PHÚC ÂM: Mt 11,28-30
"Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc". (Mt 11,28).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Matthêu.
28 "Tất cả những ai
đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
29
Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và
khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ
nhàng."
Suy niệm:
Những
ai khó nhọc hãy đến với Ta
Sách "Liệt
Tử" có câu truyện như sau:
Nước Tống có một
người đã đứng tuổi tự nhiên mắc phải chứng bệnh quên lãng. Buổi sáng lấy gì của
ai, buổi chiều đã quên. Hôm nay ai cho cái gì ngày mai lại chẳng nhớ. Ra đường
quên cả đi, về nhà quên cả ngồi. Trước đã làm gì và bây giờ đang làm gì đều
quên hết, sau này cũng chẳng nhớ. Cả nhà rất lo lắng về bệnh tình của anh nên đã
mời thầy thuốc, chạy đủ hết mọi cách mà cũng chẳng khỏi.
Sau đó có ông thầy
đồ người Lỗ nói rằng là tôi chữa được.
Người bệnh hứa với
ông đồ: Hễ chữa được bệnh sẽ chia cho ông một phần gia tài.
Trước khi trả lời
đáp ứng nhận chữa bệnh, ông đồ dùng nhiều cách thức khác nhau để tìm hiểu khả năng
trí nhớ của người bệnh này. Trước hết ông đồ thử bằng cách lột áo của người bệnh
để rét lạnh thì thấy anh ta xin áo. Bỏ đói không cho ăn thì anh ta xin ăn. Ðem
anh ta vào chỗ tối tăm thì anh ta xin ra chỗ sáng. Sau đó ông đồ mới nhận lời
chữa bệnh. Chẳng biết ông đồ chữa thế nào mà sau bảy ngày anh ta đã hết bệnh và
trở lại bình thương.
Tuy nhiên, khi đã
tỉnh táo như thường thì anh ta lại nổi giận, chửi vợ đánh con, cầm dao rượt đuổi
ông đồ.
Người ta bắt giữ
anh ta lại hỏi: Tại sao anh lại giận dữ như vậy?
Anh ta trả lời:
Lúc trước tôi mắc bệnh quên thì lòng tôi thảnh thơi khoan khoái, trời đất có
còn hay không tôi cũng chẳng cần biết. Nay tôi lành bệnh, tôi nhớ lại tất cả những
chuyện của mấy mươi năm về trước như chuyện buồn, vui, yêu, ghét, thành công,
thất bại, lòng tôi trở nên bối rối, ngổn ngang trăm mối. E rằng sau này các việc
ấy cứ bám cứng lấy tâm trí tôi thì dù cho muốn quên chúng đi trong một giây, một
phút liệu tôi có được như ý muốn hay không?
Anh chị em thân
mến!
Nhìn một người điên,
người mất trí, có kẻ chép miệng khen người ấy hạnh phúc, vì chẳng có gì phải lo
âu phiền muộn. Thế nhưng nếu hỏi lại những người vừa buông lời khen này xem họ
có muốn trở thành người hạnh phúc kiểu như vậy không? Chắc chắn họ sẽ trốn chạy
trước câu trả lời, vì đã làm người thì chẳng ai muốn mình được gọi là kẻ ngây
ngô, không nhớ, không biết chuyện gì. Không muốn bị gọi là kẻ ngây ngô thì con
người lại phải đối đầu với lo âu, phiền muộn, nóng giận, đau khổ, chúng là gánh
nặng của thuyết nhân sinh.
Mở mắt chào đời
lúc ngửa tay đón nhận sự sống thì cũng là lúc con người phải mang lấy gánh nặng
nề. Bởi thế, không ít kẻ dám đánh đổi tất cả để tìm kiếm một chút thú vui để được
quên trong chốc lát, có kẻ tìm quên trong sợi khói phù du, có người tìm quên
trong men say trác táng, rồi cũng tìm được thú vui trong chốc lát. Nhưng rồi
sau những phút giây ngán ngủi ấy, thực tế lại trở nên nặng nề hơn, gánh nặng cuộc
đời càng xúi giục sâu hơn.
Lại cũng có những
triết thuyết như vô cảm, vô vị, vô sắc chỉ giúp con người giải thoát lo âu vướng
bận của cuộc sống, thực hiện những hướng dẫn đó thật là một thái độ lý tưởng
cho những ai muốn kiếm tìm sự bình an. Thực tế trong cuộc sống thử hỏi mấy ai
hiểu được điều này, vì cuộc sống con người gắn liền với cái cảm tính lo âu,
nóng giận, buồn phiền... có tránh cũng chẳng thoát, khó nhọc và gánh nặng là
thân phận của kiếp sống con người.
Về phần Chúa
Giêsu, cảm thông với phận kiếp làm người nên khi đến cứu chuộc trần gian Ngài đã
nhận một cuộc đời lam lũ ở làng quê Nazareth. Và qua bài Tin Mừng hôm nay, Ngài kêu gọi những ai
khó nhọc và gánh nặng hãy đến với Ngài, nếu luật lệ Do Thái đã bị
các luật sĩ và biệt phái biến thành chiếc ách kìm kẹp dân Chúa. Hãy đến với
Ngài, nếu đau khổ của kiếp nhân sinh như chiếc gánh đè nặng trên vai con người.
Ðến với Ngài không phải để được cất khỏi những điều ấy. Vì Ngài đến không phải để
hủy bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn lề luật và làm cho ách trở nên êm ái và
gánh trở nên nhẹ nhàng.
Lề luật phải được
giữ trong tinh thần và sự thật. Lề luật giải phóng con người và đau khổ là con đường
dẫn đến vinh quang. Gánh trở nên nhẹ nhàng vì từ nay con người không phải một
mình mang lấy đau khổ nhưng đã có người chia sẻ cảm thông. Dân tộc Do Thái đã hằng
mong mỏi chở Ðấng Cứu Thế đến, vì khi Ngài đến Ngài sẽ lau khô mọi giọt lệ trên
khuôn mặt và kẻ nhọc mệt sẽ được Ngài nâng đỡ bổ sức. Sống trong tâm tình mùa vọng, mùa trông đợi,
ước mong rằng mỗi người trong chúng ta cũng sẽ tìm đến với Chúa Giêsu, Ðấng Cứu
Thế để được Ngài an ủi, nâng đỡ, bổ sức và đồng thời học nơi Ngài tâm tình biết
chia sẻ cảm thông với người khác. Vì mang kiếp phận con người chẳng ai tránh khỏi
khó nhọc và gánh nặng, nhưng khó nhọc sẽ bớt khi được người chia sẻ, gánh nặng
sẽ vơi khi có kẻ cảm thông.
Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày
Sống Lời Chúa:
“Hãy mang lấy ách của Ta,
vì ách của Ta thì êm ái. Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường”. Lời
mời gọi của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về cái cốt lõi của đạo. Đạo là chính
Chúa, là tình yêu nhập thể. Sống đạo là sống bằng sức sống thần linh của Ngài,
sống đạo là làm chứng và chia sẻ tình yêu của Ngài cho mọi người. Đó là cuộc
cách mạng đích thực mà Chúa Giêsu muốn tiếp tục qua Giáo Hội và qua mỗi người
chúng ta.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin dạy mỗi người chúng con biết sống hiền lành, khiêm nhường và
yêu thương như Chúa. Ðể cuộc sống chúng con luôn thấy nhẹ nhàng an vui, gia đình,
làng xóm chúng con luôn tỏa bầu khí ấm áp yêu thương. Chỉ khi nào chúng con biết
sống với tất cả con tim, cuộc đời chúng con mới thực sự có ý nghĩa và hạnh
phúc.
Lẽ sống:
Thế nào là cầu
nguyện?
Một chàng thanh
niên nọ khao khát sống đời tận hiến và cầu nguyện, đến nỗi anh đã xa lánh tất cả
mọi người và mọi sự, để đến gõ cửa một đan viện nọ... Anh được vị tu viện trưởng
chấp nhận tức khắc.
Trong những ngày
đầu, anh quan sát cách sống của các tu sĩ: Sau những giờ cầu nguyện lâu dài, tất
cả mọi người đều bắt tay vào công việc: người thì cày cuốc, người thì gặt hái,
người thì miệt mài trong công tác dịch thuật. Thấy thế, chàng thanh niên đâm ra
thất vọng. Anh đến trình bày ý nghĩ của mình với đan viện phụ như sau:
"Thưa cha bề trên, con cứ tưởng ở đây chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất
đó là cầu nguyện. Ðằng này, con lại thấy các thầy phải vất vả lo cho những nhu
cầu vật chất quá nhiều". Vị tu viện trưởng mỉm cười gật đầu và nói với
anh: "Có lẽ con có lý... Nếu con cảm thấy việc làm tay chân không cần thiết,
thì con cứ vào phòng đóng cửa lại và tiếp tục cầu nguyện".
Nghe thế, chàng
thanh niên hớn hở trở về phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Chỉ sau vài giờ cầu
nguyện, anh cảm thấy mệt mỏi, bụng anh cũng cảm thấy cồn cào vì đã đến giờ ăn
trưa. Nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy ai đến gọi anh vào nhà cơm, người thanh
niên mới đến hỏi vị đan viện phụ: "Thưa bề trên, hình như hôm nay các thầy
không dùng bữa?". Cha bề trên mỉm cười đáp: "Các thầy đã ăn cả rồi".
"Thế sao không ai đến gọi con đi ăn cả?", người thanh niên hỏi. Cha bề
trên mới trả lời: "Sáng nay con đã chẳng đến nói với cha là chúng ta chỉ
có một sinh hoạt duy nhất là cầu nguyện đó sao? Cha nghĩ rằng các thầy khác lao
động nhiều cho nên cần phải có ăn uống, ngủ nghỉ. Còn con, con muốn sống như
các thiên thần, nghĩa là không làm việc, không ăn uống mà chỉ biết suốt ngày cầu
nguyện, cho nên cha đã dặn các thầy là đừng đến gọi con dùng bữa".
Nghe thế, người
thanh niên chợt hiểu được thế nào là sống tận hiến, thế nào là cầu nguyện. Con người không chỉ cầu nguyện bằng những giây phút ưu biệt
dành cho Chúa, mà còn bằng cả những sinh hoạt từng ngày như làm việc, ăn uống,
ngủ nghỉ, giải trí... Cầu nguyện chính là tìm thấy Thánh ý Chúa và Nước Ngài
trong cuộc sống mỗi ngày.
Mùa Vọng là mùa thức tỉnh.
Chúng ta cảm thấy
được thôi thúc để dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện hơn.
Thánh Kinh nói: Thiên Chúa đã tạo dựng vũ
trụ trong sáu ngày, ngày thứ 7, Ngài nghỉ ngơi: đó cũng là hình ảnh của đời người.
Cuộc sống là một chuỗi làm việc xen lẫn với nghỉ ngơi. Có một thì giờ cho tất cả
mọi sự, có một thì giờ để ngủ nghỉ... Có những giây phút ưu biệt trong ngày
dành cho việc cầu nguyện, có những thời gian ưu biệt trong năm dành cho việc cầu
nguyện. Thời gian ưu biệt ấy không có mục đích nào khác hơn là để giúp cho con
người được tỉnh thức hơn, được sẵn sàng hơn, được tươi mát hơn để gặp gỡ Chúa trong
từng phút giây của cuộc sống, trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Cuộc sống cần có
tổ chức, cần có những ngăn kéo, nhưng những ngăn kéo ấy phải được thông thương
với nhau. Ngăn kéo của sự cầu nguyện phải được liên kết với ngăn kéo của những
sinh hoạt hằng ngày. Ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày phải được nối liền
với ngăn kéo của sự cầu nguyện. Tổ chức cuộc sống như thế tức là biến tất
cả cuộc sống thành một lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện triền miên ấy có những
phách mạnh dành cho những giây phút thân mật chuyện vãn với Chúa, nhưng những
phách mạnh ấy chỉ được làm nổi bật nhờ những âm thầm gặp gỡ Ngài trong từng
sinh hoạt, trong từng biến cố của cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét