PHÚC ÂM: Lc 5, 33-39
"Khi tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy
giờ họ ăn chay". (Mc 5,35).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
33 Họ nói với Người: "Môn đệ ông
Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ
ông thì ăn với uống! "34 Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ các ông lại
có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?35 Sẽ có
ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay." 36 Đức Giê-su còn kể cho họ nghe dụ ngôn
này: "Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé
áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ. 37 "Không ai đổ rượu mới vào bầu da
cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư.38 Nhưng
rượu mới thì phải đổ vào bầu mới.39 Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới.
Vì người ta nói: "Rượu cũ ngon hơn."
Suy niệm:
Dứt khoát tận căn
Kỷ luật hay cách sống của Chúa Giêsu đề ra
cho các môn đệ Ngài khiến nhiều người khó chịu. Ngài và các môn đệ sống theo một
lề lối hoàn toàn khác với những tuân giữ của những người Biệt phái và ngay cả với
Gioan Tẩy giả: trong khi Gioan Tẩy giả và các người Biệt phái tuân giữ một số
ngày chay tịnh trong tuần, thì các môn đệ Chúa Giêsu xem chừng không biết thế
nào là chay tịnh.
Trong Tin Mừng
hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để biện minh cho thái độ ấy. Trước hết,
Ngài nói đến sự hiện diện của Tân Lang: bao lâu Tân Lang còn đó, thì việc chay
tịnh được miễn chuẩn. Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi
Ðấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi. Gioan Tẩy giả đã lấy
chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và của các môn đệ. Như vậy
khi miễn chước cho các môn đệ của Ngài khỏi chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi
người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, họ không còn phải mong đợi gì nữa;
thời cứu thế đã đến, con người không còn phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui
mừng hoan hỉ.
Dụ ngôn thứ hai
Chúa Giêsu đưa ra để giải thích tại sao các môn đệ Ngài không phải giữ chay, đó
là hình ảnh chiếc áo mới và rượu mới: Không nên lấy áo cũ mà vá vào áo mới,
không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ. Dĩ nhiên, ở đây Chúa Giêsu không có ý bảo
rằng cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ; Ngài không có ý so sánh cho bằng
đưa ra một sự bất tương hợp. Bài học thật rõ ràng: không nên có thái độ nước đôi hoặc thỏa hiệp,
mà phải dứt khoát tận căn. Bài học này được Chúa Giêsu lặp lại nhiều
lần khi nêu ra những điều kiện để vào Nước Trời: "Hãy bán tất cả, bố thí cho người nghèo, rồi
đến theo Ta", "Ai cầm cày mà còn ngó lại sau, thì không xứng với Nước
Thiên Chúa", "Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ
Ta". Tựu trung, vì Ngài, con người phải chấp nhận hy sinh tất cả,
ngay cả mạng sống mình.
Lời Chúa hôm nay
mời gọi chúng ta duyệt xét lại niềm tin cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Thỏa
hiệp vốn là cơn cám dỗ triền miên trong cuộc sống đạo của chúng ta: Muốn làm môn đệ Chúa
Kitô, nhưng lại đeo đuổi những gì nghịch với Tin Mừng; đi theo Chúa Kitô, nhưng
lại không muốn sống theo giáo huấn của Ngài; muốn là thành phần của Giáo Hội,
nhưng lại chống báng Giáo Hội. Thỏa hiệp để được cả đạo lẫn đời như thế cũng chỉ
là đánh mất bản thân mà thôi. Lời sách Khải huyền đáng được chúng
ta suy nghĩ: Thà
ngươi nguội lạnh hay nóng hẳn đi; nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh,
nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Xin
Chúa nâng đỡ đức tin chúng ta để chúng ta tiến bước theo Chúa, làm môn đệ Chúa
với một đức tin tinh tuyền và làm chứng cho mọi người xung quanh.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin Chúa giúp mỗi người
chúng con sống đạo, sống đức tin, sống Phúc Âm để canh tân bản thân, gia đình
và xã hội hôm nay.
Lẽ sống:
Người ta sao,
tôi vậy!
Theo khuynh hướng
tự nhiên, có lẽ ai trong chúng ta cũng thích dựa theo đám đông để hành động.
Chúng ta thử
quan sát trong sự đi lại trong các thành phố. Cũng như xe cộ, khách bộ hành
cũng phải tuân theo đèn xanh, đèn đỏ. Những buổi chiều khi tan sở, người ta thường
thấy các xe cộ nối đuôi nhau ở các ngã tư. Ðối lại với một chuỗi dài của những
xe cộ, người ta cũng thấy lố nhố cả một đoàn người đang chờ đèn xanh để qua đường.
Quan sát cho kỹ,
thỉnh thoảng người ta thấy một điều rất buồn cười, nhưng cũng rất bình thường:
nếu có một người trong đám bộ hành này, vội vàng vì công việc hoặc không đủ
kiên nhẫn, đã lợi dụng lúc vắng xe để băng qua đường bất chấp đèn đỏ, thì lúc
đó, một số người trong đám đứng đợi cũng sẽ làm theo, nghĩa là cũng sẽ băng qua
đường ngay giữa lúc đèn còn đỏ... Những người đi theo này có lẽ không nhìn thấy
những dấu hiệu của luật lệ đi đường, mà chỉ làm theo người khác. Ðối với những
người này, dấu hiệu để băng qua đường này không phải là đèn xanh, mà là gương của
người khác.
Trong cuộc sống
hằng ngày cũng thế, nhiều người trong chúng ta có lẽ không hành động, không cư
xử theo những dấu hiệu, theo những chỉ dẫn của chân lý, mà có lẽ theo gương kẻ
khác nhiều hơn. Người ta làm sao, tôi làm vậy! Ðó là lý luận thông thường của
chúng ta. Như thế người vượt đèn đỏ để băng qua đường chỉ làm một hành động cá
nhân cho riêng mình, mà còn trở thành dấu hiệu để cho không biết bao nhiêu người
làm theo.
Không ai có thể tự phụ sống cho riêng mình
mà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến người khác. Bằng lời nói hay hành động, tất
cả mọi hành xử của chúng ta đều gây một chấn động nào đó với người khác. Một
cách nào đó, chúng ta không sống như một hòn đảo, mà là một dấu hiệu đối với
người khác.
Riêng với những
môn đệ của Ðức Kitô, thì vai trò dấu hiệu ấy càng hiển nhiên hơn. Thật thế,
Chúa Giêsu đã quả quyết: "Các con là muối
đất, các con là ánh sáng thế gian".
Ước gì cuộc sống chứng ta của bác ái, của
nhẫn nhục, của tha thứ, của quảng đại, của phục vụ và của sự cần kiệm liêm
chính mà người Kitô luôn phải thể hiện, có sức trở thành dấu hiệu của chân lý,
của Sự Sống. Và để trở thành dấu hiệu cho người khác, người Kitô cần phải luôn
hướng nhìn về Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Sống theo Ngài, cư xử
như Ngài, người Kitô cũng sẽ lôi cuốn nhiều người đến với Ngài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét