PHÚC ÂM: Mt 10,34-11,1
“Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem
gươm giáo".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
34 "Anh em đừng tưởng Thầy đến đem
bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm
giáo. 35 Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ
giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. 36 Kẻ thù của mình chính là người
nhà.
37 "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy,
thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với
Thầy. 38 Ai không vác thập giá mình mà theo
Thầy, thì không xứng với Thầy. 39 Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ
mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.
40 "Ai đón tiếp anh em là đón tiếp
Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
41 "Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì
người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ ; ai đón
tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh
phần thưởng dành cho bậc công chính.
42 "Và ai cho một trong những kẻ
bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì
Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu."
1 Ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Đức Giê-su rời chỗ
đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị trong miền.
Suy niệm:
Hãy nên hoàn thiện như Cha
trên trời
“Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an
cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.”
Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy,
thì sẽ không xứng với Thầy. Ai giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng
sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt. 10, 34. 38-39)
Tin Mừng hôm nay
là hệ quả của việc bước theo Chúa Giêsu. Theo Ngài người môn đệ phải chấp nhận
nhiều thua thiệt: họ bị chống đối từ bên ngoài xã hội đến chính trong gia đình
và người thân. Và một cách nào đó Chúa Giêsu bị xem như là tác giả của những
tranh chấp, chống đối.
Tuy nhiên nếu là
môn đệ thật sự của Chúa thì chúng ta phải chấp nhận những thua thiệt đó, vì
chúng ta nhớ lời dạy của Người “không ai có thể làm tôi hai chủ”. Khi bước theo
Chúa Giêsu, người môn đệ đã quyết định chọn lựa, và chỉ sự chọn lựa tình yêu
Thiên Chúa mới cho phép họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài. Khi chọn lựa như
thế người môn đệ không tránh khỏi được những mất mát.
Tuy nhiên, Thiên
Chúa sẽ không để cho họ thiệt thòi. Dù mạnh mẽ đến đâu, các quyền lực đối nghịch
cũng không thể tiêu diệt được những kẻ sống theo chọn lựa của tình yêu Thiên
Chúa. Như chúng ta đã được nghe trong bài đọc một, vua Ai Cập khôn khéo đàn áp
dân Do Thái, bắt họ làm lụng vất vả để khỏi gia tăng dân số, nhưng càng đàn áp
thì Chúa lại càng cho họ gia tăng và bành trướng hơn nữa.
Ngày nay cũng vậy,
chúng ta tin tưởng
Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi con cái của Ngài, những người chấp nhận thiệt thòi
vì đã chọn lựa theo Ngài. Ngài sẽ bù đắp cho chúng ta, một sự bù đắp vượt qua
khỏi sự mong đợi của chúng ta.
Sống Lời Chúa:
Tôi cám ơn Chúa vì những
tài năng, ơn phúc Chúa ban đồng thời nhận biết và sẵn sàng loại bỏ những gì cản
trở ơn thánh hoạt động nơi tôi. Tôi cám ơn những ai đã giúp tôi nhận ra những
nhược điểm của mình.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa kêu mời chúng con “hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng
Hoàn Thiện.” Xin cho chúng con kiên trì noi theo mẫu gương sống thánh thiện để
chúng con ngày càng nên giống Chúa hơn.
Lẽ sống:
Niềm vui và kho
tàng
Theo một bảng thống
kê thì hằng năm tại Hoa Kỳ, có khoảng 60 triệu toa bác sĩ cho mua thuốc Valium.
Valium hiện nay được xem là loại thuốc an thần công hiệu nhất.
Nói chung, xem
chừng như văn minh càng tiến bộ, con người càng bất an. Niềm vui đích thực trong
tâm hồn dường như đã vỗ cánh bay xa.
Nhưng an bình và
vui tươi là vấn đề sống còn của con người. Ðạt được tất cả, có tất cả nhưng
không có niềm vui trong tâm hồn, thì sống như thế chẳng khác nào như một thây
chết.
Người Ai Cập thời
cổ tin rằng khi chết con người phải trình diện trước thần Osires để trả lời cho
hai câu hỏi: "Ngươi có tìm thấy niềm vui không? Ngươi có mang lại niềm vui
cho người khác không?". Số phận đời đời của họ tùy thuộc vào cách họ trả lời
cho hai câu hỏi ấy.
Số phận đời đời
của con người, tương quan của con người với Thiên Chúa tùy thuộc ở niềm vui của
họ trong cuộc sống này.
Một ngày kia,
người ta hỏi nhạc sĩ Franz Joseph Haydn tại sao nhạc tôn giáo của ông lúc nào
cũng vui tươi? Nhà nhạc sĩ tài ba của thế kỷ thứ 18 đã trả lời như sau: "Tôi không thể
làm khác hơn được. Tôi viết nhạc theo những cảm xúc của tôi. Khi tôi nghĩ về
Chúa, trái tim tôi tràn ngập niềm vui đến nỗi các nốt nhạc như nhảy múa trước
ngòi bút của tôi".
Người tín hữu Kitô,
theo định nghĩa, không thể không là người của niềm vui. Họ phải vui mừng bởi vì
Thiên Chúa chính là gia nghiệp của họ, bởi vì tâm hồn của họ luôn có Chúa.
Trong quyển sách
có tựa đề "Những sự thuộc về Chúa Thánh Thần", Ðức Gioan Phaolô II
đã viết như sau: "Ðức Kitô đến để mang lại niềm vui: niềm vui cho con
cái, niềm vui cho cha mẹ, niềm vui cho gia đình và bạn hữu, niềm vui cho công
nhân và trí thức, niềm vui cho người bệnh tật, già cả, niềm vui cho toàn nhân
loại. Theo đúng nghĩa, niềm vui là trọng tâm của sứ điệp Kitô và ý lực của Phúc
Âm. Chúng ta hãy là sứ giả của niềm vui".
Nhưng niềm vui
không phải là một kho tàng có sẵn: nó đòi hỏi phải được kiến tạo. Người ta kiến
tạo niềm vui bằng cách làm cho người khác được vui. Càng chia sẻ, càng trao
ban, niềm vui càng lớn mạnh.
Mỗi ngày chúng
ta van xin người khác không biết bao nhiêu lần: xin vui lòng. Chúng ta xin người
"vui lòng", nhưng chúng ta lại không muốn làm cho lòng mình vui lên. Nếu chúng ta muốn
người khác "vui lòng" để ban ân huệ cho chúng ta, thì có lẽ chúng ta
phải làm cho lòng mình vui lên bằng bộ mặt vui tươi hớn hở của chúng ta, bằng
những chia sẻ vui tươi của chúng ta, bằng những nụ cười vui tươi của chúng ta,
bằng những chịu đựng vui tươi của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét