CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH
Phúc Âm : Ga 10,11-18
Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
11 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người
Do-thái rằng : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống
mình cho đoàn chiên. 12 Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì
chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy
chiên và làm cho chiên tán loạn, 13 vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến
chiên. 14
Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết
tôi, 15
như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho
đoàn chiên.
16 “Tôi còn có những chiên khác không
thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ
có một đoàn chiên và một mục tử. 17 Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng
sống mình để rồi lấy lại. 18 Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng
chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại
mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”
Suy niệm:
Chân dung Mục tử Giê-su
Mục tử Giê-su
sống hoà mình thân mật với chiên, chăm lo cho từng con một và sẵn sàng hy sinh
mạng sống để bảo vệ đoàn chiên.
Hình ảnh mục tử sống giữa đàn chiên
là hình ảnh rất thân quen đối với dân Do-thái ngày xưa chuyên nghề du mục. Hình
ảnh nầy thường được Thánh Kinh Cựu Ước sử dụng để diễn tả tình yêu của Thiên
Chúa dành cho dân Ngài.
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su
dùng lại hình ảnh nầy như một biểu tượng cao đẹp để diễn tả tình thương cao vời
Ngài dành cho nhân loại với những nét lớn sau đây:
1. Mục tử Giê-su sống hoà mình thân mật với đoàn chiên
Thiên Chúa Ngôi Hai là Đấng quyền
năng cao cả, còn loài người chỉ là tạo vật thấp hèn. Cách biệt giữa đôi bên là
vô biên, vô hạn.
Thế nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã
vượt qua mọi cách biệt để sống hoà đồng với con người. Ngài không muốn duy trì
quan hệ đẳng cấp kiểu vua-tôi, chủ-tớ với con người nhưng muốn sống hài hoà
thân mật với hết thảy chúng ta.
Khi tự xưng mình là người chăn chiên
tốt, Chúa Giê-su tỏ cho thấy Ngài vui sống chan hoà với mọi người bằng mối
tương quan hết sức thân mật, không còn khoảng cách.
Ngài đã từng hoà mình với dòng người
tội lỗi chờ được thanh tẩy bên bờ sông Gio-đan (Mt 3, 13-16). Ngài cùng ăn uống
đồng bàn và trọ nhà những người tội lỗi (Lc 19,7). Ngài nâng ly rượu chúc mừng
đôi tân hôn trong tiệc cưới Ca-na (Ga 2, 1-11). Ngài khóc thương La-da-rô bạc
mệnh (Ga 11,35). Ngài cứu chữa những kẻ bệnh tật, vui đùa với các trẻ thơ… Nói tóm lại, tất cả mọi người đều có chỗ đứng
đặc biệt trong trái tim Mục tử Giê-su.
2. Mục tử Giê-su cho chiên được sống dồi dào
Thánh vịnh 23 phác hoạ chân dung
Chúa Giê-su như Vị Mục tử nhân lành tận tình nuôi dưỡng đoàn chiên cách chu
đáo, chẳng để chiên phải thiếu thốn điều gì.
“Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi
chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Ngài cho
tôi nằm nghỉ.
Ngài đưa tôi tới dòng nước trong
lành và bổ sức cho tôi” (Tv 23, 1-3).
Các mục tử trên đời này nuôi chiên
nhằm khai thác chiên: xén lông, xẻ thịt hoặc bán chiên lấy tiền; còn Mục tử
Giê-su thay vì khai thác trục lợi đoàn chiên thì lại hiến thân mình làm lương
thực để chiên được dồi dào sức sống: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên tôi được
sống và sống dồi dào” (Gioan 10, 10).
Ngài chấp nhận trao ban chính mình
làm lương thực nuôi sống đoàn chiên đang lầm than đói khát: “Chính tôi là bánh
trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao
giờ!” (Gioan 6, 35).
3. Mục tử Giê-su chăm sóc từng con chiên một, không bỏ rơi bất cứ
con chiên nào
Lời tiên báo của ngôn sứ Ê-dê-ki-en
đã được ứng nghiệm từng chữ nơi Mục tử Giê-su: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của
Ta. Chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi
lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ
làm cho mạnh” (Edekien 34, 15-16)
Qua dụ ngôn mục tử bỏ 99 con chiên
nơi hoang địa để đi tìm con chiên lạc, Chúa Giê-su tỏ cho thấy Ngài chăm sóc
chi li từng người một, không muốn bất kỳ một ai phải hư vong. (Lc 15, 4-7)
4. Mục tử Giê-su hiến thân mình cho chiên được sống
Khác xa người chăn thuê cao chạy xa
bay khi thấy đàn sói hung tàn xông tới vồ xé bầy chiên, Mục tử Giê-su chấp nhận
hy sinh mạng sống mình để bảo vệ đến cùng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục
Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không
phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ
chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm
thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục tử nhân lành... tôi hy sinh
mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Gioan 10, 11-15)
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, Chúa là
Mục tử có một không hai trên đời. Chúa sống hoà mình thân mật với chiên, nuôi
chiên sống dồi dào, chăm lo cho từng con một, không bỏ rơi bất cứ con nào và
thậm chí sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đoàn chiên.
Xin thương giúp cho các
bậc cha mẹ trở thành mục tử tốt trong gia đình, các linh mục trở thành mục tử
nhân lành trong giáo xứ, Thầy Cô trở thành mục tử cao quý ở trường học… để mỗi
người chúng con tuỳ theo chức phận mình, biết tận tình nuôi dưỡng, chăm sóc,
bảo vệ đoàn chiên Chúa trao cho chúng con theo gương người Mục tử nhân lành là
chính Chúa.
Lẽ sống:
Người sói
Một trong những cuốn phim
nói về sự bí ẩn của tuổi thơ: đó là cuốn phim có tựa đề "người sói".
Cuốn phim xây dựng trên một câu chuyện có thực xảy ra tại Pháp vào cuối thế kỷ
18. Một đứa trẻ đã bị thất lạc trong rừng từ lúc lọt lòng mẹ.
Mười hai năm sau, khi người
ta tìm gặp nó giữa rừng, thì đứa bé không khác nào một con thú. Người ta không
thể nào giao thiệp gặp gỡ với nó được. Tất cả những gì một nhà giáo, một bà vú
nuôi có thể làm được chỉ là chuẩn bị thức ăn và đặt vào trong xó bếp để đứa bé
tìm đến và liếm thức ăn như một con thú... Mọi người dường như bó tay, không
còn cách nào để đưa nó ra khỏi đời sống hoang dã của nó.
Và một ngày kia, nó đã trốn
thoát. Mọi người thở dài trước thất bại của mình... Tình cờ, vì đói, nó đã trở
ra xóm làng và một lần nữa người ta đã bắt lại được nó. Người ta mang nó đến
nhà giáo và người được chỉ định đến gần nó để hỏi han, trò chuyện chính là vú
nuôi. Bà cố gắng dùng ngôn ngữ thô sơ của mình để nói chuyện với đứa bé. Gương
mặt của nó như bất động. Nhưng bỗng nhiên, trước sự ngạc nhiên của mọi người, đứa
bé nắm tay người đàn bà. Nó nhìn bà một hồi lâu và trong thinh lặng. nó cầm hai
tay người đàn bà áp lên mặt mình...
Lúc đó, người ta chỉ còn
thấy những giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má của hai khuôn mặt...
Cuộc gặp gỡ giữa Thiên
Chúa và con người cũng diễn ra như thế. Nó nằm ra bên ngoài tất cả những dự
đoán và tính toán của chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ là đối tượng của những tính toán
khoa học. Thiên Chúa cũng không là kết luận của những suy tư uyên bác. Thiên
Chúa đến gặp gỡ chúng ta trong những cái bất ngờ nhất. Thiên Chúa ở trong chúng
ta, nhưng đồng thời cũng thoát khỏi tầm tay với của chúng ta... Nói tóm lại,
chúng ta không thể chiếm hữu Thiên Chúa như một sự vật, nhưng trái lại chúng ta
phải chiến đấu không ngừng để nhận ra Ngài trong những cái tầm thường và bất ngờ
nhất của cuộc sống...
Tin Mừng cho chúng ta thấy
nhiều phản ứng khác nhau của con người đối với Chúa Giêsu. Phần đông dân chúng
chỉ nhìn thấy nơi Ngài như một người dân quê xuất thân từ cái miền nghèo nàn là
Galilê. Những người trí thức thì nghiên cứu Kinh Thánh để rồi áp dụng những hiểu
biết sách vở của họ vào con người Chúa Giêsu. Và, dĩ nhiên, những gì đã được
Kinh Thánh nói đến, họ không tìm thấy nơi Chúa Giêsu... Một số khác thì đề nghị
bắt giữ Chúa Giêsu vì Ngài là một tên lừa bịp...
Chúa Giêsu vẫn mãi mãi là
câu hỏi của chúng ta: "Còn
các con, các con bảo Ta là ai?". Một câu hỏi như thế, chúng ta không chỉ
trả lời bằng những kiến thức đã lĩnh hội được qua giáo lý, thần học, Kinh
Thánh... Một câu hỏi như thế chỉ có thể được trả lời bằng một cuộc gặp gỡ thân
tình với Ngài.
Cũng giống như người vú
nuôi già và đứa bé người sói đã cảm thông với nhau trong thinh lặng và vượt lên
trên tất cả những ngôn ngữ của loài người, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta đi vào thông hiệp với Ngài
trong Ðức Tin.
Ðức tin đó sẽ luôn là mặt trận chiến dai dẳng
trong tâm hồn chúng ta. Có lúc chúng ta cảm thấy như đi trong ánh nắng chan
hòa. Có lúc, tất cả xung quanh chúng ta như ập phủ xuống và chúng ta không còn
thấy gì nữa. Thiên Chúa đến với chúng ta bằng những câu hỏi mà chúng ta không
ngừng nêu lên với Ngài... Tại sao Ngài bỏ con? Chúng ta hãy không ngừng tra vấn
Thiên Chúa. Ðó là dấu hiệu của một cuộc đối thoại giữa Ngài với ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét