PHÚC ÂM:
Ga 21,
1-14
"Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao
cho họ ăn".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
1 Bấy giờ, Đức Giê-su lại tỏ
mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông
Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền
Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với
nhau. 3
Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông : “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp : “Chúng
tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt
được gì cả.
4 Khi trời đã sáng, Đức
Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức
Giê-su. 5
Người nói với các ông : “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời : “Thưa
không.” 6
Người bảo các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được
cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.
7 Người
môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : “Chúa đó !” Vừa nghe nói
“Chúa đó !”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống
biển. 8
Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ
lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
9 Bước lên bờ, các ông nhìn
thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức
Giê-su bảo các ông : “Đem ít cá mới bắt được tới đây !” 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi
kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá
nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói : “Anh em đến mà ăn !” Không ai
trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức
Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là
lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
Suy niệm:
Vượt
qua thử thách trong cuộc đời
Chúa Giêsu Phục sinh đang hiện diện trong Giáo Hội và trong cuộc sống
mỗi người. Khi ta tin tưởng làm theo lời Chúa dạy, Chúa sẽ làm cho mọi việc được
thành công ngoài sức tưởng tượng.
Khi niềm tin bị hụt hẫng,
khi lý tưởng bị lu mờ, khi cuộc đời như vô nghĩa… chỉ cần một thứ gì để bám víu
vào, thì người ta sẵn sàng nắm chặc lấy nó. Đó là tâm trạng của các môn đệ khi
nghe ông Phêrô nói lên nỗi chán chường của mình: “Tôi đi đánh cá đây!” (Ga 21,
3a). Họ cảm thấy việc cấp thiết ngay bây giờ là thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại của
mình, không biết đó là việc gì, chỉ cần đừng ở đây nữa. Vì vậy họ đã đồng thanh
hưởng ứng ngay: “Chúng tôi cùng đi với anh” (Ga 21, 3b)
Chính trong hoàn cảnh đó,
Chúa Giêsu đã hiện diện, càng đặc biệt hơn khi hiện trong chính môi trường mới
mà các ông tìm đến để thay thế môi trường cũ: “Đức Giêsu đứng trên bãi biển”
(Ga21, 4), vì các môn đệ của Ngài đã bỏ căn phòng buồn chán mà đi đánh cá.
Trong khi các môn đệ không nhận biết bóng người lang thang trên
bãi biển kia là ai, thì Gioan, “người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với
ông Phêrô: “Chúa đó!” (Ga 21, 7). Đơn giản bởi vì Gioan yêu mến Chúa, ông luôn
nhớ từng cử chỉ, lời nói, ánh mắt của Chúa… vì vậy khi nghe Chúa Giêsu hỏi:
“Này các chú, không có gì ăn ư?” (Ga 21, 5) ông đã ngờ ngợ nhưng cũng vẫn còn
nghi ngờ. Đến khi Chúa Giêsu bảo: “Cứ thả lưới bên phải mạn thuyền” (Ga 21, 6)
thì Gioan đã khẳng định là Thầy Giêsu, vì ông biết Thầy mình hay có những hành động
“khác người” lắm. Càng quả quyết hơn khi: “Các ông thả lưới xuống, nhưng không
sao kéo lên được vì lưới đầy những cá” (Ga 21,6b). Thay vì chính bản thân ông sẽ
nhảy xuống biển, lội vào bờ, ôm thấy Thầy cho thỏa lòng mong nhớ, thì Gioan đã
nói với Phêrô: “Chúa đó!”. Gioan là một con người tế nhị, khôn ngoan biết đối xử
với người khác như thế nào. Sở dĩ Gioan có được thái độ như vậy là vì Gioan yêu
mến Chúa Giêsu, nên sẵn sàng phục tùng con người được Chúa đặt lên làm đầu.
Chính vì vậy Gioan muốn để cho Phêrô là người đầu tiên được gặp Chúa, nên ông đã
nói Phêrô: “Chúa đó!”
Sống Lời Chúa:
Trong nỗ lực rao báo Tin mừng và Tin mừng hóa thế giới, Giáo Hội
chỉ là công cụ, tất cả mọi kết quả có được đều là do Thiên Chúa (Ga 21, 3.6; Cv
4, 4.10-12)
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, bao lần trong cơn gian nan thử thách, con mong ước có Chúa hiện diện
bên con để nâng đỡ chở che. Những lúc thất bại hoặc cô đơn giữa đám đông cuộc đời,
con mong gặp được Chúa để Chúa hướng dẫn ủi an. Con mong chờ Chúa nhưng không gặp
được Chúa. Thật ra Chúa vẫn đến và hiện diện bên con mà con chẳng nhận ra Chúa,
nên con vẫn còn sợ hãi, có khi thất vọng chán chường. Chúa như vắng mặt trong
cuộc đời con.
Lẽ sống:
Tấm
gương
Tại một ngôi làng nhỏ ở ven biển Ái Nhĩ Lan, có một
cặp vợ chồng ngư phủ nghèo, nghèo đến độ trong nhà không có được một cái gương
soi mặt.
Trong làng chỉ vỏn vẹn có một cái quán nhỏ cung cấp
lương thức và những gì cần thiết cho việc đánh cá. Một ngày nọ, người chủ quán
ngạc nhiên vô cùng khi bắt gặp người ngư phủ già cầm lấy một vật gì đó trong
tay, vừa xoay xung quanh, vừa thổn thức. Rồi từ đó, người chủ quán nhận thấy người
đánh cá trở lại quán của mình thường xuyên hơn và cũng lập lại ngần ấy động
tác. Ráng theo rình rập để lắng nghe những gì người ngư phủ già than thở, người
chủ quán mới thấy ông già đưa cái gương soi mặt và thều thào: "Ba ơi, ba ơi".
Thì ra, cả đời người ngư phủ già chưa bao giờ nhìn
thấy mặt mình trong gương. nhìn thấy mặt mình trong gương lần đầu tiên, ông ta
tưởng đó là cha của mình.
Người chủ quán quá cảm động, đã tặng cho ông già tấm
gương. lão hăm hở mang đi, và từ đó, cứ mỗi lần rảnh rỗi, lão đưa tấm gương ra,
nhìn vào và nói chuyện với cha mình.
Tất cả chúng ta đều
sống cho một gương mặt. Và gương mặt duy nhất mà chúng ta không bao giờ thấy đó
là gương mặt của chính chúng ta. Chúng ta có thể hiểu biết tất cả, nhìn thấy
tất cả trừ gương mặt của chúng ta. Và ngay cả trong một tấm gương, chúng ta chỉ
nhìn thấy mình theo một hình ảnh đảo lộn. Chúng ta chỉ có thể biết mình, chúng
ta chỉ có thể khám phá được chính mình nhờ những người khác và nhờ chính hình
ảnh mà họ có thể cho chúng ta thấy.
Vậy đâu là tấm gương đích thực để chúng ta có thể
biết mình hoặc biết mình phải như thế nào?
Chúng ta đừng vội vã cười hai vợ chồng ngư phủ trong
câu chuyện trên đây... Kể từ khi Ngôi Hai nhập thể làm người, có lẽ họ là người
có lý, bởi vì họ biết nhìn thấy trong gương một cái gì khác hơn chính mình. Nói
như Thánh Phaolô: "Phần chúng ta, chúng ta không che mặt, chúng ta phản
chiếu vinh quang của Chúa, như một tấm gương, vì chúng ta được thấy mình biến đổi
nên giống hình ảnh ấy, mỗi lúc một rực rỡ hơn, bởi vì quyền phép Thánh Linh của
Chúa".
Mỗi người Kitô phải
là tấm gương phản chiếu chính hình ảnh của Ðức Kitô. Cuộc sống của họ phải là
một phản ảnh của cuộc sống Ðức Kitô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét