Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
Thánh Gioan thánh giá chào đời năm 1542 ở Phontivêrốt,
nước Tây ban Nha. Sau một ít năm sống trong dòng Cácmen, và được thánh nữ
Têrêxa thành Avila khuyến khích, thánh Gioan đã muốn thực hiện việc cải cách
trong dòng. Điều này khiến thánh nhân phải chịu đựng muôn vàn đau khổ, thử
thách. Người qua đời tại Ubêđa, nổi tiếng là một bậc khôn ngoan, thánh thiện,
như chúng ta có thể nhận thấy qua các tác phẩm của người.
PHÚC ÂM: Mt 21,23-27
"Phép rửa của Gioan bởi đâu mà
có?" (Mt 21,23).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Matthêu.
23 Đức Giê-su vào Đền Thờ,
và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người
và hỏi : "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy ? Ai đã cho ông quyền ấy
?" 24
Đức Giê-su đáp : "Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi ; nếu các
ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền
nào mà làm các điều ấy. 25 Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có ? Do
Trời hay do người ta ?" Họ mới nghĩ thầm : "Nếu mình nói : "Do
Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại : "Thế sao các ông lại không tin ông ấy
?" 26
Còn nếu mình nói : "Do người ta", thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều
cho ông Gio-an là một ngôn sứ." 27 Họ mới trả lời Đức Giê-su : "Chúng tôi
không biết." Người cũng nói với họ : "Tôi cũng vậy, tôi không nói cho
các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy."
Suy niệm:
Phép rửa của Gioan bởi đâu
mà có
Trong tập sách
"Án Tử Xuân Thu" có câu chuyện kể lại tài ứng xử của Án Tử như sau:
Khi Án Tử sắp
sang nước Sở, vua Sở nghe thấy bảo với cận thần rằng:
- Án Tử là người
có tài ăn nói của nước Tề, nay muốn sang đây, ta muốn làm nhục, có cách gì
không?
Cận thần thưa:
- Ðể bao giờ Án
Tử sang, cận thần sẽ tìm một người, cho trói lại và dẫn người ấy đến trước mặt
vua để giả làm một người nước Tề bị bắt vì tội ăn trộm.
Lúc Án Tử đến
nơi, vua Sở làm tiệc thiết đãi tử tế. Ðang giữa cuộc rượu, bỗng thấy hai tên
lính điệu một người bị trói vào:
Vua hỏi:
- Tên kia tội gì
mà phải trói thế?
Lính thưa:
- Tên ấy là một
người nước Tề mắc phải tội ăn trộm.
Vua đưa mắt nhìn
Án Tử hỏi rằng:
- Người nước Tề
hay trộm cắp lắm nhỉ?
Án Tử đứng dậy
thưa rằng:
- Chúng tôi trộm
nghe thấy rằng: cây quất mọc ở đất Hoài Nam thì là quất ngọt, đem sang cấy ở đất
Hoài Bắc thì quất chua, cành lá giống nhau mà quả lại chua ngọt khác nhau là tại
làm sao? Tại vì thủy thổ khác nhau vậy. Nay thân sinh ở nước Tề thì không ăn trộm,
sang ở nước Sở lại sinh ra trộm cắp, có lẽ vì lý do khác nhau về thủy thổ mà nó
sinh ra như vậy chăng?
Sở Vương muốn
làm nhục, làm hại Án Tử nhưng rồi trước bằng chứng về sự thực mà Án Tử đưa ra để
biện minh, Sở Vương đành thúc thủ chịu cái nhục. Nhờ vào sự thật mà hậu quả đã
đột ngột xoay chuyển dự liệu trù tính của kẻ bày mưu. Hoàn cảnh của Sở Vương
lúc này cũng phần nào giống như tâm trạng của các thượng tế và kỳ lão khi họ
lên tiếng muốn bắt bẻ Chúa Giêsu.
Bài trích sách
Dân Số của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay đã tường thuật cho chúng ta về hành vi của
Balaam, một thầy pháp của dân Moab. Ông được trao nhiệm vụ chúc dữ cho dân
Israel dân Chúa. Thế nhưng, khi được đưa lên đỉnh núi Peor, ông lập đàn tế thần
chuẩn bị lời chúc dữ. Nhìn xuống doanh trại của dân Israel, được thúc đẩy bởi
Thần Khí của Giavê Thiên Chúa, một sự thật không thể cưỡng lại khiến cho từ miệng
ông lời chúc dữ đã trở thành lời chúc lành.
Trong bài Tin Mừng,
một cách nào đó câu trả lời của các thượng tế và kỳ lão đặt ra cũng mang hình
thức tìm kiếm sự thật. Tuy nhiên, mục đích của họ lại khác hẳn, họ muốn bắt bẻ Chúa
Giêsu, muốn tìm cớ hại Ngài. Tuy thế, Chúa Giêsu vẫn khoan dung trước
thái độ cố chấp của họ. Ngài đặt ra cho họ một câu hỏi của Ngài không phải là một
sự bắt bẻ hoặc gài bẫy họ để họ có dịp trở lại nhưng Ngài muốn đặt họ trước một
sự thật, đó là Gioan Tẩy Giả kẻ dọn đường Chúa đến với phép rửa thống hối.
Quay ngược thời gian trở về với Gioan Tẩy
Giả, Chúa Giêsu cũng muốn khơi dậy nơi họ khởi động niềm tin vào Ngài, vì Gioan
Tẩy Giả một vị tiên tri lớn của người Do Thái, cuộc đời và lời giảng của ông
không một điểm nào đáng trách, bao người đã đến nghe ông giảng và họ lãnh nhận
phép rửa thống hối. Thế mà chính bản thân ông, Gioan Tẩy Giả chỉ coi mình là tiếng
kêu trong sa mạc, dọn đường cho một Ðấng đến sau ông. Trước Ðấng ấy, ông không
đáng cởi dây giầy cho Ngài.
Lời của Gioan Tẩy
Giả không phải là một câu nói hàm ý tâng bốc nhưng là một chứng từ cho sự thật.
Về sau Chúa Giêsu đã nói rõ: "Trong những con cái do người nữ sinh
ra không một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời
còn lớn hơn ông". Tìm về Gioan Tẩy
Giả và phép rửa của ông, các trưởng tế và các kỳ lão cũng được gọi để chấp nhận
sự thật, thế mà họ vẫn cố chấp và ác ý. Sự cố chấp và ác ý đã khiến họ không thể
trở thành môn đệ của Ngài, không được dạy bảo về Ngài.
Balaam là một
người ngoại giáo nhưng ông đã thành thật, đã khuất phục trước Quyền Năng của
Thiên Chúa, nên ông đã được Thiên Chúa dùng. Còn thượng tế và kỳ lão tuy thuộc
dòng dõi được chọn nhưng vì cứng lòng cố chấp mà đã bị loại ra ngoài. Trong thế giới hôm nay Thiên Chúa cũng vẫn
đang đối thoại, đang mời gọi con người tìm về sự thật. Lời Ngài đã được nói qua
Ðức Kitô một lần thay cho tất cả, mỗi biến cố chỉ là một nhắc nhở tìm về Lời và
đối chiếu với Lời. Thái độ đứng trước Người, Lời đã khiến cho con người được
thưởng hay là bị luận phạt.
Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày - Radio Veritas Asia
Sống Lời Chúa:
Noi gương Chúa Giêsu,
chúng ta luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn thi hành thánh ý Thiên
Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội,
tạo hạnh phúc cho tha nhân.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, ngày xưa Chúa đến đem sự thật giải phóng chúng con, hôm nay trong
tâm tình mong đợi ngày Chúa đến, xin cho chúng con biết tìm về cội nguồn sự thật
để rồi sự thật sẽ soi sáng hướng dẫn hành động của chúng con và sẽ biến chúng
con nên dụng cụ của Chúa dù cho thân con bất xứng chẳng đáng gì.
Lẽ sống:
Cánh tay của người ganh tị và tham lam
Câu chuyện có
tính cách ngụ ngôn sau đây đã xảy ra tại thế kỷ thứ 16 tại Ấn Ðộ. Trong triều
đình có hai viên sĩ quan nổi tiếng vì những đam mê của mình. Một người thì ganh
tị, một người thì tham lam.
Ðể chữa trị những
tính xấu ấy, vua cho triệu tập hai viên sĩ quan vào giữa triều đình. Vua thông
báo sẽ tưởng thưởng hai viên sĩ quan vì những phục vụ của họ trong thời gian
qua. Họ có thể xin gì được nấy, tuy nhiên, người mở miệng xin đầu tiên chỉ được
những gì mình muốn, còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.
Cả hai viên sĩ
quan đều đứng thinh lặng trước mặt mọi người. Người tham lam nghĩ trong lòng: nếu
tôi nói trước, tôi sẽ được ít hơn người kia. Còn người ganh tị thì lý luận: thà
tôi không được gì còn hơn là mở miệng nói trước để tên kia được gấp đôi... Cứ
thế, cả hai đều suy nghĩ trong lòng và không ai muốn lên tiếng trước. Cuối
cùng, vua mới quyết định yêu cầu người ganh tị nói trước. Người này lại tiếp tục
suy nghĩ: thà không được gì còn hơn để tên tham lam kia được gấp đôi. Nghĩ như
thế, hắn mới dõng dạc tuyên bố: "Tôi xin được chặt đứt một cánh
tay...". Hắn cảm thấy sung sướng với ý nghĩ là người tham lam sẽ bị chặt
hai cánh tay. Lắm khi chúng ta không hài lòng về cái
mình có và chúng ta cũng không sung sướng khi người khác gặp nhiều may mắn hơn
chúng ta. Không bằng lòng về chính mình, chúng ta không được hạnh phúc, mà bất
mãn về người khác, chúng ta lại càng đau khổ hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét