Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Lời Chúa: Thứ Sáu Tuần IV Mùa Phục Sinh. 01.05.2015

Thánh Giu-se thợ
PHÚC ÂM:   Mt 13,54-58
Ông này không phải là con bác thợ sao ?
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
54 Khi ấy, Đức Giê-su về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói : “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế ? 55 Ông không phải là con bác thợ sao ? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a ; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao ? 56 Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao ? Vậy bởi đâu ông ta được như thế ?” 57 Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” 58 Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

Suy niệm:
 Đức Giêsu về quê  

Khi Steve Jobs qua đời, nhiều người trên thế giới đã đặt nến và trái táo cắn dở trước các chi nhánh của tập đoàn Apple, bày tỏ lòng thương tiếc, tri ân một thiên tài đã làm thay đổi cuộc sống con người với các sản phẩm độc đáo như ipod, iphone và ipad. Bên cạnh các tên tuổi lớn với những phát minh vĩ đại như ông, vẫn có đại đa số những con người vô danh không có một phát minh nào, nhưng lại đóng góp thật to lớn cho sự thiện hảo và hạnh phúc của con người. Thánh Giu-se là một trong những người lao động thầm lặng ấy. Hội Thánh đặt ngài làm bổn mạng cho những người lao động âm thầm không chỉ để nói lên giá trị về các đóng góp cho hạnh phúc của gia đình và xã hội mà còn để nêu cao mẫu gương sáng chói nhất của thánh nhân là biến lao động thành một của lễ dâng để thờ phương Thiên Chúa.
Sau khi đã chịu phép Rửa, vào hoang địa để cầu nguyện, ăn chay, có một ngày nào đó, Đức Giêsu chia tay Đức Mẹ để lên đường. Lên đường là bỏ lại ngôi làng Nazareth dấu yêu với bao kỷ niệm. Chính tại đây Ngài đã sống hơn ba mươi năm trong bầu khí gia đình. Chính tại nơi này, Ngài đã lớn lên quân bình về thân xác, trí tuệ, tâm linh.
Nazareth như một ngôi trường lớn, chuẩn bị cho Ngài chững chạc đi sứ vụ. Tại đây, Đức Giêsu đã là con bác thợ Giuse (c. 55), và đã trở thành thợ theo truyền thống cha truyền con nối. Ngài đã được dạy nghề và hành nghề để kiếm sống cho bản thân và gia đình.
Đức Giêsu là một người thợ tại Nazareth, phục vụ cho nhu cầu dân làng. Ngài biết đến cái vất vả của công việc chân tay nặng nhọc. Đức Giêsu không thuộc giới trí thức, thượng lưu, quyền quý. Lao động làm Ngài gần với người nghèo và thấy sự đơn sơ của tâm hồn họ. Cũng tại Nazareth, đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu được nuôi dưỡng. Ngài học được lối cầu nguyện một mình ở nơi vắng vẻ.
Đức Giêsu có khả năng thấy sự hiện diện yêu thương của Cha nơi mọi sự, nơi một bông hoa, nơi chim trời, nơi ánh nắng và cơn mưa. Tình thân của Con đối với Cha ngày càng trở nên sâu đậm. Ngài tìm ý Cha mỗi lúc và để Cha chi phối trọn vẹn đời mình.
Hôm nay Đức Giêsu trở về làng cũ sau một thời gian đi sứ vụ. Ngài vào lại hội đường quen thuộc, gặp lại những khuôn mặt đồng hương. Không rõ trước đây có lần nào bác thợ Giêsu được mời giảng ở đây chưa.
Nhưng lần này, khi trở về với tiếng tăm từ những phép lạ làm ở nơi khác, Đức Giêsu đã khiến dân làng sửng sốt vì sự khôn ngoan trong lời giảng dạy.
Hai lần họ đặt câu hỏi: Bởi đâu ông ta được như thế? (cc. 54. 56).
Một câu hỏi rất hay, nếu được tìm hiểu một cách nghiêm túc. Câu hỏi này có thể đưa họ đi rất xa, để gặp được căn tính của Đức Giêsu.
Tiếc thay, dân làng Nazareth lại không quên được nghề nghiệp của cha Ngài. Họ nhớ rất rõ họ hàng gần xa của Ngài là mẹ và các anh chị. Họ có thể kể tên từng anh chị em của Ngài, vì đều là bà con lối xóm (c. 55).
Đức Giêsu là người mà họ biết quá rõ từ thuở ấu thơ. Làm sao con người bình thường, ít học đó lại có thể là một vị ngôn sứ? Làm sao từ ngôi làng Nazareth vô danh này lại xuất hiện ngôn sứ được?
Và họ vấp ngã vì Đức Giêsu, nghĩa là họ đã không tin vào Ngài. Cái biết gần gũi của họ về Ngài lại trở nên thành kiến khiến họ không thể tiến sâu hơn vào mầu nhiệm con người Đức Giêsu. Người đồng hương của Ngài đã không trả lời được câu hỏi: Bởi đâu…?
Mỗi con người là một mầu nhiệm mà ta phải khám phá mãi. Có những mầu nhiệm lớn ẩn trong lớp áo tầm thường. Dân làng Nazareth đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng. Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi, để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Sống Lời Chúa:
Lao động là món quà yêu thương tôi gởi đến những người thân yêu mà tôi có nhiệm vụ chăm sóc.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa không giao phó việc giáo dục Đấng Cứu Thế cho một người cha nuôi là tiến sĩ luật hay một kinh sư, nhưng cho một bác thợ mộc. Chúa muốn cho thấy giá trị cao cả trong lao động của con người, dù là những công việc thô sơ, đơn giản, thông thường. Xin cho chúng con có một cái nhìn mới về lao động, và sử dụng lao động như phương cách đẹp lòng Chúa.  

Lẽ sống:
Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn

"Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn..."
Có lẽ không một người công giáo Việt Nam nào mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse... Tác giả đã sáng tác ca khúc trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40 - 50 và cũng như thánh Giuse, đã ra đi âm thầm trong một cái chết vô cùng bí ẩn sau ngày thay đổi chế độ.
Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam. Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết. Với khẩu hiệu lao động là vinh quang... dường như sau năm 1975, người Việt Nam nào cũng đã hơn một lần mồ hôi nhễ nhãi với cây cuốc, cái cày hoặc còng lưng trên chiếc xích lô đạp...
Trong cảnh sống đó, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách...
Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực...
Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.
Hôm nay là ngày lao động Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trồi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao...
Ðối với người Kitô, ngày Quốc tế lao động này gắn liền với con người của Thánh cả Giuse, quan thầy và gương mẫu của giới cần lao. Do đó ngày hôm nay đối với chúng ta phải là một ngày của suy tư và cầu nguyện. Suy tư về ý nghĩa và giá trị những công việc hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện cho mọi người biết nhận ra sự hiện diện và tác động và lời kêu mời của Chúa trong cuộc sống...

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

Lời Chúa: Thứ Năm Tuần IV Mùa Phục Sinh. 30.04.2015

Thánh Pi-ô V, giáo hoàng
PHÚC ÂM:   Ga 13,16-20
Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
16 Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su nói : “Thật, Thầy bảo thật anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. 17 Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em ! 18 Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây : Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. 19 Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em : ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

Suy niệm:
 Đấng đã sai Thầy  

Chúa Giêsu đã tuyển chọn các môn đệ để họ tiếp tục sứ mạng cứu thế. Người được chọn phải biết quảng đại đáp lại với lòng trung thành.
“Thật, Thầy bảo thật anh em ai đón tiếp người Thầy sai đến là tiếp đón Thầy; và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”
Chúa Giêsu đang liên kết những người được Người sai đến với chính Người và chính Chúa Cha; là một, để mỗi người chúng ta có ý thức tôn trọng những đấng bậc trong Giáo hội, đang chăm sóc dạy dỗ. Đồng thời cũng giúp cho tất cả chúng ta đem ra thực hành trong cuộc sống khi đứng trước người anh em: trong lời nói, việc làm đầy khiêm tốn và tôn trọng họ như chính là Chúa Giêsu. Mọi điều này đều có liên quan đến Người và đến Chúa Cha. Điều này được Chúa Giêsu nói rõ trong  “Cuộc phán xét Chung” (Mt 25,31-46).
Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu.
Nếu người ta đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em: Cuộc Thương Khó đã gần kề, Chúa Giêsu biết trước những gì sẽ xảy ra cho Ngài và những gì sẽ xảy ra cho các môn đệ; nên Ngài muốn chuẩn bị tâm hồn cho các ông. Ngài nói với các ông: "Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi." Chúa Giêsu muốn các tông đồ biết trước điều đó và biết cách đối phó khi điều ấy xảy đến. Trong Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu, tất cả những gì Chúa đã tiên báo đều ứng nghiệm đến từng chi tiết. Trong Sách CVTĐ, chúng ta đã nghe tường thuật đầy đủ tất cả những bắt bớ, tù đày, roi đòn, và tử đạo của các môn đệ Chúa.
Chúa Giêsu tuyên bố về sự phản bội của Judah: Chúa Giêsu dẫn chứng lời TV 41:9 "Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con." Ngài muốn nói với các ông ngay cả việc bị một người trong số các ông phản bội, Judah, không phải là chuyện tình cờ, nhưng đã được xếp đặt và báo trước bởi Thiên Chúa. Sở dĩ Ngài nói với các ông điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, các ông tin là "Ngài Hằng Hữu." Biệt hiệu này chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi vì Ngài luôn hiện hữu.
Chúa nói trước về sứ vụ tương lai của các Tông-đồ; các ông là sứ giả mang Tin Mừng của Ngài. Ai đón tiếp sứ giả loan Tin Mừng là đón tiếp Đức Kitô và Thiên Chúa, vì Thiên Chúa sai Đức Kitô, và Đức Kitô sai các sứ giả. Điều cần là các sứ giả phải loan báo những gì Đức Kitô muốn nói cho dân chúng. Bổn phận của dân chúng là phải nhận ra ai là sứ giả thật từ những sứ giả mạo danh.

Sống Lời Chúa:
Tất cả mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời là do ý định và sự quan phòng của Thiên Chúa. Điều gì Thiên Chúa muốn, Ngài sẽ làm cho thành tựu; điều gì Thiên Chúa hứa, Ngài sẽ ban.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành phần Dân Chúa, học biết Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo. Đặc biệt hiểu biết và sống bốn nguyên tắc căn bản của Giáo Huấn: Tôn trọng Phẩm giá con người. Đem lại Công ích cho mình và cho người, biết Liên đới với nhau và với thiên nhiên và Ra sức Bổ trợ lẫn nhau trong cuộc sống để cùng thăng tiến.  

Lẽ sống:
Tôi xin chấp nhận

Tại một bệnh viện trong thành phố Hiroshima bên Nhật Bản, một người đàn bà bị phóng xạ nguyên tử từ 30 năm qua đang lên cơn hấp hối.
Bác sĩ chữa trị cho biết bà chỉ còn nhiều lắm là một hay vài giờ nữa là cùng. Theo thói quen tại Nhật Bản, người ta thông báo để người sắp chết cho biết ý muốn trong những giây phút cuối cùng.
Bác sĩ vào phòng bệnh nhân và nói nhỏ với bà: "Akiramé".
Người đàn bà ngước nhìn vị bác sĩ và dùng ngón tay trỏ viết vào trong lòng bàn trái của bà câu: "Akiramé", nghĩa là "Tôi xin chấp nhận".
Với tất cả bình thản, người đàn bà đã biến những giờ phút hãi hùng nhất trong cuộc sống thành một biến cố tự nhiên và thanh thản.
Cuộc sống của chúng ta dường như được cấu tạo bằng nhiều vị khác nhau: đắng cay, chua xót, ngọt bùi... Gia vị là một điều cần thiết cho thức ăn. Người không thích cay đắng thì sẽ xem trái ớt, hạt tiêu là kẻ thù của khẩu vị. Người thích cay đắng thì lại tìm ra mùi vị thơm ngon của nó.
Hoa nào cũng có mật đắng. Nhưng loài ong khéo léo để chỉ hút mật ngọt.
Thiên Chúa ban cho chúng ta một cuộc sống với muôn màu sắc và hương vị khác nhau. Chúng ta phải là loài ong đi tìm mật ngọt trong vườn hoa cuộc sống ấy. Nếu chỉ nhìn thấy mật đắng, chúng ta sẽ bỏ cuộc đầu hàng trong chán nản. Nếu biết biến báo, chúng ta có thể tìm được mật ngọt và biến những đắng cay chua xót thành mật ngọt và hương thơm.
Sau khi đã đánh bại Ðức Quốc Xã và giải phóng Âu Châu, Churchill thủ tướng nước Anh đã tuyên bố: "Không gì buồn thảm cho bằng một chiến thắng". Cảnh thu dọn chiến trường, cảnh kẻ khóc người cười, cảnh vợ mất chồng, cảnh cha mẹ mất con cái... Chiến thắng ngự trị trên tro tàn, đổ nát.
Dù vui với chiến thắng đến đâu, có ai mà không ngậm ngùi xót xa.
Hôm nay 30 tháng tư, đánh dấu một trong những biến cố đau thương nhất của lịch sử dân tộc. Mỗi năm chúng ta có dịp ôn lại ngày lịch sử ấy. Mỗi người một tâm tình. Nhưng dưới cái nhìn Ðức tin, người Kitô luôn được mời gọi để nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa. Với tất cả bình thản và lạc quan, chúng ta hãy thốt lên như thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng giữa cơn đau quằn quại trong thân xác và tâm hồn: "Tất cả đều là ơn Chúa".
Tuyên xưng niềm tin vào Chúa Quan Phòng có nghĩa là chấp nhận mọi biến cố trong cuộc sống như một khởi đầu mới, một khởi đầu với những ơn sủng dồi dào hơn. Với những kẻ Thiên Chúa yêu thương, thì mọi sự đều quy về điều tốt...
Còn tâm tình nào đúng đắn hơn trong ngày lịch sử này là cảm tạ và phó thác. Cảm tạ Chúa vì qua mọi biến cố, Chúa Quan Phòng luôn gìn giữ chúng ta và hướng dẫn chúng ta trên đường ân phúc của Ngài. Phó thác cho Ngài bởi vì Ngài luôn có mặt trong cuộc sống để biến tất cả những thất bại, đau khổ, cay đắng trong cuộc sống thành khởi đầu của một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Lời Chúa: Thứ Tư Tuần IV Mùa Phục Sinh. 29.04.2015

Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh - lễ nhớ
PHÚC ÂM:   Ga 12,44-50
Tôi là ánh sáng, tôi đã đến thế gian.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
44 Khi ấy, Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng : “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi ; 45 ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. 46 Tôi là ánh sáng, tôi đã đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. 47 Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. 48 Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy : chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. 49 Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. 50 Và tôi biết : mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”

Suy niệm:
 Sự sáng thế gian  

Đức Kitô là Ngôi Lời, là tiếng nói tỏ bày Thánh Ý Chúa Cha. Ai tin và đón nhận Người, sẽ được sống đời đời. Ai từ chối Người thì chính họ sẽ bị xét xử.
Con người phải tin và vâng lời Chúa Giêsu: Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: "Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi." Người được sai đi có đầy đủ chức vị và thẩm quyền như Đấng sai đi. Vì thế, tin vào sứ giả là tin vào người sai sứ giả; từ chối sứ giả là từ chối người sai sứ giả.
"Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi." Đây là lời mặc khải mới lạ. Đối với con người,
Người được sai đi có đầy đủ chức vị và thẩm quyền như Đấng sai đi. Vì thế, tin vào sứ giả là tin vào người sai sứ giả; từ chối sứ giả là từ chối người sai sứ giả.
"Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi." Đây là lời mặc khải mới lạ. Đối với con người, Người sai đi và sứ giả là hai chủ thể riêng biệt. Đối với Thiên Chúa, Người sai đi (Chúa Cha) và Người được sai đi (Chúa Con) là một; vì cả hai đều là Thiên Chúa, nhưng làm các việc khác nhau. Điều này cũng được Chúa Giêsu xác tín, khi Philip yêu cầu: "Xin Thầy chỉ cho chúng con thấy Cha, thế là chúng con mãn nguyện rồi." Chúa Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha!" Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình" (Jn 14:9-10).
"Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối." Ánh sáng và bóng tối là hai điều trái nghịch nhau: khi có ánh sáng thì không có bóng tối; và ngược lại.
Người tin vào Đức Kitô không thể ở trong bóng tối, vì Đức Kitô là ánh sáng. Điều này không có ý nói, người nào đã tin Đức Kitô là sẽ không còn bóng tối trong mình; nhưng nếu người tin Ngài chịu để cho ánh sáng của Ngài soi dẫn vào mọi ngóc ngách trong tâm hồn, họ sẽ chỉ còn là ánh sáng.
"Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian." Câu này lặp lại những gì Chúa Giêsu đã nói trong Jn 3:16-21. Chương 12 của Gioan là chương cuối cùng của cuộc đời công khai rao giảng của Đức Kitô, vì từ chương 13 tới 21 dành cho các môn đệ và Cuộc Thương khó của Ngài. Vì thế, chương 12 tóm gọn những đạo lý chính của Chúa Giêsu.
"Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy - chính lời tôi đã nói sẽ là quan tòa xét xử người ấy trong ngày sau hết." Theo Jn 3:18, con người xét xử chính mình khi không tin vào Đức Kitô. Với những người không có cơ hội gặp Chúa Giêsu và những người thuộc các thế hệ sau như chúng ta, Lời Chúa trở thành quan tòa xét xử cho những ai không chịu tin vào Lời Ngài.
Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha: "Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì." Người được sai đi phải nói những gì người sai đi muốn nói; nếu không, họ sẽ không còn là sứ giả hay ngôn sứ của người đã sai họ đi. Tuy nhiên, sự vâng lời của Chúa Giêsu không có tính cách nô lệ hay mù quáng, vì Ngài phán: "Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi." Nói cách khác, Ngài biết Lời của Chúa Cha là sự thật, và có khả năng giải thoát con người khỏi tội, và cho con người được sống muôn đời.

Sống Lời Chúa:
Đừng khinh thường Lời Chúa vì những Lời này sẽ trở thành quan tòa để phán xét chúng ta; hơn nữa, đó là những Lời mà vì yêu chúng ta, Thiên Chúa nói với chúng ta những Lời này.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, chính nhờ các thánh Tông đồ và các thừa tác viên thánh của Giáo Hội đã dạy cho chúng con biết về KInh Thánh và sự cần thiết của Kinh Thánh. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con có quyết tâm chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa, và đem ra thực hành trong từng ngày sống.  

Lẽ sống:
Chúc lành của người cha

Ðức Hồng Y Cardjin, vị sáng lập của phong trào Thanh Lao Công, đã tự thuật như sau: "Tôi là con của giai cấp công nhân. Nếu tôi đã có thể trở thành linh mục, là cũng nhờ cha tôi". Cha tôi là một công nhân nghèo. người đã phải hy sinh để nuôi dưỡng những đứa con mà hẳn người đã hãnh diện. Tôi còn nhớ, khi lên 13 tuổi, một buổi tối nọ, khi các anh chị của tôi đã lên giường đi ngủ, tôi rón rén bước xuống nhà bếp. Tôi đến gần cha tôi. Người đang ngồi trầm ngâm với chiếc ống điếu. Còn mẹ tôi thì đang khâu giày cho chúng tôi. Tôi rụt rè thưa với cha tôi: "Thưa ba, con có thể tiếp tục học không?". Cha tôi trả lời: "Con ơi, ở tuổi con ba đã phải đi làm rồi. Nay thì ba đã già và sức ba cũng đã mòn".
Tôi lấy hết can đảm để thuyết phục cha tôi: "Ba ơi, con nghĩ là Chúa đã gọi con, con muốn trở thành linh mục".
Bình thường cha tôi là một người ít biểu lộ tình cảm. Nhưng tối hôm đó, khi vừa nghe tôi cho biết ý định làm linh mục, nước mắt người bỗng từ từ lăn trên gò má... Và đôi tay của mẹ tôi cũng run lên vì xúc động.
Cuối cùng, khi làm chủ được cơn xúc động, cha tôi mới thốt lên với tất cả cương quyết: "Ba má đã hy sinh quá nhiều... Nhưng để cho một người con làm linh mục, ba má nguyện sẽ tiếp tục hy sinh".
Mà quả thực, cha mẹ tôi đã tiếp tục làm việc nhiều hơn nữa để tôi có thể tiếp tục học. Vừa mãn trung học, 8 ngày trước khi lãnh thưởng cuối năm, tôi nhận được điện tín nhắn tin cha tôi đau nặng.
Trên giường hấp hối, cha tôi nhìn tôi mỉm cười: đó là chúc lành cuối cùng mà người dành cho tôi. Người cha đáng thương, hy sinh cho đến chết để người con được trở thành linh mục.
Sau khi vuốt mắt người, tôi đã thề hứa sẽ hy sinh để trở thành linh mục, nhất là linh mục cho giới công nhân.
Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn. Nhưng tiếng gọi ấy luôn được ngỏ với con người trong một khung cảnh sống cụ thể. Khung cảnh ấy có thể là gia đình, là chợ búa, là trường học, là chỗ làm việc... Có những khung cảnh thuận tiện, mà cũng có những khung cảnh không thuận tiện. Có những nơi hạt giống ơn gọi được nảy mầm, vun xới. Có những nơi hạt giống ấy bị bóp nghẹt...
Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài muốn, nhưng kẻ được gọi luôn là người đang sống cùng và sống với những người khác. Do đó, nếu không có sự nâng đỡ của những người xung quanh, hạt giống ơn gọi cũng sẽ mai một dễ dàng...
Chúng ta hãy cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Ý thức đầu tiên của chúng ta trong ngày hôm nay phải là: ơn gọi là vấn đề của mọi người Kitô. Từ gia đình, đến trường học, công sở... mọi người chúng ta đều có trách nhiệm nâng đỡ và bảo vệ hạt giống ơn gọi mà Chúa muốn gieo vào lòng những người anh chị em của chúng ta.
Thánh Gioan Bosco đã nói: phần thưởng quan trọng nhất mà Chúa có thể dành cho mọi gia đình Kitô, đó là kêu gọi một người con làm linh mục. Phần thưởng trọng đại ấy, Chúa dành cho các gia đình có con cái tận hiến cho Chúa, nhưng Ngài cũng dành cho tất cả những ai cách này hay cách khác biết cổ vũ, nâng đỡ và giúp phát triển ơn kêu gọi...

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Lời Chúa: Thứ Ba Tuần IV Mùa Phục Sinh. 28.04.2015

Thánh Lu-y Ma-ri-a Gơ-ri-nhông đờ Mông-pho linh mục
PHÚC ÂM:   Ga 10,22-30
Tôi và Cha tôi là một.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
22 Khi ấy, ở Giê-ru-sa-lem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ. Bấy giờ là mùa đông. 23 Đức Giê-su đi đi lại lại trong Đền Thờ, tại hành lang Sa-lô-môn. 24 Người Do-thái vây quanh Đức Giê-su và nói : “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ ? Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết.” 25 Đức Giê-su đáp : “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. 26 Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. 27 Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi. 28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. 29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30 Tôi và Chúa Cha là một.”

Suy niệm:
 Thầy mới có lời ban sự sống  

Chúa Giêsu thực sự là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa. Người đến để ban sự sống đời đời cho đoàn chiên và giữ gìn bảo vệ đoàn chiên an toàn. Hãy tín nhiệm đi theo Người.
Nghe đọc lại bài đọc trích sách Tông Đồ Công Vụ, thấy sự thành công của các môn đệ trong lúc rao giảng, làm cho lòng nhiệt thành của chúng ta tăng trưởng phần nào: sự hồ hỡi, sự vui mừng khi chứng kiến nhiều người tin theo Chúa, phải nói là “nhìn thấy ham”. Những người coi như không thể nhưng nay lại nườm nượp tin theo Chúa. Vì thế, sao mà không vui, sao mà không phấn khởi được?
Ngày nay những hình tượng đó dường như không còn nữa, thậm chí ngược lại, đa số người ngoài Công giáo trở lại là qua Bí tích Hôn Phối, tức là theo đạo để được lấy vợ, lấy chồng. Hay có một số nơi, theo đạo để có miếng ăn, để có tiền,… theo đạo có điều kiện.
Tại sao lại có tình trạng như thế? Chắc hẳn là có nhiều nguyên do lắm, nhưng cái gốc vẫn là do chúng ta thiếu đi nhiều gương sống đạo.
Thử nhìn lại đời sống đại đa số người Kitô hữu chúng ta trong thời gian gần đây, dường như có rất nhiều người “có” đạo nhưng không sống” đạo hoặc chỉ mang “cái mác” người công giáo qua việc “giữ” đạo hình thức. Giữ đạo tức là chỉ tuân thủ luật Chúa, luật Giáo Hội, chu toàn những việc đạo đức cách máy móc, vì sợ tội, sợ phạt chứ thật sự chẳng có tâm tình yêu mến.

Sống Lời Chúa:
Tôi sẽ thưa với Chúa như thánh Phê-rô đã thưa: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai, vì Thầy mới có lời ban sự sống” (Ga 6,68).

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho con tín nhiệm vào Chúa. Con muốn từ nay trung thành sống theo lời Chúa dạy. Trước mỗi cám dỗ hoặc mỗi thử thách, xin Chúa cho con được sáng suốt để nhận định, được can đảm để trung thành, và được tin tưởng để cầu nguyện.  

Lẽ sống:
Thắp lên ngọn đèn cũ

Trong một cuộc phỏng vấn, Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã thuật lại một sự kiện như sau: Ở Úc Châu có một người thổ dân Aborigines kia sống trong một hoàn cảnh thật thảm thương. Ông cũng đã khá cao niên rồi, sống trong một túp lều xiêu vẹo. Khởi đầu câu chuyện tôi nói với ông:
    - Ðể tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường ngủ cho ông. Ông ta trả lời một cách hững hờ:
    - Tôi đã quen sống như vậy rồi.
Nhưng ông cũng cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp. Sau cùng ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp nhà cửa lại cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ đẹp nhưng phủ đầy bụi bặm và bồ hóng. Tôi hỏi ông:
    - Có bao giờ ông thắp đèn này chưa? Ông ta trả lời một cách cộc lốc:
    - Nhưng thắp đèn cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu. Tôi sống ở đây đã từ lâu không hề trông thấy một người nào cả. Tôi hỏi ông:
    - Nếu như các nữ tu đến thăm ông thường xuyên, ông có vui lòng thắp đèn lên không?
    - Dĩ nhiên rồi.
Từ ngày đó các nữ tu quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Từ đó ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa. Trước khi chết ông nhờ các nữ tu ghé thăm nhắn tin cho tôi:
    - Xin nhắn với Mẹ Têrêxa, bạn tôi rằng, ngọn đèn mà Mẹ đã thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Ðó chỉ là một việc nhỏ mọn, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã thắp lên và vẫn còn tiếp tục chiếu sáng mãi.
Chúng ta đều cảm nghiệm được niềm vui sướng vì được yêu thương, được chính Chúa thương yêu. Và chúng ta cũng hiểu được giới răn của Chúa: "Hãy thương yêu nhau, như Thầy yêu thương các con".