Phúc Âm : Mc 7, 31-37
"Người làm cho kẻ điếc nghe được và người
câm nói được". (Mc 7,37)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
31 Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua
ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh.32 Người ta đem một người vừa điếc vừa
ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh.33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám
đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.34 Rồi
Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa
là: hãy mở ra! 35
Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng.36 Đức
Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền
bảo họ, họ lại càng đồn ra.37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm
việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."
Suy
niệm:
Niềm vui chan chứa
Con mắt tâm hồn trong sáng sẽ giúp chúng ta
nhận ra đâu là con đường chính trực; đôi chân nhiệt thành sẽ giúp chúng ta ra
khỏi vỏ bọc ích kỷ của mình để đến với tha nhân; đôi tai tinh thông sẽ giúp ta
lắng nghe và thực hành Lời Chúa; môi miệng chân thành sẽ giúp ta nói những lời
thân thiện…
Phụng
vụ lời Chúa hôm nay khởi đầu bằng lời kêu gọi hãy mừng vui và hãy can đảm. Ngôn
sứ Isaia nói với chúng ta: Đừng sợ! bởi vì Thiên Chúa sắp can thiệp để đem lại
cho dân Ngài chiến thắng. Bài đọc I được viết trong bối cảnh dân Do Thái còn đang
lưu đày. Ngày đêm họ tha thiết khẩn cầu Thiên Chúa cứu giúp và đưa họ về quê
cha đất tổ. Chính lúc họ đang âu sầu khổ cực, Chúa nói với họ qua ngôn sứ
Isaia: Đã đến thời Thiên Chúa cứu thoát. Với giọng văn hùng hồn mạnh mẽ, vị
Ngôn sứ diễn tả ngày Chúa can thiệp bằng những hình ảnh rất vui tươi sinh động:
người mù sẽ nhìn thấy, kẻ què sẽ đi được, người điếc sẽ nghe thấy và người câm
sẽ reo hò. Ước vọng nóng bỏng của người mù là có thể nhìn, của người què là đi được,
của người câm là có thể nói, của người điếc là có thể nghe. Qua hình ảnh diễn tả,
vị Ngôn sứ muốn khẳng định rằng, vào ngày Thiên Chúa can thiệp, con người sẽ đạt
được tất cả những gì mong muốn chờ đợi.
Thiên Chúa sẽ bù đắp cho họ nỗi thống khổ họ đã
phải chịu trong quá khứ và ban cho họ tràn đầy niềm vui. Vào năm 538 trước Công
nguyên, Chúa đã dùng Vua Kirô người Ba Tư để trả tự do cho người Do Thái, chấm
dứt thời lưu đày. Sau những tháng ngày xa quê, họ trở về để phục hưng xứ sở
trong niềm vui vỡ òa. Lời tiên báo của ngôn sứ Isaia đã được thực hiện. Người
Do Thái hát lên bài ca: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng như trong mơ…”
(Tv 126,1).
Cuộc
trở về của người Do Thái từ kiếp lưu đày cũng chỉ là hình bóng cho thời đại
Thiên Sai mà Thiên Chúa sẽ thực hiện. Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, đã đến đem
cho con người sự giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và dẫn đưa họ về với
Chúa Cha. Người hứa ban cho họ tự do đích thực, không còn bị tội lỗi chi phối
và điều khiển. Người tin vào Chúa Giêsu sẽ không còn là nô lệ của tội lỗi, nhưng
được mặc ấy sự thánh thiện. Thánh Mác-cô đã ghi lại một phép lạ Chúa chữa người
vừa câm vừa điếc. Nhờ tác động của Chúa, “tai anh ta mở ra và lưỡi như hết bị
buộc lại”. Kiểu nói của Mác-cô muốn diễn tả người bị câm điếc cũng giống như một
tù nhân. Anh ta bị nhốt kín nên giờ được mở ra, bị xiềng xích gông cùm nên giờ được
tháo cởi. Nói tóm lại, anh được giải phóng khỏi cảnh tù tội và được đưa trở lại
hội nhập với cuộc sống bình thường. Thánh Mác-cô cũng là một tác giả hay nói đến
việc Chúa Giêsu cấm người ta loan tin, sau mỗi khi Người làm phép lạ. Đây là lối
trình bày có chủ ý, vì thánh Sử muốn liên hệ đến những “trào lưu thiên sai” thời
bấy giờ muốn chủ trương một Đấng thiên sai theo kiểu trần tục. Chính vì thế,
Chúa Giêsu không muốn người ta đồn thồi về Người như một vị anh hùng của thời đại
theo nhãn giới trần gian.
Trước
khi về trời, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ đi khắp thế gian để tiếp nối công việc
Người đã khởi sự, tức là đem Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Ngày hôm nay, Giáo Hội
của Chúa được mời gọi đem niềm vui cho mọi thời đại. Chúa muốn qua các tín hữu để
làm cho người mù có thể nhìn thấy, người què có thể đi được, người câm có thể
nói được và người điếc có thể nghe được. Giáo Hội có sứ mạng đem đến cho con người
những nhu cầu căn bản của cuộc sống, để họ sống trong niềm vui nơi trần thế
này, và bảo đảm cho hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.
Khát
vọng cháy bỏng của người mù là được nhìn thấy, của người què là được đi, của người
điếc là được nghe và của người câm là được nói. Họ có thể đánh đổi tất cả để có
được điều họ đang mong ước. Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều khi chúng ta có đôi mắt sáng
mà lại không muốn nhìn; có đôi chân lành lặn mà lại không muốn bước đi; có đôi
tai tinh thông mà lại chẳng muốn nghe, có miệng lợi khẩu mà lại không muốn nói.
Thánh Giacôbê đã nói đến những người thánh thiện chỉ bằng ngôn từ mà không phải
bằng việc làm. Sự kính cẩn, những lời nói trau chuốt mà không kèm theo việc làm
thì chỉ là khuôn sáo rỗng tuếch (Bài đọc II). Con mắt tâm hồn trong sáng sẽ
giúp chúng ta nhận ra đâu là con đường chính trực; đôi chân nhiệt thành sẽ giúp
chúng ta ra khỏi vỏ bọc ích kỷ của mình để đến với tha nhân; đôi tai tinh thông
sẽ giúp ta lắng nghe và thực hành Lời Chúa; môi miệng chân thành sẽ giúp ta nói
những lời thân thiện.
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo phận
Hải Phòng
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin mở miệng
chúng con để chúng con biết ca ngợi Chúa và dùng lời nói nối kết tình hiệp
thông. Như thế, niềm vui của chúng con sẽ chan chứa trong cuộc sống hôm nay.
Lẽ sống:
Không
mong đền đáp
Trên
đường đi hành hương đến La Mecque, thủ đô của Hồi Giáo, một tín đồ đã cải trang
thành một người hành khất.
Anh
gặp một người thợ hớt tóc đang săn sóc cho một người giàu có. Nhưng lạ lùng
thay, khi anh vừa mở miệng ra xin người thợ cắt tóc, cạo râu cho mình, thì người
thợ này liền bỏ người giàu ngồi đó và tức khắc đến phục vụ cho anh. Và đáng phục
hơn nữa là người thợ này đã không đòi hỏi bất cứ một thù lao nào, trái lại ông
còn cho anh ít tiền để hộ thân.
Cảm
động vì lòng tốt của người thợ hớt tóc, người tín đồ quyết định sẽ tặng cho ông
tất cả số tiền anh đã xin được trong ngày.
Và
ngày hôm đó, người tín đồ cải trang thành người ăn xin đã nhận được một túi
vàng do một người khách hành hương giàu có trao tặng. Như đã hứa với lòng mình,
người tín đồ quay trở lại tìm người thợ hớt tóc và trao tất cả gói vàng cho ông
ta.
Nhưng,
ngoài sự tưởng tượng của người tín đồ, người thợ hớt tóc vừa thấy cử chỉ của người
hành khất đã nghiêm sắc mặt nói: "Xin lỗi, ông cho mình là người đạo đức ư?
Ông không cảm thấy xấu hổ để trả công cho một nghĩa cử yêu thương sao?".
Thì
ra, người thợ hớt tóc đã không cạo râu cho một người hành khất để được trả
công. Ông chỉ làm cử chỉ đó với tất cả yêu thương dành cho một người khốn khổ
và ông nghĩ rằng mình làm như thế để được đền đáp.
Ngạn
ngữ tiếng Latinh thường nói: tôi cho bạn, để bạn cho lại... Hoặc
như người Việt Nam chúng ta thường nói: có qua có lại mới toại lòng ta.
Người
ta dùng câu ngạn ngữ này để diễn tả những đòi hỏi công bằng giữa con người với
nhau. Tôi cho bạn để bạn cho lại. Tôi làm cho bạn để hy vọng bạn sẽ đền đáp lại...
Trên bình diện xã hội và nhân bản, ý thức được sự qua lại này đã là một điều đáng
kể trong các mối tương quan giữa người với người.
Tuy nhiên, chúng ta
không thể áp dụng một thứ công bình như thế vào mối tương quan giữa chúng ta với
Thiên Chúa.
Thiên
Chúa không thi ân giáng phúc để chúng ta biết ơn, hay đền đáp lại. Thiên Chúa
cũng không căn cứ trên tài năng của từng người để ban phát ân huệ của Ngài.
Thiên Chúa không dùng cán cân công lý thông thường của loài người. Công lý của
Ngài là công lý của tình thương. Người thợ của giờ thứ nhất không lãnh hơn người
thợ thứ hai vào giờ cuối cùng...
Nếu
Thiên Chúa không thi ân giáng phúc tùy theo công nghiệp và tài năng của con người,
thì con người cũng không thể nại đến công lao của mình để đòi hỏi một sự trả
công tương xứng... Sau một công lao vất vả, có lẽ chúng ta chỉ có thể thốt lên:
Lạy Chúa, chúng con chỉ là những người đầy tớ vô dụng. Lắm khi chúng ta vẫn còn
đeo đuổi sự công bằng cộng trừ nhân chia của chúng ta đối với Chúa. Tôi sẽ đọc
bao nhiêu kinh để xin được ân này, ơn nọ. Tôi sẽ làm bao nhiêu hy sinh để cầu
cho được một ơn đặc biệt... Lý luận như thế trong các việc lành phúc đức, chúng
ta dễ dàng rơi vào một thứ biệt phái mới nhằm đề cao công nghiệp riêng của
chúng ta mà quên rằng: tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng ta đã và sẽ
lãnh nhận được đều xuất từ Tình Yêu vô vị lợi của Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét