... Nếu những người Việt Nam đói khổ lo sợ cho ngày mai không cơm, không
áo, thì những người Âu, Mỹ dư dật lại lo sợ trước trăm nghìn cái đe dọa khác của
cuộc sống... Dĩ nhiên, không ai có thể so sánh được đau khổ của một người nghèo
đói, mất tự do với sự bất an của những người giàu có. Nhưng trong cơ bản, nỗi
khổ tâm và bất an nào cũng có một sức nặng riêng của nó. Dường như mỗi người đều
có một thập giá, một nỗi khổ và một ưu tư tỷ lệ với sức lực của mình... Chúa Giêsu kêu mời mọi người chúng ta hãy
đặt tất cả tin tưởng vào Tình Yêu quan phòng của Thiên Chúa. Dù có lo lắng đến
đâu, chúng ta cũng không thể làm cho mình cao hơn một chút. Mỗi người có nỗi khổ
riêng của mình và mỗi ngày có nỗi khổ của ngày đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét