PHÚC ÂM: Lc 1,5-25
"Thiên thần Gabriel báo trước việc Gioan Tẩy Giả sinh
ra". (Lc 1,13).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
5 Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê,
có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a ; vợ ông là Ê-li-sa-bét
cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. 6 Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt
Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê
trách được điều gì. 7 Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là
người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên.
8 Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông
đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông : 9 Trong
cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương
trong Đền Thờ của Đức Chúa. 10 Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu
nguyện ở bên ngoài.
11 Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với
ông, đứng bên phải hương án. 12 Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và nỗi sợ hãi
ập xuống trên ông. 13 Nhưng sứ thần bảo ông : "Này ông
Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin : bà Ê-li-sa-bét vợ
ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. 14 Ông sẽ
được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời.
15 Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt
rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh
Thần. 16
Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. 17 Được
đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm
cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng
về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa." 18 Ông
Da-ca-ri-a thưa với sứ thần : "Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy ? Vì
tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi." 19 Sứ thần đáp : "Tôi là
Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và
loan báo tin mừng ấy cho ông. 20 Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến
ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng
nghiệm đúng thời đúng buổi." 21 Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao
ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. 22 Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân
chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm
hiệu cho họ và vẫn bị câm. 23 Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn,
ông trở về nhà. 24
Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. 25 Bà tự
nhủ : "Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục
tôi phải chịu trước mặt người đời."
Suy niệm:
Mỗi người
một sứ mạng Chúa trao
Gần đến lễ
Giáng Sinh, phụng vụ lời Chúa giới thiệu cho chúng ta những thụ thai
lạ lùng.
Thứ nhất là
câu chuyện của vợ ông Manuel trong sách Thủ Lãnh. Bà này tủi nhục vì
thân phận son sẻ của mình. Thiên Chúa đã đoái thương đến cảnh khổ
của bà nên sai sứ thần đến báo tin bà sẽ mang thai. Sứ thần cho bà
biết thai này không phải do khả năng của con người, nhưng hoàn toàn do
Thiên Chúa muốn ban cho vợ chồng bà: “Này, bà là người son sẻ và sẽ không sinh con, nhưng
bà sẽ có thai và sinh một con trai”. Sứ thần còn cho biết sứ
mạng của đứa bé này là “sẽ cứu dân Israel khỏi tay người Philitinh”.
Để Thần Khí
của Đức Chúa có thể ở với nó để nó có thể cứu dân mình, thì
phải tuân theo một số nguyên tắc: Không được uống thức có men, không được
ăn những thứ không thanh sạch, không được cạo râu, hớt tóc… Điều này
nghĩa là một người được thánh hiến cho Thiên Chúa để có thể thi
hành sứ mạng Ngài trao thì phải tuân giữ những kỷ luật rất khắt
khe. Đứa bé đó chính là Samsom. Nhờ cha mẹ và bản thân Samson tuân giữ
đúng theo lệnh truyền của Đức Chúa, nên chàng đã có một sức mạnh
phi thường. Tuy nhiên chính lúc Samson vi phạm lời thề Nadia (Nazir),
thì chàng đã mất tất cả. Nhờ biết hối lỗi và nhớ đến sứ mạng
của mình, nên Samson đã cầu nguyện với Chúa ban cho mình cơ hội cuối cùng
để đoái công chuộc tội. Quả thật Thiên Chúa đã nhậm lời ông để ban
cho ông có lại sức mạnh lần cuối cùng để tiêu diệt quân Philitinh.
Câu chuyện thứ
hai là câu chuyện của vợ chồng ông Giacaria. Vốn là thượng tế, nhưng vợ
chồng ông vẫn mang cảnh tủi nhục vì son sẻ. Nhưng nhờ lời cầu nguyện
tha thiết của hai ông bà, nên Thiên Chúa đã đoái thương đến gia đình ông
trong một lần ông được vào gian cực thánh để dâng lễ vật cho Thiên
Chúa. Cũng vậy sứ thần báo cho ông biết về sự mang thai lạ lùng của
vợ ông, cũng như sứ mạng của đứa bé và điều kiện để đứa bé này
có thể thi hành sứ mạng của mình.
Qua hai câu
chuyện về những đứa bé được sinh ra một cách khác thường, chúng ta
thấy được Thiên Chúa luôn muốn cất khỏi sự tủi nhục cho những người
tin tưởng vào Chúa. Đồng thời, còn cho những đứa bé này trở thành
những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong lịch sử dân tộc của nó. Quan
trọng hơn cả là Thiên Chúa muốn báo cho nhân loại về một Đấng sẽ cứu
cả nhân loại chứ không phải chỉ một dân tộc nào; một Đấng sẽ cất
khỏi mặt đất sự tủi nhục của dân người.
Thiên Chúa cũng muốn trao cho mỗi người
một sứ mạng quan trọng. Vì vậy mỗi người phải có những nguyên tắc để
cuộc sống của họ được gắn bó với Chúa, hầu có thể thi hành sứ
mạng Chúa trao. Để giữ nguyên tắc đó đòi hỏi con người phải có kỷ
luật khắt khe để tránh cho mình bị “ô nhiễm” bởi những điều bất xứng.
Sống Lời Chúa:
Mỗi người chúng ta được sinh ra cũng là một sự kỳ diệu. Chính vì vậy chúng ta phải luôn luôn biết ơn Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dựng nên con và cứu
chuộc con để con được hạnh phúc đời đời. Xin cho con cũng trở thành
dụng cụ để Chúa có thể dùng để cứu người khác. Xin cho con biết
tránh xa những điều xấu và sống gắn bó với Chúa nhiều hơn.
Lẽ sống:
Hợp tác là an
toàn
Ngày nay, khi đi
trên các nẻo đường của nước Thụy Sĩ, người ta lại nhìn thấy một tấm biển lớn,
trên đó trình bày hai chiếc xe hơi, một chiếc màu đỏ, một chiếc màu xanh. Cả
hai xe đi cùng chiều, những người ngồi trên hai xe đang chào nhau, cười với
nhau. Người lái xe xanh đang ra dấu cám ơn lại bằng cách giở mũ chào.
Ở phần dưới tấm
biển có ghi một hàng chữ: "Hợp tác là an toàn". Ðiều này muốn nói
lên rằng giúp đỡ lẫn nhau, đối xử với nhau như người cộng sự, bằng tình bằng hữu
là một đảm bảo cho một cuộc hành trình không nguy hiểm. Tinh thần hợp tác không những chỉ đảm bảo
cho một cuộc sống bình yên trên các lộ trình, mà cũng còn là một đảm bảo cho một
cuộc sống bình yên ở mọi vị trí trong xã hội. Có tinh thần hợp tác là đặt kẻ
khác vào chính vị trí của mình, quan tâm tới họ như quan tâm tới chính mình,
kính trọng, yêu mến, giúp đỡ họ như kính trọng, yêu mến giúp đỡ chính mình vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét