Thánh Gioan B. Lasan
PHÚC ÂM:
Ga 20,
11-18
"Tôi đã trông thấy và Người đã phán với
tôi những điều ấy".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
11 Khi ấy, bà Ma-ri-a Mác-đa-la
đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ,
12
thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su,
một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà : “Này bà, sao bà khóc ?” Bà
thưa : “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu
!” 14
Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức
Giê-su. 15
Đức Giê-su nói với bà : “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Bà Ma-ri-a tưởng là
người làm vườn, liền nói : “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho
tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” 16 Đức Giê-su gọi bà : “Ma-ri-a !”
Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri : “Ráp-bu-ni !” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’). 17 Đức
Giê-su bảo : “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng
hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ : ‘ Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của
anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em ‘.” 18 Bà
Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ : “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những
điều Người đã nói với bà.
Suy niệm:
Tin
Mừng Phục Sinh
Dù trước kia đã biết Chúa Giêsu, nhưng bà Ma-đa-lê-na đã không nhận
ra Chúa Phục Sinh bằng con mắt thường. Người đã bước vào cuộc sống khác, nên cần
phải có đức tin mới nhận ra người.
Trong bài Tin Mừng hôm
nay, thánh sử Gioan cũng thuật lại cho chúng ta câu truyện của một người đàn bà
đang u buồn tuyệt vọng, nhưng bỗng nhiên nhận được món quà trao tận con tim, một
niềm vui không gì đo lường được, đó là niềm vui của Tin Mừng Phục Sinh.
Ðọc lại đoạn Tin Mừng,
chúng ta sẽ thấy sự tuyệt vọng của Maria Madalena lúc này đến mức nào. Theo
Chúa Giêsu và các môn đệ trên đường rao giảng Tin Mừng, chắc chắn bà đã nghe
nói, đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa Giêsu đã làm, từ việc chữa lành bệnh tật
cho đến việc làm cho kẻ chết sống lại, từ việc khiến gió biển im lặng cho đến
chuyện hóa bánh ra nhiều.
Thế nhưng, tất cả đều sụp đổ
khi bà đếm từng vết máu và mồ hôi loang vãi trên đường tử nạn, khi theo dõi từng
hơi thở thoi thóp của Chúa Giêsu trên Thập Giá, hay khi xác Ngài được mai táng
trong mồ, và hôm nay cả đến thân xác cũng bị đánh cắp mất, chẳng còn gì hy vọng
nữa. Như vậy, tất cả chỉ là tuyệt vọng, Nhưng chính trong tận cùng của sự tuyệt
vọng ấy, chính trong thử thách mịt mù ấy, bà đã được tặng ban một món quà không
phải trên đôi tay, nhưng món quà ấy được trao tặng vào chính con tim của bà. Ðó là bà được thấy
Chúa Kitô Phục Sinh và Ngài đã gọi tên bà một cách thân mật, ngọt ngào.
"Gọi
tên" đó là một dấu chỉ thân mật
giữa Chúa Giêsu và các môn đệ, giữa những người mục tử tốt lành và đoàn chiên. Người mục tử tốt lành nhận biết từng con
chiên của mình, và Ngài gọi tên từng con chiên một và cho chúng vào hưởng niềm
no thỏa trong đồng cỏ xanh tươi. Không chỉ riêng Madalena, nhưng mỗi người Kitô
hữu đều được tặng ban món quà này. Lãnh nhận bí tích
Thanh Tẩy là họ đã được gọi tên, được đổi mới, được nâng lên hàng con cái dấu
yêu của Thiên Chúa, được thông phần vào sức sống Phục Sinh trong nhiệm thể Ðức
Kitô. Sự sống Phục Sinh này không phải chỉ là một đóa
hồng tạm bợ, chỉ hồi sinh con người trong thời gian ngắn ngủi, nhưng là đóa hồng
vĩnh cửu có thể cho con người sống đúng địa vị làm người, làm con Thiên Chúa đến muôn đời. Con
người chỉ trở nên buồn thảm, câm nín là vô hồn khi họ không biết nâng niu, quí
chuộng mà bỏ xa sự sống Phục Sinh của Ðức Kitô.
Sống Lời Chúa:
Đức Giêsu-Kitô Phục Sinh là Đấng ngập tràn Thần Khí, và sự sống của
Ngài sau biến cố Phục Sinh là hoàn toàn thuộc linh, không còn lệ thuộc và giới
hạn bởi những định luật không gian và thời gian (Cv 2, 38-39.41; Ga 20, 17)
Tin mừng Phục Sinh cần phải được “tường thuật lại” bằng chính cả
hiện sinh “tin-cậy-mến” của mỗi người kitô-hữu (Ga 20, 18; Cv 2, 36.41)
Tôi tập kết hiệp với Chúa suốt ngày qua các
bổn phận của mình, bằng cách dâng lên
Chúa một lời nguyện tắt trước mỗi công việc, xin Chúa chúc lành cho công việc ấy.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu phục sinh xin cho chúng con biết siêng năng đến với Chúa, nhất là những
lúc đau buồn, chán nản, để qua gặp gỡ Chúa chúng con tìm lại được niềm an vui
phục sinh. Và xin Chúa cũng cho chúng con biết tích cực chia sẻ niềm vui phục
sinh cho mọi người chung quanh nhất là những người đang gặp đau khổ.
Lẽ sống:
Bình
an trong tâm hồn
Purna, một môn đệ của Ðức Thích Ca, xin thầy được
phép đi đến Sronapa-Ranta, một vùng còn bán khai để tiếp tục tu luyện và truyền
đạo. Nhân lời xin này, người ta ghi lại cuộc đối thoại giữa hai thầy trò như
sau: Ðức Thích Ca cho biết ý kiến: "Nhân dân vùng Sronapa-Ranta còn
rất man di. Họ nổi tiếng thô bạo và tàn ác. Bẩm tính của họ là hiếu chiến,
thích gây sự, thích cãi vã, đánh nhau và làm hại kẻ khác. Lúc đến đó, nếu họ
nghi kỵ con, dùng những lời thô bạo để nói xấu, mắng chửi và vu khống con, con
sẽ nghĩ thế nào?". Purna thưa: "Nếu thật sự xảy ra như vậy, thì con
nghĩ là: dân chúng tại đây thật tốt lành và thân thiện, vì họ chỉ lăng mạ con
chứ không dùng vũ lực, không đánh đập hay ném đá con".
Ðức Thích Ca tiếp lời: "Nhưng nếu họ hành hung và dùng đá ném con,
thì con sẽ nghĩ thế nào?". Purna thưa: "Trong trường hợp đó, con vẫn
nghĩ dân chúng vùng Sronapa-Ranta thật tốt lành và thân thiện, vì họ không cột
con vào cột để đánh đòn và không dùng khí giới sắc bén để sát hại con".
Nghe môn đệ xác quyết như thế, Ðức Phật không khỏi
ngạc nhiên; Ngài hỏi tiếp: "Nhưng nếu họ thật sự ra tay giết con,
con nghĩ thế nào trước khi nhắm mắt lìa đời?". Không cần suy nghĩ lâu, Purna
đáp: "Nếu
họ hại đến tính mạng con, con vẫn nghĩ họ là những người tốt lành và thân thiện,
vì họ muốn giải thoát con khỏi thân xác hay hư nát này". Nghe đến
đây, Ðức Thích Ca bảo: "Purna, con đã tu tâm dưỡng tính đến nơi đến chốn để có được
sự ôn hòa, kiên nhẫn hơn người. Thầy nghĩ con có thể sinh sống và truyền đạo
cho dân Sronapa-Ranta. Hãy ra đi và giúp họ dần dần giải thoát khỏi bẩm tính hiếu
chiến và bất nhân như chính con đã tự giải thoát mình khỏi những thiên kiến và
những ý nghĩ hận thù, ghen ghét".
Thiết nghĩ tự tạo cho mình sự bình an
trong tâm hồn là bổn phận của Kitô hữu chúng ta. Và theo kinh nghiệm của tu sĩ
Purna trong câu chuyện trên, để tạo cho mình nền hòa bình này, chúng ta phải cố gắng tự
giải thoát mình khỏi mọi thiên kiến, nghi kỵ cũng như hằng ngày phải thanh
luyện tâm hồn khỏi những ý nghĩ hận thù, ghen ghét.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét