PHÚC ÂM: Mt 10,1-7
"Các con hãy đến cùng chiên lạc nhà Israel".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại,
để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết
các bệnh hoạn tật nguyền.
2 Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ : đứng
đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó
là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông ; 3 ông
Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô ; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế ;
ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô ; 4 ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích,
và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. 5 Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi
và chỉ thị rằng : "Anh em đừng đi về
phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. 6 Tốt hơn
là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. 7 Dọc đường hãy rao giảng rằng : Nước
Trời đã đến gần.
Suy niệm:
Có tấm
lòng và có thiện chí
"Các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel." (Mt
10,6)
Tin
Mừng hôm nay mời gọi chúng ta trở về cội nguồn của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân
Thể của Chúa Kitô, Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô. Ðể thực hiện
chương trình cứu rỗi, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để rao
giảng Tin Mừng. Trong số các môn đệ ấy, Ngài đã chọn mười hai người làm Tông Ðồ
và trở thành cột trụ của Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Nếu Giáo Hội tiếp tục sứ
mệnh của Chúa Kitô, thì Giám mục đoàn mà đứng đầu là Ðấng kế vị thánh Phêrô
cũng chính là những người tiếp tục làm cột trụ của Giáo Hội.
Chúa
Giêsu không chọn những người tài cao học rộng giàu sang và có địa vị xã hội
cao, mà chọn những người có tấm lòng và có
thiện chí. Hai điều này là đủ, mọi điều khác Chúa sẽ lo.
Mười
hai tông đồ còn rất non yếu nên Chúa Giêsu không sai
họ đến với những đối tượng khó khăn (dân ngoại), mà chỉ đến với những người
Israel trước. Chúa không giao sứ mạng quá sức con người đâu. Cho nên tôi đừng
ngần ngại và sợ hãi gì cả.
Chúa
cũng chọn Giuđa, cũng ban quyền cho Giuđa và cũng sai Giuđa đi rao giảng Phúc
Âm. Nghĩa là Chúa cũng tin tưởng và đặt hy vọng vào Giuđa. Nhưng Giuđa không đáp
lại niềm tin tưởng và hy vọng của Chúa.
Có một thời Giáo hội đã
quá quen với nếp sống ù lì là thích tiếp nhận những kẻ đến với mình hơn là ra đi
đến với họ. Thời đó
nay đã qua rồi. Giáo hội không thể là một biệt khu khép kín. Các
linh mục không thể chỉ luẩn quẩn làm việc trong nhà xứ. Các tín hữu không thể
chỉ coi mình là những nhà truyền giáo cho những người đang sống trong lòng Giáo
hội mà thôi. Đã đến
lúc phải vượt ra bên ngoài Giáo hội, phải ra khỏi các phòng hội họp của giáo xứ
để đi đến những nơi công cộng, để thâm nhập vào mọi nơi, mọi tầng lớp xã hội. Để
chu toàn sứ mệnh của mình, Giáo hội phải tỏ mình ra và hành động ở bên ngoài
các nhà thờ. Nếu chỉ có ở tại nhà thờ, ta mới biết làm chứng lòng tin của mình,
thì thiết tưởng ta vẫn chưa phải là những chứng nhân theo như Chúa muốn.
Sống Lời Chúa:
Sống tinh thần khiêm tốn, để
luôn luôn biết đón nhận và tuân phục giáo huấn của Chúa được ủy thác cho các
Tông Ðồ và Giáo Hội. Hiệp thông quanh đấng kế vị thánh Phêrô mà Chúa đã đặt làm
thủ lãnh Giáo Hội.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa, Chúa đã ban cho các tông đồ quyền trừ khử ô uế nhằm làm Sáng Danh Chúa,
thì xin Chúa cũng ban thêm cho con sức mạnh để trừ khử ô uế nơi chính bản thân
con, sống tốt hơn và yêu mến Chúa hơn.
Lẽ sống:
Sự hiện diện của
con dê
Ðể khuyên chúng
ta chấp nhận cuộc sống, người Ðức thường kể câu chuyện sau đây: Có một nhà hiền triết nọ chuyên cố vấn giúp đỡ
cho những ai gặp buồn phiền, chán nản trong cuộc sống. Bất cứ ai đến xin chỉ bảo
cũng đều nhận được lời khuyên thiết thực... Một hôm, có một người thợ may mặt
mày thiểu não chạy đến xin cầu cứu. Gia đình ông gồm có ông, vợ ông và bảy đứa
con trai nhỏ. Tất cả chen chúc nhau trong một căn nhà gần như đổ nát. Người vợ
phải la hét suốt ngày vì bị sự quấy phá của bảy đứa con. Xưởng may của ông lúc
nào cũng lộn xộn, bẩn thỉu vì những nghịch ngợm của lũ con. Thêm vào đó là những
tiếng la hét, khóc nhè suốt ngày, khiến người thợ may không thể chú tâm làm việc
được.
Nghe xong câu
chuyện, nhà hiền triết mới đề nghị với người thợ may như sau: "Anh hãy ra
chợ mua cho kỳ được một con dê, rồi dắt nó về cột ngay trong xưởng may của
anh". Người đàn ông đáng thương không đoán được ẩn ý của nhà hiền triết,
nhưng đặt tất cả tin tưởng vào ông, cho nên anh về thu gom hết tiền của trong
nhà để ra chợ mua cho kỳ được con dê.
Chúng ta hãy tưởng
tượng:
sự hiện diện của con dê trong xưởng may sẽ giúp được gì cho anh ta? Con vật hôi
hám ấy không những phóng uế nhơ bẩn lại suốt ngày còn kêu những tiếng không êm
tai chút nào. Cái xưởng may chỉ trong một ngày đã biến thành một chuồng súc vật
bẩn thỉu không thể chịu đựng được... Người thợ may lại đến than phiền với nhà
hiền triết vì sự hiện diện của con dê. Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới bảo
anh: "Anh hãy tức khắc mang nó ra chợ và bán lại cho người khác".
Người đàn ông cảm thấy như nhẹ nhõm cả người. Anh dắt con vật ra chợ. Trong khi
đó, ở nhà, vợ anh mang nước vào tẩy uế cái xưởng may. Bảy đứa nhóc con của anh
bắt đầu trở lại xưởng may và hò hét trở lại.
Người đàn ông nhìn xuống xưởng may
rồi mỉm cười nhìn mấy cậu con trai của anh đang chạy nhảy la hét. Anh tự nhủ:
dù sao, tiếng la
hét của mấy đứa con của anh, so với tiếng kêu của con vật dơ bẩn, vẫn dễ chịu hơn...
Và chưa bao giờ anh cảm thấy hạnh phúc hơn ngày hôm đó.
Tâm lý thông thường,
chúng ta dễ có thái độ "đứng núi này
nhìn núi nọ". Những cái quen thuộc, những cái trước mặt, những
cái thường ngày, những cái nhỏ bé thường dễ bị khinh thường...
Mang lấy thân phận con người, sống trọn vẹn
kiếp người, Chúa Giêsu mặc cho tất cả mọi thực tại của cuộc sống một ý nghĩa mới,
một giá trị mới. Chỉ qua những thực tại từng ngày, chỉ qua các sinh hoạt hàng
ngày con người mới có thể gặp gỡ được Thiên Chúa.
Giá trị của mỗi một phút giây hiện tại
chính là mang nặng sự hiện diện của chính Chúa. Giá trị của cuộc sống chính là được
dệt bằng những gặp gỡ triền miên giữa Thiên Chúa và con người... Không ai trong
chúng ta chọn lựa để được sinh ra. Không ai trong chúng ta chọn lựa cha mẹ và
gia đình để được sinh ra. Có người sinh ra trong cảnh giàu sang phú quý. Có người
sinh ra trong cảnh nghèo nàn. Có người thông minh. Có ngưòi đần độn... Mỗi người chúng ta đến
trong cuộc đời với một hành trang có sẵn. Chúa mời gọi chúng ta đón nhận cuộc đời
như một Hồng Ân của Chúa. Ngài mời gọi chúng ta đón nhận từng phút giây của cuộc
sống như một ân huệ... Nói như Thánh Phaolô: "Tất cả đều là ân sủng của Chúa": tất cả đều phải được
đón nhận với lòng biết ơn và tín thác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét