PHÚC ÂM:
Ga 6,
16-21
Người nói với họ: "Chính Thầy đây, đừng
sợ." (Ga 6,20)
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
16 Chiều đến, các môn đệ Chúa
Giêsu xuống bờ biển. 17 Rồi lên thuyền, sang bên kia, trẩy về hướng
Capharnaum. Trời đã tối, mà Chúa Giêsu vẫn chưa đến với họ. 18 Bỗng
cuồng phong thổi lên, biển động mạnh. 19 Khi chèo đi được chừng hai mươi lăm hay ba mươi
dặm, thì họ thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển, tiến lại gần thuyền, họ hoảng sợ.
20 Nhưng
Người nói với họ: "Chính Thầy đây, đừng sợ". 21 Họ định rước Người lên thuyền, nhưng
ngay lúc ấy, thuyền đã đến nơi họ định tới.
Suy niệm:
Tín
thác vào Chúa
Có Chúa là có bình an. Hãy giữ Chúa trong lòng, giữ Chúa trong gia
đình…, để mỗi người, mỗi gia đình được an vui.
A. Phân tích (Hạt giống...)
Một câu chuyện nhỏ được
cho xen vào sau phép lạ hóa bánh ra nhiều: Chúa Giêsu đi trên mặt nước.
Câu chuyện xảy ra khi bóng
chiều đã phủ xuống. Trong Thánh Kinh, đêm tối là thời gian thuận tiện để Chúa mặc
khải. Vậy chuyện này muốn mặc khải cho các môn đệ biết thêm về mầu nhiệm của
Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đi trên mặt nước,
và khi các môn đệ gặp Ngài, Ngài nói “Chính Thầy đây, đừng sợ”: trong Thánh
Kinh, chỉ có Thiên Chúa và những người được Thiên Chúa ban quyền đặc biệt mới
có thể đi trên mặt nước (như Êlia, Êlisê, phần Môisê thì cho nước biển tách đôi).
Như thế, chuyện này mặc khải
rằng Chúa Giêsu là Êlia mới, Êlisê và Môisê mới. Ngài có uy quyền của Thiên
Chúa, Ngài thống trị các sức mạnh của thiên nhiên.
B. Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Chúa Giêsu để
các môn đệ hành trình trên biển một mình lúc trời tối. Khi đó cuồng phong lại nổi lên và biển động
mạnh. Các môn đệ hoảng sợ. Chính lúc đó, Ngài đến với họ và nói “chính Thầy đây,
đừng sợ”. Nghĩa là Ngài dạy họ một lúc hai điều: con người rất yếu ớt mỏng dòn,
con người cần có Chúa che chở.
2. Câu chuyện
này tiếp liền theo phép lạ hóa bánh ra nhiều muốn dạy cho các môn đệ biết rằng Chúa Giêsu chẳng những có thể
ban lương thực cho dân chúng ăn, mà còn ban sức mạnh tinh thần và sự che chở an
toàn cho các môn đệ.
3. Trong Thánh
Kinh, câu “Đừng sợ” được nói 365 lần. Tức là đủ để chúng ta nhắc lại mỗi ngày trong suốt một năm.
4. Nhà truyền
giáo Moody kể: Ở làng tôi, bên New
England, có một truyền thuyết rằng hễ ai giật được bao nhiêu tiếng chuông thì sống
được bấy nhiêu tuổi. Khi tôi giật được 70 hay 80 tiếng chuông, tôi sung suớng
nghĩ rằng mình sẽ sống đến tuổi đó. Nhưng mấy năm sau tôi vẫn mơ hồ sợ chết. Sự
chết và phán xét ám ảnh tôi rất lâu, mãi cho tới khi tôi biết phó thác đời mình
trong tay Chúa Giêsu Kitô, như một người con của Chúa. (Góp nhặt).
5. Người nói với
họ: "Chính Thầy đây, đừng sợ".
Mọi người vẫn đi qua như
không có gì xảy ra. Vài người đứng lại, đứng lại để xem một người bị giựt kinh
phong nằm ngay trên đường, trông thật tội nghiệp!
Có người nói: “vắt chanh
vào miệng anh ta”; nhưng mọi người vẫn im lặng, không ai động tĩnh gì cả.
Tôi cũng thấy ngại, ngại
ánh mắt dòm ngó bao nhiêu người xung quanh. Tôi có cảm giác sợ sợ như thể sắp
làm việc gì sai quấy vậy. Tại sao thế? Tôi chợt nhớ lại lời Chúa nói: “Chính Thầy
đây, đừng sợ!” và tôi đã mạnh dạn bước ra vắt chanh vào miệng anh ta.
Tôi cảm thấy thật vui khi
nhận ra tác động của Lời Chúa trên tôi, giúp tôi mở lòng ra với người anh em
bên tôi.
Lm. Carôlô Hồ Bạc
Xái
Sống Lời Chúa:
Mỗi khi gặp khó khăn, tai ương, thử thách,
bạn nhắc lại lời Chúa: “Thầy đây mà, đừng sợ!”
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa, xin Chúa ở lại với con và ở lại với gia đình con, để khi con vui, niềm
vui của con được trọn vẹn, khi con buồn, nỗi buồn được vơi nhẹ nhờ sức Chúa đỡ
nâng.
Lẽ sống:
Ðôi
tay cầu nguyện
Albrecht Durer là một họa sĩ và điêu khắc gia nổi
tiếng của nước Ðức vào thế kỷ thứ 16. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất
của ông đó là bức tranh "Ðôi tay cầu nguyện".
Sự tích của họa phẩm này như sau: Thuở hàn vi, Durer
kết nghĩa với một người bạn chí thân. Cả hai đã thề thốt là sẽ giúp nhau trở
thành họa sĩ. Ðể thực hiện ước nguyện đó, người bạn của Durer đã chấp nhận làm
thuê làm mướn đủ cách để kiếm tiền cho Durer ăn học thành tài. Theo thỏa thuận,
sau khi đã thành công, Durer cũng sẽ dùng tiền bạc của mình để giúp cho người
bạn ăn học cho đến khi thành đạt.
Thế nhưng khi Durer đã thành tài, danh tiếng của anh
bắt đầu lên, thì đôi tay của người bạn cũng đã ra chai cứng vì lam lũ vất vả,
khiến anh không thể nào cầm cọ để học vẽ nữa.
Một ngày nọ, tình cờ bắt gặp đôi tay của người bạn đang
chắp lại trong tư thế cầu nguyện, Durer nghĩ thầm: "Ta sẽ không bao giờ hồi phục lại được năng
khiếu cho đôi bàn tay này nữa, nhưng ít ra ta có thể chứng minh tình yêu và
lòng biết ơn của ta bằng cách họa lại đôi bàn tay đang cầu nguyện này. Ta muốn
ca tụng đôi bàn tay thanh cao và tấm lòng quảng đại vị tha của một người
bạn".
Thế là kể từ hôm đó, Durer đã để hết tâm trí vào
việc thực hiện bức tranh đó. Ðó không phải chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng
là tất cả tình yêu và lòng biết ơn mà ông muốn nói lên với một người bạn. Bức
tranh đã trở thành bất hủ, nhưng càng bất hủ hơn nữa đó là tấm lòng vàng của người
bạn và tâm tình tri ân của nhà họa sĩ.
Phúc Âm kể lại cuộc gặp gỡ cảm động giữa Chúa Giêsu
và một người đàn bà mà mọi người đang nhìn bằng một con mắt khinh bỉ, bởi vì bà
ta bị xếp vào loại người tội lỗi... Bất chấp mọi dòm ngó và xì xào, người đàn
bà đã tiến đến bên Chúa Giêsu, đập vỡ một bình dầu thơm, đổ trên chân Chúa
Giêsu và dùng tóc lau chân Ngài.
Nhiều người xì xào, tỏ vẻ khó chịu. Chúa Giêsu đã
lên tiếng biện minh cho người đàn bà và Ngài đã tiên đoán: nơi nào Tin Mừng được
loan báo thì nơi đó cử chỉ của người đàn bà được nhắc tới.
Qua lời tuyên bố trên đây, Chúa Giêsu muốn nói với
chúng ta rằng: tất cả mọi nghĩa cử, dù là một hành vi nhỏ bé đến đâu và làm cho
mọi người nhỏ mọn đến đâu, cũng được ghi nhớ muôn đời.
Tiền của có thể qua đi, danh vọng có thể mai một, nhưng
những việc làm bác ái luôn có giá trị vĩnh cửu. Thánh Phaolô đã nói: trong ba nhân đức
Tin, Cậy, Mến, chỉ có Ðức Mến là tồn tại đến muôn đời.
Cuộc đời của mỗi người Kitô chúng ta cũng giống như
một bức tranh cần được hoàn thành. Mỗi một nghĩa cử chúng ta làm cho người khác
là một đường nét chúng ta thêm vào cho bức tranh. Khuôn mặt của chúng ta có thể
khô cằn, hoặc rướm máu vì những cày xéo của những thử thách, khó khăn, đôi tay
của chúng ta có thể khô cứng vì những quảng đại, quên mình. Tuy nhiên, những đường
nét bác ái sẽ làm cho khuôn mặt ấy trở thành bất tử...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét