Phúc Âm : Mc 6, 30-34
"Họ như đàn chiên không người
chăn".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
30 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức
Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã
dạy. 31
Người bảo các ông : "Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng
mà nghỉ ngơi đôi chút." Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông
cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một
nơi hoang vắng. 33
Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau
theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một
đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn
dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
Suy
niệm:
Chạnh lòng thương
Có một chứng bệnh ngày nay người ta nhắc đến khá nhiều,
đó là “bệnh vô cảm”. Bệnh này đông tây y đều bó tay, không thể chữa lành. Bệnh
vô cảm đang lây lan từ trong nhà ra ngoài phố, từ thành thị đến thôn quê, từ giữa
những người xa lạ đến những người thân trong gia đình. Nạn nhân của bệnh vô cảm
thì nhiều vô kể: những em bé lang thang, những người già bất hạnh, những gia
đình ly tán… Các phương tiện thông tin nhan nhản những hậu quả của căn bệnh
này. Bệnh này vừa gây tai hại cho người về tinh thần vật chất, vừa làm xói mòn
lòng tin giữa con người với nhau. Trong xã hội của nền kinh tế thị trường, người ta có nguy cơ
biến mọi sự thành hàng hóa và lợi nhuận là mục đích hàng đầu. Trái tim con người
trở nên chai đá trước nỗi đau của đồng loại. Vì tiền người ta có thể làm mọi sự,
kể cả chém giết, cướp bóc và làm cho huynh đệ tương tàn.
Những ngày đầu tháng bảy này, hai vụ thảm sát
rúng động xã hội đã xảy ra, một vụ ở Nghệ An (ngày 2-7-2015) và một vụ ở Bình
Phước (ngày 7-7). Mọi người đều bàng hoàng và căm phẫn trước mức độ dã man của
những kẻ sát nhân, vì có những trẻ em vô tội cũng bị giết cùng với cha mẹ mình.
Trước những vụ việc này, người ta nói đến những kẻ sát nhân máu lạnh, những kẻ
không còn lương tâm. Con người ngày càng trở nên hoang dã trong cách đối xử với
nhau.
Một trong những
nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng bạo lực và sự dửng dưng vô cảm của
con người, đó là sự lãng quên Thiên Chúa, coi thường tiếng nói của lương tâm.
Thực vậy, khi không tin vào Chúa, thì chẳng có gì ngăn cản người ta làm điều thất
đức. Khi không tôn trọng lương tâm thì chẳng có gì giữ họ khỏi những việc làm xấu
xa. Thiên Chúa là trọng tài phân định việc tốt việc xấu. Lương tâm là tòa án được
thiết lập để nhắc bảo đâu là điều chính nẻo ngay. Nhờ tin có Chúa mà con người
tìm đường hướng đi cho cuộc sống. Nhờ lắng nghe lương tâm mà con người nhận ra
những chuẩn mực của cuộc đời. Lãng quên Thiên Chúa sẽ làm cho con người mất lý
tưởng. Phủ nhận lương tâm sẽ làm luân lý băng hoại suy đồi.
Trước một đám đông
đang đói khát chân lý, Đức Giê-su đã “chạnh lòng thương”, vì họ như bầy chiên
không người chăn dắt. Sứ mạng của Đức Giê-su là đem cho nhận loại tình thương của
Thiên Chúa. Giáo huấn của Người nhằm giúp cho con người tìm được chân lý vĩnh cửu,
đồng thời tìm được ý nghĩa trong cuộc sống hiện tại.
Không chỉ đem
cho con người tình thương của Thiên Chúa, Đức Giê-su còn giáo huấn và mời gọi
con người hãy thực thi tình mến đối với nhau. Chúng ta có thể chữa được căn bệnh
vô cảm, nếu biết noi gương Đức Giê-su, để có một trái tim nhân hậu và quan tâm
để ý đến những người xung quanh mình. Thực vậy, Đấng Emmanuel - Thiên Chúa ở
cùng chúng ta - đã cảm thông an ủi những người đau khổ và giúp họ lấy lại nghị
lực và niềm tin. Tình liên đới với anh chị em là một trong đặc tính căn bản của
Ki-tô giáo, vì qua đó, người tín hữu thể hiện hình ảnh của Thiên Chúa, “Đấng
làm cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống
trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Chính Đức Giê-su đã đến
để liên kết muôn dân nên một. Ai cũng có thể được đón nhận Tin Mừng Người rao
giảng. Không còn sự phân biệt giữa các dân tộc hay nền văn hóa, mà hết thảy đều
trở nên một thân thể duy nhất (x. Bài đọc II).
Khi có cái nhìn
như cái nhìn “chạnh lòng thương” của Chúa Giê-su, chúng ta sẵn sàng nâng đỡ những
anh chị em của mình, nhất là những người
yếu đuối và bất hạnh. Sống trong cuộc đời, mỗi người cũng cần có trách nhiệm đối với
nhau và đối với công ích xã hội. Nhiều người tín hữu rất dửng dưng với những
phong trào do xã hội khởi xướng nhằm làm đẹp quê hương, giúp bài trừ những tệ nạn,
thăng tiến con người và xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh. Những đóng
góp tuy nhỏ nhưng nhiều người góp lại sẽ trở thành việc lớn. Xây dựng trái đất
này cho tốt đẹp và nhân ái hơn, cũng chính là thực thi giáo huấn của Chúa
Giê-su trong Tin Mừng.
Trong cuộc sống
hôm nay, biết bao người đang khao khát đón nhận Lời Chúa làm lẽ sống và lương
thực thiêng liêng. Nhân loại thời nào cũng giống như đàn chiên không có người
chăn, cần có người hướng dẫn và giúp họ khỏi lạc đường. Lời Chúa hôm nay cũng dặn dò các mục tử trong
Giáo Hội, là những người lãnh trách nhiệm hướng dẫn các cộng đoàn đức tin. Mối
quan tâm hàng đầu của các mục tử phải là tận tâm phục vụ cộng đoàn được trao
phó, làm cho đời sống đức tin được nẩy nở và phát triển. Chúng ta cầu nguyện
cho các mục tử trong Giáo Hội và những người có trách nhiệm trong hệ thống lãnh
đạo dân sự, để mọi người đều biết lo lắng cho công ích chung. Khi chuyên cần lắng
nghe và thực hành Lời Chúa, mỗi tín hữu chúng ta cũng đang cộng tác với sứ mạng
của các mục tử, góp phần quản trị Giáo Hội địa phương và làm cho tình liên đới
được triển nở nơi mọi người.
“Con người chỉ giống
hình ảnh Chúa khi hiến mình liên lỉ, như mỗi Ngôi trong Thiên Chúa là: hoàn toàn
hiến dâng, hoàn toàn tương quan, hoàn toàn yêu thương” (Đức Hồng y Nguyễn Văn
Thuận ĐHV 606).
Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo phận Hải Phòng
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, là vị Mục Tử tối cao, xin dạy con đường lối của
Chúa.
Lẽ sống:
Ðôi
cánh thiên thần
Một
người Nga, sau khi mãn tù, đã kể lại tâm trạng mình như sau: Dáng vẻ bên ngoài
của tôi xấu xí đến độ không có ai muốn gần tôi. Trong thời gian lao động cải tạo,
thay vì làm trại chung với các trại viên khác, tôi đã tự giam mình dưới hầm... Tình
cờ một tai nạn xảy ra, khiến tôi bị gù lưng.
Một
ngày kia, có một cậu bé nhìn tôi thật lâu rồi hỏi một cách ngây thơ: "Chú
ơi, chú mang cái gì trên lưng thế?". Tôi nghĩ rằng cậu bé chế nhạo tôi, dù
vậy tôi bình thản trả lời: "Cục bướu đấy cháu ạ".
Tôi
chờ đợi cậu bé tiếp tục trò chơi gian ác của nó... Nhưng không, nó nhìn tôi một
cách trìu mến và nói: "Không phải thế đâu chú ạ. Chúa là tình yêu. Ngài
không cho ai hình thù kỳ dị cả. Không phải chú có cục bướu đâu. Chú đang mang
trên lưng một cái hộp đó. Trong cái hộp, có dấu đôi cánh của Thiên Thần... Rồi
một ngày nào đó, cái hộp mở ra và chú sẽ bay lên trời với đôi cánh đó". Ý
nghĩ ngộ nghĩnh của cậu bé đã làm tôi sung sướng đến khóc thành tiếng.
Biết
nhìn xa hơn đằng sau mặt nạ của mỗi người: đó là cái nhìn của thánh nhân. Thánh nhân là người
biết nhìn thấy Thiên Chúa trong những nỗi bất hạnh, là người biết nhìn thấy sự
may mắn ngay cả trong những mất mát, thua thiệt và nhất là biết nhìn thấy Thiên
Chúa trong những người không ai muốn nhìn đến... Nhưng để được cái nhìn ấy, người
ta cần có cái nhìn thông suốt và tràn ngập ánh sáng của Thiên Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét