PHÚC ÂM: Mt 13,18-23
"Kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên
sinh hoa kết quả".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
18 "Vậy anh em hãy nghe
dụ ngôn người gieo giống. 19 Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu,
thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy : đó là kẻ đã được gieo
bên vệ đường. 20
Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. 21 Nhưng
nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời : khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời,
nó vấp ngã ngay. 22 Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi
lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết
quả gì. 23 Còn
kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết
quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục."
Suy niệm:
Kẻ
nghe lời Chúa
“Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ
nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ
được sáu chục, kẻ được ba chục.”
Các Bài Đọc hôm
nay muốn nói lên sự quan trọng tuyệt đối của Lời Chúa. Trong Bài Đọc I,
Thiên Chúa đã thân hành hiện ra và ban Thập Giới cho dân Israel qua Moses trước
khi họ vào Đất Hứa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cắt nghĩa cho các môn đệ dụ
ngôn "Người gieo giống." Ngài đưa ra những lý do tại sao tất cả cùng
nghe Lời Chúa, thế mà có người chẳng được lợi ích chi cả; trong khi những người
khác sinh hoa kết trái, người được 30, được 60, hay được 100.
Kết quả của việc nghe và hiểu Lời Chúa rất
là quan trọng đối với phần rỗi của mỗi người trong chúng ta, và để nuôi sống đức
tin của chúng ta, nên Công đồng Vaticanô II khuyến khích: Các Kitô hữu đọc Lời
Chúa thường xuyên. Khi “nghe, đọc Lời Chúa” trong Phụng vụ thì Chúa Kitô “hiện
diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi ta đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội”
(Pv 7). Công Đồng còn khuyến khích các tín hữu đọc Kinh Thánh một cách riêng
tư. Đây là một hướng mới của lòng đạo đức của Kitô giáo. Việc đọc Kinh Thánh có
một vị trí trổi vượt trong số các việc đạo đức.
Sống Lời Chúa:
Để Lời Chúa có thể vào tâm
hồn, đâm rễ sâu, và sinh hoa kết trái, chúng ta cần chuẩn bị tâm hồn, cầu xin sự
soi sáng của Thánh Thần, và chuyên chăm học hỏi mỗi khi nghe Lời Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu. Xin cho cộng đồng dân Chúa; đặc biệt cho mọi thành viên trong gia
đình chúng con: luôn nuôi sống mình bằng Lời Chúa và Thánh Thể, để đời sống của
chúng con sinh được nhiều hoa trái cho mình và cho mọi người.
Lẽ sống:
Một lời thề hứa
Từ tháng 5 đến
tháng 7 năm 1990 vừa qua, du khách trên khắp thế giới đã đổ xô về làng
Oberammergau bên Tây Ðức để thưởng thức tuồng Thương Khó Chúa Giêsu... Việc diễn
tuồng Thương Khó này là một lời thề hứa mà dân làng Oberammergau đã trung thành
giữ từ trên 400 năm nay.
Năm 1633, một nạn
dịch khủng khiếp đã giết hại không biết bao nhiêu sinh mạng trong vùng Bavaria.
Ðể đề phòng nạn dịch, dân làng Oberammergau đã đóng kín các cửa làng để không một
người lạ mặt nào có thể lọt vào trong làng... Chẳng may, một người đào huyệt
trong làng đã bị lây.
Anh ta quyết định được
chết trong ngôi làng thân yêu của mình. Anh đã qua mắt được những người canh cửa
để lọt vào trong và rồi lây bệnh cho nhiều người khác trong làng...
Chỉ trong vòng
hai tuần lễ, 88 người dân làng đã bị thiệt mạng, ngay cả hai vị linh mục trong
xứ cũng không tránh khỏi ôn dịch. Một vị linh mục khác được sai đến. Dân làng
không biết làm gì khác hơn là cùng với vị linh mục đến trước Thánh Thể Chúa để
thề hứa. Qua sự cam đoan của linh mục chính xứ cũng như của những người đại diện,
toàn dân đã cam kết rằng nếu được Chúa cho tai qua nạn khỏi, họ sẽ trình diễn
tuồng Thương Khó của Chúa cứ 10 năm một lần...
Năm 1634, nghĩa
là một năm sau khi nạn dịch chấm dứt, dân làng Oberammergau đã giữ lời hứa với
Chúa. Già trẻ lớn bé, tất cả mọi người trong làng đã sốt sắng tham dự vào việc
trình diễn tuồng Thương Khó. Lần trình diễn đầu tiên ấy chỉ thu hút được khoảng
200 khán giả đến từ các làng lân cận. Và kể từ năm 1680, họ đã quyết định trình
diễn 10 năm một lần. Ðến năm 1770 thì khách thập phương đã bắt đầu đổ xô về
Oberammergau.
10 năm một lần:
khoảng cách của 10 năm là để dân làng được chuẩn bị chu đáo hơn. Diễn viên của
vở tuồng phải là người dân làng. Các nhân vật được chọn lựa và huấn luyện kỹ
càng.
Riêng người được chọn đóng vai Chúa Giêsu và Ðức Mẹ sẽ được dân làng chào
hỏi một cách kính cẩn bằng chính danh hiệu của Chúa Giêsu và Ðức Mẹ. Và trong
suốt thời gian chuẩn bị cũng như trình diễn, tất cả mọi nhân vật đều được mời gọi
để sống chính tâm tình của các nhân vật lịch sử trong vở tuồng... Vì là một lời
thề của tổ tiên để lại, cho nên đêm trước buổi trình diễn đầu tiên, toàn dân
làng sẽ tham dự Thánh lễ và sốt sắng rước Mình
Thánh Chúa. Buổi
trình diễn sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng và kết thúc vào lúc 5 giờ chiều. Và vì
đây là một buổi trình diễn có tính cách tôn giáo, cho nên toàn dân làng
Oberammergau không cho phép bất cứ một cuộc thu hình nào.
Kinh thánh thuật
lại rằng trên đường tiến về Ðất Hứa, có lần nhiều người Do Thái bị rắn cắn chết
giữa sa mạc. Chúa đã truyền lệnh cho Môi Sen đúc một con rắn đồng và treo lên
cây. Tất cả những ai bị rắn cắn nhìn vào con rắn đồng ấy đều được chữa lành.
Chúa Giêsu đã ví con rắn đồng ấy với chính
Ngài bị treo trên thập giá. Ngài mời gọi chúng ta hãy ngắm nhìn Ngài trong cảnh
bị treo ấy. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã gắn liền với tội lỗi của từng
người trong chúng ta. Người dân làng Oberammergau đã hiểu được mối tương quan ấy.
Họ diễn lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để tưởng nhớ công lao cứu sống của Ngài.
Một cách nào đó,
mỗi người chúng ta cũng là một diễn viên của vở tuồng Thương Khó Chúa Giêsu. Mỗi
người chúng ta được mời gọi để sống chính tâm tình của Chúa Giêsu. Tâm tình của Chúa
Giêsu trong cuộc khổ nạn chính là cảm mến, vâng phục, yêu thương đối với Chúa
Cha và quảng đại, tha thứ đối với tha nhân. Ngắm nhìn Ngài trên thập giá, chúng
ta cũng được mời gọi sống lại tâm tình ấy. Và đó cũng chính là sức sống của người
Kitô chúng ta, bởi vì người Kitô luôn được mời gọi để sống cho Thiên Chúa và
tha nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét