PHÚC ÂM: Mt 13,54-58
"Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc
ư? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
54 Người về quê, giảng dạy
dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: "Bởi đâu ông
ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? 55 Ông không phải là con bác thợ
sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông
Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao? 56 Và chị em của ông không phải đều là bà con lối
xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế? " 57 Và họ
vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì
cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi." 58 Người
không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.
Suy niệm:
Không tin nhận Chúa
Đức Giê-su về thăm Na-da-rét (Mc 6:1-6; Lc 4:16 -30)
Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội
đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được nhiều phép lạ như
thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a;
anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Gio-xép, Simon và Giu-đa sao?”
(Mt. 13, 54-55)
Tin Mừng hôm
nay, Chúa Giêsu trở về giảng dạy tại quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân
chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến.
Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm
nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức
mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố
dâng Chúa vào Ðền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện
với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận, hoặc chối từ.
Chúng ta hãy xét lại xem đức tin của chúng
ta hiện nay đối với Chúa Giêsu có còn sống động hay đã trở thành một thói quen
khô khan, nguội lạnh, chỉ vì quá quen thuộc như dân làng Nazareth ngày xưa? Phải
chăng cuộc sống của chúng ta đã trở thành mù quáng hoặc nô lệ cho những thành
kiến đến độ không còn tin nhận Chúa và không còn bén nhạy trước tác động của ơn
Chúa?
Trích trong Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Chúng ta không thể chỉ là
người công giáo ngày Chúa Nhật trong thánh đường và sống như những người vô thần
khi ra khỏi nơi thánh đó. Làm như thế, chúng ta chỉ là những kẻ giả hình và thờ
Thiên Chúa bằng môi miệng, còn lòng chúng ta thì xa Chúa vạn dặm.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu. Giáo Hội đang cần có nhiều “Tông đồ giáo dân” trong việc loan báo
Tin Mừng. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn được ơn
can đảm trong khiêm nhường mỗi khi cọng tác với giáo xứ của mình, để đem lại lợi
ích chung: làm sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.
Lẽ sống:
Tiếng kêu của Ếch
Một vị ẩn sĩ đạo
đức nọ nổi tiếng là người có thể sai khiến được thú vật.
Một buổi tối nọ,
ông đang tịnh niệm cầu nguyện, một con ếch không biết từ đâu cất tiếng kêu lên
inh ỏi. Vị ẩn sĩ cố gắng tập trung ý chí vào lời cầu nguyện để không còn nghe
tiếng ếch kêu nữa. Nhưng ông càng cố gắng, tiếng ếch càng kêu to. Không còn tự
chế được nữa, vị ẩn sĩ quát lên: "Hãy câm miệng cho ta cầu nguyện được
không?".
Mệnh lệnh đầy uy
lực của nhà ẩn sĩ đã bịt miệng được chú ếch. Thinh lặng trở lại với không gian.
Nhưng cũng chính lúc đó, nhà ẩn sĩ như nghe vang vọng trong tâm hồn ông một tiếng
kêu khác. Ông nghe như có người nói với ông rằng: "Có lẽ Chúa cũng ưa
thích tiếng kêu của ếch như lời cầu kinh của ngươi". Vị ẩn sĩ hỏi vặn lại:
"Tiếng kêu của ếch mà cũng làm cho lỗ tai của Chúa vui được sao?". Tiếng
kêu trong tâm hồn ông đáp trả: "Vậy thì ngươi có biết tại sao Chúa tạo ra
âm thanh không?".
Vị ẩn sĩ chợt hiểu
được bài học từ trong nội tâm... Ông đến bên cửa sổ và ra lệnh cho chú ếch:
"Nào, hãy hát lên đi". Tiếng kêu của chú ếch vang lên, mấy chú ếch
xung quanh cũng hòa theo một nhịp tạo thành một bài ca lúc trầm lúc bổng, lúc dặt
dìu, lúc tha thiết... Ðêm vắng bỗng trở nên vui hơn.
Với sự khám phá
trên đây, trái tim của nhà ẩn sĩ bỗng trở nên hài hòa với vũ trụ và lần đầu
tiên trong đời, ông hiểu được thế nào là cầu nguyện.
Sự cầu nguyện
thường cần phải có một khung cảnh thích hợp. Có một không gian đặc biệt dành
cho cầu nguyện, có một quãng thời gian đặc biệt dành cho cầu nguyện, có một bầu
khí đặc biệt dành cho cầu nguyện. Ðó là điều thiết yếu dành cho cuộc sống con
người... Ðó là lý do hiện hữu của một bàn thờ nhỏ trong nhà, đó là mục đích của
các ngôi thánh đường.
Tuy nhiên, sự cầu
nguyện sẽ đánh mất của nó, nếu con người đóng khung nó trong một khung cảnh và bầu
khí đặc biệt. Cầu
nguyện là một gặp gỡ với Chúa và đồng thời cũng là một giao kết với tha nhân.
Thiên Chúa, chúng ta không thể đóng khung trong bốn bức tường vắng lặng của nhà
thờ. Con người, chúng ta phải gặp gỡ ngay trên chợ đời. Thành ra, lời cầu nguyện đích
thực phải là lời cầu nguyện mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa trong bất cứ
hoàn cảnh nào, trong bất cứ lúc nào, bằng tất cả cuộc sống. Lời cầu nguyện đích
thực là lời cầu nguyện được thốt lên trong thời thuận tiện cũng như không thuận
tiện. Lời cầu nguyện đích thực là cả một cuộc sống tuân phục ý Chúa, một cuộc sống
hài hòa với tha nhân, một cuộc sống "xin vâng" trong từng phút giây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét