PHÚC ÂM: Mt 18, 15-20
"Nếu nó nghe ngươi, thì
ngươi đã lợi được người anh em".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi
sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người
anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi
việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy
trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người
ngoại giáo và như người thu thuế.
"Thầy
bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc,
và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.
"Thầy
cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu
xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì
ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".
Suy niệm:
Sửa
lỗi cho anh em theo tinh thần của Chúa
Trong Giáo hội ngay
từ thuở ban đầu, đã có những người sai lỗi. Nếu đó chỉ là những sai lỗi nhỏ giữa
các cá nhân trong cộng đoàn thì cần tha thứ cho nhau (Lc 17, 3-4).
Nhưng
nếu đó là những sai lỗi nghiêm trọng đụng chạm đến cộng đoàn, vô tình hay cố ý
sống ngược với giáo huấn căn bản của Đức Giêsu, thì cộng đoàn không thể nhắm mắt
làm ngơ mà không sửa sai cho người anh em phạm lỗi.
Bài
Tin Mừng hôm nay phản ánh cách sửa lỗi trong cộng đoàn thánh Mátthêu. Người phạm
lỗi nặng ở đây vẫn được gọi là người anh em (c. 15). Tiến trình sửa sai huynh đệ
này diễn ra từ từ, từng bước một. Bước này thất bại mới chuyển qua bước kế tiếp.
Bước
một là cuộc gặp gỡ kín đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi.
Mục đích là để giúp người phạm lỗi biết lắng
nghe lời góp ý chân tình, nhận ra lỗi của mình và thay đổi cuộc sống cho phù hợp.
Bước
hai diễn ra khi bước một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe.
Người sửa lỗi sẽ đem theo hai, ba người nữa
để tăng sức thuyết phục. Nếu người phạm lỗi vẫn khăng khăng không nghe, thì bước
kế tiếp là phải đưa chuyện này ra trước Giáo hội địa phương (c. 17).
Bước
cuối cùng chỉ
xảy ra khi người anh em ấy vẫn ngoan cố, không muốn nghe tiếng nói của cộng
đoàn Giáo hội, nghĩa là tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông với cộng đoàn tín hữu,
thì Giáo hội đành lòng không nhận
anh ấy như phần tử của Giáo hội nữa.
Nhận ra lỗi của mình và sửa lỗi
cho anh chị em thật là khó. Khó là vì không ai muốn nhận lỗi
về mình, và nếu có nhận ra lỗi của mình thì cũng khó chấp nhận sửa sai vì cái
tôi quá lớn. Bởi vì tâm lý chung của mọi người là bảo thủ nên dễ nhận thấy lỗi
của người khác hơn là lỗi của mình, còn người khác thì dễ nhận ra lỗi của mình
hơn là lỗi của họ.
Như
vậy, nói về vấn đề sửa lỗi là chuyện rất khó. Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay Đức
Giêsu lại bảo các môn đệ hãy đi sửa lỗi cho anh em.
Tâm
tình mà Đức Giêsu muốn các môn đệ phải có trong khi sửa lỗi cho người khác là:
yêu thương chân tình, tôn trọng , tế nhị , kiên trì và cầu nguyện. Làm được như
thế thì mới thành công.
Sửa
lỗi nhau trong yêu thương chân tình: khi muốn sửa lỗi cho người khác, chúng ta phải
luôn tâm niệm rằng, lỗi của người anh em cũng là lỗi của chính mình. Đôi khi lỗi
của mình còn nặng hơn của họ. Có thế, chúng ta mới dễ thông cảm, nhẹ nhàng và
bao dung.
Sửa
lỗi trong tâm sự nhẹ nhàng, kín đáo: Hãy đến với anh em bằng những lời nói nhẹ
nhàng, đầy tình nghĩa trong sự yêu thương: "Một mình anh với nó mà
thôi".
Sửa
lỗi trong tôn trọng: Khi sửa lỗi cho nhau mà thiếu đi sự tôn trọng thì chỉ còn những lời chỉ
trích, nguyền rủa. Có được sự tôn trọng, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, khiêm tốn khi sửa
lỗi.
Sửa
lỗi trong sự tế nhị: Thường những người phạm tội luôn mang hai trạng thái, một là tự ái, hai
là mặc cảm, xấu hổ, vì thế, nếu không tế nhị thì sẽ dễ dẫn đến thất bại và đào
thêm hố ngăn cách cho anh chị em, làm cho sự việc trở nên trầm trọng hơn. Vì thế,
cần phải tế nhị và kín đáo.
Sửa
lỗi trong kiên trì: Thi hành việc sửa lỗi là cả một quá trình. Chuyện liên quan đến toàn thể
con người, nó đụng đến tận gốc rễ của cái tôi, vì thế, không phải là chuyện làm
một lần là xong. Hãy nhớ lại sự kiên trì của thánh nữ Mônica với thánh Âu tinh.
Sửa
lỗi trong cầu nguyện: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên". Mọi chuyện sẽ trở
thành "Công dã tràng" nếu không biết cậy dựa vào ơn Chúa. Đời sống cầu
nguyện, kết hợp với hy sinh là điều quan trọng để quyết định thành công hay thất
bại. Chúng ta nên nhớ rằng sửa lỗi là việc của chúng ta, nhưng kết quả là việc
của Chúa. Chúng ta không có khả năng để thay đổi người khác.
Sống Lời Chúa:
+
Anh em phải có lòng thương xót tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho
anh em trong Đức Kitô (Ep 4,32).
+
Nếu có thể anh em hãy sống an hòa với hết mọi người. Đừng báo oán, hãy nhường
chỗ cho thịnh nộ của Thiên Chúa, như đã viết : “Oán phạt thuộc về Ta, Ta sẽ báo
trả” (Rm 12,18-19).
+
Hãy luôn luôn theo đuổi sự thiện giữa anh em với nhau, và đối với mọi người.
Hãy vui mừng luôn và đừng ngớt cầu nguyện (1Tx 5,15b-17).
+
Anh em chớ mắc nợ nhau điều gì trừ ra tình thương mến (Rm 13,8).
+
Đã yêu là yêu đến cùng (Ga 13,1).
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con biết ý thức
mình cũng là con người bất toàn nên cần đến ơn Chúa trợ giúp. Đồng thời, xin
cũng cho con ý thức rằng: Chúa luôn muốn con cộng tác với Chúa trong việc thánh
hóa anh chị em bằng việc sửa lỗi cho nhau trong tình thương.
Lẽ sống:
Bức
Tường Ô Nhục
Bức
tường ô nhục Berlin, sau 28 năm tồn tại (1961-1989) đã sụp đổ vào ngày 09/11/1989
Ngày
13/8/1961, sau nhiều cuộc thương thảo vô ích giữa Washington và Mascơva nhằm giải
quyết cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Ðông và Tây, Kruschev, chủ tịch nhà
nước Liên Xô, đã ra lệnh cho xây cất một bức tường ngăn cách Ðông và Tây Bá
Linh. Bức tường này được dựng lên không những để đánh dấu sự đoạn tuyệt giữa
Ðông và Tây, nhưng còn để ngăn chặn làn sóng những người Ðông Ðức ồ ạt chạy
sang tỵ nạn tại Tây Bá Linh. Khối Ðông Âu thì giải thích rằng bức tường này được
dựng lên là để ngăn chặn những người Tây Phương có thể đến Ðông Ðức để làm gián
điệp. Còn phía Tây Phương thì lại gọi bức tường đó là bức tường ô nhục... Nhưng
dù được gọi dưới danh hiệu nào, dù được xây dựng dưới mục đích nào, bức tường
ngăn cách giữa Ðông và Tây Bá Linh vẫn mãi mãi là biểu trưng của những chia
cách giữa con người mà chính con người đã tạo nên...
Có những bức tường ngăn cách về
kinh tế, chính trị, chủng tộc, văn hóa do con người dựng lên... Nhưng cũng có
những bức tường vô hình mà mỗi người chúng ta có thể xây lên để tự ngăn cách với
người khác.
Bức tường vô hình đó trước tiên
là bức tường của nghi kỵ. Người ta thường xây kín khu vực của mình ở bằng kín cửa
cao tường là bởi vì người ta sợ con mắt dòm ngó của những người xung quanh. Sự
nghi kỵ không những ngăn ngừa người khác đến với mình, nhưng còn giam hãm chính
mình trong cô đơn...
Bức tường vô hình cũng là bức tường
của ích kỷ. Người ích kỷ chỉ biết đến thế giới của mình và khép mắt, bịt tai
trước những gì đang xảy ra cho người khác...
Bức tường đó cũng có thể là bức
tường của sự bất cảm thông. Kẻ xây tường để bao bọc mình sẽ không muốn nhìn thấy
và thông cảm với những người xung quanh...
Nhưng bức tường nào cũng là một nấm
mồ chôn kín mình trong sự cô đơn. Càng bảo vệ chính mình, con người càng mất
mát trong sự hao mòn. Trái lại, càng cởi mở, càng đến với tha nhân càng triển nở
trong nhân cách...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét