Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Lời Chúa: Thứ Sáu sau Chúa nhật XXVI Thường Niên 02.10.2015

Các thiên thần hộ thủ - Lễ nhớ
Lời Chúa hôm nay nhắc lại cho chúng ta một chân lý quan trọng: Có các Thiên thần. Các ngài là những thực tại thiêng liêng, được Thiên Chúa tạo dựng để phụng sự Chúa và giúp đỡ con người. Giáo lý Hội Thánh dạy cho chúng ta biết “mỗi tín hữu đều có một thiên thần hộ thủ bảo trợ và hướng dẫn đến sự sống đời đời” (GLHTCG số 336).

PHÚC ÂM: Mt 18,1-5.10
"Các thiên thần của họ trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời". (Mt 18,10).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
1 Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng : "Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?" 2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và bảo : "Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 4 "Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. 
5 "Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. 10 "Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này ; quả thật, Thầy nói cho anh em biết : các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. 

Suy niệm:
Tâm tình trẻ thơ

Hôm nay, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của một người bạn thiết thân của chúng ta nhất, đó là vị thiên thần bản mệnh của chúng ta. Mỗi người chúng ta từ giây phút đầu tiên được thụ thai trong lòng mẹ, đều được Thiên Chúa cắt cử một vị thiên thần để che chở, gìn giữ chúng ta, bằng một cách thế chúng ta không chờ đợi mà cũng chẳng tưởng tượng được, đây là chân lý mà Giáo Hội muốn nhắc nhở và mời gọi chúng ta đào sâu trong ngày hôm nay. Mỗi người chúng ta đều có một vị thiên thần luôn sát cánh để nhắc nhở, chỉ bảo, hướng dẫn và gìn giữ chúng ta trong từng đường đi nước bước của chúng ta, nhắc nhở chúng ta điều đó Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta đi vào mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta bằng một tình yêu vượt lên trên mọi dự đoán tính toán và chờ đợi của chúng ta.
Thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu mà Giáo Hội mừng kính hôm qua đã tìm được một bí quyết hạnh phúc và mở ra cho chúng ta một con đường nên thánh đơn sơ nhất, đó là hãy chấp nhận để cho Thiên Chúa yêu thương. Thảm kịch lớn nhất của con người hẳn phải là không cảm nhận hay không muốn đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, trái lại ai đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, người đó sẽ thấy rằng cuộc sống của họ là một chuỗi những phép lạ.
Theo định nghĩa thông thường phép lạ là một biến cố hay một thứ hiệu quả xem ra nghịch với định luật khoa học, và do đó được gán cho các nguyên nhân siêu nhiên. Giáo Hội tin ở phép lạ nhưng lại chỉ nhận phép lạ ở một biến cố nào mà khoa học không thể lý giải được mà thôi. Ðây là tiêu chuẩn được áp dụng một cách khắt khe tại Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ Ðức.
Từ hơn một trăm năm qua mặc dù không biết bao nhiêu người tuyên bố cảm nhận được cảm kích của Chúa, Giáo Hội chỉ nhìn nhận với con số bốn mươi lăm trường hợp được xem là phép lạ thực sự, sau khi ủy ban y khoa quốc tế tuyên bố không thể giải thích được sự lành bệnh theo phương diện y khoa, ít có người trong chúng ta được may mắn là đối tượng của một phép lạ như thế. Tuy nhiên, nếu hiểu phép lạ theo một ý nghĩa rộng rãi hơn như là một sự can thiệp quan phòng trường kỳ của Chúa vào cuộc sống mỗi ngày của mỗi người chúng ta, thì có thể nói đức tin sẽ cho chúng ta thấy được vô số phép lạ mà Chúa đang thực hiện trong từng biến cố và từng giây phút trong cuộc sống của chúng ta. Phép lạ không chỉ là những sự kiện lạ lùng ở bên ngoài của những sự kiện khoa học; phép lạ không những diễn ra trong những trung tâm thánh mẫu nổi tiếng; phép lạ là từng hơi thở, là từng nhịp tim của chúng ta; phép lạ là từng tia sáng mặt trời hay từng cơn gió, hạt mưa từng ngày; phép lạ là mỗi cuộc gặp gỡ chúng ta đang có với mỗi người; phép lạ mọi nơi và mọi lúc, bởi vì Thiên Chúa luôn hiện diện bên trong chúng ta mọi nơi và mọi lúc.
Các thiên thần không chỉ là những vị có cánh đến từ trời cao, các ngài ở bên cạnh chúng ta giây phút này đây, các ngài không ngừng hiện diện với chúng ta để nhắc nhở chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa, các ngài không ngừng gợi lên trong chúng ta những tâm tình trong sạch và cao quí, và xua đuổi khỏi chúng ta những tư tưởng ám muội, bất chính, để chúng ta lắng nghe tiếng nói của các ngài, chính là để tiến bước trên đường ngay nẻo chính và chúng ta sẽ được hạnh phúc đích thực.
Với đoạn Tin Mừng được đề nghị cho chúng ta suy niệm trong ngày kính nhớ các thiên thần bản mệnh hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta mặc lấy tâm tình của trẻ thơ. Trẻ thơ luôn biết ngạc nhiên và ngây ngất trước những điều kỳ diệu của cuộc sống; trẻ thơ khi nói đến những chuyện thần tiên, thế giới của người lớn cũng còn là thế giới thần tiên, bởi vì mỗi người đều có một vị thiên thần hộ mệnh gìn giữ, bao bọc và hướng dẫn; thế giới ấy sẽ thật sự thần tiên khi con người luôn biết lắng nghe sự hướng dẫn của vị thiên thần bản mệnh ấy, và cảm nhận được tình yêu bao bọc chở che của Chúa. Hãy để cho Thiên Chúa yêu thương, còn gì đơn sơ bằng bí quyết hạnh phúc ấy.
Nguyện xin Chúa soi lòng mở trí để cho chúng ta luôn biết để cho vị thiên thần bản mệnh hướng dẫn, hầu cảm nhận được tình yêu của Ngài.
Mỗi Ngày Một Tin Vui

Sống Lời Chúa:
Mỗi người chúng ta được Chúa ban cho một Thiên Thần Bản Mệnh (Thiên Thần Hộ Thủ), các Ngài hằng chiêm ngưỡng Thánh Nhan Chúa và cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta, nhắc nhở chúng ta luôn hướng về Chúa, sống đẹp lòng Chúa, và các Ngài luôn đi trước mở lối, gìn giữ chúng ta trên khắp mọi nẻo đường dương thế.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết cùng các Thiên Thần Bản Mệnh, ngày đêm chiêm ngưỡng Thánh Nhan Chúa và ca tụng Thánh Danh Người.

Lẽ sống:
Những lá thư của người mẹ

Trong trận đệ nhị thế chiến, có một văn sĩ Hungari gốc Do Thái bị Ðức Quốc Xã bắt làm tù binh, trong khi tham gia trong quân đội Pháp. Qua những tác phẩm chống Ðức Quốc Xã, văn sĩ gốc Do Thái này khó mà che dấu được tung tích của mình. Một người lính Pháp cùng bị bắt làm tù binh đã đề nghị là hai người nên sử dụng chung một tên và lý lịch, bởi vì họ sẽ bị thuyên chuyển đến các trại khác nhau. Quân Ðức Quốc Xã khó mà nhận ra sự kiện hai người cùng đồng tên và có chung một lý lịch. Người lính Pháp đã trao cho văn sĩ gốc Do Thái thẻ bài cũng như một số thư của mẹ anh. Anh dặn dò văn sĩ gốc Do Thái như sau: "Nếu có ai điều tra anh về lý lịch, anh hãy cho họ xem những lá thư này".
Sau này, người văn sĩ gốc Do Thái có dịp đọc những lá thư của người mẹ lính Pháp. Nhìn những tờ giấy viết thư nhàu nát, dòng chữ yếu ớt, ông đoán được rằng người mẹ này có lẽ là một người đàn bà nhà quê già yếu, nhưng thương con với tất cả sự đậm đà của tình mẫu tử. Chung quy những lá thư ấy đều có dặn dò giống nhau như: "Con hãy giữ gìn sức khỏe... Cố gắng đắp chăn cho thật ấm nghe con... Xin Chúa chúc lành cho con và chóng đưa con về đến nhà bình an".
Mang lấy tên tuổi và lý lịch của người lính Pháp, người văn sĩ gốc Do Thái đọc lên những lời dặn dò trên đây như chính người mẹ ruột thịt của mình. Cũng chính những dòng chữ nguệch ngoạc nhưng dạt dào tình mẹ ấy đã trở thành một bảo chứng cứu thoát ông.
Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta. Ngài đã cho chúng ta mang lấy tên tuổi và lý lịch của Ngài. Người cũng trao ban cho chúng ta chính người Mẹ của Ngài. Tâm tình của một người Mẹ đã cưu mang, đã cho bú mớm, đã dõi theo từng bước chân của con, đã câm lặng bên thập giá, đã đón lấy tấm thân không hồn của người con: tâm tình ấy của Mẹ Maria, Chúa Giêsu cũng muốn trao cho chúng ta. Mẹ của Chúa Giêsu cũng là người mẹ trọn vẹn của mỗi người trong chúng ta.
"Hỡi Bà, đây là con Bà!". Trao ban thánh Gioan cho Mẹ, Chúa Giêsu cũng trao ban mỗi người chúng ta cho Mẹ. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, thông minh hay đần độn, khỏe mạnh hay bệnh tật: mỗi người chúng ta đều được Mẹ đón nhận như người con trọn vẹn của Mẹ. Mỗi người chúng ta đều được Mẹ dành cho tất cả tâm tình mà Mẹ đã dành cho Chúa Giêsu. Hơn bao giờ hết, chúng ta hãy tin tưởng điều đó... Người lính trận đã luôn mang những lời dặn dò của mẹ anh như một báu vật, như một hành trang giữa những nguy ngập của cuộc chiến. Chúng ta cũng hãy mang lấy tâm tình của Mẹ. Hãy luôn chạy đến với Mẹ. Hãy luôn ôn lại những lời dặn dò của Mẹ, nhất là mỗi khi chúng ta gặp thử thách, u buồn trong cuộc sống.

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Lời Chúa: Thứ Năm sau Chúa nhật XXVI Thường Niên 01.10.2015

THÁNH TERESA HÀI ĐỒNG GIESU (1873-1897) tiến sĩ – Lễ kính
Thánh Têrêsa chào đời ngày 02/01/1873 tại Alancon nước Pháp. Song thân là cụ Louis Martin và bà Maria Guérin. Khi Têrêsa chưa tròn 4 tuổi, bà Guérin đã vội ra đi để lại một tang buồn cho gia đình, nhất là đối với Têrêsa.
Thánh nữ được cha già và các chị dìu dắt trên đường đạo đức và ngài tiến triển rất mau. Năm 10 tuổi, Têrêsa rước lễ vỡ lòng và chịu phép Thêm Sức. Cùng năm đó, ngài bị một cơn bệnh trầm trọng và được Ðức Mẹ chữa khỏi một cách lạ lùng.
Lễ sinh nhật 1887, ngài quyết định đi theo tiếng Chúa gọi. Ngài được Ðức Giáo Hoàng ban đặc ân nhận vào dòng Kín khi mới 15 tuổi. Ở đây, thánh nữ chăm chú cầu nguyện, nung đốt lửa mến Chúa và giúp đỡ chị em trong nhà. Những nhân đức nổi bật nhất nơi thánh nữ là lòng đơn sơ phó thác vào Chúa, bác ái với mọi người và yêu mến các linh hồn. Với sự hy sinh chịu đựng, ngài chu toàn bổn phận và được chị Pauline khuyến khích ghi lại cuốn “Một tâm hồn”.
Ngày 14/6/1895, thánh nữ cảm thấy vết thương tình yêu mở lớn trong khi viếng Ðàng Thánh Giá. Ngày 08/7/1897, thánh nữ lâm bệnh nặng và ngày 01/10/1897, sau khi lãnh của ăn đàng, thánh nữ đã trút hơi thở sau cùng.
Năm 1925, Ðức Thánh Cha Piô XI đã phong ngài lên bậc Hiển Thánh và đặt ngài làm quan thầy các xứ truyền giáo. Ngày lễ kính thánh Têrêsa, chúng ta hãy xin Chúa, qua lời cầu bàu của thánh nữ, cho chúng ta luôn chấp nhận sự đau khổ Chúa gửi trong tinh thần đơn sơ và phó thác.

PHÚC ÂM: Mt 18,1-5
"Nếu không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời". (Mt 18,3).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kito theo Thánh Mattheu
1 Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng : "Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?" 2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và bảo : "Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
4 "Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.
5 "Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.

Suy niệm:
Truyền giáo

Nhìn vào cuộc đời của thánh nữ Têrêsa, chúng ta không thấy được những hành động to tát hay những mẫu gương sáng chói. Con đường thánh nữ đã đi là con đường ấu thơ, ngập tràn những bông hoa của tin yêu và phó thác. Thánh nữ luôn sống dưới cái nhìn trìu mến của Thiên Chúa và cố gắng chu toàn những bổn phận tầm thường, những công việc không tên của một nữ tu dòng kín.
Vậy tại sao Giáo hội lại tôn kính thánh nữ như một bậc đại thánh và đặt thánh nữ làm bổn mạng các xứ truyền giáo?
Thực vậy, với hai mươi bốn tuổi đời, không bước chân ra khỏi những bức tường của tu viện, không bôn ba nơi những vùng đất xa lạ để rao giảng Tin mừng cho dân ngoại, như thánh Phanxicô Xaviê, người đã hiến trọn cuộc đời cho những hành trình truyền giáo, từ Nhật Bản cho tới Ấn Độ, thế nhưng Têrêsa đã được đạt ngang hàng với Phanxicô. Sở dĩ như vậy là vì Giáo hội đã thực sự nhìn thấy giá trị tuyệt vời của con đường thánh nữ đã đi, của phương thế thánh nữ đã dùng để dẫn đưa các linh hồn trở về cùng Thiên Chúa.
Vậy con đường ấy, phương thế ấy là gì?
Trước khi đề cập tới con đường và phương thế truyền giáo của thánh nữ, chúng ta cùng nhau tìm hiểu sơ qua về bổn phận tông đồ của mỗi người chúng ta.
Phúc Âm kể lại: ngày kia, khi đi ngang qua một cánh đồng, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn những bông lúa vàng và nói với các môn đệ:
ü Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ sai thợ đi gặt lúa về.
Rồi trước khi về trời, Ngài đã chính thức trao cho các ông sứ mệnh lên đường truyền giáo:
ü Các con hãy đi giảng dạy muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Mơ ước của Ngài là mơ ước của một ngọn lửa. Thực vậy. Ngọn lửa thì nhỏ bé, nhưng mơ ước của nó thật lớn lao vì nó muốn thiêu đốt tất cả. Chúa Giêsu cũng muốn mọi người nhận biết Ngài để rồi qui tụ về với Ngài, hầu chỉ còn một đàn chiên và một chủ chiên.
Vì thế, bổn phận truyền giáo không phải chỉ là một bổn phận dành riêng cho các linh mục và tu sĩ, nhưng còn phải là một bổn phận chung của hết mọi người tín hữu chúng ta. Bởi vì một khi đã sống trong lòng Giáo hội, chúng ta có trách nhiệm phải làm cho Giáo hội được lớn mạnh, được phát triển không ngừng. Một khi đã là con cái Thiên Chúa, chúng ta có bổn phận phải làm cho mọi người nhận biết Ngài.
Để chu toàn bổn phận và trách nhiệm này, chúng ta có thể dùng lời nói để rao giảng Tin mừng như các thánh tông đồ và như các vị thừa sai. Tuy nhiên, đây không phải là phương thế của thánh nữ Têrêsa, bởi vì thánh nữ luôn sống trong khuôn viên nhà dòng.
Chúng ta có thể dùng việc làm, dùng đời sống gương mẫu để làm chứng cho Chúa. Và đây phải là phương pháp của mổi người chúng ta, bởi vì sống giữa lòng cuộc đời, chúng ta phải trở nên như ánh sáng trong đêm tối, như men trong bột và như muối trong thức ăn. Tuy nhiên, đây cũng không phải là phương thế của thánh nữ Têrêsa.
Phương thế chính yếu thánh nữ đã sử dụng đó là cầu nguyện và hy sinh.
Thực vậy, ngay từ hồi còn tấm bé, thánh nữ đã muốn vào dòng kín để chịu đau khổ và cầu nguyện cho Giáo hội, cho các linh mục, cho các thừa vị sai và cho các linh hồn.
Trong cuốn tự thuật mang tựa đề “Chuyện một tâm hồn”, thánh nữ đã ghi lại ước vọng sâu xa muốn được sang sống tại nhà kín Hà Nội, một xứ truyền giáo đầy triển vọng. Có lẽ vì thế mà chúng ta, những tín hữu Việt Nam, đã dành cho thánh nữ những tình cảm đặc biệt?
Lời cầu nguyện và những hy sinh của thánh nhân là như một sự yểm trợ rất cần thiết cho những hoạt động tông đồ gặt hái được những thành quả tốt đẹp. Mừng kính thánh nữ Têrêsa, chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem chúng ta đã làm được những gì để cứu vớt các linh hồn, cũng như để góp phần nhỏ bé vào công cuộc truyền bá đức tin của Giáo hội?

Sống Lời Chúa:
Tôi cố gắng sống theo Lời Chúa, để tâm hồn luôn được thanh thản bước đi trên đường thơ ấu thiêng liêng và cũng nhận được những “hoa hồng” trìu mến như thánh nữ Têrêsa từ con đường ấy.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cho con nhiều hơn điều con hy vọng là con muốn hát lên chúc tụng tình thương nhân từ của Chúa. Xin Chúa thương ban cho con một tâm hồn đơn sơ tươi trẻ, luôn tin tưởng phó thác vào Chúa như trẻ nhỏ phó thác vào cha mẹ và lúc nào cũng sống an vui, chân thành yêu Chúa và anh chị em.

Lẽ sống:
Chợ Hoa

Trong những thập niên vừa qua, đã có rất nhiều hội chợ hoa được tổ chức khắp nơi. Nhưng vĩ đại nhất có lẽ là hội chợ hoa Osaka, Nhật Bản, khai mạc dạo đầu tháng Tư và kết thúc ngày cuối tháng Chín năm 1990 vừa qua.
Hội chợ hoa này được tổ chức tại thị xã Tsurumi, một vùng đất đang phát triển theo kế hoạch xây dựng cho thế kỷ 21. Trên một khoảng đất rộng 140 mẫu tây, 3 triệu loại hoa và thảo mộc khác nhau trên khắp thế giới đã tề tựu về để khoe sắc tranh hương chào đón du khách.
Vừa bước vào trung tâm hội chợ, một bức tường lớn đan bằng đủ loại hoa, màu sắc rực rỡ đập ngay vào mắt du khách. Khuôn viên phía tây dành cho các loại hoa cần chăm sóc trong nhà kiếng, cùng với các loại hoa điện tử nhân tạo. Khách được xem các loại hoa lớn nhất thế giới từ Nam Dương đưa sang. Du khách cũng có thể say mê với những loại hoa nhân tạo mà hình dạng và màu sắc biến đổi không ngừng, tạo nên hình ảnh của thế giới thần tiên.
Vắng người hơn, ở phía đông, là khuôn viên dành cho các loại hoa: tất cả các loại hoa đều được trồng giữa núi rừng thiên nhiên hùng vĩ.
Giữa hai khuôn viên là một con sông nhỏ, dưới lòng sông có thiết kế những vòi phun nước. Nước lên mạnh yếu tùy thuộc theo điệu nhạc phát ra từ dàn âm thanh nổi tuyệt hảo ở hai bờ sông. Cứ nửa tiếng đồng hồ, có một câu chuyện thần thoại được dòng sông kể lại bằng hệ thống phun nước, hòa với tiếng nhạc và ánh đèn màu về đêm, tạo nên một khung cảnh rất nên thơ và thanh bình.
Hoàng đế Nã Phá Luân của nước Pháp đã có lần phát biểu như sau: "Nơi nào hoa tàn, nơi đó con người không thể sống...". Ai trong chúng ta cũng yêu hoa, ai trong chúng ta cũng thích sống với sự hiện diện của hoa. Vui, chúng ta thích ngắm hoa, buồn, chúng ta cũng thích nhìn hoa. Hoa dường như gần gũi và thông cảm với con người... Nhìn hoa sen, chúng ta tưởng tượng ra cảnh gió mát trên bờ hồ. Ngắm hoa mai, chúng ta như muốn đi vào mùa Xuân bất tận. Nhìn hoa hồng, chúng ta như thấy dậy lên những tình cảm thanh cao. Ngắm hoa huệ giữa đồng, chúng ta chợt nghĩ đến cảnh đời sớm nở tối tàn...
Tháng Mười hằng năm, cùng với những cánh hoa dâng lên Mẹ, chúng ta chiêm ngắm Mẹ. Mẹ là đóa hoa đẹp nhất của vũ trụ. Nhìn lên Mẹ, chúng ta hưởng nếm được tất cả mọi hương sắc của thánh thiện.
Mẹ là đóa hoa luôn gần gũi và cảm thông với chúng ta. Lúc nào Mẹ cũng có thể nở nụ cười của khích lệ, cổ vũ cho chúng ta. Lúc nào Mẹ cũng có thể hướng ánh mắt cảm thông, tha thứ về phía chúng ta.
Chạy đến với Mẹ, chiêm ngắm hương thơm thánh thiện của Mẹ, chúng ta hãy xin Mẹ biến chúng ta thành những cánh hoa để giúp cho đời thêm tươi thắm. Giữa sa mạc khô cằn tình người, xin Mẹ luôn làm nở lên trong chúng ta những cánh hoa của yêu thương, bác ái, cảm thông, tha thứ, phục vụ. Giữa sa mạc khô cằn niềm tin và hy vọng, xin Mẹ làm nở lên trong chúng ta những cánh hoa của tin tưởng, phó thác, cậy trông.

Lời Chúa: Thứ Tư sau Chúa nhật XXVI Thường Niên 30.09.2015

Thánh Gieronimo, Linh Mục, tiến sĩ – Lễ nhớ
Thánh nhân sinh quãng năm 340 tại Xơtriđôn, Đanmaxia. Người đến Rôma học văn chương và đã lãnh bí tích Thánh Tẩy tại đó. Người sang Đông phương và làm linh mục. Trở lại Rôma, người làm thư ký cho Đức Giáo Hoàng Đamaxô. Thời gian này, người bắt đầu dịch Sách Thánh sang tiếng La tinh và cổ võ nếp sống đan tu. Nhưng nhất là người đã sống 35 năm cuối đời ở Bêlem, gần cái hang nơi Đức Giêsu ra đời. Ở đây, người cầu nguyện hãm mình, chăm chỉ nghiên cứu, dịch và chú giải Kinh Thánh. Người qua đời ở Bêlem năm 420.

PHÚC ÂM: Lc 9,57-62
"Dù Thầy đi đâu, tôi cũng theo Thầy". (Lc 9,57).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
57 Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Người rằng : "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." 58 Người trả lời : "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu." 
59 Đức Giê-su nói với một người khác : "Anh hãy theo tôi !" Người ấy thưa : "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã." 60 Đức Giê-su bảo : "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa." 61 Một người khác nữa lại nói : "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã." 62 Đức Giê-su bảo : "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.".

Suy niệm:
Ðiều kiện theo Chúa

Tin Mừng hôm nay, thánh Luca ghi tiếp những điều kiện Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ. Một trong những điều kiện đó là chia sẻ cuộc sống nay đây mai đó với Ngài. Không nhà không cửa, sống nhờ vào sự bố thí của người khác, sống không có lấy một tiện nghi tối thiểu, Chúa Giêsu muốn những kẻ theo Ngài chuẩn bị đương đầu với số phận bi thảm mà Chính Ngài phải trải qua. Cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá là một sự lột bỏ trọn vẹn đối với tất cả mọi an toàn trong cuộc sống.
Một điều kiện nữa Chúa Giêsu đòi nơi những kẻ theo Ngài, đó là dấn thân rao giảng Tin Mừng Nước Chúa. Một cuộc sống từ bỏ sẽ không có giá trị, nếu đó không là dấu chỉ của một cuộc đầu tư trọn vẹn vì Nước Trời. Cuối cùng, Chúa Giêsu đòi hỏi môn đệ phải cắt đứt ngay cả những liên hệ ruột thịt họ hàng. Ngài là tất cả đối với người môn đệ đến độ họ phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì Ngài, Ngài phải được đặt vào trọng tâm cuộc sống của người môn đệ.
Môn đệ không phải là tước hiệu dành riêng cho một số người ưu tuyển. Mỗi Kitô hữu là một môn đệ của Chúa Kitô, và là môn đệ Chúa Kitô thiết yếu đi theo Ngài. Chúa Kitô cách đây 2000 năm cũng là Chúa Kitô ngày nay mà mỗi Kitô hữu đang đi theo. Ngài đồng hành với họ và cũng đòi hỏi những điều kiện mà Ngài đề ra cho các môn đệ tiên khởi của Ngài. Cuộc sống có cách biệt, hoàn cảnh có xoay chuyển, sinh hoạt có thay đổi, nhưng những điều kiện ấy không hề đổi thay. Tựu trung, người môn đệ ngày nay phải đồng hành với Chúa Kitô để tiếp tục là dấu chỉ, là tín hiệu của Nước Trời cho mọi người.
Mỗi Ngày Một Tin Vui

Sống Lời Chúa:
Người môn đệ đi theo Chúa không có gì để bảo đảm an toàn cho cuộc sống trần thế, và không được để cho mình bận tâm vì bất cứ lý do gì.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, nhiều khi con nghĩ rằng theo đạo công giáo thì con sẽ được cái gì đó. Có thể là theo đạo sẽ nên giàu có hơn, sẽ đỡ túng cực hơn, sẽ được Chúa phù hộ làm ăn may mắn hơn… Trong thực tế, có khi con không còn tin vào Chúa nữa, bởi vì khi con xin một điều gì đó mà mãi không thấy Chúa ban; con cầu xin cho qua khỏi các khó khăn, ấy mà các khó khăn cứ dồn dập xảy đến, và con đã thất vọng… Xin giúp con hoàn toàn tin tưởng phó thác để bước theo Chúa và làm công việc của Chúa. Xin đừng để những bận tâm lo lắng công việc ở đời cản trở bước chân và khép kín cõi lòng con.

Lẽ sống:
Tình thương đáp trả hận thù

Bà Coretta King, vợ của cố mục sư Martin Luther King, đã ghi lại trong quyển hồi ký của bà như sau: Martin ra trước cửa nhà. Một cách nào đó, đây là giờ phút quan trọng nhất của cuộc đời của anh.
Trước đó vài hôm, một quả bom đã được quăng vào nhà. Vợ và con anh suýt bị sát hại. Ðây là thử thách đầu tiên nặng nề nhất mà anh phải chịu đựng. Ðồng thời nó cũng là trắc nghiệm để xem anh có thể sống nguyên tắc Kitô và thuyết bạo động mà anh hằng rao giảng không. Anh xuất hiện một cách bình thản trước đám đông người da đen đang sôi sục hận thù.
Khi anh vừa giơ tay lên làm hiệu thì mọi tiếng động bỗng như dừng lại. Anh đã chiếm lĩnh được tâm hồn mọi người, từ những người đứng tuổi đến các bạn trẻ bốc đồng nhất, từ các cảnh sát viên cho đến những người sợ hãi đang đứng nép bên các bậc thang trước cổng nhà.
Với một giọng nói bình tĩnh, nhẹ nhàng, anh khuyên nhủ mọi người như sau:
"Vợ tôi và con gái tôi vẫn bình an. Tôi xin anh em hãy trở về nhà và hãy buông khí giới. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng bạo động. Chúng ta phải yêu thương những người da trắng anh em của chúng ta, dù họ có làm gì cho chúng ta đi nữa. Chúng ta phải làm cho họ hiểu rằng chúng ta yêu thương họ thật sự. Chúng ta phải sống như thế đó: nghĩa là lấy tình thương đáp trả hận thù".
Lời kêu gọi trên đây của mục sư Luther King và cái chết của ông là một bản sao trung thành nhất của Tin Mừng: đó là Tin Mừng của Ðấng yêu thương và yêu thương cho đến chết trên thập giá...
Vào tù ra khám, bị đòn vọt, trải qua trăm nghìn gian lao khốn khổ do những người không tiếp nhận Tin Mừng gây ra, thánh Phaolô vẫn có thể khuyên nhủ các tín hữu Roma như sau:
"Hãy chúc lành cho kẻ bắt bớ, chúc lành chứ đừng chúc dữ. Hãy vui với kẻ vui, hãy khóc với kẻ khóc. Cùng nhau tâm đầu ý hợp. Ðừng qúa cao vọng về mình. Trái lại, hãy biết bỏ mình, chuộng phần yếu kém... Ðừng lấy ác báo ác: điều thiện trước mắt mọi người, hãy cố quan tâm. Hãy sống an hòa với mọi người... Anh em thân mến, hãy sống an hòa với hết thảy mọi người. Ðừng báo oán. Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ". Ước gì những lời khuyên nhủ trên đây trở thành khuôn vàng thước ngọc trong mọi giao tiếp và gặp gỡ của chúng ta với mọi người.

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Lời Chúa: Thứ Ba sau Chúa nhật XXVI Thường Niên 29.09.2015

Các Tổng Thần MICAE, GABRIE, RAPHAEL – Lễ Kính
Các Thiên Thần là những thiên sứ của Chúa xuất hiện nhiều trong Thánh Kinh, nhưng chỉ có thiên thần Micae, Gabriel và Raphael được nhắc đến tên mà thôi.
Lễ kính nhớ thiên thần Gabriel là ngày 24 tháng 3, thiên thần Raphael ngày 24 tháng 10 đã được ghi vào lịch Rôma vào năm 1921. Năm 1970, lịch được sửa đổi nhập chung hai ngày lễ kính này với ngày lễ kính thiên thần Micae.
Mỗi tổng lãnh thiên thần có những sứ mệnh khác nhau trong Thánh Kinh: thiên thần Micae bảo vệ, thiên thần Gabriel loan báo, thiên thần Raphael hướng dẫn. Ngày xưa, người ta tin rằng những biến cố không thể giải thích được, là do các việc làm của thần linh để tỏ lối cho cái nhìn của thế giới khoa học về một cảm nhận của nguyên nhân và ảnh hưởng khác. Tuy thế, những người có niềm tin vẫn kinh nghiệm về sự bảo vệ, liên lạc và hướng dẫn của Thiên Chúa trong những cách không diễn tả được. Chúng ta không thể coi nhẹ các thiên thần.

PHÚC ÂM: Ga 1,47-51
“Các ngươi sẽ thấy các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người". (Ga 1,51).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng : "Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối." 48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người : "Làm sao Ngài lại biết tôi ?" Đức Giê-su trả lời : "Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi." 49 Ông Na-tha-na-en nói : "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en !" 50 Đức Giê-su đáp : "Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin ! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa." 51 Người lại nói : "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người."

Suy niệm:
Các Tổng Lãnh Thiên Thần

Thiên thần là loài thiêng liêng, nên không có đơn vị, không có tên riêng. Thiên thần mang tên sứ mệnh của mình, thần nào thi hành sứ mệnh quan trọng thì gọi là Tổng lãnh, thần nào làm việc không quan trọng thì gọi là thiên thần, ví dụ thiên thần bản mệnh.
1.     Tổng lãnh thiên thần Micael : Có nghĩa là sức mạnh của Thiên Chúa (x Dn 10,13-21). Nói kiểu xã hội loài người là Tổng Tư Lệnh của Triều Đình Thiên Quốc.
2.   Tổng lãnh thiên thần Gabriel : Có nghĩa là thần đưa tin (x Lc 1, 26). Nói kiểu loài người là Tổng Trưởng Bộ Thông Tin.
3.    Tổng lãnh thiên thần Sêraphim : Có nghĩa là thần sốt mến (x Is 6,2t). Nói kiểu loài người là Tổng Cục Chất Đốt.
4.     Tổng lãnh thiên thần Raphael : Có nghĩa là linh dược của Thiên Chúa (x Tb 3,7). Nói kiểu loài người là Tổng Trưởng Bộ Y Tế.
Như thế, ai muốn được Chúa chữa lành bệnh (tha tội) thì cần thiên thần Raphael, muốn có sức mạnh như Thiên Chúa thì cần thiên thần Micael, muốn yêu mến Thiên Chúa nồng nhiệt như lửa thì cần thiên thần Sêraphim. Ba ước muốn tốt lành trên tóm lại phải cần Tổng Lãnh thiên thần Gabriel đưa Lời Chúa đến cho. Ai có Lời Chúa, thì người đó có sự sống, như ông Dacaryia đã cao niên, ông này diễn tả loài người không có Lời Chúa đang đi đến tàn lụi. Vậy mà khi ông trúng thăm vào Đền Thờ cầu nguyện, được thiên thần Gabriel đưa Lời Chúa đến cho : Ông được sinh con (x Lc 1,1-25). Như thế ai biết vào Đền Thờ cầu nguyện giống cụ già Dacarya để được thiên thần ghi Lời vào tấm linh hồn và xương thịt, thì mầm sự sống phát sinh cho chính bản thân mình không còn tiệt nòi như gia đình cụ già này trước khi gặp thiên thần .
Đặc biệt Chúa đã chọn Đức Ma-ri-a là Eva mới, thì Chúa cũng sai Tổng Lãnh thiên thần Gabriel đến đưa Lời Chúa đặt vào lòng Bà. Bà tin Lời Chúa sẽ thực hiện như điều Chúa nói. Và Bà trở thành Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hội Thánh Chúa Ki-tô, ơn cứu độ không dừng lại nơi bản thân mà còn đem Đấng Cứu Độ đến cho loài người (x Lc 1,26-38).
Như thế, Lời Chúa toàn năng phát sinh sự sống mà ông Gioan đã được Chúa cho nhìn thấy thị kiến : Thần Micael (sức mạnh của Thiên Chúa) cùng với các thần khác nhờ Máu Con Chiên đã đánh gục con Mãng Xà, là đầu mục thế gian (quỷ và phe nhóm của nó). Như Đức Giê-su nói về hiệu quả mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài : “Chính bây giờ là cuộc phán xét thế gian này ; chính bây giờ đầu mục thế gian sẽ bị tống ra ngoài” (Ga 12,31). Vì satan được đồng hóa với kẻ tố cáo các tín hữu trước tòa Thiên Chúa ở Triều Đình Thiên Quốc, nay Đức Giê-su chiến thắng satan, chấm dứt nhiệm vụ của nó (x Kh 12, 7-12a).
Vậy ai bắt chước ông Nathanael “ngồi dưới gốc cây vả” chứng minh là người say mê đọc Lời Chúa, rồi đến với Đức Giê-su, thì được Ngài xác nhận : “Đây là người Israel lòng dạ không có gì gian dối!”. Ông xứng đáng thuộc loại trinh nữ khôn ngoan được vào dự tiệc Cưới với Chàng Rể Giêsu (x Mt 25,1-13).
Và như vậy, người được thiên thần hướng dẫn đọc và suy gẫm Lời Chúa như ông Nathanael, thì được Đức Giê-su là ông Giacob mới chọn làm bạn trăm năm, được các thiên thần tuôn đổ ơn Trời xuống. Như Đức Giê-su nói với mọi người : “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra và các thiên thần của Thiên Chúa lên xuống trên Con Người” (x Ga 1,47-51). Đức Giê-su nói thế là Ngài lặp lại thị kiến của ông Giacob trên đường đi tìm cô nàng để cưới làm vợ : “Một chiếc thang từ trời bác xuống đầu ông, và các sứ thần của Chúa lên xuống”, kìa Đức Chúa đứng trên thang mà phán : “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của Abraham, tổ phụ ngươi, và là Thiên Chúa của Isaac, đất ngươi đang nằm, Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi. Dòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi trên đất ; ngươi sẽ lan tràn ra khắp đông tây nam bắc. Nhờ ngươi và dòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc. Này Ta ở với ngươi ; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ giữ gìn ngươi, và sẽ đưa ngươi về đất này, vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi” (St 28,12-15).
Như thế Đức Giê-su chính là chiếc thang mà ông Giacob nhìn thấy ơn Chúa tuôn xuống cho người Chúa tuyển chọn.
Vậy Chúa sai thiên thần đến trợ giúp ta, để ta được thành công trong đời và hân hoan ca tụng Chúa : “Lạy Chúa, giữa chư vị thiên thần, này con xin đàn ca kính Chúa” (Tv 138/137,1c).

Nguồn : phaolomoi.net

Sống Lời Chúa:
Nhắc nhở mình ý thức mình sống trước sự hiện diện của Chúa và sự đồng hành của các thiên thần.

Cầu nguyện:
Lạy các Tổng Lãnh Thiên Thần, xin giúp chúng con biết làm lành lánh dữ.

Lẽ sống:
Người ăn cắp cừu

Tại một miền quê bên Mỹ, vào thời kỳ lập quốc. Có hai anh em nhà kia bị bắt quả tang đang ăn cắp cừu. Dân trong làng đã mở tòa án nhân dân để trừng phạt.
Sau khi nghị án, mọi người đã đồng thanh cho khắc trên trán của tội nhân hai chữ viết tắt S.T có nghĩa là "Người ăn cắp cừu".
Một trong hai người ăn trộm không chịu nổi sự sỉ nhục đã trốn sang một vùng đất khác để chôn chặt dĩ vãng của mình. Nhưng anh không thể xóa nhòa được hai chữ viết tắt trên trán của mình. Bất cứ một người lạ mặt nào cũng đều tra hỏi anh về ý nghĩa của hai chữ ấy. Lại một lần nữa, không chịu nổi sự nhục nhã, anh đã rời bỏ nơi cư ngụ mới để tiếp tục lang thang và cuối cùng mòn mỏi trong cay đắng, anh đã bỏ mình nơi đất khách quê người.
Nếu người anh của mình đã bị sự nhục nhã gặm nhấm đến độ phải trốn suốt cả đời mình, thì người em lại tự nói với mình: "Tôi không thể bỏ trốn chỉ vì ăn cắp mấy con cừu. Tôi phải ở lại đây và tôi phải tạo lại sự tin cẩn nơi những người xung quanh và nơi chính tôi".
Với quyết tâm đó, anh đã trở lại trong xứ của mình. Và không mấy chốc, anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như danh thơm của một người thanh liêm chính trực.
Nhưng cho dù năm tháng có qua đi, hai chữ S.T vẫn còn ghi đậm trên vầng trán của anh... Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa của hai chữ viết tắt ấy. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: "Tôi không nhớ rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của người đó, tôi nghĩ rằng hai chữ viết ấy có nghĩa là Thánh thiện".
Một thi sĩ người Ấn Ðộ đã gửi tặng cho Ðài Phát Thanh Chân Lý những vần thơ sau đây:
"Hãy tin nơi bạn, vì bạn là hình ảnh của Thiên Chúa”.
·        Hãy tin ở công việc của bạn vì một công việc chính trực là một lời cầu nguyện.
·        Hãy tin ở ngày hôm nay vì mỗi phút chứa đựng một dịp may để phụng sự Chúa.
·       Hãy tin ở những người xung quanh của bạn vì bạn hữu là điều quan trọng cho một cuộc sống hạnh phúc.
·        Hãy tin ở hiện tại vì hôm qua đã qua đi và ngày mai sẽ không bao giờ đến.
·      Hãy tin ở lòng thương của Chúa vì Ngài tha thứ cho bạn. Và bạn hãy tha thứ cho chính mình".
Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta và Ngài mời gọi chính chúng ta cũng đừng thất vọng về chính mình. Mỗi một may mắn là một dịp để chúng ta dâng lời cảm tạ và chúc tụng Chúa. Mỗi một thất bại và đau khổ là khởi đầu của một nguồn ơn dồi dào hơn. Mỗi một vấp phạm là bàn đạp để chúng ta vươn cao hơn. Bởi vì trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta.