PHÚC ÂM: Mt 13,36-43
"Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi
thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ
đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải
nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe." 37 Người
đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt,
đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ.
Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. 40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi
lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41 Con
Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu
và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42 rồi
quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43 Bấy
giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai
thì nghe.
Suy niệm:
Tốt xấu
– Thiện ác
Bấy giờ, Đức
Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa: “Xin Thầy giải nghĩa
dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.”
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật sự đối nghịch
giữa tình thương của Thiên Chúa dành cho con người với sự phá hủy của ma quỉ,
muốn lôi kéo con người về phía chúng. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Xuất
Hành trình bày sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người qua "cột
mây" trước Lều Hội Ngộ và sự đàm đạo với ông Moses như một người bạn để mặc
khải kế hoạch của Ngài cho dân chúng; trong khi quỉ thần luôn tìm cách khích động
dân phản động quay lưng lại với Thiên Chúa và các nhà lãnh đạo của họ.
Trong
Phúc Âm, Chúa
Giêsu giải thích dụ ngôn cỏ lùng cho các môn đệ. Thiên Chúa luôn gieo những hạt
giống tốt vào thế gian; trong khi quỉ thần luôn tìm cách gieo những cỏ lùng.
Ngài sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho đến Ngày Tận Thế, khi các thiên thần của Ngài sẽ
đi gom nhặt tất cả các quỉ thần và đồng bọn của chúng để tiêu diệt muôn đời.
Qua dụ ngôn cỏ
lùng, có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn, đó là
thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm
nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên
là sức mạnh của tối tăm. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn
chúng ta.
Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói: "Sự thiện tôi
muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm".
Sức mạnh của tội ác, của ma quỷ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là
một thực tại không thể chối cãi được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã chẳng dạy
chúng ta cầu nguyện: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó sao?
Cảm nghiệm sâu sắc
về nỗi yếu hèn và khốn khổ của mình, con người mới cảm thấy cần cảm thông, kiên
nhẫn và tha thứ cho người khác hơn. Ðó là bài học thực tiễn mà có lẽ mỗi người
chúng ta cần đào sâu, đồng thời cầu xin để mỗi ngày chúng ta phát hiện ra những
tia sáng tình thương của Chúa và chia sẻ tình yêu với những người xung quanh.
Đây là một tâm
tình chân thật của các Tông Đồ, khi chưa hiểu những lời dạy của Chúa, các ngài
đã xin Chúa dạy bảo cách riêng khi thuận tiện; để các ngài thấu hiểu tường tận
hơn. Điều này giúp cho mỗi người trong chúng ta cũng biết khiêm tốn, nhận ra sự
yếu kém của mình về Giáo lý và Kinh Thánh; biết tìm đến những đấng có thẩm quyền
trong Hội Thánh, để được chỉ bày cho rõ, giúp tránh được sự sai lầm.
Sống Lời Chúa:
Tốt và xấu cũng có nghĩa đen
và nghĩa bóng. Cái gì tốt thì luôn luôn đẹp, nhưng cái gì đẹp thì chưa chắc là
tốt. “Cái tốt” và “cái xấu” là thứ đến trong mỗi hành động, lằn ranh rất mong
manh. Và vì thế, chúng ta không bao giờ được ngừng cẩn trọng trong mỗi suy xét
hay phán đoán về người khác, cũng như không bao giờ ngừng chú ý và nghiêm khắc
với từng hành động của mình.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho mọi thành
viên trong gia đình chúng con ham thích học hỏi Giáo lý và Kinh Thánh với một
tâm hồn hết sức khiêm nhường để chúng con dễ nhận được sự chỉ bảo chân thành.
Lẽ sống:
Những kỷ niệm nhỏ
Tổng thống
Wilson của Hoa Kỳ, người đã đưa nước Mỹ can thiệp vào thế chiến thứ I, là người
rất thận trọng đối với những kỷ niệm nhỏ.
Lần kia, ông và
phu nhân cùng với nhiều nhân vật cấp cao trong chính phủ dừng lại một thành phố
thuộc tiểu bang Montana.
Cảnh sát làm
hàng rào không cho bất cứ ai đến gần vị tổng thống. Nhưng, không hiểu làm thế
nào mà có hai cậu bé đã chui lọt hàng rào cảnh sát để đến gần chỗ ngồi của tổng
thống.
Hai cậu bé ngắm nhìn một cách say sưa vị nguyên thủ quốc gia. Một cậu bé
tìm cách tặng cho kỳ được lá cờ nhỏ bé của nước Mỹ mà em đang cầm trên tay. Cảnh
sát cố tình ngăn chận cậu bé, nhưng bà Wilson đã đưa tay đón lấy lá cờ và vẫy
tay em một cách nhiệt tình.
Cậu bé khác cảm
thấy buồn hiu vì em không có gì để dâng tặng cho tổng thống. Em cố gắng mò mãi
trong túi quần và cuối cùng lôi ra được một đồng xu nhỏ. Em cố gắng vượt qua mọi
chướng ngại để chạy đến trao cho tổng thống. Em sung sướng vô cùng, bởi vì
chính tổng thống Wilson là người chìa tay ra để đón nhận món quà của em với tất
cả trang trọng.
Năm năm sau, tổng
thống Wilson qua đời. Bà Wilson xếp đặt lại các đồ dùng quen thuộc của chồng. Mở
chiếc ví của ông, bà thấy có một bọc giấy được giữ gìn cẩn thận. Tháo chiếc bọc
giấy, bà nhận ra ngay tức khắc đồng xu nhỏ mà cậu bé đã tặng cho chồng bà cách
đây năm năm. Ông quý đồng xu nhỏ ấy đến độ đi đâu ông cũng mang nó theo.
Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế.
Ngài giàu có biết bao, nhưng những đồng xu nhỏ mà chúng ta trao tặng cho Ngài,
Thiên Chúa đón nhận và cất giữ như báu vật... Một Thiên Chúa giàu sang dường
như không ưa thích của cải dư dật của chúng ta cho bằng những đồng xu nhỏ của
lòng thành, sự quảng đại, những âm thầm hy sinh, phục vụ quên mình của chúng
ta...
Chúa Giêsu đã
cho chúng ta thấy được cái nhìn trang trọng của Chúa đối với lòng thành của con
người. Lần kia, Ngài vào đền thờ và quan sát những người đang dâng cúng tiền của.
Ai ai cũng bỏ tiền vào hòm, chợt có một người đàn bà góa chỉ bỏ có một đồng xu
nhỏ. Vậy mà Ngài đã tuyên bố: Người đàn bà này đã dâng cúng nhiều hơn ai hết, bởi vì trong
khi mọi người bố thí những của dư thừa của mình, còn người đàn bà nghèo này lại
dâng cúng tất cả những gì mình có để độ nhật. Thiên Chúa luôn
trân trọng và quý mến tất cả những gì chúng ta dâng tặng Ngài. Những lễ vật
càng đơn sơ, nhỏ bé dưới mắt người đời, càng có giá trị trước mặt Chúa. Chỉ có
Chúa mới thấy được giá trị của những âm thầm đau khổ, của những hy sinh quên
mình từng ngày, của những việc làm vô danh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét