PHÚC ÂM: Mt 11,11-15
"Chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả". (Mt
11,11).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Matthêu.
11 "Tôi nói thật với
anh em : trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông
Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. 12 Từ thời
ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh
sức thì chiếm được. 13 Cho đến ông Gio-an, tất cả các ngôn sứ cũng như
Lề Luật đều đã nói tiên tri. 14 Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an
chính là Ê-li-a, người phải đến. 15 Ai có tai thì nghe.
Suy niệm:
Người Ðược Chúa Khen
Nhìn vào các chi
tiết đã xảy ra cho Gioan Tẩy Giả mà Thiên Chúa đã làm, chúng ta thấy cũng là một
chuyện lạ lùng. Zacharia, cha của Gioan Tẩy Giả, là người thuộc ban Abina, tức
là một tư tế phục dịch trong Ðền Thờ; và Elizabeth, mẹ của ngài, thuộc dòng dõi
Aaron. Cả hai ông bà là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở tuân giữ mọi
giới răn và lề luật của Ngài. Nhưng cả hai người không có con và tuổi đã già cả.
Zacharia đến phiên mình vào dâng hương trong Ðền Thờ khi trúng thăm. Khi vào Ðền
Thờ dâng hương, ông thấy thiên thần Gabriel hiện ra bên phải hương án và cho
ông biết: Bạn ông sẽ sinh một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là Gioan Tẩy Giả, và
con trẻ này sẽ nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa, ngài sẽ không uống rượu và
thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ trong lòng mẹ, sẽ đem nhiều
con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Và thiên thần Gabriel còn cho biết
thêm: Con trẻ là người đi trước dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến.
Rồi khi Mẹ Maria
đến thăm bà Elizabeth, lúc ấy bà đang mang thai Gioan Tẩy Giả được sáu tháng
thì con trẻ trong lòng bà cũng đã nhảy mừng và được khỏi tội tổ tông.
Sau khi Gioan Tẩy
Giả sinh ra, cả hai ông bà muốn đặt tên cho con trẻ là Gioan Tẩy Giả, nhưng bấy
giờ Zacharia đang bị câm không nói được nên ông ra hiệu là đặt tên cho con trẻ
là Gioan Tẩy Giả. Mặc dù mọi người trong dòng họ đều không bằng lòng, vì không ai
trong họ hàng có tên đó.
Từ những sự kiện
trên cho ta thấy Gioan Tẩy Giả được sinh ra một cách khác thường và khắp các miền
núi phía Giuđêa lúc bấy giờ đều nghĩ thầm rằng: Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực bàn
tay Thiên Chúa đã ở với con trẻ này.
Ðiều đó đã được
Chúa Giêsu xác nhận trong bài Tin Mừng hôm nay: "Thật, Ta bảo các ngươi hay, trong con cái
do người nữ sinh ra chưa có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả".
Con người có lẽ ai cũng mong ước được như Gioan Tẩy Giả. Chúng ta cũng thấy
trong một đoạn Tin Mừng khác, lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy thì có một người đàn
bà buột miệng nói rằng: "Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú. Nhưng
Chúa Giêsu lên tiếng: Ai nghe và giữ lời Chúa thì còn có phúc hơn nhiều".
Hoặc chúng ta cũng thấy trong lúc Chúa Giêsu đang thi hành sứ mệnh công khai của
Ngài, Mẹ Maria và các người thân thuộc tìm đến nghe, nhưng vì dân chúng quá đông
không chen vào được, có mấy người thấy thế nói với Chúa Giêsu: "Kìa Mẹ và anh
em Thầy đến tìm Thầy", Chúa Giêsu liền trả lời: "Ai là Mẹ Ta,
ai là anh em Ta? Ðó là những kẻ nghe và giữ lời Ta".
Qua những lời
trên, Chúa Giêsu cho chúng ta một cái nhìn mới, một ý nghĩa mới: thân thuộc, bà
con bằng máu mủ không quan trọng cho bằng thân thuộc bà con thiêng liêng: "Ai theo Ta mà không
từ bỏ cha mẹ anh em thì chưa xứng đáng là môn đệ Ta". Nói thế
không phải chúng takhông tôn kính hay không yêu mến cha mẹ chúng ta, vì giới răn
thứ tư trong Mười Ðiều Răn, Ðức Kitô dạy rằng: "Hãy thảo kính cha mẹ".
Giới răn này nằm sau giới răn thứ nhất: "Thờ phượng Ðức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi
sự".
Chúng ta đừng đặt
nặng vấn đề gia đình, vấn đề tình thân thuộc máu huyết mà chúng ta quên mất việc
thờ Thiên Chúa. Chúng ta cũng đừng tìm danh giá, giàu sang bên ngoài mà quên mất
lương thực Thần Linh nuôi sống chúng ta, đó là Mình và Máu Chúa. Mình Máu Chúa
nuôi sống phần hồn, lương thực Lời Chúa nuôi sống tinh thần chúng ta.
Từ Gioan Tẩy Giả
trở về sau, tức là từ khi Chúa Giêsu Kitô đem ơn cứu rỗi của Thiên Chúa đến cho
nhân loại thì Nước Trời phải dùng sức mạnh mới chiếm lấy được và kẻ nào mạnh mẽ
can đảm mới chiếm được. Trước Chúa Kitô chưa ai có được ơn cứu rỗi cho đến khi Chúa
Kitô chết trên Thánh Giá Ngài mới kéo tất cả mọi sự lên cùng Ngài. Ai muốn nhận
được ơn cứu rỗi đó phải qua cửa hẹp, phải vác thập giá mình mà theo Chúa mới
vào được Nước Trời, vì ngày nào có sự khốn khó của ngày ấy. Theo Chúa để vào
Nước Trời, chúng ta phải chiến đấu với chính bản thân mình, phải từ bỏ những đam
mê, những thói quen không tốt, những việc làm không chính đáng, phải hy sinh
cho người thân quen thuộc trong gia đình, cho tha nhân và làm tất cả những gì
khi có thể để giúp đỡ người khác mới thực sự là dấn thân thi hành giới răn
"Mến Chúa Yêu Người".
Lạy Chúa, xin
cho chúng con luôn hiểu rõ được giá trị của sự yêu thương, tránh tìm những gì hào nhoáng bên
ngoài nhưng thực sự sống cảm thông, yêu thương nhau và tha thứ khoan dung hơn để
mong chờ Ðấng Cứu Thế đến.
Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày - Radio Veritas Asia
Sống Lời Chúa:
Chúa ơi, con biết tìm đâu
ra một hình ảnh Gioan trong đời sống xã hội hôm nay, khi mà nhiều người đang sống
trong ích kỷ, chạy theo lợi nhuận cho riêng mình. Trong thời buổi kinh tế thị
trường, người ta quảng cáo rầm rộ bằng những lời lẽ hấp dẫn, ngọt ngào. Còn
Gioan, ông đã đòi hỏi quyết liệt những ai muốn sống theo Tin Mừng. Ông đã loan
báo Nước Trời bằng lời lẽ cứng rắn: “Ai mạnh sức thì mới chiếm được”.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con ngày nay cũng chai lì như đám dân xưa. Qua giáo huấn của
Giáo Hội, đặc biệt qua Thánh Kinh, đã dạy cho chúng con biết về Chúa. Nhưng
chúng con có mắt mà không nhìn, có tai mà không nghe... để Chúa vẫn còn rất xa
lạ đối với chúng con. Xin Chúa Thánh Thần biến đổi con tim cứng cỏi nơi chúng
con, và thay bằng con tim biết yêu thương. Ðể chúng con dễ dàng tin nhận Ðức
Giêsu, Ðấng Cứu Ðộ chúng con.
Lẽ sống:
Quyền con người
Ngày mồng 10
tháng 12 năm 1948, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc đã long trọng tuyên bố bản tuyên
ngôn quyền con người... Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử nhận loại, cộng đồng
thế giới đã đảm nhận trách nhiệm quảng bá và bênh vực quyền con người như một
nghĩa vụ trường kỳ.
Khoản 1 và 2 của
bản tuyên ngôn nhân quyền đã khẳng định rằng: Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng
trong phẩm giá và quyền lợi, và mỗi một cá nhân, không phân biệt chủng tộc, màu
da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc hay xã hội...
đều được hưởng mọi quyền lợi và tự do, được công bố trong bản tuyên ngôn.
Trong 21 khoản đầu
của tuyên ngôn, chúng ta có thể kể ra những quyền cơ bản sau đây: quyền được sống, được
tự do và được đảm bảo an ninh cá nhân, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền
không bị tra tấn hay chịu những hình phạt độc ác, vô nhân đạo hay chà đạp phẩm
giá con người, quyền được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một
cách bình đẳng, quyền được nại đến sự xét xử của những tòa án quốc gia có thẩm
quyền, quyền không bị bắt giữ, giam cầm hay dày ải trái phép, quyền không bị độc
đoán vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, quyền được đi lại, quyền
được cư trú, quyền được một quốc tịch, quyền được kết hôn và lập gia đình, quyền
được sở hữu, quyền được tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự
do phát biểu, tự do hội họp.
Ðó là một số những quyền và tự do cơ bản của
con người.
Bản tuyên ngôn
nhân quyền đã được công bố một thời gian ngắn sau đệ nhị thế chiến. Thảm kịch của
chiến tranh đã cho nhân loại mỗi lúc một hiểu rằng hòa bình chỉ thực sự có khi
con người biết tôn trọng quyền lợi và tự do căn bản của con người. Ngược lại,
nơi nào quyền con người bị phủ nhận và chà đạp, thì cho dẫu không có chiến
tranh đẫm máu, người ta chỉ sống trong một thứ hòa bình giả tạo mà thôi.
Nhìn nhận và tôn
trọng quyền con người là bổn phận hàng đầu của người Kitô chúng ta vì chúng ta
tin nhận rằng con người đã được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và được
cứu rỗi bằng chính Máu của Ðức Kitô. Ðó là tất cả phẩm giá của con người.
Với ý thức ấy,
người Kitô luôn được kêu mời để nhận ra hình ảnh và sự hiện diện của Thiên Chúa
trong mọi người và mỗi người, nhất là những người kém may mắn, cùng khổ nhất.
Trong một cuộc
phỏng vấn dành cho ký giả Edward Desmond được đăng trên tạp chí Time số ra ngày
04 tháng 12 năm 1989, Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình
năm 1979 vì công tác phục vụ người nghèo tại Ấn Ðộ, đã xác quyết về công cuộc của
Mẹ: đó là cái nhìn tôn trọng đối với người nghèo. Ðược hỏi: ơn cao trọng nhất
mà Chúa đã ban cho Mẹ là gì? Vị sáng lập dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái đã đáp gọn:
"Ðó là người nghèo". Bởi vì, theo Mẹ
Têrêxa, với người nghèo Mẹ có dịp ở với Chúa Giêsu 24 giờ mỗi ngày. Mẹ nói:
"Họ là Chúa
Giêsu đối với tôi. Tôi tin tưởng ở điều đó còn hơn là làm những điều lớn lao
cho họ".
Nhìn
những người nghèo, những người cùng khổ, những người bị xã hội tước đoạt mọi
quyền lợi và bị đẩy ra bên lề, như chính hiện thân của Chúa Giêsu: đó phải là
cái nhìn và động lực của mọi hoạt động của người Kitô chúng ta. Tôn trọng nhân
quyền, bệnh vực nhân quyền là thế đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét