Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Lời Chúa: Thứ Năm sau Chúa nhật I Mùa Vọng 03.12.2015

THÁNH PHANXICO XAVIE, LINH MỤC. Bổn mạng các xứ truyền giáo. Lễ kính.
Thánh Phanxicô chào đời tại Tây Ban Nha năm 1506. Khi đang học văn chương ở Pa-ri, người nhập đoàn với thánh I-nha-xi-ô. Người chịu chức linh mục ở Rôma năm 1537 và chăm lo thực hành việc bác ái. Năm 1541, người lên đường sang phương Đông. Trong mười năm, người can đảm loan báo Tin Mừng cho người Ấn Độ và Nhật Bản, giúp cho nhiều người hoán cải mà đón nhận đức tin. Người qua đời năm 1552 ở đảo Xanxian, cửa ngõ vào Trung Quốc.

PHÚC ÂM: Mc 16,15-20
"Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng". (Lc 16,15)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Macco.
15 Người nói với các ông : "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ." 
19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
  
Suy niệm:
Nhiệt thành tông đồ

Đọc các thư của thánh Phanxicô Xavier, ai cũng phải nhìn nhận đó là một con người hoàn toàn vị tha. Ngài luôn luôn nghĩ đến người khác, không màng đến lợi lộc, danh vọng, địa vị, và cả đến mạng sống mình nữa. Có khi ngài quan tâm đến một thanh niên cần chút vốn để về quê; có khi là một cô gái mồ côi vô danh cần lấy chồng. Tuy nhiên, quan tâm lớn nhất của ngài là phần rỗi linh hồn người ta. Chúa Giêsu nói: “Được lời lãi cả thế gian mà đánh mất sự sống mình thì nào được ích gì?” (Mt 16,26). Tính cách triệt để của câu nói ấy hẳn là đã thôi thúc trái tim vị tha của thánh Phanxicô Xavier. Ngài coi việc cứu rỗi các linh hồn là tối quan trọng và khẩn cấp, không gì có thể thay thế được. Chính vì vậy, ngài đi hết nơi này đến nơi khác, làm như không biết mệt mỏi và sợ hãi. Phải nói là ngài đã gào thét ‘như kẻ mất trí’ để kêu gọi giới học thức đừng chỉ vùi đầu vào sách vở để tìm kiếm vinh hoa phú quí, nhưng biết dấn thân cứu vớt các linh hồn. Ngài đòi các quan chức Bồ Đào Nha, và cả vua Joao III, phải tích cực giúp đỡ công cuộc truyền giáo. Trước mắt nhiều người, hẳn ngài là một kẻ quấy rầy dai dẳng. Tuy nhiên, ngài không chỉ kêu gào: chân trời góc biển nào ngài cũng có thể đến, bất chấp mọi khó khăn và nguy hiểm.
Ngài không chỉ là một tông đồ đơn độc. Mở được một con đường, ngài tìm người đến địa điểm mới để giúp đỡ các linh hồn ở đó. Dĩ nhiên người đặc biệt để ý đến Dòng Tên, dù mới khai sinh, nhưng rất năng động. Ngài xin Dòng ở Châu Âu gửi người sang tăng cường. Ngài tiếp nhận Học viện Thánh Phaolô ở Goa, rồi mở các trường học khác, để chuẩn bị cho tương lai. Gửi anh em đến các nơi, ngài hướng dẫn cách sống và cách làm việc, an ủi khi gặp khó khăn, khích lệ khi có kết quả, sửa bảo khi cần thiết. Ngài thấy điều quan trọng nhất nơi các thừa sai ở Ấn Độ là sức khỏe dẻo dai và đức hạnh vững chắc, để đối diện với hoàn cảnh hết sức khó khăn, để vượt qua những thử thách và cám dỗ, và để nêu gương sáng cho mọi người. Ngay từ đầu, ngài đã nghĩ đến việc gầy dựng hàng giáo sĩ bản xứ. Mặc dầu kinh nghiệm nhiều lần cho thấy là khó khăn, nhưng ngài vẫn quyết tâm theo đuổi. Cũng có lúc ngài hầu như ngã lòng, nhưng được thánh I-nhã khích lệ, ngài lại dứt khoát hơn. Đây là một trong những lý do chính khiến xảy ra bất đồng giữa ngài với cha Antonio Gomes, để rồi cuối cùng ngài phải khai trừ cha này ra khỏi Dòng Tên.
Đứng trước mọi vấn đề, quan điểm của ngài luôn luôn là quan điểm tông đồ. Trên tàu từ Bồ Đào Nha đi Ấn Độ, người ta khuyên ngài nên nhận một người giúp việc, nhưng ngài từ chối. Ngài tự giặt quần áo lấy. Phần ăn, ngài nhận từ bàn vị Tổng Trấn, dùng vừa đủ, những gì còn lại chia cho người nghèo. Phòng dành cho ngài, ngài cho người bệnh ở, còn chính mình ra nằm ngủ ở đống thừng chão, bên cạnh những thanh niên nghèo đi tha phương cầu thực. Khi có người bệnh, ngài chăm sóc phần xác và phần hồn. Con tàu chở ngài vượt biển được ngài biến thành giáo điểm. Ở Goa, trong lúc chờ đợi hai bạn đồng hành đến sau, ngài đi dạy giáo lý cho trẻ em, đi giảng cho người lớn, đi thăm bệnh viện, trại giam và trại phong. Chưa làm tông đồ ở địa điểm của mình được, ngài làm tông đồ ngay tại nơi lẽ ra người khác chỉ ngồi chờ. Khi xảy ra tranh chấp giữa các tiểu vương địa phương, ngài luôn luôn chủ trương chính quyền Bồ Đào Nha phải can thiệp để giúp đỡ công việc truyền giáo. Trong khi ngài chỉ chú tâm vào việc giúp đỡ các linh hồn, các quan chức Bồ Đào Nha thường lại chỉ chú tâm vào lợi lộc vật chất, do đó nảy sinh bao mâu thuẫn. Khi thấy ở Ấn Độ hoạt động tông đồ gặp nhiều trở ngại, không tiến lên được, vì các tín hữu bản xứ ‘bị mẹ Ấn Độ ruồng rẫy, cha Bồ Đào Nha khinh bỉ’, trong khi ở các nơi khác như Maluku, Nhật Bản, Trung Hoa, lại có triển vọng, ngài ra đi.
Vừa để duy trì vừa để phát triển hoạt động tông đồ, những người được sai đi phải giữ bầu khí yểu thương. Chúa Giêsu nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em thương yêu nhau” (Ga 13,15). Chúa cũng cầu nguyện với Chúa Cha: “Xin cho chúng nên một để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,23). Hàng ngũ giáo sĩ và tu sĩ ở Ấn Độ lúc ấy có Đức Giám Mục, vị Tổng Đại Diện, các đại diện giám mục ở mỗi địa điểm quan trọng, các linh mục triều khác, các thừa sai dòng Thánh Phanxicô và dòng Thánh Đaminh, cuối cùng là Dòng Tên. Phải hợp tác với nhau, thăm viếng giúp đỡ nhau, không nói xấu nhau, tránh làm gương xấu cho giáo dân. Đặc biệt phải tôn trọng Đức Giám Mục và các đại diện của ngài. Riêng trong nội bộ Dòng Tên, một mặt phải giữ kỷ luật chặt chẽ, mặt khác, và hơn nữa, phải giữ cho được bầu khí yêu thương. Thánh Phanxicô Xavier đưa ra một định nghĩa thời danh: “Dòng Tên là dòng yêu thương”. Không có cưỡng ép, nhưng phải chia sẻ. Ngài luôn luôn muốn biết tin tức về từng anh em ở Ấn Độ cũng như ở Châu Âu. Đặc biệt là lòng yêu mến ngài dành cho thánh I-nhã và các bạn đầu tiên của Dòng: lúc ngài qua đời, người ta thấy trên cổ ngài đeo một gói nhỏ, trong đó có bản lời khấn của ngài và chữ ký của các bạn ngài cắt từ các lá thư nhận được.
Thánh Phanxicô Xavier là một tông đồ di động. Ngài không phải là người có máu du lịch. Trước khi gặp thánh I-nhã, ngài ước mơ làm giáo sư, làm bác sĩ hay làm giám mục… để được hưởng vinh hoa phú quí. Ngài không hề ước mơ theo vết chân cha Colombo sang Châu Mỹ hay Vasco da Gama sang Châu Á, như cha Cosma de Torres chẳng hạn. Hơn nữa, là dân miền đồi núi, ngài xa lạ với biển. Một trong những điều gây ấn tượng mạnh nhất đối với ngài là những nguy hiểm trên biển. Dầu vậy, ngài đã vượt gần 100.000 cây số đường biển. Theo tính toán của cha X. Léon-Dufour, S.J., trong mười hai năm hoạt động truyền giáo, thánh Phanxicô Xavier ở trên biển ba năm bảy tháng, tức là cứ ba ngày thì có một ngày trên biển, và mỗi ngày di chuyển trung bình 60 km. Ngài tự coi mình là người mở đường cho anh em, Dòng Tên cũng như các thừa sai khác. Và khi mở ra được một con đường, ngài vui mừng, rồi lại đi mở con đường khác. Một cha Dòng Tên cùng ở Ấn Độ với ngài nói: ngài không ở đâu yên được quá hai tuần lễ! Một cha khác nói: ngài không ngồi yên được bao giờ!
Chúng ta chỉ có thể lấy lời của Thánh Phaolô để hiểu được sự thôi thúc thâm sâu và mãnh liệt trong trái tim thánh Phanxicô Xavier: “Chúng tôi có điên thì cũng vì Thiên Chúa; chúng tôi có khôn thì cũng vì anh em: Tình Yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5, 13-14)
Trích: dongten.net

Sống Lời Chúa:
Sống tốt lành thánh thiện để làm gương sáng cho người khác vì như người ta vẫn thường nói: “Lời nói như gió lung lay, gương bày như tay lôi kéo”.  Gương sáng có tính thuyết phục và hấp dẫn hơn lời nói. “Người thời này không thích những thầy dạy cho bằng nhân chứng”. (ĐGH Phaolô VI).

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã từng băn khoăn khắc khoải “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, Chúa muốn mỗi người hãy là những tay thợ gặt lành nghề. Xin cho chúng con biết cùng cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết khả năng và sức lực mà Chúa ban, theo gương của thánh Phanxicô-Xaviê mà Giáo hội mừng kính hôm nay.

Lẽ sống:
Giác Ngộ

"Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?"... Lời thách thức này của Tin Mừng đã khiến cho một vị giáo sư  trẻ tuổi bỏ tương lai đầy hứa hẹn, bỏ tất cả để chỉ còn đeo đuổi một mục đích duy nhất trong cuộc đời: sự sống đời đời của chính mình và của người đồng loại.
Vị giáo sư trẻ tuổi đó chính là Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng của các xứ truyền giáo, mà hôm nay Giáo Hội kính nhớ... Chưa tròn 25 tuổi, Phanxicô đã nổi tiếng như một giáo sư triết học tài ba tại đại học Paris. Giữa lúc danh vọng đang đến, Phanxicô Xaviê đã nhận được những lời thách thức trên đây từ người bạn thân Inhaxiô Loyola.
Không còn chống cưỡng lại với lời Chúa, Phanxicô Xaviê đã đến Montmartre để cùng với Inhaxiô sống đời khó nghèo, khuyết tịnh và phục vụ tông đồ, theo những chỉ dẫn của Ðức Thánh Cha.
Năm 1537, nghĩa là 3 năm sau khi đã tuyên khấn, Phanxicô lãnh chức linh mục. Từ Italia, ngài sang Lisboa của Bồ Ðào Nha để lên đường đi truyền giáo tại Ấn Ðộ. Trong 10 năm ngắn ngủi, Phanxicô Xaviê đả rảo bước đi khắp nơi để đem Tin Mừng đến cho dân tộc Nhật Bản, Mã Lai và Ấn Ðộ. Cuộc sống của ngài là một chia sẻ cảm thông sâu xa với những người nghèo khổ nhất... Chưa đạt được giấc mơ đặt chân đến Trung Hoa và Việt Nam, thánh nhân đã qua đời trong kiệt sức, tại một hải đảo cách Hồng Kông 100 cây số. Bị những người lái buôn Bồ Ðào Nha bỏ rơi trên bãi cát, thánh nhân đã qua đời trong sự trơ trụi nghèo nàn.
Danh vọng, tiền tài, ngay cả sức khỏe... tất cả đều được đốt cháy để tìm được niềm vui đích thực cho tâm hồn và mang niềm vui đó đến với mọi người: đó là sứ điệp mà thánh Phanxicô Xaviê đã để lại cho tất cả chúng ta...
"Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột"... Có lẽ người ta thường dùng câu nói trên đây không những để nói lên tính cách tương đới của đau khổ, mà còn để nói lên ngay cả sự tương đới của hạnh phúc.
Sau những tháng năm ăn độn, ăn rau, những người nghèo có thể hớn hở reo vui khi được bữa cơm trắng với chút thịt cá. Sau những tháng năm tù đày, một người vừa mới được phóng thích sẽ reo hò sung sướng khi được đi lại tự do, khi được thở không khí trong lành...
Những người giàu có, ngày nào cũng yến tiệc linh đình sẽ thèm khát đôi chút cá kho, mắm cà của người nghèo khổ... Những đứa trẻ giàu có ở đô thị có lẽ sẽ thèm khát những giây phút được cưỡi trâu hay tắm ao của những chú bé nghèo ở nhà quê...
Tựu trung, vấn đề cơ bản nhất của con người vẫn là đi tìm hạnh phúc. Và cuối cùng, sau những miệt mài tìm kiếm, ai cũng nhận thấy rằng mình sẽ không bao giờ đạt được hạnh phúc đích thực và trường cửu trên trần gian này. Kẻ đứng ở núi này sẽ luôn nhìn sang núi nọ...
Chúa Giêsu đã đề ra cho chúng ta một bí quyết của hạnh Phúc: Ai muốn cứu mạng sống mình, sẽ mất và ai mất  mạng sống mình vì Ta sẽ gặp lại... Chỉ có một niềm vui đích thực đó là sống trọn vẹn cho Chúa. Chỉ có một điều quan trọng nhất trong cuộc sống: đó là lắng nghe lời Chúa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét