PHÚC ÂM: Mt 10,24-33
"Các con đừng sợ những kẻ giết được
thân xác".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
24 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ
rằng: "Môn đệ không hơn thầy, và tôi tớ không hơn chủ mình. 25 Môn đệ
được bằng thầy, tôi tớ được bằng chủ mình thì đã là khá rồi. Nếu họ đã gọi chủ
nhà là Bêelgiêbul thì huống hồ là người nhà của Ngài. 26 Vậy các con đừng sợ những người đó,
vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề
hay biết. 27 Điều
Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe
rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
28 "Các con đừng sợ kẻ giết được thân
xác, nhưng không thể giết được linh hồn. Các con hãy sợ Đấng có thể ném cả xác
lẫn hồn xuống địa ngục. 29 Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng
tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. 30 Phần
các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. 31 Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng
giá hơn chim sẻ bội phần.
32 "Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt
người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy là Đấng ngự trên trời. 33 Còn
ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy là Đấng
ngự trên trời".
Suy niệm:
Yêu Chúa thì vượt qua sợ hãi
“Anh em đừng sợ những kẻ giết được
thân xác mà không thể giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể
tiêu diệt được cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục.”
“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt
thiên hạ, thì Thầy cũng tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự
trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy
trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt. 10, 28. 32-33)
Lời Chúa hôm nay
mời gọi chúng ta nhìn vào thực tế cuộc sống và tỏ ra thái độ phù hợp với người
có lòng tin. Từ chuyện phải vất vả kiếm sống đến chuyện tương lai của con cái
và những khó khăn trong việc sống đạo, chúng ta được mời gọi để múc lấy ánh
sáng của Tin Mừng và chiếu dọi vào những thực tế ấy.
"Môn đệ không hơn Thầy, tôi tớ không hơn
chủ".
Chúa Giêsu đã đi con đường của nghèo khó, thua thiệt, bách hại, thập giá, tha
thứ và tha thứ cho đến cùng. Nhưng Chúa Giêsu không chỉ đề ra cho chúng ta một lý tưởng, một
con đường để đi theo, Ngài chính là con đường, là sự thật và là sự sống.
Chúng ta tin rằng nếu chúng ta kết hiệp với Ngài, chúng ta sẽ được sức mạnh của
Ngài để thắng vượt mọi gian nan thử thách. Chúng ta cũng tin rằng bên kia những
hao mòn và chết chóc trong thân xác, tâm hồn chúng ta sẽ được mãi mãi kết hiệp
với Ngài.
Chúa Giêsu sống giữa dân Người, và Người đã làm cho con người biết
bao điều lành: người câm nói được, người
mù được thấy, kẻ què đi được, người phung hủi được sạch, kẻ chết sống lại, người
nghèo được nghe giảng Tin Mừng, thế mà các kinh sư và người Pharisêu còn gọi là Bêelgiêbul,
thì đối với mỗi người chúng ta là môn đệ của Người, chúng ta có làm được việc
gì lành, hay bị bôi nhọ, bị bầm dập vì Chúa, vì anh em thì có nghĩa lý gì đâu.
Muốn được càng nên giống Chúa Giêsu chúng ta phải có lòng thương xót, có lòng
thứ tha, có lòng phục vụ và mong muốn mọi người được hưởng sự bình an, thì cần
phải hy sinh chính mình.
Trong khi rao giảng hay làm việc tông đồ, người môn đệ chắc chắn sẽ
gặp những người phê bình, chống đối, đe dọa và bắt bớ. Lý do đơn giản là người
môn đệ nói những điều người đời không muốn nghe, và sự thật thì hay mất lòng. Một vài ví dụ dẫn chứng: người môn đệ nói
phải tuyệt đối trung thành trong ơn gọi gia đình đang khi khán giả ngồi dưới đã
từng ly dị; người môn đệ dạy phải hy sinh để báo hiếu cha mẹ đang khi khán giả
gởi cha mẹ vào các viện dưỡng lão; người môn đệ dạy phải sinh con cái cho nhiều
đang khi khán giả không muốn sinh thêm con.
Khi làm chứng cho sự thật,
các môn đệ sẽ phải trả giá đắt, có thể phải hy sinh cả tính mạng như trường hợp
của các thánh tử đạo; nhưng các ngài sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho sự thật,
vì các ngài tin Thiên Chúa sẽ trả lại thân xác vinh quang, và cho linh hồn các
ngài được sống đời đời.
Sống Lời Chúa:
Đau khổ là khí cụ
Thiên Chúa dùng để thử thách con người, chúng ta đừng sợ hãi cũng đừng trốn
tránh đau khổ đến độ không dám tuyên xưng danh Chúa và làm chứng cho sư thật. Chúng
ta hãy tuyệt đối tin tưởng nơi tình yêu của Thiên Chúa quan phòng, để luôn can đảm
sống như những người con Thiên Chúa, sẵn sàng tha thứ, và làm ích cho mọi người.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho con biết xao xuyến và sợ hãi những khi con thấy mình xa
Chúa. Chúng con là những con người yếu đuối, mỏng dòn và đầy tự ái, mỗi đụng chạm
đến bản thân và gia đình, chúng con khó lòng chấp nhận, và thường có sự chống đối,
trả đủa. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, mỗi lần như
thế, luôn biết nhịn nhục hướng về Chúa để yêu thương tha thứ, để nhận được thứ
tha và yêu thương của Chúa.
Lẽ sống:
Một quy luật đơn sơ
Hôm nay Giáo hội
tôn kính nhớ thánh Bênêđictô, bổn mạng của toàn thể Châu Âu.
Vào cuối thế kỷ
thứ 5, đế quốc La Mã bị lung lay vì cuộc xâm lăng của những người mà thế giới
Kitô tại Âu Châu gọi là dân man di.
Một người thanh
niên thuộc dòng dõi quý tộc tại miền trung nước Italia muốn trốn thoát khỏi cuộc
loạn nhiễu nhương ấy, cho nên đã leo lên ngọn núi Subiaco để dìm mình trong cuộc
sống ẩn dật. Chính giữa nơi thanh tịnh thoát tục ấy mà chàng đã nghe được tiếng
Chúa phán trong tâm hồn: có nhiều giá trị của đế quốc La Mã cần phải được bảo tồn.
Càng ra sức làm việc để đem lại sự thống nhất và văn minh cho các dân xâm lược ấy.
Lấy những thôi
thúc ấy làm lý tưởng cho cuộc sống, Bênêđictô, người thanh niên quý tộc ấy đã
quy tụ xung quanh mình một số người đồng chí hướng và thiết lập tu viện đầu
tiên tại Montecassino.
Chàng đã nói với
Mauro, Placido và những người môn đệ đầu tiên như sau: "Chúng ta giam mình
trong bốn bức tường kiên cố không phải là để xa cách những người khác, nhưng là
để tiếp nhận từ trên cao ánh sáng của Chúa và thông đạt cho thế giới, để học hỏi
một cách sâu xa hơn nền văn minh vừa Kitô giáo vừa nhân bản và làm cho nền văn
minh ấy chiếu sáng giữa những người anh em của chúng ta.
Tôn chỉ của chúng ta là
thập giá và cái cày, bởi vì một dân tộc chỉ có thể phát sinh và lớn lên với sự
cầu nguyện, nghiên cứu học hỏi và lao động".
Những điểm chính
trong quy luật của chúng ta là: Hát bảy lần một ngày để ca tụng Chúa và làm cho
màn đêm tăm tối cũng được ấm cúng với lời ca tụng này. Thứ đến, mỗi ngày bỏ ra
nhiều giờ để lao động ngoài đồng áng, học hỏi những sự trên trời và dịch lại những
tác phẩm cổ điển. Sau cùng, phục vụ nhau như những người anh em của nhau, nhất
là tại bàn ăn, là nơi vừa nghe đọc sách vừa thưởng thức chút rượu.
Vị thánh đã đưa
ra chút quy luật đơn sơ trên đây đã được chọn làm bổn mạng của toàn thể Âu
Châu, bởi vì nền văn minh của Kitô giáo hiện nay, nền văn minh nhân bản của thế
giới ngày nay đã phát sinh từ chính lý tưởng cao quý ấy: sống chung trong yêu
thương để ca tụng Chúa và phục vụ con người.
Giữa cơn khủng
hoảng của đời sống tu trì như người ta đang chứng kiến hiện nay tại hầu hết các
nước Tây phương, người ta lại thấy một dấu hiệu đầy hy vọng: các tu viện sống đời
chiêm niệm vẫn tiếp tục thu hút thanh niên thiếu nữ. Giữa một thế giới dư dật,
nhưng trống rỗng, hơn bao giờ hết, người ta càng ngày càng cảm thấy có nhu cầu
phải cầu nguyện, phải sống kết hợp với Chúa.
Ðời sống tu trì,
dù bất cứ dưới hình thức nào đi nữa, cũng không là một lẩn trốn đầy sợ hãi trước
thế gian... Người tu sĩ đích thực xa lánh thế gian, chứ không xa lánh con người.
Người tu sĩ đích thực xa lánh sự sa đọa của thế gian, để rồi lại kiến tạo một
xã hội nhân bản hơn, dễ thở hơn, dễ sống hơn.
Ðó không chỉ là
sứ mệnh của người được Chúa chọn cho cuộc sống chiêm niệm và cầu nguyện, mà
cũng là sứ mệnh của mọi người Kitô. Người tín hữu Kitô luôn được mời gọi để
thoát tục, để đi ngược lại tinh thần của thế tục, để tiêu diệt nơi mình những sức
mạnh của sự dữ để ra sức kiến tạo một thế giới đáng sống hơn. Sống giữa thế giới,
nhưng không thuộc về thế gian: đó là thế đứng của người Kitô. Ơn gọi và sứ mệnh
của họ là kiến tạo Nước Chúa nghĩa là xây dựng những giá trị vĩnh cửu ngay trên
chính những cái chóng qua ở đời này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét