PHÚC ÂM: Mt 10,16-23
"Không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha
các con".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
16 Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi
vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu.
17 "Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp
anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18 Và
anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ
và các dân ngoại được biết. 19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải
nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải
nói gì : 20
thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong
anh em.
21 "Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho
người ta giết ; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho
cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.
Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
23 "Khi người ta bách hại anh em
trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em : anh em
chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến.
Suy niệm:
Số phận người Kitô hữu
“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ
đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt
vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.”
(Mt. 10, 17-18)
Tin Mừng hôm nay
một lần nữa cho chúng ta hiểu được thế nào là ơn gọi và số phận của người Kitô
hữu. Chúa Giêsu đã được cụ già Simêon gọi là dấu chỉ gợi lên chống đối. Cái chết
của Ngài trên Thập giá là cao điểm của những chống đối mà con người dành cho
Ngài. Tiếp tục sứ
mệnh của Ngài, Giáo Hội ở mọi nơi và mọi thời, không thể thoát khỏi số phận bị
chống đối ấy. Hình thức và mức độ của những cuộc bách hại có khác nhau, nhưng tựu
trung ở đâu và lúc nào Giáo Hội cũng bị bách hại.
Ý thức về sự
bách hại không phải là một mặc cảm; lên tiếng về những bách hại cũng không hề
là một ý đồ chính trị. Giáo Hội tự bản chất luôn bị đặt vào thế bị chống đối.
Chấp nhận đi theo Chúa Kitô, sẵn sàng chiến đấu chống lại tội lỗi, lên tiếng chống
lại bất công và can đảm lội ngược dòng, sống như thế tức là đã bị bách hại rồi.
Một Giáo Hội phục vụ có thể được thương mến, nhưng một Giáo Hội bị bách hại lại
càng là Giáo Hội trung thành với Chúa Kitô hơn. Trong một chuyến viếng thăm
tại Braxin, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: "Tôi thà thấy muôn ngàn lần một Giáo Hội bị
bách hại, hơn là một Giáo Hội thỏa hiệp".
Sống Lời Chúa:
Trong cuộc sống, nhiều khi
tôi mải mê với công việc, mải mê với những vui thú hay với những lo toan..mà
tôi đã quên Chúa. Tôi không biết tạ ơn Chúa, không dành thời giờ đến với Chúa
trong cầu nguyện, trong thánh lễ.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa, trong mọi nơi mọi lúc và mọi sự, xin cho con biết đến với Chúa để dâng lời
tạ ơn và cầu nguyện với Chúa để con sống theo ý Chúa. Xin cho con cũng biết
dành thời giờ cho tha nhân qua việc quan tâm và sống bác ái yêu thương như Chúa
dạy.
Lẽ sống:
Hạt giống của hy
vọng
Văn hào
Shakespeare của nước Anh đã nói rằng: liều thuốc duy nhất còn lại cho những người
khốn khổ chính là niềm Hy Vọng. Bao lâu còn hy vọng, bấy lâu con người muốn tiếp
tục sống.
Những người Mỹ tại
một thành phố nọ thường truyền tụng cho nhau nghe câu chuyện nuôi niềm hy vọng
của một gia đình nọ như sau: Có một đôi vợ chồng nọ vừa yêu người cũng lại vừa
yêu thiên nhiên. Ngoài năm đứa con ruột thịt ra, họ còn nhận thêm năm đứa con
nuôi. Niềm vui chung của mọi người trong nhà là được săn sóc vườn hoa và những
thứ cây cảnh trong nhà. Người vợ tưởng chừng như không biết thế nào là đau khổ.
Nhưng cả bầu trời như sụp xuống, vườn hoa trở thành hoang tàn, khi người chồng
ngộ nạn, qua đời. Kể từ đó, người đàn bà không còn muốn ra khỏi nhà nữa. Thiếu
bàn tay săn sóc của bà, ngôi vườn cũng mỗi lúc một tàn lụi.
Mùa đông đến
càng làm cho ngày tháng càng thêm ảm đạm hơn. Thế nhưng, một bữa sáng nọ, người
đàn bà bỗng nghe tiếng cười nói và cào xới trong ngôi vườn. Kéo tấm màn cửa sổ
phòng ngủ lên, bà thấy các con của bà đang hì hục xới đất. Trước sự ngạc nhiên
của bà, người con cả trong gia đình chỉ mỉm cười đáp: "Má sẽ biết khi mùa
xuân đến". Và nguyên một mùa đông, ngày nào các con của bà cũng ra vườn để
xới đất.
Thế rồi khi mùa
xuân đến, bao nhiêu hoa đẹp đều nở rộ trong vườn. Những hạt giống mà những người
con đã âm thầm gieo vãi trong mùa đông nay thức giấc bừng dậy làm cho ngôi vườn
trở thành tươi mát, sặc sỡ.
Cùng với hạt giống
của các thứ hoa, những người con đã gieo vào lòng người mẹ một thứ hạt giống
khác: đó là hạt
giống của Hy Vọng. Chính niềm hy vọng đó đã đem người đàn bà trở lại
cuộc sống và đánh tan mọi buồn phiền trong tâm hồn bà.
Câu chuyện trên đây có lẽ cũng chính là bức
tranh của không biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống hiện tại của chúng
ta. Có những ngày tháng, mọi sự xem chừng như vô vọng. Có những lúc mây mù của
khổ đau bao phủ kín khiến chúng ta không còn thấy đâu là lối thoát. Chính trong
những lúc đó, chúng ta hãy nhớ đến hạt giống của niềm Hy Vọng. Thánh Phaolô
đã viết trong thư gửi cho các tín hữu Rôma như sau: "Chính trong niềm Hy Vọng mà chúng ta được
cứu thoát. Chính trong niềm Hy Vọng đó, chúng hãy nhìn thấy Sức Sống đang chờ đợi
chúng ta. Chính trong niềm Hy Vọng đó, chúng ta hãy nhìn thấy những hoa trái của
những hạt giống mà chúng ta đã vất vả gieo vãi”.
Một người Hòa
Lan và một người Mỹ bàn về ý nghĩa của hai lá cờ quốc gia. Người hòa Lan phát
biểu một cách mỉa mai như sau: lá cờ của chúng tôi có ba màu: đỏ, trắng, xanh.
Chúng tôi tức giận đỏ cả người lên, mỗi khi chúng tôi bàn đến thuế má. Chúng
tôi run sợ đến trắng bệch cả người mỗi khi chúng tôi nhận được giấy thuế má. Và
chúng tôi xanh như tàu lá sau khi đã trả hết các thứ thuế. Người Mỹ cũng nói
lên một cảm tưởng tương tự mỗi khi nhận được các thứ giấy đòi nợ, nhưng lại bảo
rằng: bù lại, chúng tôi chỉ thấy toàn các thứ sao.
Sao trên bầu trời
là biểu hiện của chính niềm Hy Vọng. Bên kia những vất vả thử thách, bên kia những
mất mát, bên kia những thất bại khổ đau, phải chăng người Kitô chúng ta không
được mời gọi để thấy được các ngôi sao của niềm Hy Vọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét