Phúc Âm : Ga 6, 1-15
"Người
phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
1 Sau đó, Đức
Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. 2 Có
đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ
Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các
môn đệ. 4
Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.
5 Ngước mắt lên, Đức
Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê:
"Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? " 6 Người nói thế là để thử ông, chứ
Người đã biết mình sắp làm gì rồi. 7 Ông Phi-líp-phê đáp: "Thưa, có mua đến hai
trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút." 8 Một
trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: 9
"Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với
ngần ấy người thì thấm vào đâu! " 10 Đức Giê-su nói: "Anh em cứ bảo người ta
ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông
đã tới khoảng năm ngàn. 11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn,
rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai
muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. 12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ:
"Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." 13 Họ liền đi thu những miếng thừa
của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai
thúng. 14
Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ,
Đấng phải đến thế gian! " 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem
đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
Suy
niệm:
Phép lạ từ sự chia sẻ
Khi
nói đến việc Chúa làm cho bánh hóa ra nhiều, chúng ta thường ít chú ý đến nhân
vật một em bé trong số đoàn người đông đảo đi theo Chúa vào sa mạc. Chú bé ấy
mang theo năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá. Xem ra chú bé là người biết lo
xa nên đã mang theo mình lương thực đi đường, vì chú biết chặng đường mình đi sẽ
rất xa. Thiên Chúa thường làm những điều kỳ diệu khởi đi từ những điều rất đơn
giản bình thường. Đương nhiên Chúa có thể phán một lời thì có đủ số bánh cho năm
ngàn người ăn no. Tuy vậy, trong trường hợp này, Chúa lại làm phép lạ khởi đi từ
phần ăn đơn sơ của một cậu bé. Từ chất liệu giản đơn này, Chúa đã làm nên những
điều vĩ đại.
Sự
cộng tác của con người thật quan trọng để Thiên Chúa tỏ bày vinh quang và thực
thi ơn cứu độ của Ngài. “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để
cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người"
- Thánh Augustinô đã viết như thế. Phần ăn
đi đường của chú bé đã trở nên sự cộng tác quý giá cho một phép lạ được thực hiện.
Nghĩa cử sẻ chia của chú đã trở thành một lượng bánh khổng lồ nuôi sống một đám
đông.
Đó
cũng là ý nghĩa của sự kiện liên quan đến ngôn sứ Ê-li-sa. Khởi đi từ hai mươi
chiếc bánh lúa mạch người ta đến dâng cho ông, ông đã quảng đại phân phát cho
những người đang đói khát. Lòng quảng đại của ông đã làm cho những tấm bánh ấy
trở nên nguồn lương thực nuôi sống cả một vùng (Bài đọc I).
Cơn
đói cơm bánh luôn triền miên ám ảnh con người. Đây cũng là lý do dẫn tới xung đột
trong mọi lãnh vực. Chúa Giêsu trong hoang địa cũng đã bị cám dỗ về tham ăn uống.
Ma quỷ xui Chúa hãy biến đá thành bánh để phá tan tinh thần chay tịnh nơi Người.
Chúa không mắc bẫy ma quỷ. Người không chỉ nhằm đến cơn đói của bản thân, nhưng
Người luôn khắc khoải trước cơn đói khát chân lý của cả nhân loại. Người đã đem
cho con người lương thực thiêng liêng là Lời Hằng sống để qua đó họ tìm cho
mình được sự sống vĩnh cửu.
Và
như thế, trải qua mọi thời đại, Chúa Giê-su đang tiếp tục nuôi dưỡng con người
qua Bí tích Thánh Thể. Mỗi ngày, trên bàn thánh, Chúa vẫn tiếp tục hiến dâng
chính mình để trở nên của ăn của uống cho chúng ta. “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thày”.
Qua lệnh truyền đó, Chúa mời gọi chúng ta hãy đóng góp phần mình, có thể rất giản
đơn như phần ăn của chú bé năm nào trong sa mạc, để giúp những người xung quanh
qua cơn đói tình người, đói lương thực và đói chân lý. Chúa đang dùng bàn tay của
mỗi tín hữu để phân phát cho những người xung quanh Bánh của Sự thật, của Tình
thương và Liên đới. Đó chính là những “phép lạ” kỳ diệu mà Chúa thực hiện qua
bàn tay con người, khi họ biết mở rộng trái tim để đến với anh chị em.
Một
trong những sứ điệp quan trọng mà Bí tích Thánh Thể muốn thông truyền cho chúng
ta, đó là tình liên đới hợp nhất. Thánh Phaolô lo lắng băn khoăn vì sự chia rẽ
giữa các tín hữu trong cộng đoàn ở Êphêxô. Ngài đã giáo huấn họ một cách cụ thể,
với cách so sánh cộng đoàn với một thân thể, chỉ có một Thần Khí duy nhất nối kết
mọi chi thể để làm cho thân thể ấy được sống và hoạt động (Bài đọc II).
Ngày
nay, hầu như ai đi dự lễ cùng đều rước lễ. Xem ra nhiều người không ý thức hoặc
không biết những điều quy định của Giáo Hội, đó là những ai mắc tội trọng thì
không đủ điều kiện để rước Mình Thánh Chúa. Những ai đang sống trong tình trạng
bất xứng, tức là mắc tội trọng, mà cố tình rước lễ có thể mắc tội phạm thánh,
vì Thiên Chúa là Đấng chí thánh, những ai muốn rước Ngài thì tâm hồn họ cần được
thanh tẩy. Quả là một điều bất xứng, khi rước Chúa mà trong lòng còn đầy tội lỗi,
thù ghét và đam mê. Thánh Augustinô nhắc lại lời Chúa: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta” và
chú giải : “Thịt
và Máu Chúa không làm cho Chúa trở nên chúng ta, mà là làm cho chúng ta trở nên
mỗi ngày giống Chúa hơn”. Như vậy, việc năng lãnh nhận Mình Thánh
Chúa sẽ giúp chúng ta biến đổi dần dần trong hành trình nên thánh.
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Giám mục Giáo phận
Hải Phòng
Cầu
nguyện:
“Lạy Chúa, xin hãy mở lòng con để biết cảm thông với anh chị em bất
hạnh.
Xin hãy mở mắt con để biết nhìn nỗi
khổ của tha nhân
Xin hãy mở tay con để biết sẻ chia không tính toán.
Và như thế, con đang cùng Chúa
làm nên những phép lạ diệu kỳ. Amen
Lẽ sống:
Vết
sẹo nơi bàn chân
Ông
Khấu Chuẩn, người đời nhà Tống, đất Hạ Bì, lúc nhỏ là một cậu bé lêu lổng, ham
chơi. Bà mẹ vốn là người nghiêm khắc, nên thường hay quở phạt ông. Tuy nhiên,
tính nào vẫn tật ấy, Khấu Chuẩn vẫn không thay đổi. Một hôm, ông trốn học đi chơi,
bà mẹ giận quá cầm quả cân ném phải chân ông, máu chảy đầm đìa... Từ đó, ông đã
bỏ hẳn tính lêu lổng phóng túng, chỉ lo chuyên cần học tập. Về sau đỗ đạt, ông được
bổ làm tể tướng. Mỗi khi sờ đến vết sẹo ở bàn chân, ông khóc nức nở:
"Chính vết thương này đã làm ta nên người".
Sống là một cuộc chiến đấu
không ngừng. Thương tích dường như là một điều thiết yếu trong cuộc sống. Vấp
ngã là điều thường tình trong thân phận con người. Chúng ta không nhìn lại những
vết sẹo trong tâm hồn để nuối tiếc quá khứ, nhưng để nhận rõ dấu chỉ của một
tình thương bao la cao cả hơn. Phải, Thiên Chúa mạnh hơn sự chết và tội lỗi của
con người. Nói như thánh Phaolô: nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó ân sủng của
Chúa càng dồi dào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét