Thánh Giacôbê tông đồ - Lễ kính
Giacôbê
là con ông Dêbêđê, là anh của thánh Gioan và là bạn của thánh Phêrô. Đây là những
người dân chài ở hồ Ghen-nê-xa-rét đã đi theo tiếng gọi của ông Gioan Tẩy Giả
trước khi theo Đức Giêsu, làm môn đệ của Người. Thánh Giacôbê đã có mặt trong hầu
hết các phép lạ Chúa Giêsu làm, nhất là khi Chúa hiển dung trên núi và khi Người
hấp hối ở vườn Cây Dầu. Vua Hêrôđê Ácríppa I cho chém đầu thánh nhân khoảng năm
43 hoặc 44. Thánh nhân được đặc biệt tôn kính ở Compốttela (Tây Ban Nha), nơi
có một thánh đường danh tiếng kính người.
PHÚC ÂM: Mt 20,20-28
"Các con sẽ uống chén của Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê
đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều.
21
Người hỏi bà: "Bà muốn gì? " Bà thưa: "Xin Thầy truyền cho hai
con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy."
22 Đức
Giê-su bảo: "Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi
chén Thầy sắp uống không? " Họ đáp: "Thưa uống nổi." 23 Đức
Giê-su bảo: "Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay
bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai,
thì kẻ ấy mới được."
24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với
hai anh em đó. 25
Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh
các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai
quản dân. 26
Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm
người phục vụ anh em. 27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ
anh em. 28
Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ
và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người."
Suy niệm:
Tính mỏng giòn yếu đuối
“Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những
người làm lớn thì dùng uy mà cai trị dân. Giữa anh em thì không được như vậy.
Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.”
Các Bài Đọc hôm
nay muốn làm sáng tỏ tư tưởng Thiên Chúa hoạt động trong sự yếu đuối và tội lỗi
của con người. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô so sánh sức mạnh của Thiên
Chúa như kho tàng chứa đựng trong bình sành là thân xác yếu đuối và tội lỗi của
con người.
Trong Phúc Âm, vì ham muốn quyền bính và địa vị, người mẹ của
Giacôbê và Gioan xin với Chúa Giêsu cho hai con mình được một đứa ngồi bên phải
và một đứa ngồi bên trái trong vương quốc của Ngài. Điều này gây sự ghen tị và
chia rẽ trong hàng ngũ các môn đệ. Chúa Giêsu gọi các ông lại và chỉ dạy các
ông con đường lãnh đạo: hy sinh chịu gian khổ và phục vụ mọi người.
Lời Chúa trong ngày lễ kính thánh Giacôbê Tông đồ,
Giáo hội nhắc đến vai trò của các chủ chăn trong
Giáo hội, khi đã nhận lãnh đàn chiên từ Chúa Giêsu qua Giáo Hội của Người. Các
ngài có sứ vụ là phải chăm sóc nuôi dưỡng và bảo vệ đàn chiên đã được giao phó;
đồng thời cũng cho mọi tín hữu biết gánh nặng của các ngài, mà giúp lời cầu
nguyện, đem hết khả năng đã được Chúa ban, mà cộng tác với các ngài, hầu giúp
cho cộng đoàn ngày càng vững mạnh trong đức tin và nhiệt thành trong đức ái,
góp phần loan báo Tin Mừng.
Sống Lời Chúa:
Chúng ta đừng bao giờ nản
chí khi phải đương đầu với yếu đuối của thân xác và sa ngã của linh hồn, vì sức
mạnh của Thiên Chúa vẫn đang hoạt động trong chúng ta. Chúng ta phải sống theo
chỉ đạo và đường lối của Thiên Chúa: lãnh đạo bằng hy sinh và phục vụ. Đừng sống
theo tiêu chuẩn và đường lối của thế gian để đòi danh vọng và chức quyền.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu. Xin cho mọi cộng đoàn tín hữu luôn biết quan tâm đến đời sống mục vụ
của các chủ chăn, biết cảm thông, chia sẻ gánh nặng với các ngài, hằng giúp lời
cầu nguyện, đem hết nhiệt tâm cộng tác với các ngài.
Lẽ sống:
Hạt giống rơi xuống
đất có thối đi...
Giacôbê, vị
thánh mà Giáo Hội kính nhớ hôm nay là con ông Giêbêđê và bà Salomê và là anh của
thánh Gioan tông đồ. Người ta quen gọi thánh Giacôbê Tiền để phân biệt với
thánh Giacôbê, giám mục đầu tiên của Giêrusalem, được gọi là Giacôbê Hậu, kính
ngày 03/5 cùng với thánh Philipphê.
Giacôbê và Gioan
là hai anh em được Chúa Giêsu kêu gọi sau khi Ngài đã chiêu mộ hai anh em Phêrô
và Anrê. Phúc Âm thánh Matthêu thuật lại: Hai anh em ông được Chúa gọi ở bờ hồ
Genezareth, trong lúc đang ở trong thuyền vá lưới với cha.
Ðược Chúa gọi, hai
ông bỏ thuyền và người cha để theo Chúa ngay lập tức. Ðiều này chứng tỏ lòng
hăng hái nhiệt thành của hai anh em, nên hai người được Ngài cho biệt hiệu là
"con cái của sấm chớp" như chúng ta thấy xảy ra ít là trong hai trường
hợp sau đây:
Trường hợp thứ
nhất
khi người xứ Samaria ngăn cản không cho Chúa Giêsu và đoàn môn đệ đi qua lãnh
thổ của họ để tiến về Giêrusalem, hai anh em Giacôbê đã hỏi Thầy: "Thưa Thầy,
Thầy có bằng lòng để chúng tôi khiến lửa trên trời xuống thiêu hủy họ
không?".
Sau đó, trong chuyến
đi Giêrusalem lần cuối cùng, cả hai đã đến xin ngồi bên phải và bên trái Thầy,
khi Chúa Giêsu sẽ thống trị trong vinh quang. Và khi không hiểu hoàn toàn ý
nghĩa câu hỏi của Chúa: "Anh em có uống được chén Ta sẽ uống không?",
hai ông đã nhất quyết thưa: "Chúng tôi uống được". Vì thế, sau khi
lãnh nhận Chúa Thánh Thần, như các môn đệ khác, Giacôbê cũng can đảm làm chứng
những điều mắt thấy tai nghe về Thầy Giêsu, dầu bị cầm tù, đòn vọt, nhưng đã
vui mừng vì được đau khổ vì Chúa Giêsu.
Năm 42, vua
Hêrôđê, cháu của Hêrôđê cả, người đã âm mưu giết con trẻ Giêsu, đã bách hại một
số thủ lĩnh của các tín hữu Kitô, trong số đó có cả thánh Giacôbê, như sách
Tông Ðồ Công Vụ ghi: "Cùng thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay bắt bớ và làm khổ
mấy người trong Giáo Hội, vua đã truyền chém ông Giacôbê, anh của ông Gioan. Thấy
điều này làm vừa lòng người Do Thái, ông lại bắt cả ông Phêrô nữa".
Với nguồn tin
này, chúng ta biết thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên đã đổ máu đào minh chứng
cho niềm tin của mình.
Trong thời nội
chiến 1936-1939 tại Tây Ban Nha, các quân phiến loạn đốt nhà thờ, nhà thương,
tu viện và giết hại nhiều linh mục cũng như nữ tu. Ngày nọ, một vị linh mục già
nua bị phiến quân bắt và bị kết án tử hình. Khi bị trói và dẫn đến trước mặt đội
lính hành quyết, cha nói với tên trưởng toán: "Xin anh làm ơn cắt dây trói
này, để tôi có thể giơ tay chúc lành cho anh và xin Thiên Chúa cũng tha thứ và
chúc lành cho các anh".
Lịch sử ghi nhận đa số các tông đồ đã kết
thúc cuộc đời chứng tá cho niềm tn bằng những cái chết đau thương, khởi đầu cho
những lớp người chứng tá khác trải qua bao thế hệ.
Và cũng như vị
linh mục trong câu chuyện trên, hàng trăm, hàng ngàn chứng nhân của niềm tin vẫn
còn đang bị giam cầm, tra vấn, đày đọa vì niềm tin. Họ chấp nhận những khổ hình một cách bình thản,
không oán hận, trái lại, noi gương Chúa Giêsu, họ sẵn sàng tha thứ cho những
ngươi làm khổ họ. "Hạt
giống rơi xuống đất có mục nát và chết đi, mới nảy mầm và phát sinh hoa trái". Không gì minh
chứng hùng hồn cho lời tuyên bố này của Chúa Giêsu bằng những cuộc sống chứng
tá của các tín hữu Kitô đang chịu đau khổ, giam cầm và tử hình vì niềm tin. Tử đạo là một ơn gọi đặc biệt, nhưng mọi
tín hữu Kitô đều được kêu gọi dâng những ốm đau, bệnh tật, những hy sinh nho nhỏ
hằng ngày để cầu cho Nước Cha được trị đến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét