Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Lời Chúa: CHÚA NHẬT TUẦN III MÙA PHỤC SINH. 19.04.2015

Phúc Âm : Lc 24, 35-48
"Họ nhận ra được Người khi họ nhận bánh do Người bẻ trao cho".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
35 Bấy giờ, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : “Bình an cho anh em !” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
44 Rồi Người bảo : “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
Suy niệm
Từ ngờ vực đến vững tin

Theo Đức Giêsu-Kitô có nghĩa là sống theo Thần Khí tình yêu của Ngài (Lc 24, 47; Cv 3, 19-26)
Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy rõ một điều: sự kiện Chúa Giêsu sống lại ban đầu đều bị các môn đệ khước từ, tức là các ông không tin. Nhân chứng đầu tiên của Đấng Phục Sinh là bà Maria Mađalêna. Với tâm lý của người phụ nữ, rất thích là người đầu tiên loan báo một tin sốt dẻo, bà đã vội chạy đi báo tin cho các môn đệ. Theo Thánh Luca, khi đón nhận tin này, nhóm Mười Một cho đó là chuyện vớ vẩn (x. Lc 24,11). Cả hai môn đệ trên đường đi Emmaus cũng cùng chung một ý nghĩ (x. Lc 14,13-35). Kể cả khi Chúa Phục Sinh hiện ra với các ông, các ông vẫn chưa tin, lại còn tưởng là ma (x. Lc 24,37). Điển hình là trường hợp Tôma, ông thách thức chỉ khi nào được thọc tay vào cạnh sườn Chúa và xỏ ngón tay vào lỗ đinh thì mới tin. Chúa Giêsu đã hiện đến để đáp lại thách thức của Tôma (x. Ga 20, 26-27).
Sự cứng lòng của các môn đệ trước sự kiện Phục Sinh là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, kinh nghiệm cuộc sống cho thấy chẳng có ai đã chết mà sống lại. Đàng khác, các ông đang sợ hãi và bị ám ảnh bởi biến cố thập giá. Trước sự đắc thắng của các kỳ mục Do Thái, các ông thấy cần phải dè dặt, cho nên đóng kín cửa vì sợ người Do Thái (x. Ga 20,19). Sự kiện các ông ngờ vực trước lời báo tin của mấy người phụ nữ cũng cho thấy sự cẩn trọng của những người có trách nhiệm. Đây là điều sau này chúng ta gọi là sự khôn ngoan của các vị lãnh đạo Giáo Hội trước những quyết định quan trọng có liên quan đến chân lý Đức Tin.
Nếu lúc ban đầu, các ông nghi ngờ sự kiện Phục Sinh, thì sau này, các ông lại sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho sự kiện ấy. Chúng ta có thể phân biệt hai giai đoạn: giai đoạn trước và sau gặp Đấng Phục Sinh. Cuộc gặp gỡ với Đấng Sống Lại đã tiếp sức cho các môn đệ. Từ những người sợ hãi nhút nhát đóng kín cửa vì sợ người Do Thái, các ông trở nên những chứng nhân can đảm, sẵn sàng loan báo Chúa đã sống lại, và còn hân hoan vì được xứng đáng chịu đau khổ vì Chúa (x. Cv 5,41). Sau này, tất cả các tông đồ đã chấp nhận hy sinh mạng sống để làm chứng về điều họ đã được xem thấy. Điều họ xem thấy là gì? Là Đấng đã từ cõi chết sống lại.
“Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào các ngôn sứ!” (Ga 20,25). “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Chính Thầy đây!” (Lc 24,38-39). Đó là những lời quở trách thái độ chậm tin của các tông đồ. Hai mươi thế kỷ đã qua, sứ điệp Phục Sinh vẫn đang tiếp tục loan báo cho nhân loại. Đó là sứ điệp của niềm hy vọng, giữa một thế giới đầy bi quan tăm tối. Có thể ngay trong các cộng đoàn tín hữu, vẫn còn nhiều người chưa thực sự xác tín vào mầu nhiệm Phục Sinh. Có thể những anh chị em lương dân chưa nhận ra Đấng Phục Sinh, bởi vì những cộng đoàn Đức Tin chưa phản ánh được sự hiện diện của Người. Làm sao người tin Chúa có thể chứng minh Chúa Giêsu phục sinh đang hiện diện, khi đời sống của họ vẫn còn đầy tội lỗi, ghen ghét, hận thù và chia rẽ? Làm sao họ có thể tin vào Đức Giêsu phục sinh, khi những người tin Chúa lại không thực hiện giáo huấn của Người?
“Chính anh em là những nhân chứng về những điều này”. Khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu phục sinh đã trao cho các ông sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa. Các ông đã nhiệt thành chu toàn sứ mạng ấy và nhờ vậy, Tin Mừng đã được loan truyền khắp thế giới.
Ý tưởng “chuộc tội”, “đền bù tội lỗi”, “ơn tha tội” rải rác trong cả ba bài đọc của Phụng vụ hôm nay. Trong niềm vui hân hoan của lễ Phục Sinh, nhiều người đặt câu hỏi: “Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu có tác động và liên hệ gì đến chúng ta?” Thánh Gioan tông đồ đã trả lời: “Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (Bài đọc II). Như thế đã rõ, lễ Phục Sinh không nhằm kỷ niệm một sự kiện đã qua, nhưng để giúp con người lãnh ơn tha tội, và nhờ đó, họ được cứu rỗi. Thập giá Đức Kitô và sự phục sinh của Người là cội nguồn ơn cứu độ.
“Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để người xóa tội anh em” (Bài đọc I). Lời kêu gọi của thánh Phêrô trong bài giảng ở cửa Đền thờ Giêrusalem đã khẳng định Đức Giêsu là Đấng có quyền tha tội. Trong Người, Thiên Chúa đã thiết lập một kỷ nguyên mới. Cây thập giá chính là cờ hiệu của kỷ nguyên ấy. Đó là kỷ nguyên của tình yêu thương, khởi đi từ sự tự hiến chính thân mình của Đức Giêsu.
Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải Phòng

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ở lại với con và ban cho con bình an của Chúa.

Lẽ sống:
Trò chơi hòa bình

Một ngày kia, trên con đường đi bách bộ ngang qua một sân chơi, ông Marschak, một nhà văn Liên Xô, dừng lại quan sát các trẻ em vừa lên sáu, lên bảy đang chơi đùa với nhau trên sân cỏ.
Thấy chúng chơi trò gì là lạ, ông cất tiếng hỏi: "Này các em, các em đang chơi trò gì đó?". Bọn trẻ nhôn nhao trả lời: "Các em chơi trò đánh nhau".
Nghe thế, ông Marschak hơi cau mày. Rồi ra dấu cho các em đến gần, ông ôn tồn giải thích: "Tại sao các em chỉ chơi trò đánh nhau mãi. Các em biết chứ, đánh nhau hay chiến tranh có gì đẹp đẽ đâu. Các em hãy chơi trò chơi hòa bình xem nào".
Ông vừa dứt lời, một em bé reo lên: "Phải rồi, tụi mình thử chơi trò hòa bình một lần xem sao". Rồi cả bọn kéo nhau chạy ra sân, chụm đầu nhau bàn tán. thấy chúng chấp nhận ý kiến của mình, nhà văn Marschak tỏ vẻ hài lòng, mỉm cười tiếp tục cất bước. Nhưng không được bao lâu, ông nghe có tiếng chân chạy theo. Và chưa kịp quay lại, ông nghe một giọng trẻ em hỏi: "Ông ơi, trò chơi hòa bình làm sao? Chúng cháu không biết".
Vâng, làm sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình khi chúng chỉ thấy người lớn "chơi trò chiến tranh". Khi chúng thấy các anh lớn lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự trong lúc đất nước không còn một bóng quân thù.
Làm sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình, khi mỗi ngày chúng thấy trên truyền hình, trên các mặt báo hình ảnh của những người lớn bắn giết nhau, thủ tiêu nhau, ám sát nhau.
Làm sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình, khi trong chính gia đình chúng thấy anh chị, thậm chí đôi khi cả cha mẹ chúng lớn tiếng cãi vã, mắng chửi nhau. Có khi họ dùng cả tay chân để thay lời nói. Trong thực tế, bầu khí người lớn tạo ra để cho các trẻ em lớn lên không phải là bầu khí hòa bình.
Ðến bao giờ thế giới của người lớn mới hiểu và thực tâm tìm phương thế giải quyết sự mâu thuẫn: là hằng ngày thế giới của người lớn bỏ ra cả tỷ Mỹ kim cho việc nghiên cứu và trang bị về vũ khí.
Trong khi đó, trên thế giới có 800 triệu người sống dưới mức tối thiểu cần thiết cho con người, nghĩa là họ đang bị đe dọa chết đói. Có 600 triệu người trên thế giới đang bị mù chữ. Chỉ có 4 trong số 10 trẻ em được cắp sách đến trường tiểu học trong hơn ba năm. Và cứ 10 đứa trẻ sinh ra trong cảnh cơ hàn thì 2 trẻ bị chết trong năm đầu tiên.
Vâng, thế giới người lớn phải bắt đầu loại bỏ chiến tranh và xây dựng hòa bình, nếu họ muốn trẻ con cũng noi gương chơi trò chơi ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét