PHÚC ÂM: Mt 1,1-17
"Gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Đavít". (Mt 1,1).
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Mattheu.
1 Đây là gia phả Đức Giê-su
Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham :
2 Ông Áp-ra-ham sinh
I-xa-ác ; I-xa-ác sinh Gia-cóp ; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này ; 3 Giu-đa
ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác ; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron ; Khét-xơ-ron
sinh A-ram ; 4
A-ram sinh Am-mi-na-đáp ; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son ; Nác-son sinh Xan-môn ; 5
Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át ; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết ; Ô-vết sinh Gie-sê ;
6 ông
Gie-sê sinh Đa-vít.
Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh
Sa-lô-môn ; 7
Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am ; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia ; A-vi-gia sinh A-xa ; 8 A-xa
sinh Giơ-hô-sa-phát ; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram ; Giô-ram sinh Út-di-gia ; 9
Út-di-gia sinh Gio-tham ; Gio-tham sinh A-khát ; A-khát sinh Khít-ki-gia ; 10
Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se ; Mơ-na-se sinh A-môn ; A-môn sinh Giô-si-gia ; 11 Giô-si-gia
sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này ; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.
12 Sau thời lưu đày ở
Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên ; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven ; 13
Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút ; A-vi-hút sinh En-gia-kim ; En-gia-kim sinh A-do ;
14
A-do sinh Xa-đốc ; Xa-đốc sinh A-khin ; A-khin sinh Ê-li-hút ; 15
Ê-li-hút sinh E-la-da ; E-la-da sinh Mát-than ; Mát-than sinh Gia-cóp ; 16
Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng
Ki-tô.
17 Như thế, tính chung lại
thì : từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời ; từ vua Đa-vít đến
thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời ; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến
Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.
Suy niệm:
Gia phả Chúa Giêsu
Có hai thánh sử ghi chép lại gia phả Chúa
Giêsu: Mt 1,1-16; Lc 3,23-38
1. Thánh Máthêu
viết Phúc âm nhằm trình bày Chúa Giêsu là Đấng cứu thế cho dân Do Thái. Do đó
Ngài trình bày Chúa Giêsu là con Vua Đavít như các tiên tri từng loan báo.
2. Cách trình bày khác nhau: Máthêu viết
xuôi từ Abraham tới Chúa Giêsu, còn Luca kể ngược lại từ Chúa Giêsu đến Adong.
3. Khác nhau về pháp lý: Máthêu kể theo
huyết nhục, Luca kể theo pháp lý.
4. Mathêu kể ra
42 đời chia làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn 14 đời. Gia phả của Luca kể ra 72 đời
và chia làm 4 giai đoạn.
5. Thánh Mathêu đã
chọn gia phả theo sách bà Ruth (4,18-22); còn Luca kể lại chọn gia phả theo
sách Sáng Thế Ký( 5,32 và 11,10-26).
Tuy nhiên cả hai bản gia phả cũng có những
điểm tương đồng:
1. Cả hai gia phả
đều tận cùng bằng thánh Giuse được gọi là cha nuôi Chúa Giêsu. Theo tục lệ Do
Thái chỉ người cha mới có giá trị pháp luật vì họ theo chế độ phụ hệ. Đức Mẹ
cũng thuộc một ngành Đavít, truyền thống cũng nghĩ thế.
2. Cả hai bản
gia phả đều dùng một số những bản gia phả của chi họ, cho nên có nhiều tôn giáo
khác nhau.
3. Cả hai bản
gia phả đều ghi rõ tổ tiên của Chúa có một số tội nhân như Đavít, Salômôn,
Rahab, Besabeth... để nói lên Thiên Chúa đến cứu chuộc cả nhân loại tội lỗi nữa.
Riêng trong gia
phả của thánh Mathêu hôm nay chúng ta thấy:
1. Những chữ
“sinh ra” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đến chỗ Giuse là chữ “sinh ra” biến
mất. Giuse là người cha theo pháp luật. Nhờ có Giuse mà Chúa Giêsu được đặt vào
lịch sử nhân loại theo pháp luật. Nhờ có Giuse mà Chúa Giêsu có giòng họ Đavít
(“sinh ra” còn có nghĩa kế vị, kế tiếp).
2. Người ta tự hỏi
bản gia phả của Mathêu có thực không? Có tính cách lịch sử không? Hai lớp trước
từ Abraham đến Đavít rồi từ Salômôn đến Giêkôn thì đã có sẵn trong Cựu Ước, cứ
việc theo đó mà chép vào. Còn lớp thứ ba từ salath đến Chúa Giêsu thì không biết
lấy gốc ở đâu. Chúng ta chỉ biết có một điều này là khi viết Phúc Âm. Máthêu được
Chúa Thánh Thần linh ứng và dùng những tài liệu gia phả khác nữa, Máthêu không
thể phịa ra được. Nên biết người Do Thái giữ gìn gia phả rất cẩn thận.
3. Bản gia phả muốn nói
với chúng ta rằng Chúa Giêsu là một người thực sự Nhập Thể, nhập khẩu giữa loài
người, có tổ có tông, Chúa Giêsu là một con người nhân loại, “đầu đội trời chân
đạp đất” như trăm nghìn chúng sinh. Trong số tổ tiên của Chúa có rất nhiều bậc
anh hùng như Abraham, Maisen... Nhưng số những vị vua tội lỗi như Đavít,
Salômôn, có vua thờ ngẫu tượng; trong số phụ nữ có Rahab, Ruth, Uria, Besabeth
tiếng tăm không tốt gì. Nhưng Thiên Chúa đã nhập thế giữa họ bất chấp khuyết điểm
lầm lỗi của nhân loại. Ngài là bông sen. Không gì chống lại được ý định Thiên Chúa.
Mọi sự được thay đổi, tội lỗi được tẩy sạch, những gì trần thế được thần linh hết.
Sống Lời Chúa:
Lời
Chúa trong những tuần vừa qua của Mùa Vọng chắc chắn đã khơi dậy nơi chúng ta
lòng khao khát hiểu biết Đức Ki-tô sâu xa hơn, vì Ngôi Vị của Ngài là mầu nhiệm
khôn cùng và vì sự hiểu biết Đức Ki-tô, theo thánh Phao-lô, là quí giá nhất : “Tôi coi tất cả mọi
sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa
của tôi” (Phil 3, 7). Và chắc chắn chúng ta đã có kinh nghiệm và cảm
nếm về sự quí giá này rồi trong hành trình đức tin và ơn gọi của chúng ta.
Nhưng
để tìm hiểu Đức Ki-tô, chúng ta nên bắt đầu từ đâu và giai đoạn nào ? Cũng tương
tự như tìm hiểu một người, chúng ta phải trở về “nguồn gốc”
của Ngài. Nói về nguồn gốc, chúng ta nghĩ ngay đến hành trình từ trời xuống thế,
nghĩa là nguồn gốc theo chiều dọc trực tiếp từ Thiên Chúa, như chúng ta tuyên xưng
trong kinh Tin Kính : “Người đã từ trời xuống thế”. Nhưng các Tin Mừng
trình bày cho chúng ta một nguồn gốc khác, theo chiều ngang, đó là bản gia phả,
hay nguồn gốc của Đức Ki-tô, vì Ngài cũng là Con của Con Người, như sau này
Ngài thích tự xưng như thế, và nhất là Ngài có sứ mạng “mang lấy các bệnh hoạn tật nguyền”
của loài người và của từng người chúng ta.
Ngôi
Hai Thiên Chúa mặc lấy thân phận loài người chúng ta. Và điều căn bản nhất của
thân phận con người của từng người chúng ta, là có gia có phả, nghĩa là, qua biến
cố được sinh ra, Người thuộc về một gia đình, một gia tộc, một dân tộc và ngang
qua một dân tộc Người thuộc về loài người, trong đó có dân tộc của chúng ta, có
gia tộc và có gia đình của chúng ta. Và ở chiều kích nhân loại này, Thiên Chúa
cũng vẫn là ngọn nguồn, bởi vì loài người xuất phát từ Adam và “Adam là con Thiên Chúa”
! (Lc 3, 38).
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con thật hạnh phúc được sinh ra trong đức tin của Hội Thánh. Đức
tin đó được chính Chúa nuôi dưỡng và củng cố qua suốt dọc dài lịch sử của ơn cứu
độ. Nhưng Chúa ơi, đức tin của chúng con cũng có lúc tăm tối như Abraham và
cũng trải qua biết bao thử thách như Môsê. Cuộc đời đâu mấy khi bình yên. Sóng
gió, thử thách, gian nan, lận đận vẫn cuốn vào kiếp người chúng con.
Có
những lúc chúng con muốn buông trôi theo dòng đời.
Có
những lúc chúng con hụt hẫng mất niềm tin vào sự quan phòng của Chúa.
Xin
tha thứ cho những lầm lỗi của chúng con.
Xin
ban cho chúng con đức tin kiên vững để vượt qua những thử thách gian nguy.
Xin
cho chúng con một lòng trung tín vào Chúa cho dẫu giòng đời có xô đẩy bởi biết
bao khốn khó tư bề. Chúa luôn có chương trình cho từng cuộc đời chúng con.
Xin
giúp chúng con luôn tin tưởng, phó thác cậy trông vào Chúa.
Xin
giúp chúng con luôn đọc ra ý Chúa trong từng biến cố cuộc đời chúng con.
Lẽ sống:
Ðôi vai của người
cha
Tháng 11 năm
1958, ngay chính ngày đăng quang, khi nói chuyện với khách hành hương, Ðức cố
Giáo Hoàng Gioan 23 đã kể lại một giai thoại trong cuộc đời của ngài như sau:
"Khi tôi
lên 7, một hôm cha tôi đưa tôi đến một làng bên cạnh, nơi đang tổ chức một buổi
lễ của Công Giáo tiến hành trong giáo phận. Phải đi bộ nhiều cây số, tôi cảm thấy
mệt mỏi. Cha tôi đã phải đặt tôi trên vai của người. Ðến nơi, tôi cảm thấy thất
vọng, bởi vì dân chúng qúa đông, mà tôi thì bé nhỏ. Mất hút trong chợ người,
tôi không thể nhìn đoàn người đang diễn hành... Thế là một lần nữa, cha tôi lại
bồng tôi trên vai của người. Từ trên cao, tôi có thể xem thấy tất cả mọi sự".
Và vị Giáo Hoàng
được mệnh danh "nhân lành" đã kết luận
như sau: "70
năm qua, nhưng tôi vẫn còn ghi nhớ trong tâm trí tôi cử chỉ của cha tôi. Nó đã
trở thành một biểu trưng kỳ diệu. Ngày nay, mỗi khi mệt mỏi, mỗi khi tôi không
còn thấy gì nữa, tôi nài xin vị Cha trên trời nâng tôi lên đôi cánh của Người". Chỉ từ trên đỉnh cao, chúng ta mới có thể
thấy rõ mọi sự. Chính Chúa là đỉnh cao của chúng ta. Nơi Người, chúng ta sẽ thấy
được ý nghĩa của cuộc sống... Những lúc chán sống, những lúc hầu như không còn
thấy gì nữa, chúng ta hãy chạy đến với Người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét