PHÚC ÂM: Mt 17, 14-19
(Hl 14-20)
"Nếu các con có lòng tin,
thì chẳng có gì các con không làm được".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, có một người đến gần, quỳ gối trước mặt Chúa Giêsu mà nói rằng: "Lạy
Ngài, xin thương xót con trai tôi vì nó mắc chứng kinh phong và rất trầm trọng:
nó thường ngã vào lửa và lắm lúc nó ngã xuống nước. Tôi đã đem nó đến cùng môn
đệ Ngài, nhưng các ông không thể chữa nó được". Chúa Giêsu đáp: "Ôi
thế hệ cứng lòng tin và hư hỏng! Ta phải ở với các ngươi đến bao giờ? Ta còn phải
chịu đựng các ngươi đến bao giờ nữa? Hãy đem nó lại đây cho Ta". Chúa
Giêsu quát mắng quỷ và quỷ liền ra khỏi đứa bé. Và nó được lành ngay trong lúc ấy.
Bấy giờ các môn đệ đến hỏi riêng Chúa Giêsu rằng: "Tại sao chúng con không
thể trừ quỷ ấy được?" Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Vì các con yếu
lòng tin! Thầy bảo thật các con: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì
các con có khiến núi này rằng: 'Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia', thì nó liền
đi sang, và chẳng có gì các con không làm được".
Suy
niệm:
Đức tin của người cha.
Giống như người đàn bà xứ Canaan đã kiên trì trong đức tin mặc dầu bị Chúa thử
thách, người cha có đứa con trai bị kinh phong hôm nay cũng vậy. Ông đã mang con
đến cho các môn đệ của Chúa, nhưng họ không chữa được; nhưng ông không nản
lòng, ông cố tìm cơ hội cho được gặp Chúa vì ông tin chắc Chúa sẽ cứu con ông
khỏi bệnh.
Đức tin yếu kém của các môn đệ.
Khi nghe lời ông nói “Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài chữa, nhưng các
ông không chữa được," Chúa Giêsu phải kêu lên: "Ôi thế hệ cứng lòng
không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải
chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem cháu lại đây cho tôi."
Tại
sao Chúa thốt lên những lời này? Chắc chắn không phải vì người cha thiếu đức
tin, nhưng là do sự cứng lòng tin của các môn đệ. Chúa mất kiên nhẫn vì Chúa đã
dạy dỗ và làm quá nhiều phép lạ trước các ông mà vẫn chưa đủ để các ông đặt trọn
vẹn niềm tin vào Ngài.
Chúa
Giêsu quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó. Bấy
giờ các môn đệ đến gần hỏi riêng Đức Giêsu rằng: "Tại sao chúng con đây lại
không trừ nổi tên quỷ ấy? " Ngài trả lời: "Tại anh em kém tin! Thầy bảo
thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo
núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia!" nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có
gì mà anh em không làm được.”
Sống Lời Chúa:
+
Hằng ngày tôi đọc, suy gẫm, cầu nguyện với
Lời Chúa. Nhờ đó, lòng tin của tôi thêm kiên vững trước những cám dỗ của cuộc sống.
+
Chúng ta rất dễ bị lung lay đức tin như
tiên tri Habakkuk và các môn đệ hôm nay khi đứng trước thử thách và đau khổ
trong cuộc đời.
+ Thay vì kiên trì hy vọng trong đức tin như người
cha có con bị kinh phong, chúng ta mất kiên nhẫn và chất vấn Chúa tại sao để
chúng ta phải đau khổ, tại sao chúng ta không làm được những gì người khác làm?
+ Một đức tin vững mạnh nơi Chúa sẽ giúp chúng
ta chịu đựng đau khổ cách bình an và nhất là không bao giờ dám chất vấn Chúa.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa. Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, là Chúa, là Đấng
cứu độ con. Xin cho mọi người trong gia đình con được ơn luôn luôn tin vào
Chúa, trông cậy vào Chúa, đi theo Chúa trong mọi hoàn cảnh vui buồn sướng khổ.
Lẽ
sống:
Ngày 09/8 hàng năm, hàng ngàn người Nhật Bản và
nhiều du khách tập trung về Ðài Hòa Bình tại Nagasaki để tưởng niệm quả bom
nguyên tử đầu tiên được ném xuống Nhật Bản.
Ðúng
11 giờ 03 phút, giờ định mệnh của thành phố Nagasaki, từng đám đông dừng lại
trong thinh lặng, trong khi đó từ các tháp chuông trên khắp nước, từng hồi
chuông ngân vang để tưởng niệm giây phút đau thương của Nagasaki.
Ngày
09/8/1945, quả bom nguyên tử đầu tiên đã giết hại khoảng 70 ngàn người và tiêu
hủy gần như trọn vẹn thành phố Nagasaki. Ba ngày sau đó, quả bom thứ hai cũng
được trút xuống Hiroshima nâng tổng số những người thiệt mạng lên đến gần
140,000 người. Và gần đây, hơn 20 người còn sống sót từ dạo đó cũng vừa qua đời
vì ảnh hưởng của phóng xạ.
Lên
tiếng trong một tuần lễ tưởng niệm, ông Motoshima, thị trưởng Nagasaki đã phát
biểu như sau: "Qua kinh nghiệm đau thương này, những người công dân của
thành phố Nagasaki đều nhận thấy rằng: bom nguyên tử có thể hủy diệt toàn thể
nhân loại. Do đó, chúng tôi đã không ngừng kêu gọi hủy bỏ các vũ khí hạt
nhân". Bài diễn văn trên đây của ông thị trưởng Nagasaki đã được sao gửi đến
các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới.
Cũng
trong bài diễn văn này, ông Motoshima đã tha thiết kêu gọi Liên Xô và Hoa Kỳ
hãy ngồi vào bàn hội nghị với nhau và hãy quyết tâm cam kết thực hiện sự chung
sống hòa bình giữa Ðông và Tây cũng như làm mọi cố gắng để giải trừ vũ khí hạt
nhân.
Ðoạn
trường ai có qua cầu mới hay. Có một lần trải qua đau thương như người Nhật Bản,
cách riêng những người Nagasaki và Hiroshima, con người mới thấy được thế nào
là sự tàn phá của bom nguyên tử và sự khao khát hòa bình.
Lời
kêu gọi trên đây của ông thị trưởng thành phố Nagasaki có lẽ không chỉ được ngỏ
với các vị nguyên thủ quốc gia, hoặc hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Xô. Lời kêu
gọi đó cũng phải được truyền đến tận tai của từng người. Bởi vì hòa bình không
phải chỉ là vấn đề của một số người, hoặc của một số quốc gia. Hòa bình là vấn
đề của từng người. Nó là cố gắng xây dựng của từng ngày và của từng người.
Nhưng
hòa bình không chỉ là thành quả của những cố gắng. Nó còn là một ân ban mà chỉ
có Thiên Chúa mới có thể trao tặng cho con người. Ngày 27/10/1986, cuộc gặp gỡ
cầu nguyện cho hòa bình của các vị đại diện các tôn giáo trên thế giới đã nói
lên được chiều kích đích thực của hòa bình: hòa bình phải xuất phát từ tâm hồn
con người.
Con
người cần phải cầu nguyện cho hòa bình. Chính trong cuộc gặp gỡ thâm sâu trong
tâm hồn giữa con người và Thiên Chúa mà hòa bình đích thực mới phát sinh. Cho dù
có hủy bỏ mọi vũ khí hạt nhân, cho dù có ký mọi hòa ước, nếu con người chưa dẹp
bỏ mọi thứ vũ khí khác trong tâm hồn, mầm mống của chiến tranh vẫn còn đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét