PHÚC ÂM: Mt 13,47-53
"Người ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn
cá xấu thì ném ra ngoài".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
47 "Nước Trời lại còn giống như chuyện
chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. 48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên
bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. 49 Đến
ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt
kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50 rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải
khóc lóc nghiến răng.
51 "Anh em có hiểu tất cả những điều ấy
không? " Họ đáp: "Thưa hiểu." 52 Người bảo họ: "Bởi vậy, bất
cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy
ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ."
53 Khi Đức Giê-su kể các dụ ngôn ấy xong,
Người đi khỏi nơi đó.
Suy niệm:
Thái độ
bao dung
Bài Tin Mừng hôm
nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy có thái độ kiên nhẫn bao dung hơn đối với
Giáo Hội của Ngài. Qua hình ảnh chiếc lưới thả xuống biển, kéo lên với đủ loại
cá, trong đó người ta giữ lại những con cá tốt và ném đi những con cá xấu, Chúa
Giêsu muốn nói với chúng ta rằng cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người chỉ được
thực hiện trọn vẹn vào ngày cánh chung mà thôi, trong khi chờ đợi, thì người
môn đệ của Ngài cần có thái độ kiên nhẫn, bao dung.
Giáo Hội
là Thân Thể của Chúa Kitô. Tự bản chất, Giáo Hội là thánh thiện,
như chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, nhưng Giáo Hội thánh thiện ấy
lại gồm những con người tội lỗi. Ý thức cơ bản và quan trọng nhất của người Kitô hữu chính là
luôn nhận biết mình là tội nhân, để từ đó kêu cầu lòng thương xót của Chúa và sự
tha thứ của anh em. Thiếu ý thức ấy, người Kitô hữu sẽ rơi vào thái độ kiêu căng
giả hình của những người Biệt phái bị Chúa Giêsu lên án gắt gao. Ðồng
hành với nhân loại, mang đến cho nhân loại Tin Mừng cứu rỗi, cũng như Chúa
Giêsu, Ðấng cứu độ, Giáo Hội chỉ có thể thực thi sứ mệnh của mình với thái độ
kiên nhẫn, cảm thông, yêu thương, tha thứ mà thôi.
Không ngôn ngữ nào hùng hồn hơn, không sứ điệp
nào có tính thuyết phục hơn lòng nhân từ, sự khoan dung và tha thứ. Cái
chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là tuyệt đỉnh của hành động cứu rỗi của Ngài
và lôi kéo mọi người lên với Ngài.
Luôn ý thức về
thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, không ngừng cảm thông với những thiếu sót bất
toàn trong Giáo Hội, cố gắng thực thi lòng nhân từ bao dung với mọi người, đó
là thách đố đang đặt ra cho người Kitô hữu chúng ta hơn bao giờ hết.
Trích trong Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Xin
Chúa khơi dậy trong tâm hồn chúng ta lòng yêu mến Giáo Hội được thể hiện bằng
những cử chỉ cảm thông bao dung, kiên nhẫn mỗi ngày.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con rất hèn mọn, tội lỗi. Thế nhưng chúng con tin thật: Chúa
vẫn yêu thương đón nhận chúng con. Điều quan trọng là chúng con có chấp nhận để
Chúa biến đổi và cứu chúng con không? Chúa muốn cứu chúng con, nhưng Chúa không
cứu được nếu chúng con không muốn. Xin Chúa giúp chúng con biết sử dụng tự do đúng
mức, để chúng con luôn được ở trong vòng tay yêu thương của Chúa.
Lẽ sống:
Người tử tù
Tại một nhà tù nọ,
có một người đàn ông bị kết án tử hình. Nhưng người ta thấy anh không hề tỏ ra
nao núng, trái lại lúc nào cũng vui tươi ca hát.
Ngày nọ, các quản
giáo bắt gặp anh đang chơi tây ban cầm trong sân chơi của trại tù. Ðám đông bu
quanh anh, lúc đầu còn nhút nhát, về sau mọi người cùng hát theo tiếng đàn của
anh. Thấy thế, ban giám đốc nhà tù mới ra lệnh không cho anh được chơi đàn nữa.
Nhưng ngày hôm
sau, tù nhân đã có bản án tử hình ấy vẫn tiếp tục ra sân chơi và đàn ca như mọi
ngày. Ðám đông tù nhân cũng tuôn đến ca hát với anh.
Không chịu nổi nữa, những
người canh tù sấn đến túm lấy anh và chặt đứt những ngón tay của anh. Họ nghĩ rồi
đây anh sẽ không còn chơi đàn được nữa và như vậy đám đông cũng không còn tụ tập
được nữa. Nhưng ngày hôm sau, cũng người tử tội ấy, cũng đám đông ấy tụ tập lại
trong sân tù và với đôi tay cụt, anh vẫn có thể đàn được những điệu nhạc càng
thảm thiết hơn. Lần này, những tên canh tù lôi anh đi và đập nát chiếc đàn.
Ngày hôm sau,
con người đáng thương ấy cũng trở lại sân chơi và cất tiếng hát vang. Tiếng hát
ca của anh dặt dìu, tha thiết và mời gọi đến nỗi đám đông cũng kéo đến hòa cùng
tiếng hát với anh.
Lần này, những tên canh tù mới đưa anh đi và họ cắt lưỡi
anh. Họ nghĩ rằng tiếng đàn đã bị dập tắt, tiếng ca cũng sẽ bị tắt lịm và như vậy,
không còn ai sẽ tụ tập trong sân nữa.
Nhưng trước sự
ngạc nhiên của mọi người, ngày hôm sau, người tử tội vẫn trở lại sân chơi. Lần
này, anh không đàn, không hát, nhưng nhảy múa theo một điệu nhạc câm mà chỉ
mình anh mới có thể nghe được. Không mấy chốc, đám đông tù nhân kéo đến và họ
nhảy múa xung quanh con người khốn khổ ấy.
Câu chuyện trên đây
nhắc chúng ta nhớ đến một vũ công Ấn Ðộ tên là Sudha Chandran. Chính lúc cô đạt
đến tuyệt đỉnh của danh vọng cũng là lúc bàn chân phải của cô phải bị cưa.
Nhưng
người vũ công đầy ý chí này đã không bỏ cuộc... Sau khi bình phục, cô đã ráp
chân giả và luyện tập cho đến khi nhuần nhuyễn trở lại như trước. Khi được hỏi:
"Làm thế nào để có thể nhảy múa bình thường trở lại?". Cô trả lời:
"Chúng ta không nhất thiết cần có chân mới có thể nhảy múa được".
Thiên Chúa không ban cho chúng ta một số lượng
nén bạc đồng đều. Kẻ được năm nén, người được hai nén, kẻ chỉ được một nén... Một
nén đó có thể là một nén của nghèo nàn, bất hạnh, rủi ro, mất mát. Nhưng trong
Tình Yêu Quan Phòng của Chúa, nén bạc vẫn có thể sinh lời được những hoa trái của
yêu thương, của tin tưởng, của lạc quan vui sống...
Chúng ta không nhất thiết cần có đôi chân
mới nhảy múa được. Chúng ta có thể nhảy múa với tâm hồn phấn khởi, chúng ta có
thể ca hát với lòng tin yêu, vui sống..
Không gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng
mến của Chúa. Dù tù đày, dù bệnh tật, dù khốn khổ đến đâu, nếu chúng ta có lòng
mến, thì cuộc sống trơ trụi, nghèo hèn của chúng ta vẫn luôn là bài ca chúc tụng,
tri ân dâng lên Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét