Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Lời Chúa: Thứ Tư Tuần Bát Nhật Phục Sinh. 08.04.2015

PHÚC ÂM:   Lc 24, 13-35
"Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
13 Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ : “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. 18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời : “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19 Đức Giê-su hỏi : “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa : “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói ; còn chính Người thì họ không thấy.” 25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng : “Các anh chẳng hiểu gì cả ! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. 28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng : “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau : “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” 33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông : “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

Suy niệm:
 Trên Đường Emmau

Trong tăm tối hãi hùng của bản án tử Thập giá, Tin Mừng phục sinh vừa lóe sáng, nhưng không đủ sức thuyết phục những con người thất vọng đang trở về quê cũ. Chúa Phục sinh đã đến để họ nhận ra Ngài và nên nhân chứng cho ngài.
Chúa Kitô đi với những ai trên đường ? - xin thưa : đó là những người bị phân tán, chán nản, lo âu. Họ nghi nan, mất niềm tin. Họ bỏ cuộc và trở về nhà mình. Lý do quy tụ họ lại và hợp nhất họ với nhau không còn nữa : họ sợ hãi và lẩn trốn.
Chúa Kitô đến đồng hành với họ. Nhưng có cái gì đó ngăn cản khiến họ chưa nhận ra Người. Có một bức màn che giữa họ với Người, có một bức màn che giữa chúng ta với Chúa Kitô. Người đã trải qua sự chết. Chúng ta không còn nhìn thấy Người, nhưng Người vẫn có đó và đi với chúng ta.
Hai môn đệ đi Emmau đã tin tưởng vào Ðức Giêsu Nadarét. Người đã khơi dậy trong họ niềm trông cậy. Nhưng khi Ðức Giêsu chết, tất cả đã trở nên đen tối, thật sự là hết, chẳng còn gì. Giêsu chỉ là một giấc mộng đẹp. Trên đường về Emmau, chỉ còn lại đêm đen.
Nhưng Chúa Phục Sinh cùng đi trên đường với các ông. Khi được nghe lời Người giải thích, lòng các ông bừng cháy lên. Người dọi chiếu ánh sáng cho chính cuộc sống của các ông và giúp các ông hiểu được ý nghĩa sâu xa của điều các ông đang sống.
Gặp gỡ Ðấng Phục Sinh làm cho đức tin của chúng ta được lớn lên. Sách Thánh còn là một phương thế giúp chúng ta đào sâu đức tin !
Chúa Giêsu cần phải đi nhiều đoạn đường, nhiều bước chân, với bao kiên nhẫn giảng dạy. Nhưng tại nơi quán trọ, hai môn đệ trên đường Emmau nhận ra được tình yêu của Người qua dấu chỉ Thánh Thể, lòng các ông rộn ràng niềm vui khiến các ông mau mắn trở lại Giêrusalem để chia sẻ cùng bạn hữu.
Sự hiện diện của Ðấng Phục Sinh đã tái sinh các môn đệ, làm cho các môn đệ hiệp nhất thành Hội Thánh. Giờ đây, các ông sẵn sàng lên đường, đến các nẻo đường của thế giới để rao giảng cho các anh chị em biết rằng lịch sử đã sang trang : ơn Thiên Chúa cứu độ được ban cho những ai tin vào Ðức Giêsu.

Sống Lời Chúa:
Đức Ki-tô vẫn đồng hành với chúng ta khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa và kết hiệp với Người trong Thánh Thể.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa,  xin cho con nhận ra Chúa đã phục sinh và đang hiện diện giữa chúng con, xin cho con biết đến với Lời Chúa và nhất là bí tích Thánh Thể để kín múc ánh sáng niềm vui, hy vọng và sức mạnh, xin Chúa ở lại với con luôn mãi.  

Lẽ sống:
Cái này của tôi

Hai hiền nhân đã chung sống với nhau dưới một mái nhà trải qua nhiều năm tháng, nhưng không bao giờ họ lớn tiếng cãi vã nhau. Một hôm kia, một người có ý nghĩ ngộ nghĩnh. Ông bảo bạn:
"Ít ra là một lần, tôi muốn chúng ta phải cãi vã nhau, như chúng ta thấy thiên hạ thường làm".
Ông kia không khỏi ngạc nhiên về ý nghĩ kỳ lạ này, nhưng chiều bạn, ông ta hỡm hờ hỏi: "Cãi vã thế nào được, ít ra chúng ta phải tìm ra một việc gì chính đáng để cãi nhau chứ". Người có ý kiến phải cãi nhau đề nghị: "Này nhé, dễ lắm! Tôi để một viên đá ra giữa sân và quả quyết viên đá này là của tôi. Ông phải phùng mang trợn mắt, đỏ mặt tía tai và lớn tiếng cãi lại: làm gì có chuyện đó, viên gạch là của tôi. Rồi sau đó chúng ta cãi nhau".
Nói xong ông ta bèn ra đường và tìm một viên đá to, khệ nệ khiêng ra đặt ở giữa sân. Ông bạn kia bắt đầu ngay, ông ta lớn tiếng:
"Viên đá đó của tôi mà mắc mớ gì ông lại mang ra giữa sân". Ông kia cãi lại: "Viên đá này là của tôi. Tôi vừa tìm được ở ven đường. Bộ ông mù rồi sao mà không thấy?". Nghe nói thế, ông kia đáp:
"À phải rồi, viên đá đó ông tìm được thì đúng là của ông rồi. Vả lại tôi cũng không cần có đá để làm gì".
Nói xong, ông ta bỏ đi làm việc khác. Thế là ý định cãi nhau của hai người không được thành tựu như ý muốn.
Ngay từ thuở bập bẹ nói được, con người đã học câu "Cái này là của tôi" để thể hiện quyền làm chủ của mình. Quan sát các cuộc cãi nhau của trẻ con, chúng ta nghe thấy câu nói đó được lặp đi lặp lại nhiều nhất.
Rồi trong xã hội của những người lớn, dù có những cách nói hoa mỹ hay những lý luận có vẻ hợp lý hơn, nhưng chung quy phần lớn những mối bất hòa vẫn xoay xung quanh câu xác quyết "Cái này là của tôi".
Trẻ con tranh nhau hòn bi, trái banh. Người lớn giành nhau địa vị, lợi lộc. Quốc gia tranh nhau đất đai, hòn đảo, vùng ảnh hưởng, môi trường tiêu thụ.
Trẻ con dùng lời cãi vã nhau, dùng tay chân đánh đấm nhau. Người lớn dùng bạo lực, thủ đoạn thanh toán nhau. Quốc gia dùng khí giới, bom đạn giết hại, tàn phá nhau.
Ngược lại bẩm tính thích tranh nhau chiếm hữu này, sứ điệp của Giáo Hội luôn vang lên hai tiếng: Chia sẻ.
Ở Hoa Kỳ, mỗi gia đình công giáo được phân phát một hộp giấy, để trong suốt Mùa Chay, mỗi phần tử trong gia đình bỏ vào đấy những đồng tiền tiết kiệm do bớt ăn, bớt uống, bớt chi tiêu vào những việc giải trí. Cuối Mùa Chay, những số tiền dành dụm đó được đóng góp vào quỹ dành cho việc tài trợ những chương trình cứu tế xã hội trong và ngoài nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét