PHÚC ÂM: Lc 7, 36-50
"Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều".
(Lc 7, 47).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
36 Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức
Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn.
37 Bỗng
một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại
nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. 38 Chị đứng
đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy
tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
39 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người
liền nghĩ bụng rằng : "Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết
người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào : một người tội lỗi
!" 40 Đức
Giê-su lên tiếng bảo ông : "Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông
!" Ông ấy thưa : "Dạ, xin Thầy cứ nói." 41 Đức Giê-su nói : "Một chủ nợ
kia có hai con nợ : một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. 42 Vì họ
không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người
đó, ai mến chủ nợ hơn ?" 43 Ông Si-môn đáp : "Tôi thiết tưởng là người
đã được tha nhiều hơn." Đức Giê-su bảo : "Ông xét đúng lắm."
44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người
nói với ông Si-môn : "Ông thấy người phụ nữ này chứ ? Tôi vào nhà ông : nước
lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân
tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. 45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc
vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. 46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn
chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. 47 Vì thế, tôi nói cho ông hay : tội
của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai
được tha ít thì yêu mến ít." 48 Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ : "Tội
của chị đã được tha rồi." 49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng :
"Ông này là ai mà lại tha được tội ?" 50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ
nữ : "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an."
Suy niệm:
Lòng sám hối
Tin Mừng hôm nay
ghi lại một phiên tòa; phiên tòa này không có luật sư biện hộ, không có bản án
được đọc lên, nhưng kẻ được ân xá ra về với bình an trong tâm hồn.
Có được bình an
trong tâm hồn là điều quí giá nhất Chúa Giêsu mang lại cho con người. Nhưng để
có được bình an ấy, điều kiện tiên quyết là con người phải có lòng sám hối. Sám
hối vốn là nội dung chủ yếu trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Lời đầu tiên của Ngài
khi bắt đầu sứ vụ công khai là: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Ngài
đến là để khơi dậy lòng sám hối của con người; Ngài đến là để hòa giải tội nhân
với Thiên Chúa. Cái chết của Ngài trên Thập giá không phải là cái chết của nhà
cách mạng hay chính trị gia, mà thiết yếu là để đền bù tội lỗi con người.
Người phụ nữ
trong Tin Mừng hôm nay đã nhận ra sự cần thiết của sám hối. Bất chấp những lời
dị nghị, bất chấp sự khinh bỉ của người xung quanh, bà đã thể hiện một cách
chân thành và trọn vẹn lòng sám hối của mình. Chúa Giêsu đã nói lên ý nghĩa
hành động của người phụ nữ này như sau: "Bà đã được tha
nhiều, vì bà đã yêu mến nhiều". Càng cảm nhận được ơn tha
thứ, con người càng được thôi thúc thể hiện lòng yêu mến nhiều hơn.
Lịch sử Giáo Hội
được tô điểm bằng lòng sám hối thể hiện qua tình mến. Cuộc đời của bất cứ vị thánh nào cũng đều bắt đầu
bằng lòng sám hối, nghĩa là ý thức sâu xa về tội lỗi của mình. Nhưng sám hối
không chỉ là ý thức về tội lỗi của mình. Có lẽ không ai ý thức được
hành động phản bội của mình cho bằng Giuđa, nhưng ý thức ấy chưa hẳn là sám hối.
Phêrô cũng đã chối Thầy, nhưng nơi ngài lòng sám hối không chỉ dừng lại ở ý thức
tội lỗi, nhưng đã biến thành tình yêu thương; Phêrô đã nói lên lòng sám hối bằng
ba lần thưa với Chúa: "Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa".
Người ta thường
nói đến cuộc khủng hoảng về đức tin. Trong thực tế, khủng hoảng đức tin cũng
chính là khủng hoảng về lòng sám hối. Khi con người đánh mất ý thức về tội lỗi, con người cũng
không còn cảm nhận được thế nào là ơn tha thứ của Chúa, và dĩ nhiên cũng đánh mất
sự cảm thông và tha thứ đối với người khác. Thái độ khoan nhượng của
con người chỉ xuất phát từ ý thức về nỗi bất toàn và sự tha thứ mà mình cảm nhận
được. Xét cho cùng, bác ái chính là hoa trái của lòng sám hối: càng cảm thấy
mình được yêu thương và tha thứ, con người càng được thúc đẩy để tha thứ và yêu
thương. Nguyện xin Chúa nung nấu tâm tình sám hối
đích thực nơi chúng ta và ban cho chúng ta niềm an bình nội tâm, để chúng ta
cũng biết chia sẻ niềm an bình ấy với mọi người bằng cảm thông, tha thứ, và những
thể hiện của bác ái.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Mở lòng mình ra để bước đi
trên con đường yêu thương: yêu Chúa và yêu tha nhân, hầu chúng ta có thể thật sự
tha thứ cho người khác và được người khác thật lòng thứ tha cho chúng ta. Để nhờ
đó, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương tha thứ hết mọi lỗi lầm.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho chúng con biết khiêm tốn
nhận ra lỗi lầm của mình, và mau mắn chân thành sám hối, để được Chúa tha thứ
và ban cho ơn bình an không những thể xác mà còn cả linh hồn.
Lẽ sống:
Lời nói không mất tiền mua
Mahatma Gandhi,
người đề xướng chủ trương tranh đấu bất bạo động, đến Phi Châu. Ông vào dùng bữa
trong một quán ăn bình dân. Sau khi dùng bữa, ông trả tiền và nói với người
giúp bàn: "Xin
cám ơn vì sự tử tế của anh". Người giúp bàn trả lời: "Thưa ngài, tôi
sẽ không bao giờ quên ngài. Từ 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe được
một tiếng cám ơn".
"Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".
"Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".
Một tiếng cám ơn, một lời chào hỏi, nếu được thực thi với
tất cả chân tình là một biểu lộ của một lòng tin sâu sắc. Nói một tiếng cám ơn,
biểu lộ một cử chỉ thân thiện với người khác là muốn nói lên rằng tình liên đới
giữa con người là một điều thiết yếu và ta cần có người chung quanh để sống với.
Nói một tiếng cám ơn với người nào đó là khẳng định giá trị và nhân phẩm của
người đó. Nhưng ở đời, có ai mà không cho ta một món quà hay không dạy ta bất cứ
bài học nào đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét