PHÚC ÂM: Mt 9,1-8
"Họ tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người quyền năng như
thế".
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Đức Giê-su xuống thuyền,
băng qua hồ, trở về thành của mình. 2 Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt
nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt :
"Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi !" 3 Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng :
"Ông này nói phạm thượng." 4 Nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền nói :
"Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy ? 5 Trong hai điều : một là bảo :
"Con đã được tha tội rồi", hai là bảo : "Đứng dậy mà đi", điều
nào dễ hơn ? 6
Vậy, để các ông biết : ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - bấy giờ Đức
Giê-su bảo người bại liệt : "Đứng dậy, vác giường đi về nhà !" 7 Người
bại liệt đứng dậy, đi về nhà. 8 Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên
Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.
Suy niệm:
Thấy họ có lòng tin
Với lòng tin tưởng
tuyệt đối vào Thiên Chúa, Abraham đã vâng lời trong mọi sự, dù phải trả giá bằng
việc sát tế đứa con một yêu dấu của mình. Vâng lệnh Đức Chúa, Abraham lên đường,
sát tế Isaac làm của lễ toàn thiêu. Và chính Thiên Chúa đã nhìn thấy lòng tin vẹn
tuyền của Abraham. Ngài hứa giáng phúc cho ông và dòng dõi ông.
Cũng với lòng
tin vào quyền năng và lòng thương xót của Chúa, trong bài Tin mừng, anh
bại liệt và cả nhóm người khiêng anh đã tìm cách đưa anh đến với Chúa Giêsu. Họ
tin rằng khi gặp được Chúa, thì lời quyền năng hay hành động quyền năng của
Ngài sẽ làm cho anh bại liệt được khỏi. Và Ngài đã chữa khỏi cho anh bại liệt bởi “thấy họ có lòng tin”.
Khi tôi đến gặp
gỡ Chúa qua thánh lễ, khi tôi tiếp xúc với Chúa trong nguyện cầu, thì Lời quyền
năng và hành động quyền năng của Ngài qua các bí tích, sẽ cứu chữa, sẽ giải
phóng tôi khỏi những tật nguyền trong tâm hồn. Tha thiết đến với Lời của Chúa, lời có sức mạnh
giải phóng khỏi những tối tăm, lầm lạc. Trung thành với các bí tích, qua đó,
hành động cứu độ của Chúa sẽ được thực hiện.
Sống Lời Chúa:
Chúa Kitô đã thiết lập Hội
Thánh, trao cho Hội Thánh quyền cầm buộc cũng như tháo cởi dưới đất. Quyền năng
này không do Hội Thánh mà là Chúa Kitô hành động qua Hội Thánh. Nhưng Hội Thánh
cũng bao gồm những con người, vẫn còn đó những yếu đuối và lầm lỗi. Vì thế, nhiều
người tỏ ra nghi ngờ ‘quyền năng’ của Hội Thánh trong việc cử hành các bí tích.
Liệu tôi có thuộc vào số những kẻ ‘phạm thượng’ đó không?
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa, xin giúp con ra khỏi những thành kiến và mặc cảm, thù oán và ghen tương, biết
khiêm tốn nhìn nhận sự bại liệt của mình, và chấp nhận để người khác đưa mình đến
gặp Chúa.
Lẽ sống:
Ðấng Cứu Thế đang có mặt
Ngày kia, có một
đan viện phụ Công giáo tìm đến một vị tu sĩ Ấn Giáo tại chân núi Himalaya. Với
tất cả ưu tư phiền muộn, vị đan viện phụ trình bày về tình trạng bi đát của tu
viện do ông điều khiển. Trước kia, tu viện này là một trong những trung tâm
Công giáo thu hút không biết bao nhiêu khách hành hương. Nhà nguyện lúc nào
cũng vang lên tiếng ca hát của các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi. Các căn
phòng lúc nào cũng có người ở... Nay tu viện gần như trở thành một ngôi chùa trống
vắng. Làn sóng những người trẻ tìm đến tu viện hầu như tắt lịm. Nhà nguyện vắng
kẻ ra người vào. Một số nhỏ tu sĩ còn lại sống trong uể oải buông thả... Vị
viện phụ muốn hỏi nhà tu sĩ Ấn Giáo: đâu là nguyên nhân đã đưa đến tình trạng này? Phải chăng vì một
tội lỗi tày đình nào đó mà bàn tay Chúa đã đè nặng trên cộng đoàn?
Sau khi nghe đức
viện phụ kể lể, vị tu sĩ Ấn Giáo mới ôn tồn nói: "Cái tội đã và đang
xảy ra trong cộng đoàn: đó là tội vô tình". Vị tu sĩ Ấn Giáo
mới giải thích như sau: "Ðấng Cứu Thế đã cải trang thành một người giữa chư vị,
nhưng chư vị đã vô tình không nhận ra Ngài".
Nhận được lời giải
thích của vị tu sĩ Ấn Giáo, đức viện phụ mới hối hả trở về tu viện, trong
lòng ông không khỏi miên man đặt câu hỏi: "Ai là người được Ðấng Cứu Thế đang mượn
hình dáng để trở lại với loài người?". Cả tu viện chỉ có tất cả
không đầy mười người. Ðấng Cứu Thế không thể là chính ông, vì ông tự biết mình
là một con người tội lỗi yếu hèn. Nhưng ông cũng biết rõ các tu sĩ khác trong
tu viện: có người nào toàn vẹn để Ðấng Cứu Thế mượn lấy hình dáng? Thế nhưng,
ông vẫn tin theo lời của vị tu sĩ Ấn Giáo để xác quyết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải
trang thành một người nào đó trong cộng đoàn...
Với niềm xác tín
ấy, ông quy tu tất cả các tu sĩ lại và loan báo cho mọi người biết rằng Ðấng Cứu
Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Ðôi mắt của mỗi người mở to ra và
ai cũng bắt đầu dò xét từng người trong nhà. Chỉ có điều chắc chắn là: bởi vì Ðấng Cứu Thế đã
cải trang, cho nên, không ai có thể nhận ra Ngài được. Thành ra mỗi người trong
nhà đều có thể là Ðấng Cứu Thế... Từ đó, ai ai cũng đối xử với nhau như đối xử
với chính Ðấng Cứu Thế. Không mấy chốc, bầu khí yêu thương, huynh đệ, sức sống
và niềm vui đã trở lại với tu viện. Sự thánh thiện ấy không mấy chốc được đồn
thổi đi khắp nơi. Các tín hữu từ khắp nơi trở lại tu viện để tĩnh tâm và cầu
nguyện. Nhiều ngưởi trẻ cũng đến gõ cửa Nhà Dòng...
Nếu người người,
ai ai cũng nhìn nhau và đối xử với nhau như đối xử với chính Chúa Giêsu, thì có
lẽ hận thù, chiến tranh sẽ không bao giờ có lý do để tồn tại trên mặt đất này.
Sự vắng bóng của Thiên Chúa trong xã hội, hay đúng hơn sự vô tình của con người
để không nhận ra Thiên Chúa trong cuộc sống: đó là đầu mối của mọi thứ bất hòa,
chiến tranh, xáo trộn trong xã hội.
Chối bỏ
Thiên Chúa cũng có nghĩa là chối bỏ con người. Sự băng hoại của
những xã hội xây dựng trên chủ thuyết vô thần là một bằng chứng hùng hồn về hậu
quả của sự chối bỏ Thiên Chúa. Khi con người chối bỏ Thiên Chúa, con người cũng
trà đạp con người...
Con người là
hình ảnh cao quý của Thiên Chúa đến độ Ngài đã trở thành con người và tự đồng
hóa với con người. Từ nay, con người chỉ có thể nhận ra Ngài trong mỗi người
anh em của mình mà thôi. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn
hữu hay thù địch: mỗi một con người đều là hình ảnh của Thiên Chúa và chỉ có
xuyên qua tình yêu đối với con người, con người mới có thể đến với Thiên Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét