PHÚC ÂM: Mt 20, 1-16a
"Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi
nhân lành chăng".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Nước Trời giống như
chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những
người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.
"Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy
có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: 'Các ngươi cũng hãy
đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng'. Họ liền đi. Khoảng
giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.
"Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại
trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: 'Sao các ngươi đứng nhưng không
ở đây suốt ngày như thế?' Họ thưa rằng: 'Vì không có ai thuê chúng tôi'. Ông bảo
họ rằng: 'Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta'.
"Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản
lý rằng: 'Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết
tới người đến trước hết'. Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi
người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều
hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Đang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm
trách chủ nhà rằng: 'Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu
nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?' Chủ nhà trả lời với
một kẻ trong nhóm họ rằng: 'Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn
đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn
trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn
sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?'
"Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết,
và kẻ trước hết sẽ nên sau hết".
Suy niệm:
Tốt lành và giàu lòng xót thương.
Sau khi anh thanh niên giàu có từ chối lời mời của Đức Giêsu ông Phêrô đã đại
diện anh em hỏi Thầy: “Chúng con đã bỏ mọi sự và theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được
gì?” Thầy Giêsu đã đáp lại bằng một câu trả lời khá dài. Họ sẽ được xét xử các
chi tộc Ítraen, được gấp trăm về mọi sự, và nhất là được hưởng sự sống đời đời
(Mt 19, 27-30).
Như
thế ở đây Nước Trời được coi như một phần thưởng, một sự trả công Chúa dành cho
những ai dám từ bỏ hy sinh. Các môn đệ cho đi, và rồi họ sẽ được lại.
Bài
Tin Mừng hôm nay nằm ngay sau câu chuyện trên. Dưới
một góc độ nào đó thì cả hai có nội dung rất khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau, để
ta có một cái nhìn quân bình về Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải chỉ là Đấng
công bằng, thưởng công cho những gì chúng ta đã vất vả cố gắng. Người còn là Đấng
quảng đại, tốt lành và giàu lòng xót thương. Dụ
ngôn về “người thợ giờ thứ mười một” cho thấy điều đó. Thật ra phải gọi dụ ngôn
này là dụ ngôn về “Ông chủ độ lượng”.
Giáo huấn sống trong Hội Thánh.
Dụ ngôn thợ làm vườn nho nếu xét về mặt xã hội, không ông chủ nào đối xử với
các thợ như thế. Đành rằng ông chủ trả lương cho thợ không sai hợp đồng, không
bất công. Nhưng làm như vậy là chủ tỏ ra thiếu khôn ngoan, gây cớ cho người ta
ghen tỵ nhau, hoặc làm cho thợ hiểu lầm chủ thương người này mà ghét người kia.
Thợ mà biết tâm tình chủ như thế, chắc gì lần sau chủ có thể mượn được thợ vừa
ý! Nhưng Đức Giêsu kể dụ ngôn này nhằm diễn tả mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, vì “đường
lối của Thiên Chúa khác với đường lối của loài người, vì ý nghĩ của Thiên Chúa
khác với suy nghĩ của loài người” (Is 55, 6-9). Qua dụ ngôn này Chúa muốn ta phải
ý thức mình vừa là thợ, vừa là chủ trong đời sống Hội Thánh.
"Hãy đi và làm vườn nho cho
Chúa". Đây là lời mời gọi của Đức Giêsu cho mỗi
người chúng ta.
Vườn
nho được hiểu là Hội Thánh. Người mời gọi là chính Thiên Chúa. Đi làm vườn nho được
hiểu là công tác truyền giáo. Việc Thiên Chúa trả lương cách hậu hĩnh và công bằng
muốn diễn tả Người là Đấng Giàu Lòng Thương Xót.
Vì
thế, lời mời gọi đi làm vườn nho không có nghĩa là một bản hợp đồng lao động,
và việc nhận lương không căn cứ vào thời gian hay công việc. Điều Đức Giêsu muốn
nói ở đây chính là: "Thiên Chúa để ý đến tinh thần của người tham gia vào
công việc của vườn nho".
Qua
Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu không muốn ai phải thất vọng, mọi người đều có chỗ đứng
trong Hội Thánh. Thật vậy, Đức Giêsu muốn nói đến tính phổ quát của của ơn cứu độ,
vì Thiên Chúa không chỉ dành ơn cứu độ cho dân Dothái, cho người Công Giáo, nhưng
là cho muôn dân muôn nước không trừ ai. Đồng thời Đức Giêsu cũng mặc khải về
lòng bao dung, quảng đại và thương xót của Thiên Chúa.
Như
vậy, ta có thể hiểu rằng: mỗi người, Chúa đều trao cho những nén bạc và tùy khả
năng để sinh lời. Phần thưởng dựa vào tiêu chuẩn là người đó có thực sự cố gắng
và chu toàn hay không mà thôi.
Sống Lời Chúa:
+
Thánh Gioan Tẩy Giả đã nhắc : “Chớ đòi gì quá mức ấn định, đừng xách nhiễu, đừng vu khống cho ai, hãy
bằng lòng với lương bổng của mình” (Lc 3,13-14).
+
Thánh Phaolô cũng tiếp lời khuyên : “Làm
việc gì hãy tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải làm cho người đời”
(Cl 3,23).
+
Lời dạy của ông Tôbya : “Hãy trả lương
cân xứng cho người giúp con và thêm chút gì vào tiền công của họ” (Tb
12,1).
+
Thánh Tông Đồ Phaolo nói : “Đối với tôi sống
là Đức Kitô, chết là mối lợi !” (Pl 1,21)
+
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, trung thành, yêu mến và
dấn thân vào làm vườn nho của Chúa, bằng cách sống tốt và chu toàn bổn phận của
mình theo thánh ý Chúa dựa trên tình yêu.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết
yêu mến Chúa tha thiết, biết gắn bó với Hội Thánh và trung thành với bổn phận của
mình, xin dạy chúng con biết rộng lòng thương xót nhau trong tình nghĩa anh em
một nhà.
Lẽ
sống:
Hai
vì sao mỉm cười
Một
vị ẩn sĩ nọ tịnh niệm và chay tịnh đến suốt ngày không động đến thức ăn và nước
uống.Từ trên đỉnh núi cao, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện giữa ban
ngày: đó là dấu hiệu trời cao chấp nhận của lễ hy sinh của ông.
Ngày
nọ, vị ẩn sĩ quyết định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao hơn trong sự khổ
chế. Vừa lúc ông đương leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới xin đi theo.
Không thể từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho cô bé đi theo. Họ ra đi khi mặt trời
vừa lên. Nhưng không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một chói chang, cả vị ẩn sĩ lẫn
cô bé gái đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn khát của
mình, nhưng ông lại giục cô gái hãy uống nước. Cuối cùng, không ai chạm đến nước.
Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề của mình, còn cô gái không nỡ uống một
mình.
Họ
càng đi, cơn khát càng dằn vặt. Ðến một lúc, vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn thấy
cô bé phải quằn quại trong cơn khát.
Cuối cùng, ông đành lỗi
lời thề. Ông cầm lấy nước đưa lên miệng và lúc bấy giờ cô bé gái cũng mỉm cười
uống nước với ông. Sau khi đã uống nước, vị ẩn sĩ không dám nhìn
lên trời cao nữa. Ông cứ đinh ninh rằng vì sao hiện ra mỗi ngày như một chứng
giám cho sự khổ chế của ông, giờ đây có lẽ đã biến mất. Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên vỡ lở của ông, khi ông ngước mắt
nhìn lên đỉnh núi, ông thấy có hai vì sao
lấp lánh như đang mỉm cười với ông.
Ðể mặc khải cho chúng ta bộ mặt thông cảm, nhân từ, yêu thương của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã không ngần ngại đến ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những kẻ tội lỗi. Phúc Âm ghi lại rằng, khi đi qua dãy bàn thu thuế, Ngài đã nhìn thấy Matthêô. Ngài đã chọn ông vào số các tông đồ của Ngài. Trong bữa tiệc do Matthêô khoản đãi, những người bạn của ông ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu. Thấy thế, những người biệt phái đã tỏ ra khó chịu. Chúa Giêsu đã nói với họ như sau: "Không phải những kẻ khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, mà chính là những người đau ốm. Hãy đi học hiểu câu nói: Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải của lễ".
Qua
thái độ và lời phát biểu trên đây, Chúa
Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng cốt lõi của Tin Mừng, cốt lõi của Ðạo chính
là tình thương. Thực thi bác ái là việc ăn chay có giá trị nhất, là của lễ cao
đẹp nhất mà con người có thể dâng lên Thiên Chúa. Nếu chỉ có một vì sao mọc lên
để chứng giám cho một hành động khổ chế, thì sẽ có hai vì sao hiện ra để xác nhận
cho một hành động bác ái. Thật ra, bác ái đích thực cũng là một hành động khổ
chế, bởi vì nó đòi hỏi con người phải chết cho bản thân, phải ra khỏi chính
mình để đến với người khác. Một hành động bác ái đích thực phải là một cái chết
dần chết mòn trong chính bản thân.
Nói
như mẹ Têrêxa Calcutta: "Khi tôi
chia sẻ, khi tôi trao ban cho người một điều gì làm tôi cảm thấy mát mát, đau
khổ, thì sự chia sẻ của tôi mới có giá trị. Tôi không chia sẻ và trao ban của dư
thừa, mà chính là trao ban chính tôi. Khi tôi cố gắng chào hỏi một người tôi
ghét cay ghét đắng, đó mới thật sự là một hành động bác ái. Khi tôi có thể đến
sống nghèo, chia sẻ kiếp sống nghèo của người khác, đó mới là một hành động bác
ái. Khi tôi có thể tha thứ cho những người xúc phạm đến tôi, đó mới là một hành
động bác ái thực sự. Tôi đã chết đi một phần và cái chết ấy sẽ được Thiên Chúa
của lòng nhân từ đón nhận như là lễ hy sinh đích thực".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét