PHÚC ÂM: Mt 9,35-10,1.6-8
"Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động
lòng xót thương họ". (Mt 9,36)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc,
giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các
bệnh hoạn tật nguyền.
36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng
thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : Lúa
chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra
gặt lúa về."
1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền
trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà
Ít-ra-en. 7 Dọc đường hãy rao giảng
rằng : Nước Trời đã đến gần. 8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho
người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không,
thì cũng phải cho không như vậy.
Suy niệm:
Sứ Mệnh
Tông Ðồ
Chú ý đến những
thái độ trên của Chúa Giêsu, chúng ta có thể khám phá ra những sự thật hữu ích
cho cuộc đời theo Chúa của mỗi người, nhất là của những ai dấn bước theo Chúa,
cách đặc biệt hơn là những kẻ "Tận Hiến" cuộc đời làm chứng cho Chúa.
Dung mạo tinh thần xung quanh và trước mặt Chúa Giêsu thời Ngài cũng như của thời
đại chúng ta hôm nay được Chúa mô tả như lầm than, vất vả, bơ vơ như đàn chiên
không có người chăn dắt, bị lạc mất lý tưởng sống, đang tự tranh đấu để sống
còn.
Trong đoạn này
những điểm tiêu cực nhiều hơn là tích cực, như bơ vơ, lạc lõng, đã bỏ mất hay
không biết gì đến giá trị nhân bản Kitô. Ðó là đoàn người của một xã hội bị trần
tục hóa trầm trọng của ngày hôm nay. Diễn phác môi trường như thế, Chúa Giêsu
không có chút trách móc, khinh thị, tránh né mà nhìn đó như một lời mời gọi dấn
thân yêu thương, đó là mùa lúa chín một cơ hội ngàn vàng để biểu lộ tình yêu thương
đối với anh chị em.
Sự nhỏ mọn tầm
thường nơi tâm hồn có thể làm cho chúng ta có một thái độ tranh chấp, khinh thị,
rút lui, nhưng đó không phải là thái độ của chính Chúa Giêsu khi Ngài nhìn thấy
đoàn người khủng hoảng tinh thần như đoàn chiên không người chăn dắt, vả lại
Chúa Giêsu đã yêu thương họ. Ðây không phải là một sự chạnh lòng thương, không
phải là một tâm tình thương hại, tôi nghiệp chóng qua nhưng là một tình thương
sâu thẳm từ đáy tâm hồn của Chúa Giêsu.
Qua đoạn Tin Mừng trên, chúng ta thấy tâm
hồn Chúa Giêsu tràn đầy tình thương khi nhìn thấy nhu cầu dân chúng đang bị lạc
hướng như đàn chiên không người chăn dắt. Tâm hồn Ngài xúc động tận trong thâm
tâm, vì Ngài tràn đầy tình thương đối với họ, Ðó là bí quyết của đời sống Tông đồ
của mọi đồ đệ theo Chúa. Ðược Chúa mời gọi làm chứng nhân của tình thương
cho tình thương thì những sự dữ, những tiêu cực của môi trường chúng ta sinh sống
ngày nay là những cơ hội ngàn vàng để chúng ta sống tình thương mà Chúa đã ban
tặng cho các đồ đệ của Ngài.
Tư tưởng thứ hai
mà bài Phúc Âm gợi lên cho chúng ta là những hành động của Chúa Giêsu: Chúa gọi
các Tông đồ, ban cho họ quyền hành như Chúa, trừ các tà thần, giải phóng con người
khỏi làm nô lệ cho sự dữ, cho ma quỉ, chữa lành các bệnh tật, thăng tiến cuộc sống
con người. Chúa sai các Tông đồ đi rao giảng bằng các chỉ thị, mặc dù đây mới
chỉ là sai các ngài đi thử nghiệm lúc ban đầu. Cuộc sai đi chính thức sau này sẽ
được thực hiện khi Chúa đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc của Ngài sau biến cố Phục
Sinh.
Những hành động
của Chúa phát đi từ tình thương của Ngài đối với con người. Nhìn công việc của
người khác chúng ta có thể nói trọn vẹn sứ mạng của Giáo Hội, mọi thành phần của
Giáo Hội, mọi thành phần đích thực của Chúa đều phát sinh từ tình yêu Thần Linh
hiện diện nơi con tim phàm trần. Người đồ đệ của Chúa cần phải được thanh luyện,
cần phải được biến đổi, được thay thế quả tim xác thịt bằng một quả tim mới
tràn đầy tình yêu thương thần thiêng. Toàn thể cơ cấu Giáo Hội trong sứ mạng
rao giảng Tin Mừng được xây dựng trên nền tảng tình yêu thương thần thiêng này.
Chính nơi đây, chúng ta được hiểu thêm hay hiểu lại câu nói của thánh Phaolô
Tông đồ viết về bí quyết đời sống Tông đồ của ngài: "Tình
yêu Chúa Kitô thúc bách tôi".
Chúa Giêsu thấy đám
đông liền chạnh lòng thương. Tâm hồn Ngài tràn ngập tình thương, Ngài xúc động
tận thâm tâm trước nhu cầu của dân chúng đang bị lạc hướng như đoàn chiên không
người chăn dắt. Ngài lên tiếng mời gọi các Tông đồ, những con người tầm thường
hãy theo Ngài, hãy để Ngài biến đổi thành những chứng nhân tình yêu. Thái độ đáp trả duy
nhất của mỗi người chúng ta là để cho tình yêu thần thiêng Chúa biến đổi và
thôi thúc chúng ta hành động: "Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi".
Trong khiêm tốn
và trong thinh lặng của Ðức Tin, chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của Thiên
Chúa, hãy bắt chước cuộc đời của Chúa Giêsu trên trần gian này: "Thầy đến để
mang lửa yêu thương đến trần gian và Thầy không có mong ước nào khác hơn là cho
lửa ấy cháy lên, tỏa sáng khắp nơi, soi sáng mọi người, mang tin vui tỏa sáng
khắp nơi, soi sáng mọi người, mang tin vui tỏa sáng cho con người".
Hãy khiêm tốn lắng nghe và hãy để cho tình yêu Chúa biến đổi và thôi thúc.
Radio Veritas Asia
Sống Lời Chúa:
Tin Mừng hôm nay khắc họa
một “Đức Giê-su
thấy đám đông thì chạnh lòng thương.” Ngài thấy họ “như bầy chiên không
người chăn dắt.” Vì thế, Ngài đã gọi mười hai môn đệ lại và sai các
ông đi, với lệnh truyền: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” Người
môn đệ Chúa Giê-su, vì thế, luôn luôn vẫn có cái gì đó để cho đi một cách vô điều
kiện.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin đổ tràn tình yêu Chúa trên chúng con và biến đổi chúng con
thành những chứng nhân cho tình yêu Chúa, chứng nhân kiên trung trong Ðức Tin sống
động qua đức Bác Ái.
Lẽ sống:
Thiện Nguyện
Hôm nay là ngày quốc tế những người thiện
nguyện, được Liên Hiệp Quốc thành lập năm 1985 và cử hành lần đầu tiên ngày 05
tháng 12 năm 1986. Ngày quốc tế những người thiện nguyện vừa là một tưởng thưởng
và biết ơn đối với không biết bao nhiêu người đang âm thầm phục vụ không công
những người đồng loại của mình, vừa là một lời gọi dấn thân phục vụ.
Hiện nay, trên khắp thế giới có khoảng 35
cơ quan thiện nguyện chiêu mộ và gửi người đi khắp nơi để phục vụ trong mọi
lãnh vực: từ một cán sự y tá phục vụ trong rừng già Phi Châu, đến các chuyên
viên làm việc trong các dự án phát triển tại các nước thuộc thế giới đệ tam, từ
một thanh niên thiếu nữ âm thầm làm việc tại các nước nghèo đến các chuyên viên
tổ chức các cuộc lạc quyên: tất cả đều được thúc đẩy bởi một ý chí: đó là phục
vụ người anh em.
Ngày quốc tế những
người thiện nguyện cũng là một bài ca dành cho một nhân loại đã đạt được một bước
tiến dài trong sự trưởng thành. Bên cạnh những bước dật lùi vì chiến tranh, vì
hủy hoại lẫn nhau, nhân loại vẫn cố gắng tiến bước trong khát vọng và những nỗ
lực nhân đạo. Bước tiến ấy còn tiếp tục là nhờ ở tinh thần thiện nguyện, ý chí
phục vụ
Ngày quốc tế thiện
nguyện hôm nay không phải là phụ trương của những ngày quốc tế khác rải rác
trong suốt năm như ngày Hòa Bình thế giới, ngày sức khỏe, ngày thực phẩm, ngày
Giới Trẻ, ngày Môi Sinh, ngày Nhi Ðồng, ngày Phụ Nữ v.v... Ngày hôm nay là khẳng
định của một ý niệm nền tảng cho tất cả mọi ngày quốc tế khác: ý niệm đó chính
là tự nguyện phục vụ.
Ngày quốc tế những
người thiện nguyện hôm nay không chỉ là ngày tưởng thưởng và biết ơn đối với những
người thiện nguyện. Ngày hôm nay là ngày của mỗi người chúng ta, bởi vì chúng
ta chỉ có thể sống trọn ơn gọi làm người khi chúng ta biết tự nguyện sống cho
người khác.
Chúa Giêsu là mẫu
mực của thiện nguyện... Là Thiên Chúa, Ngài đã đến trong thế gian để mặc lấy
thân phận nghèo hèn của con người. Trở nên con người, Ngài đã không sống giữa
chốn giàu sang phú quý, nhưng đến với những con người nghèo hèn nhất trong xã hội.
Ngài đã phục vụ và phục vụ cho đến chết. Ngài đã đến để làm cho bộ mặt thế giới
này trở nên nhân bản hơn. Cùng với Ngài, hàng hàng lớp lớp những con người dấn
thân phục vụ tha nhân đã tô điểm cho bộ mặt thế giới được thêm tươi tốt hơn. Quả thực, một thế giới không có những người sống và chết cho
tha nhân là một thế giới không có nhân tính... Chúng ta hãy tưởng
tượng một thế giới không có những thánh Phanxicô thành Assisi, không có những
Mahatma Gandhi, không có những Albert Schweitzer, không có những Têrêxa
Calcutta, không có những hội viên của Hội Chữ Thập Ðỏ... một thế giới như thế
quả thực là một thế giới buồn thảm. Một thế giới không
có những bàn tay đưa ra để chia sẻ, để san sẻ, để đỡ nâng, một thế giới không
có những tấm lòng tử tế: một thế giới như thế quả thực là một thế giới của chết
chóc...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét