PHÚC ÂM: Mt 16, 13-20
"Con là Đá, Thầy sẽ ban cho
con chìa khoá nước trời".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng:
"Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là
Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri
nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy
là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng
sống". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có
phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy,
Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ
xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho
con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc;
và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở". Bấy giờ Người truyền
cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Đức Kitô.
Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các
môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ
lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo
Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều
đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng:
"Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng
hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài
người".
Suy niệm:
Anh
em bảo Thày là ai?
Là
người tín hữu, có những lúc chúng ta được mời gọi trả lời cho một câu hỏi rất đơn
sơ nhưng lại là cốt lõi của đời sống Đức tin: Chúa Giê-su là ai đối với tôi?
Cách thức trả lời cho câu hỏi này xác định căn tính của đời sống Ki-tô hữu. Nói
cách khác, người ta có thể dựa vào câu trả lời này mà nhận định chất lượng đời
sống Đức tin của chúng ta. Có nhiều người quan niệm về Đức Giê-su như một nhân
vật huyền thoại, hoặc chỉ là một vĩ nhân như bao vĩ nhân khác của lịch sử. Một
số khác lại coi Chúa như một chính trị gia, hay chỉ là một bậc thày về những tư
tưởng đạo đức. Họ kính trọng Chúa, nhưng không công nhận Người là Thiên Chúa.
Chắc hẳn các môn đệ đã nghe người ta nói
nhiều về Thày mình với những lời tung hô, khen ngợi, vì họ được chứng kiến những
phép lạ Chúa làm. Tuy vậy, thực sự Chúa Giê-su là ai, xem ra các ông vẫn chưa nắm
chắc. Các ông theo Chúa nhưng chưa xác định chắc chắn Người là ai. Các ông chỉ
thấy người ta nói Thày là một trong những nhân vật nổi tiếng của thời xưa đã
tái xuất hiện. Khi được hỏi, các ông cảm thấy lúng túng và tìm cách sàng lọc những
lời đồn thổi để có câu trả lời. Tóm lại, khái niệm các ông có về Thày mình là
khái niệm đi mượn của dư luận quần chúng.
“Anh em bảo Thày là ai?”.
Người tín hữu chân chính phải xác định rõ Chúa Giê-su là ai trong chương trình
cứu độ của Thiên Chúa và Người là ai đối với đời sống của mình. Một Đức tin mờ
nhạt mông lung không thể làm nền tảng cho cuộc đời của người tín hữu. Nó giống
như ngôi nhà được xây trên cát, lúc bão tố mưa sa dễ dàng bị đổ sập. Một lối sống
chỉ dựa vào dư luận của đám đông mà không dựa trên những tiêu chuẩn của giáo huấn
Tin Mừng sẽ không chắc chắn vì luôn bị thay đổi cho hợp thời.
Thánh Phê-rô đã đưa ra một câu trả lời
chính xác về thân thế và sứ mạng của Chúa. Ông tuyên xưng Người là “Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Câu trả lời này được Chúa xác nhận, và Người còn cho biết đây là mặc khải của
Chúa Cha chứ không phải tư tưởng phàm nhân. Điều này chứng minh cho chúng ta thấy
Đức tin là một ân ban của Thiên Chúa, cộng với sự thành tâm đón nhận của con
người. Thiên Chúa tỏ mình cho con người để cho họ được thông phần vinh quang với
Ngài. Nhờ việc nhận biết Chúa, con người đạt được hạnh phúc và họ bước đi trong
đường lối của Ngài để trở nên thánh thiện. Lịch sử cho thấy, có biết bao người
nam nữ đón nhận Chúa trong cuộc đời và họ đã trở nên những vị thánh, tức là trở
nên giống Chúa, được chia sẻ một phần vinh quang của Ngài. Như vậy, khi tin tưởng
và cậy trông vào Chúa, chúng ta trở nên những người có phúc, vì chính Chúa soi
sáng và mạc khải để chúng ta nhận ra Ngài. Chúa Giê-su phục sinh đã nói với
tông đồ Tô-ma “Phúc cho những ai không thấy
mà có lòng tin” (Ga 20,29).
Lời Chúa hôm nay cũng khẳng định quyền bính Giê-su ban cho thánh Phê-rô
là vị tông đồ trưởng. Quyền bính này, Chúa cũng ban cho Giáo Hội, mà người đứng
đầu là Đức Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phê-rô. Sau lời tuyên xưng Đức tin của
vị tông đồ, Chúa đã đổi tên cho ông từ Simon thành Phê-rô, nghĩa là Đá Tảng.
Người cũng trao cho ông quyền cầm buộc và quyền tháo cởi. Người Do Thái hiểu
quyền “cầm buộc và tháo cởi” với
nghĩa “xác định rõ điều gì là cấm và điều
gì là cho phép”. Với quyền cầm buộc và tháo cởi này, Chúa ủy quyền cho Giáo
Hội được tuyên bố những gì là hợp với ý Chúa trong đời sống Đức tin cũng như đối
với những chuẩn mực cho đạo lý luân thường. Đây cũng là nền tảng cho giáo huấn
của Giáo Hội về ơn vô ngộ (ơn không thể sai lầm) của Đức Giáo Hoàng và của các
công đồng chung, khi long trọng tuyên bố những quan điểm liên hệ đến Đức tin và
luân lý. Giáo Hội được ủy thác thay mặt Chúa để hướng dẫn con người đạt tới sự
thánh thiện. Giáo Hội là một người mẹ, cưu mang, sinh hạ và chăm sóc các tín hữu.
Ai nghe lời Giáo Hội là nghe lời Chúa. Ai hiệp thông với Giáo Hội là hiệp thông
với Chúa. Giáo Hội không chỉ là cơ chế của loài người, nhưng trước hết là một tổ
chức do Chúa Giê-su thiết lập, là trung gian thông chuyển ơn cứu độ đến cho hết
mọi người. Chính Giáo Hội quản lý kho tàng Đức tin và có sứ mạng thông truyền Đức
tin cho con người thuộc mọi thời đại và mọi nền văn hóa.
“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”.
Chúa Giê-su vẫn đang đặt câu hỏi ấy đối với mỗi tín hữu chúng ta. Câu hỏi ấy được
đặt ra trong cuộc sống đời thường, nhất là trong cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với
Chúa, vào lúc sau hết của cuộc đời. Chúng ta không chỉ trả lời bằng môi miệng
hay bằng lý thuyết, nhưng bằng chính cuộc sống cụ thể của mình. Thái độ sống của
người tín hữu chính là sự phát biểu của mình về sự hiểu biết và yêu mến Chúa.
Không thể vừa tuyên xưng Chúa Giê-su là Chúa của đời mình, vừa sống trái ngược
với Tin Mừng Người rao giảng. Không thể vừa tuyên xưng Đức Giê-su là Sự thật, vừa
sống trong sự dối trá với anh chị em mình.
“Thày là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Ước chi đó cũng là lời tuyên xưng của mỗi người tín hữu chúng ta trong mọi bối
cảnh của cuộc đời.
Đức Cha Giuse
Vũ Văn Thiên
Giám mục Hải
Phòng
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa, nhờ Giáo Hội của Chúa,
mà chúng con nhận ra Chúa là Chúa; là Con Một Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ chúng con. Xin cho mọi
thành viên trong gia đình chúng con luôn học biết về Chúa để chúng con được sống
trong tình thương của Chúa.
Lẽ
sống:
Tách
nước tràn đầy
Ðể
đả phá sự kiêu ngạo, người Nhật Bản thường kể câu chuyện sau: Có một nhà hiền
triết nọ nổi tiếng về sự khôn ngoan và kiến thức. Ai ai cũng tìm đến vấn kế.
Ðể
kiểm chứng điều đó, một hôm có một giáo sư đại học đến xin tiếp kiến nhà hiền
triết. Ông trang bị cho mình không biết bao lý lẽ và kiến thức.
Khi
ông giáo sư đại học an tọa trong phòng khách, nhà hiền triết mới đưa một bình
trà thật nóng ra tiếp khách. Ông bắt đầu rót nước vào tách của ông giáo sư. Những
giọt nước trà nóng hổi không mấy chốc đã tràn ra tách, nhưng nhà hiền triết vẫn
điềm nhiên rót tiếp. Nước tràn ra cả khay... Ông giáo sư nhìn nước tràn ra khay
rồi nghĩ thầm trong lòng: thì ra con người mà thiên hạ tôn thờ như bậc thánh hiền
chỉ là một con người lơ đễnh, bất chấp... Không còn đủ kiên nhẫn nữa, vị giáo
sư mới nói lớn: "Thưa ngài tách trà
đã đầy tràn, nước đang chảy lai láng ra bên ngoài cả khay kìa".
Lúc
bấy giờ nhà hiền triết mới dừng tay lại và nói: "Cũng giống như tách này, đầu óc của ông tràn đầy văn hóa, kiến thức,
tư tưởng và những định kiến. Nếu ông không dốc cạn tách trà của ông, thì làm
sao tôi có thể nói với ông về triết thuyết của tôi, bởi vì triết thuyết của tôi
chỉ dành cho những con người đơn sơ và cởi mở".
Có dốc cạn tâm hồn, có trở nên
nghèo nàn, con người mới có thể được Thiên Chúa lấp đầy. Cái nghịch lý lớn nhất
của cuộc đời là khi con người tìm cách lấp đầy tâm hồn mình bằng những của cải
chóng qua ở đời này, thì đó cũng là lúc con người cảm thấy trống vắng nhất
trong tâm hồn. Trái lại, càng dốc cạn chính mình, càng trở nên nghèo nàn, con
người càng được Thiên Chúa lấp đầy, con người càng tìm thấy bình an và hạnh
phúc đích thực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét