PHÚC ÂM: Mt 22, 1-14
"Các ngươi gặp bất cứ ai,
thì mời vào dự tiệc cưới".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ
ngôn này rằng: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử.
Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu
đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: 'Hãy nói cùng những người đã được mời
rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn
sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới'. Nhưng những người ấy đã không đếm xỉa
gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán, những người khác
thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh
nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của
chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: 'Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng
những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất
cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới'. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận
tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.
Đoạn vua đi vào quan sát những người dự
tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy
rằng: 'Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?' Người ấy lặng
thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: 'Trói tay chân nó lại, ném nó
vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng!' Vì những kẻ được gọi thì
nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít".
Suy niệm:
Tin Mừng trình thuật việc Đức
Giêsu lấy hình ảnh hôn lễ để nói về Nước Trời.
Ông Vua chính là Thiên Chúa Cha. Hoàng Tử là Đức Giêsu. Hôn Thê là Giáo Hội.
Khách được mời là dân Do thái, nhưng họ đã khước từ, vì thế khách được mời là hết
mọi người, không phân biệt. Ngày cưới là ngày chung cuộc, ngày phán xét, ngày
Vua tập hợp tất cả mọi người trên mọi nẻo đường, mọi thành phần tốt cũng như xấu,
và đến giờ, nhà vua mới tiến vào và phán xét mọi người để phân biệt đâu là
chiên và đâu là dê!
Tiêu
chuẩn để không bị xét xử là phải mặc y phục lễ cưới. Nếu không sẽ bị đuổi ra
ngoài.
Y
phục mà Đức Giêsu muốn nói đến ở đây là gì? Thưa! Đó là sự đổi mới. Đổi mới là
từ bỏ lòng ích kỷ cá nhân để mặc vào lòng bác ái vị tha. Từ bỏ sự hiềm khích,
vô ơn, bất chính, để mặc vào tình yêu thương chân chính và lòng biết ơn. Từ bỏ
sự hờ hững, vô tâm để mặc lấy lòng nhiệt thành, liên đới, cảm thông.
Vì
thế, mặc y phục lễ cưới là mặc lấy tinh thần mới, lối nhìn mới và cách sống mới.
Tiếc thay, điều kiện của Vua thì rất là dễ, nhưng lại trở thành quá khó đối với
một số người cố thủ trong ích kỷ, biếng nhác, tham lam và ghen ghét. Vì thế, họ
bị đuổi ra ngoài.
Tiệc cưới cứu độ.
Thiên Chúa muốn cả loài người được
cứu độ, được sống sung mãn, nhờ dự tiệc Cưới Con Chiên (x Kh 19,9a). Tiệc này Đức
Giêsu đã diễn tả trong dụ ngôn “chuyện
ông vua kia mở tiệc cưới cho con mình” (x Mt 22,1-14), tiệc ấy là đời sống
Hội Thánh Chúa Kitô, được thể hiện qua Thánh Lễ. Tiệc này sinh hai hiệu quả :
Tha tội và ban Giao Ước bằng Máu Chúa Kitô, để ai đến tham dự thì được sống đời
đời. Kẻ chối từ không dự hoặc dự không đúng Luật, đều bị khai trừ.
I. Hai hiệu quả của tiệc Thánh Thể
: Tha tội và Ban Giao ước.
1/ Tha tội.
Chúa dùng miệng ngôn sứ Êzekiel báo trước
: “Ta sẽ biểu dương Danh thánh thiện vĩ đại
của Ta, Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi các dân tộc, sẽ quy tụ các ngươi lại từ khắp
các nước, và Ta dẫn các ngươi về đất của các ngươi. Trên các ngươi, Ta sẽ rảy
nước trong ngần, và các ngươi sẽ được rửa sạch mọi vết nhơ” (Ed 36,25).
Thực
vậy, Bí tích Thánh Thể là trung tâm ơn tha tội, vì không có Chúa Giêsu Phục
Sinh (Bí tích Thánh Thể), thì chẳng có Bí tích nào sinh hiệu quả. Trong thị kiến
Chúa cho ông Gioan biết ai tham dự tiệc này thì “họ đã giặt áo và phiếu trắng trong Máu Chiên Con” (Kh 7,14).
Bởi
đó, nếu người Kitô hữu nào còn vướng tội trọng mà chưa kịp xưng, lại muốn rước
Lễ, thì hãy ăn năn tội, là được rước Lễ, Chúa tha hết mọi tội, với điều kiện
sau Lễ phải tìm Linh mục để xưng tội càng sớm càng tốt (x Giáo Luật số 916). Vì
thế nhà vua bảo đầy tớ ra các ngả đường gặp bất cứ ai, bất luận là người tốt
hay kẻ xấu đều mời vào dự tiệc (x Mt 22, 9-10)
Sách Giáo Lý Roma dạy :
-
“Việc rước Lễ giúp ta xa lánh tội lỗi,
khi chúng ta rước lấy Mình Chúa Kitô “đã phó nộp vì ta” và Máu “đã đổ ra cho mọi
người được tha tội”. Vì thế, Bí tích Thánh Thể không thể kết hợp chúng ta với
Chúa Kitô, nếu Chúa Kitô không thanh tẩy chúng ta khỏi tội đã phạm và giúp
chúng ta xa lánh tội lỗi” (số 1393).
-
“Nhờ Bí tích Thánh Thể khơi dậy tình yêu trong tâm hồn, chúng ta được gìn giữ
khỏi phạm tội trọng. Vì càng tham dự vào sự sống Chúa Kitô, chúng ta càng sống
mật thiết với Người ; nhờ đó giảm bớt nguy cơ phạm tội trọng lìa xa Chúa” (số
1395).
- “Nhờ dự tiệc Thánh Thể, ta được gắn bó với
Chúa Giêsu Phục Sinh chặt chẽ hơn, vì Ngài đã tha các tội nhẹ của ta và bảo vệ
ta khỏi phạm tội trọng” (số 1416).
- “Đặc biệt nhờ ta hiệp thông với chủ tế cùng
dâng lễ, Chúa Giêsu uốn nắn tim ta nên giống trái tim Ngài (x Pl 2,5), Ngài
thay thế con tim chai đá của ta bằng con tim biết yêu thương của Ngài (x Ed
36,26-27), bồi dưỡng chăm sóc ta thêm mạnh mẽ trên con đường lữ hành tiến về
Quê Trời, và làm cho ta khao khát cuộc sống vĩnh cửu, không còn mê đắm sự đời,
và ngay từ bây giờ, được liên kết với Hội Thánh trên trời, với Đức Trinh Nữ
Maria, Mẹ chúng ta, và với các Thánh là anh em con một Cha trên trời” (x số
1419).
2/ Ban Giao Ước.
Chúa
phán qua miệng ngôn sứ Êzekiel : “Ta sẽ
ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới (Tin Mừng) vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng
đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.
Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi
theo Thánh Chỉ (Luật Chúa), tuân giữ
các phán quyết của Ta và đem ra thi hành” (Ed 36, 26-27).
Thánh
Phaolô nói : “Anh em là bức thư của Đức
Kitô do tay chúng tôi soạn ra, viết không phải bằng mực, nhưng là bằng Thần Khí
của Thiên Chúa hằng sống ; không phải trên những tấm đá, mà là trên những tấm
bia lòng bia thịt” (2Cr 3,3)
Vì
hai hiệu quả của Bí tích Thánh Thể như trên, mà Chúa Giêsu chính là “Ông Vua sai đầy tớ đi mời bất cứ ai dù lành
hay dữ đến dự tiệc” (x Mt 22, 9-10). Bởi lẽ ngoài Lương Thực của Tiệc này,
người ta không thể tìm được sự sống hạnh phúc dồi dào đời đời ở bất cứ nơi đâu.
Đó là lý do vua bảo đầy tớ cứ ép người ta vào dự tiệc (x Lc 14,23).
Đức
Giêsu đã lập Giao Ước với chúng ta bằng Máu Ngài đổ ra trên thập tự, giá trị
hơn xưa Chúa đã lập Giao Ước với ông Abraham : Ngài bảo ông bắt các con vật xẻ
đôi, đặt thành hai bờ, và ông thấy Chúa như lửa băng qua giữa xác các con vật ấy.
Đó là dấu Giao Ước Chúa hứa ban cho dòng dõi ông Abraham được đông như sao trời,
nhiều như cát biển (x St 15).
Lập
Giao Ước bằng máu là dấu chắc chắn Chúa ban ơn, nên ông Gíp-tắc (Gieptê) cũng
xin Chúa chúc lành cho ông được thắng quân thù để bảo vệ dân tộc, qua dấu ông lập
giao ước với Chúa khi thắng quân thù trở về, hễ gặp ai ra đón ông trước nhất,
thì người ấy trở thành lễ vật sát tế kính Chúa. Ngờ đâu người đầu tiên đón gặp
ông Gíp-tắc (Gieptê) lại là cô con gái duy nhất của ông. Ông nói với con : “Cha đã trót mở miệng khấn hứa cùng Chúa,
và không thể rút lại được”. Cô động viên cha phải giữ lời hứa. Nhưng cô xin
cha “cho con hai tháng để cùng với bạn bè
rảo quanh khắp núi đồi mà khóc than đời con gái của con bất xứng. Sau hai
tháng, ông Gíp-tắc thi hành cho cô lời ông đã khấn hứa với Chúa” (Tl/Qa 11,
29-39a).
Như
thế ông Gíp-tắc đã miễn cưỡng hiến tế con cho Chúa, làm sao sánh bằng Chúa Cha
sẵn lòng để cho Đức Maria hiến dâng Con Một Thiên Chúa làm Của Lễ trên thập
giá, không chỉ lập Giao Ước bằng Máu mà còn là Di Chúc bảo đảm cho những ai đến
dự tiệc Thánh Thể, thì thắng được Satan, đánh gục tử thần và được lãnh phần gia
nghiệp Chúa hứa ban. Vì tiệc Thánh Thể mới
chính là tiệc Vua Cả trên trời thiết đãi dân Ngài (x Rm 8,31-32 ; Dt 9,16 ; Is
25,6t ; Is 55). Và như vậy mỗi khi ta hiệp dâng Thánh Lễ, lại được cùng với
Chúa Giêsu thưa: “Lạy Chúa,này con xin đến
để thực thi ý Ngài” (Tv 40/39, 8a.9a).
II. Những kẻ bị loại trừ.
Dựa
vào các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay, ta biết có ba loại người bị khai trừ khỏi
Nước Thiên Chúa :
1/ Những người không đến dự tiệc
của vua vì mê sự đời : “Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến
dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn
họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong,
bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới! "
Nhưng quan khách vẫn không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại,
người thì đi buôn” (Mt 22,3-5).
Hai
lần vua sai đầy tớ đi mời khách đến dự tiệc, khách đều chối từ chính là các
ngôn sứ thời Cựu Ước, cũng như các môn đệ Đức Giêsu mời mọi người tin vào Chúa
Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất để gia nhập Hội Thánh mới được dự tiệc Thánh Thể,
mà nhiều kẻ đã chối từ. Loại người này không mặc lấy Chúa Kitô khởi đi từ lúc
lãnh Bí tích Thánh Tẩy, và hoàn hảo nhờ dự tiệc Thánh Thể (x Gl 3,27). Lý do
nhiều người không muốn đến dự Lễ chỉ vì tham sự đời. Ông Luca cho biết thêm :
người thứ nhất không đến dự tiệc vì mới mua được đất phải đi xem ; người thứ
hai cũng không đến vì mới tậu năm cặp bò phải đi thử ; kẻ khác lại đưa lý do mới
cưới vợ, cũng xin kiếu ! (x Lc 14,18-20).
Quả
thật, bảo không có giờ làm việc này, chỉ có nghĩa là có giờ dành cho việc khác,
mà cho là quan trọng hơn. Vậy quan trọng việc gì thì có giờ cho việc đó!
2/ Người Kitô hữu nào mải mê công
ăn việc làm mà bỏ dự tiệc Thánh Thể, nó là kẻ sát nhân, như Đức Giêsu nói :
“Nhiều kẻ được mời đã sát hại các đầy tớ của vua sai đến” (x Mt 22,6-7). Đó là
những người Công Giáo sống thiếu Đức Ái. Giáo huấn Công Đồng Vat.II, trong Hiến
Chế Hội Thánh số 14 nói: “Dù được tháp nhập
vào Hội Thánh, nhưng nếu không kiên trì sống trong Đức Ái, thì vẫn không được cứu
độ, vì tuy thể xác họ thuộc về Hội Thánh, nhưng linh hồn họ không ở trong Hội
Thánh. Các con cái Hội Thánh phải biết rằng địa vị cao trọng của họ không phải
do công đức riêng mình, nhưng do đặc ân của Chúa Kitô ; nếu họ không đáp lại hồng
ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì chẳng những họ không được cứu độ
mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn”.
3/ Kẻ không biết sám hối cũng
không xứng đáng dự tiệc Thánh Thể. Ai đến dự tiệc
Thánh Thể, ít ra phải biết sám hối như con gái ông Gíp-tắc, cô đã dành hai
tháng đi khắp núi đồi để than khóc sự bất xứng của mình trước khi cô trở thành
hiến vật dâng lên Chúa theo lời khấn hứa của cha (x Tl/Qa 11,29-39).
Kìa
hai người đến Đền Thờ cầu nguyện, ông Biệt phái đứng tận cung thánh khoe công đức
với Chúa, thì bị Chúa đuổi về; trái lại, người thu thuế chỉ đấm ngực sám hối tội
mình, thì được Chúa xác nhận là công chính (x Lc 18,9-14). Bởi đó anh trộm lành
nhận hình phạt đóng đinh như một cách đền tội,và kêu cầu Đức Giêsu thương xót,
anh đã được Ngài cho vào Thiên Đàng ngay (x Lc 23,40-43).Vì sám hối tội mình là
việc lành đứng hàng đầu đáng được Chúa thương cứu độ. Bởi thế, trong Thánh Lễ cộng
lại tất cả những lời nói và cử chỉ sám hối của chủ tế cũng như cộng đoàn có tới
14 lần.
Cả
ba loại người trên không đến dự tiệc, không sống Đức Ái, mà vẫn không sám hối tội,
đó là những kẻ vào dự tiệc cưới mà không mặc áo cưới (x Mt 22,11). Ngày Thiên
thần đón dân Thánh vào dự tiệc Cưới trên trời, Chúa cho ông Gioan nhận ra trong
thị kiến “này đến rồi tiệc Cưới Chiên Con
và Hiền Thê của Ngài đã trang phục sẵn sàng, và đã ban cho nàng được mặc áo
trúc bâu rạng ngời tinh sạch, trúc bâu là công đức của các Thánh” (Kh
19,7-8). Quả thật, cô dâu nếu không mặc áo cưới, thì chắc chắn bị loại trừ, như
Đức Giêsu nói : “Vua thịnh nộ sai quân đi
tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng, và trói tay chân
chúng lại, quăng chúng vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến
răng” (Mt 22,7.11-13). Bọn này phải câm miệng lại, vì đã nhận biết tội mình
(x Mt 22,12). Cũng vì thế mà thánh Phaolô nói : “Ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa Kitô cách bất xứng, thì sẽ mắc tội
đối với Mình và Máu Chúa” (1Cr 11,27).
Sau
khi chúng ta đã hiểu về ý nghĩa tiệc cưới vua tổ chức cho con mình, thì ta mới
hiểu được Lời Đức Giêsu kết luận : “Kẻ được
gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.” (Mt 22,14).
Lời
này có hai ý nghĩa :
-
Xét về mặt Lịch sử, dân tộc Do Thái được Chúa tuyển chọn trước để hưởng ơn cứu
độ, nhưng rất ít người tin theo Đức Giêsu, và còn chống đối Ngài, kết án Ngài
nói phạm thượng khi Ngài tự xưng là Thiên Chúa, những người này không gia nhập
Hội Thánh, không dự tiệc Thánh Thể.
-
Xét về mặt Mục vụ, thì nhiều người mang danh là Công Giáo, nhưng lại rất ít người
tham dự tiệc Thánh Thể và càng ít người sống Đức Ái và không biết sám hối tội
mình đã phạm.
Do
đó mỗi ngày trong giờ Kinh Sáng, Hội Thánh nhắc nhở chúng ta: “Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng
hãy nghe tiếng Chúa”(Tv 95/94,7b,8a).
Lm Giuse Đinh
Quang Thịnh
Nguồn:
http://phaolomoi.net
Sống Lời Chúa:
+
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức lại
việc mình được mời đến dự tiệc Thánh Thể và Lời Chúa hằng ngày. Tuy nhiên,
chúng ta đã đáp trả như thế nào? Thờ ơ lãnh đạm như dân Do thái xưa không đi dự
tiệc vì quá nhiều bận rộn trong đời sống, hay chúng ta đi dự tiệc mà không mặc
y phục lễ cưới là phẩm hạnh của bàn tiệc mà Đức Giêsu đòi hỏi như: y phục của
lòng tin, cậy, mến; y phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng đối với
Thiên Chúa; y phục của tình yêu thương, liên đới và chia sẻ với người nghèo!
+
Tiệc cưới và áo cưới tượng trương cho những tâm tình cơ bản mà Kitô hữu phải
luôn có, đó là hân hoan, vui mừng và yêu thương.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa, Ước gì chúng con luôn được
vui mừng hoan hỉ trong bàn tiệc Thánh Thể của Chúa hôm nay để mai sau chúng con
được thông dự bàn tiệc cưới muôn đời trong Nước Chúa.
Lẽ
sống:
Kẻ
thù trong mơ
Ðời
Trang Công, nước Tề, có một người đàn ông nọ đêm nằm cứ thấy chiêm bao có một
người to lớn, mặc áo vải quần gai, đeo gươm đi vào tận nhà ông mắng chửi, rồi lại
nhổ vào mặt mà đi... Ông ta giật mình tỉnh dậy, ngồi suốt đêm, bực dọc, không
tài nào ngủ lại được.
Sáng
hôm sau, ông nói chuyện với một người bạn với lời lẽ như sau: "Từ thuở nhỏ
đến giờ, tôi vốn là một người hiếu dũng, đến nay đã 60 tuổi rồi, chưa hề bị ai
làm nhục. Thế mà đêm hôm qua, có người đã đến làm nhục tôi. Tôi quyết tìm cho kỳ
được kẻ ấy để báo thù. Nếu tìm thấy nó thì tốt, bằng không chắc tôi phải chết mất".
Kể
từ sáng hôm ấy, ngày nào ông ta cũng cùng với người bạn ra đứng ngoài đường để
rình cho được kẻ thù trong giấc mơ. Ba ngày trôi qua, nhưng ông ta vẫn chưa thấy
được kẻ thù.
Ðã
tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, nay lại hậm hực thêm vì không tìm thấy kẻ thù,
ông ta trở về nhà uất người lên và chết.
Nhà
diễn giả hùng biện nhất của đế quốc La Mã là Cicero có nói: "Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của
chính mình". Câu chuyện của người nằm mơ thấy kẻ thù, để rồi đi tìm kẻ
thù và cuối cùng, tự hủy hoại chính mình phải chăng không là một minh họa cho câu
nói của Cicero. Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình, bởi vì con
người tự tạo cho mình kẻ thù để tự tiêu diệt chính mình.
Chúa
Giêsu không đến để chối bỏ sự hận thù, nhưng trái lại bày tỏ bộ mặt thực của nó
và đánh bại nó. Thù hận là dấu chỉ sự thống trị của Satan, kẻ thù đúng nghĩa nhất.
Chính Satan gieo sự thù hận trong lòng người và đặt con người vào thế chống đối
và tiêu diệt nhau.
Chúa
Giêsu đã đánh bại kẻ thù ấy bằng chính cái chết yêu thương tha thứ của Ngài. Chỉ
có yêu thương và tha thứ mới có thể là thứ khí giới tiêu diệt được kẻ thù. Chúa
Giêsu đã ban cho chúng ta thứ khí giới ấy. Ngài đã không ngừng nói với chúng
ta: "Hãy yêu thương kẻ thù ngươi,
hãy làm ơn cho kẻ thù ghét ngươi".
Nếu con người là kẻ thù khủng khiếp
nhất của chính mình, thì quả thực chúng ta phải bắt đầu tiêu diệt nó ngay chính
trong chúng ta. Chính khi chúng ta cưu mang cừu hận là lúc chúng ta tự tạo nên
kẻ thù và tự tiêu diệt chính mình. Chính khi chúng ta khước từ tha thứ và làm
ơn cho những kẻ thù ghét hãm hại chúng ta, là chính lúc chúng ta tự giam hãm
trong hận thù để rồi tự hủy hoại chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét