PHÚC ÂM: Mt 1,1-25
"Dòng dõi Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít". (Mt 1,1)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Mattheu.
1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con
cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham :
2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác ; I-xa-ác
sinh Gia-cóp ; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này ; 3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét
và De-rác ; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron ; Khét-xơ-ron sinh A-ram ; 4 A-ram
sinh Am-mi-na-đáp ; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son ; Nác-son sinh Xan-môn ; 5
Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át ; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết ; Ô-vết sinh Gie-sê ;
6 ông
Gie-sê sinh Đa-vít. Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn ; 7
Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am ; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia ; A-vi-gia sinh A-xa ; 8 A-xa
sinh Giơ-hô-sa-phát ; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram ; Giô-ram sinh Út-di-gia ; 9
Út-di-gia sinh Gio-tham ; Gio-tham sinh A-khát ; A-khát sinh Khít-ki-gia ; 10
Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se ; Mơ-na-se sinh A-môn ; A-môn sinh Giô-si-gia ; 11
Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này ; kế đó là thời lưu đày ở
Ba-by-lon. 12
Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên ; San-ti-ên sinh
Dơ-rúp-ba-ven ; 13
Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút ; A-vi-hút sinh En-gia-kim ; En-gia-kim sinh A-do ;
14
A-do sinh Xa-đốc ; Xa-đốc sinh A-khin ; A-khin sinh Ê-li-hút ; 15
Ê-li-hút sinh E-la-da ; E-la-da sinh Mát-than ; Mát-than sinh Gia-cóp ; 16
Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng
Ki-tô. 17
Như thế, tính chung lại thì : từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời
; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời ; và từ thời lưu
đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời. 18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su
Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai
ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông
Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định
tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần
Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng
ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa
Thánh Thần. 21
Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ
cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." 22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm
lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ :
23
Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con
trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta." 24 Khi tỉnh
giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. 25 Ông
không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ
là Giê-su.
Suy niệm:
Gia Phả Chúa Giêsu Kitô
Ðể ứng nghiệm Lời
Chúa hứa ban ơn cứu chuộc sau khi Adam và Eva tổ tiên con người phạm tội, Kinh
Thánh đã có câu: "Này
đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và tên con trẻ sẽ gọi là
Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta".
Trong bài Tin Mừng
hôm nay, thánh Matthêu đã kể lại gia phả của Chúa Giêsu để gợi lên cho chúng ta
biết rằng, Thiên Chúa đã chuẩn bị chương trình cứu rỗi của Ngài trải qua dòng
thời gian rất lâu dài, chu đáo và kỹ lưỡng. Thiên Chúa đã chọn tổ phụ Abraham
là mẫu gương cho những ai tin Ngài và Abraham được gọi là cha các kẻ tin. Ðức
tin là điều kiện tiên quyết khi chúng ta gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo. Chính
khi bắt đầu gia nhập vào Giáo Hội, Linh Mục hỏi: "Con xin gì cùng Hội
Thánh". Chúng ta thưa: "Thưa, con xin đức tin".
Khi Thiên Chúa gọi
Abraham ra đi để làm cha các dân tộc dù ông đang ở tuổi già. Thường ở lứa tuổi
này ít ai dám mạo hiểm xông pha để khám phá những nơi rừng núi nguy hiểm đang đón
chờ mà trí óc già cả lẩm cẩm không thể dễ dàng suy tính nhanh nhẹn, xoay sở, ứng
biến y như hồi còn trẻ được. Thiên thần với hình dáng của một người qua đường đến
báo với ông rằng bà Sara, vợ ông mặc dù đã già nhưng vào thời kỳ này qua năm bà
sẽ sinh con, và Sara cười có vẻ mỉa mai vì không tin, nhưng ông, ông vẫn tin tưởng
việc Chúa làm.
Rồi khi sinh được
đứa con trai duy nhất là Isaac, Thiên Chúa lại muốn thử thách lòng tin của ông
một lần nữa, Ngài truyền đem Isaac lên núi để hiến tế. Dù rất đau lòng vì tình
phụ tử dạt dào nhất trong cảnh cha già con muộn, Abraham vẫn lẳng lặng cúi đầu,
cặm cụi mò mẫm lê tấm thân già nua cùng với đứa con leo lên núi cao để sát tế
con độc nhất của mình dâng cho Thiên Chúa. Từ lòng tin kiên vững và sâu xa đó,
Abraham đã được hưởng lời Chúa hứa: "Abraham là cha các dân tộc đông đúc như sao trên trời,
như cát dưới biển". Dòng họ này kế tiếp dòng họ kia, từ Abraham
đến vua David có mười bốn đời, từ vua David đến thời kỳ lưu đày ở Babylon gồm
có mười bốn đời. Tổng cộng từ Abraham đến Chúa Giêsu là đời thứ bốn mươi hai.
Ðiểm thứ hai
trong bài Tin Mừng hôm nay gợi lên một cái nhìn chân xác: "Xem quả thì biết cây". Cây
tốt sinh trái tốt. Không thể tìm hoa hồng nơi bụi cỏ gai rậm rạp được. Chúng ta
cũng thường nghe nói: "Hổ Phụ Sinh Hổ Tử", cha mẹ hiền lành chắc
hẳn con cái không hung dữ được, hoặc "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh".
Là người Kitô hữu thì tất cả mọi người đều
là anh em với nhau, có Thiên Chúa là Cha, Ngài là Ðấng nhân từ, khoan dung, yêu
thương và đầy lòng tha thứ. Chúng ta học theo tính tình người Cha, bắt chước
Cha để trở nên khoan dung độ lượng, yêu thương và tha thứ. Không một lý do
gì mà chúng ta không ăn ở thuận hòa với nhau trong cuộc sống, không một lý do
gì mà chúng ta không yêu thương hiệp nhất nối kết chúng ta lại với nhau trong
tình yêu của một Cha chung. Những thiếu sót, khuyết điểm lầm lỗi của nhau không
còn cản trở tình thương đang đổ chan hòa trên chúng ta là con cái yêu thương của
một người Cha nhân từ. Yêu nhau không phải là nhìn nhau nhưng là cùng nhìn về một hướng,
hướng đó là hướng đích điểm nhắm về Cha là Thiên Chúa. Ðừng để những
gai nhọn hai bên đường làm chúng ta mất thì giờ dừng lại trên con đường dài thăm
thẳm tiến về Nước Trời để rồi chúng ta không tiến bước được về nhà Cha là nơi
Cha vĩnh cửu luôn yêu thương và chờ đón chúng ta.
Lạy Chúa, xin
cho chúng con ý thức được Chúa đã chuẩn bị chương trình cứu rỗi yêu thương của
Thiên Chúa như thế nào đối với nhân loại, trong đó có chúng con để chúng con cố
gắng sống xứng đáng với lòng yêu thương mà Chúa đã dành cho chúng con.
Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày
Sống Lời Chúa:
Sách gia phả xác định danh
tính của Chúa Giêsu. Ngài là “Con vua Đavít
và con của Abraham” (Mt 1:1). Con của
vua Đavít, là để đáp ứng sự mong đợi của dân Do Thái (2Sm 7:12-16). Con của Abraham, là một nguồn ân phúc cho mọi
dân tộc (St 12:13). Cả người Do Thái lẫn
dân ngoại đều nhìn thấy niềm hy vọng của họ được thực hiện trong Chúa Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa đã chọn Abraham làm cha các kẻ tin. Xin ban cho chúng con có một
niềm tin kiên vững và mạnh mẽ để chúng con tìm thấy thánh ý Chúa trong cuộc sống
hằng ngày trên con đường tiến về quê trời. Không phải chúng con tìm thấy hoa nở
hai bên đường nhưng xin Chúa ban thêm nghị lực, kiên nhẫn, bình an và lạc quan để
chúng con vững bước về với người Cha đầy thân yêu nhân ái đang chờ đón chúng
con.
Lẽ sống:
Cặp kính lão
Tại một viện dưỡng
lão nọ, ai ai cũng cảm thấy vui, vì ngày Giáng Sinh sắp đến. Lễ Giáng Sinh
không những là lễ của nhận quà, mà còn là của tặng quà nữa. Cho nên, dù không
dư dả, các lão ông lão bà cũng cặm cụi suốt ngày để chuẩn bị một món quà gửi tặng
cho thân nhân, người quen.
Duy chỉ có một
bà lão xem chừng như dửng dưng trước những rộn rịp xung quanh. Bà ngồi trong một
góc nhà, gặm nhấm từng nỗi cô đơn của mình. Bà không còn một người thân nào
trên trần gian này. Kỳ thực, bà còn một người con trai, nhưng người con ấy kể
như đã chết với bà. Từ lâu, anh đã bị giam trong một trại khổ sai chung thân.
Dù vậy, đối với trái tim của
một người mẹ, một đứa con, cho dù có đốn mạt đến đâu, vẫn là một người con.
Cũng như những lão ông lão bà khác, người đàn bà đáng thương cũng đã có ý nghĩ
gửi một món quà cho đứa con bạc phước của mình. Nhưng bà không có một đồng xu
dính túi. Tất cả tài sản của bà chỉ là cặp kính lão còn đeo trên mắt... Người
đàn bà ước ao được gửi cho người con của mình một gói thuốc lá. Một gói thuốc
không là bao, nhưng gói trọn tình thương mà bà vẫn dành cho anh.
Bà đi trao đổi với
các cụ già, nhưng không ai có gì để trao tặng bà. Cuối cùng, có một ông lão còn
một gói thuốc lá, loại thuốc mà có lẽ con trai bà ưa thích. Nhưng trong viện dưỡng
lão này, dường như ai cũng sống theo nguyên tắc "có qua có lại". Lão
ông chỉ trao cho bà gói thuốc với điều kiện bà cũng trao tặng cho ông một món
quà nào đó.
Người đàn bà
đành lấy cặp kính khỏi đôi mắt và trao cho ông lão. Gương mặt người đàn ông
sáng rỡ lên vì ông đã có thể đọc được tỏ tường. Cuộc trao đổi chấm dứt. Người đàn bà gói bao
thuốc lá lại thành một món quà Giáng Sinh quý giá để gửi tặng cho con.
Trở lại góc
phòng của mình, người đàn bà làm một cử chỉ máy móc: bà đưa tay lên mắt để để sửa
lại cặp kính lão. Nhưng cặp kính không còn nữa. Dù vậy, người đàn bà cảm thấy
vui hơn bao giờ hết: bởi vì người con trai của bà nơi trại khổ sai sẽ vui vì nhận
được quà Giáng Sinh, bởi vì lão ông trong viện dưỡng lão sẽ đọc được báo trong
những ngày Giáng Sinh.
Quà tặng chỉ có ý nghĩa khi nó là biểu tượng
của người tặng. Người tặng quà không chỉ gửi đi một cánh thiệp, một cái áo, một
chiếc bánh, một món đồ chơi, mà gói ghém tất cả tình cảm, sự biết ơn, lòng ngưỡng
mộ, tâm tình thương mến của mình. Một cách nào đó, khi tặng quà, chúng ta muốn
trao tặng chính bản thân mình.
Do đó, sự trao tặng
nào cũng là một mất mát: mất mát một chút tiền của, mất mát một ít thì giờ. Sự
mất mát càng lớn, thì quà tặng càng có giá trị. Bà cụ trong viện dưỡng lão trên
đây quả thực đã mất mát nhiều: bà đã mất đi một phần ánh sáng của mình. Nhưng
bù lại, niềm vui của người con và niềm vui của người đồng viện của bà sẽ lớn
hơn. Mất đi một chút ánh sáng để cho người khác được thấy, chấp nhận một chút
đau khổ để cho người khác được vui, thua thiệt một phần để cho người khác được
cười: đó là tất cả ý nghĩa của sự tặng quà đích thực.
Nhưng đó cũng là
niềm vui đích thực, bởi vì niềm vui của người chính là niềm vui của ta. Mục đích của quà tặng là làm cho người khác được vui.
Do đó, niềm vui của người khác phải là quà tặng đích thực mang lại niềm vui cho
ta.
Ðó chính là nghịch
lý của Kitô Giáo chúng ta. Càng trao ban, càng mất mát, chúng ta càng được nhận
lãnh. Chúng ta sẽ khám
phá được nghịch lý ấy trong những ngày mừng lễ Giáng Sinh. Niềm vui của Thiên
Chúa, Vinh Danh của Ngài, quà tặng cao cả nhất mà Ngài đã trao tặng cho chúng
ta: đó là Người Con Một của Ngài. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con
Một của Ngài. Chúng ta đón nhận qùa tặng của Thiên Chúa
với tất cả cảm mến tri ân. Nhưng mùa Giáng Sinh không chỉ là mùa của nhận quà,
mà còn là mùa của tặng quà nữa. Chúng ta hãy dâng tặng Thiên Chúa tất cả con
người của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét