PHÚC ÂM: Mt 19, 16-22
"Nếu ngươi muốn nên trọn
lành, hãy về bán hết của cải ngươi có, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, có một người đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy "nhân lành", tôi phải làm việc lành gì để được sống đời đời?" Người bảo kẻ ấy rằng: "Sao ngươi hỏi Ta về việc lành? Chỉ có một Đấng nhân lành là Thiên Chúa. Nếu ngươi muốn vào nơi hằng sống, ngươi hãy tuân giữ các giới răn". Người ấy hỏi rằng: "Những giới răn nào?" Chúa Giêsu đáp: "Ngươi chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối. Hãy thảo kính cha mẹ, và yêu thương kẻ khác như chính mình". Người thanh niên thưa lại rằng: "Tất cả những điều đó tôi đã giữ từ khi còn niên thiếu, vậy tôi còn thiếu sót gì nữa chăng? Chúa Giêsu bảo anh: "Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta". Khi người thanh niên nghe lời đó thì buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều sản nghiệp.
Suy niệm:
Thái độ của người thanh niên cho
thấy của cải như một thứ keo dính đeo bám vào con người khiến họ không thể rời
xa được “đồng tiền đi liền khúc ruột” là thế. Của cải tự nó không có gì là xấu,
nhưng vì con người bị mê hoặc và tôn thờ nó như một thứ thần thánh, nó có sức
lôi cuốn mãnh liệt, là vật cản vô hình khiến người ta không đến được với sự sống
đời đời. Của cải có sức trói buộc khiến người ta mất ăn mất ngủ, mất cả mạng sống
và linh hồn.
Chúng ta không lạ gì câu nói "có tiền mua tiên cũng được".
Tuy nhiên, trong cuộc sống, sự thật không phải như vậy! Vì hiển nhiên vẫn còn
đó những thứ có tiền mà vẫn không mua được. Điển hình như: như sức khỏe, thời
gian và sự sống... Chả thế mà người ta vẫn thường nói: " Tiền có thể mua
được một chiếc đồng hồ nhưng không mua được thời gian"; "Tiền có thể
mua được thuốc để chữa bệnh, nhưng không thể mua được sự sống...". Điều
quan trọng là chúng ta biết sử dụng đồng tiền như thế nào cho có ích. Sử dụng
nó như đầy tớ hay ông chủ? Đồng tiền có phải là mục đích cuối cùng, hay nó chỉ
là một phương tiện để giúp con người đạt được hạnh phúc và mục đích tối hậu của
mình?
Tin
Mừng hôm nay trình thuật một thanh niên đến xin Đức Giêsu chỉ giáo để anh tiến bước
hầu hy vọng đạt được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Nghe anh nói xong, Đức
Giêsu đã phán: "Nếu ngươi muốn nên
trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì
ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta". Nhưng thật buồn,
người thanh niên này đã lặng lẽ rút lui chỉ vì anh ta có nhiều tiền của.
Thật
vậy, đồng tiền liền với khúc ruột. Đồng tiền gắn liền với cuộc sống. Đồng tiền
đôi khi trở thành ông chủ tồi. Và như thế, nó đã là rào cản số một cho những ai
muốn tiến xa, tiến sâu trên con đường nhân đức.
Dẫu vẫn biết trước những tai hại của nó, nhưng thực ra không ít
người đã vì tiền mà bán rẻ lương tâm khi sẵn sàng trà đạp lên chân lý để đạt được
mục đích "rẻ tiền". Không thiếu người bán cả danh dự, nhân phẩm bản
thân trong nghề mại dâm chỉ vì đồng tiền. Cũng không lạ gì những chuyện đâm
thuê chém mướn, thay trắng đổi đen và vô luân, phi đạo đức cũng chỉ vì đồng tiền!
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết dùng của cải như là phương tiện
để xây dựng tình bác ái huynh đệ và cùng nhau xây dựng Nước Trời. Bởi vì Nước
Trời là kho tàng, đồng tiền chỉ là thứ trợ giúp để ta mua được kho tàng chứ nó
không phải kho tàng.
Vì
thế, nếu chúng ta cứ bám vào của cải vật chất quá đáng, trái tim của chúng ta sẽ
bị kìm chặt nơi thế gian. Của cải thế gian sẽ đóng kín cánh cửa tâm hồn, chúng
ta trở thành nô lệ của nó. Như vậy, Chúa không còn chỗ nào trong trái tim,
lương tâm và cõi lòng của chúng ta, và, như một lẽ tất yếu. Nước Trời không có
chỗ cho những người coi đồng tiền là ông chủ và sống ích kỷ.
Sống Lời Chúa:
+
Anh thiếu chia sẻ là thiếu công bằng trước mặt Chúa. Hội
Thánh là Mẹ đã dạy chúng ta : “Của cải trần
gian là để cho mọi người hưởng dùng. Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật
trên trái đất thuộc quyền sử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của
cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý theo
Luật công bằng là Luật đi liền với bác ái” (Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế
Vui Mừng Và Hy Vọng số 69).
+
Mặc dù anh thanh niên này là một người tốt. Nhưng xét cho cùng, anh còn ích kỷ,
anh chỉ nghĩ đến thu vào, anh đã có nhiều thứ và anh chỉ muốn có thêm chứ không
muốn mất đi. Khi đến hỏi Chúa Giêsu, anh muốn được thêm sự sống đời đời nghĩa
là anh muốn được cả đời này lẫn đời sau. Khi Chúa Giêsu đề nghị anh từ bỏ tài sản
thì anh từ chối.
+
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước
Trời là của họ” (Mt 5,3).
+
“Tham tiền là nguồn gốc mọi tội ác!”
(1Tm 6,10).
+
Đoạn Phúc Âm này đặc biệt muốn nói với những người hiến thân cho lý tưởng tu
trì: Sự đam mê và quyến luyến của cải rất hợp với lý tưởng họ đang theo.
+
Chúa Giêsu trả lời người thanh niên giàu có: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện thì
hãy bán đi tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng
trên trời. Rồi hãy theo tôi”. (Mt 19,21)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho chúng con khám
phá và thi hành chân lý mà hôm nay Chúa dạy là: con đường duy nhất để nên hoàn
thiện và được sống đời đời là dùng tiền của thế gian để mua lấy Nước Trời qua
việc thực thi bác ái.
Lẽ sống:
Ngài
là sự bình an của chúng ta
Năm
1899, cuộc xung đột biên giới giữa hai nước Chile và Argentina suýt đưa tới một
cuộc chiến tranh khốc liệt... Mùa Phục Sinh năm 1900, quân đội của hai bên đã sẵn
sàng giao tranh với nhau.
Trong
suốt tuần thánh năm đó, vị tổng giám mục Buenos Aires của Argentina đã đưa ra một
lời kêu gọi tha thiết về Hòa Bình. Sứ điệp của ngài đã không mấy chốc được truyền
sang Chile. Các giám mục của nước này cũng hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi.
Giáo hội của hai bên đã làm áp lực để hai chính phủ ngồi vào bàn hội nghị với
nhau qua trung gian của vua Edward thứ 7 của Anh quốc.
Không
mấy chốc, một hòa ước đã được hai nước ký kết. Ðể nói lên thiện chí xây dựng
hòa bình, quân đội Argentina đã gom góp lại một số khí giới và nung lên để rồi
đúc thành một tượng Chúa Giêsu. Bức tượng đã được đặt tên là "Ðức Kitô của
dãy núi Andes". Andes là dãy núi nơi đã có cuộc xung đột giữa hai quốc
gia. Cánh tay phải của bức tượng được mở rộng để ban phép lành, còn cánh tay
trái cầm thánh giá.
Chính
phủ Argentina đã quyết định đưa bức tượng lên đỉnh núi ở cao độ gần 4 ngàn thước.
Xe lửa di chuyển bức tượng đến chân núi. Sau đó, người ta dùng chính các chiến
xa do lừa kéo để đưa bức tượng lên núi. Và cuối cùng, khi đến gần đỉnh núi,
chính các quân nhân là những người hoàn thành công tác còn lại.
Sau
khi đã dựng bức tượng, người ta viết dưới bệ của bức tượng như sau: "Những
ngọn núi này sẽ sụp xuống và biến thành cát bụi nếu nhân dân của Chile và
Argentina quên đi lời giao hòa mà họ đã long trọng ký kết dưới chân Ðức
Kitô". Trên mặt khác của chân tượng, người ta cũng đọc thấy câu trích từ
thư của thánh Ephesô như sau: "Chính Ngài là sự bình an của chúng ta. Ngài
đã làm cho đôi bên bị chia rẽ nên một".
Giải
thưởng Nobel Hòa Bình năm 1990 đã được quyết định trao tặng cho tổng thống
Gorbachov của Liên Xô. Cả thế giới đã nhìn nhận vai trò của ông trong việc đạp
đổ bức tường ô nhục Bá Linh và các chế độ cộng sản tại Ðông Âu, cũng như góp phần
dập tắt cuộc chiến tranh giữa hai khối cộng sản và tư bản.
Hòa
bình mà tổng thống Gorbachov góp phần kiến tạo phải chăng không là kết quả của
một sự "đạp đổ": chỉ khi nào những bức tường của kỳ thị, của bách hại,
của hận thù, của độc tôn bị đạp đổ thì Hòa Bình mới thực sự chớm nở...
Người
La Mã ngày xưa thường nói: Nếu muốn Hòa Bình, hãy chuẩn bị chiến tranh. Còn cuộc chiến nào gay go, khốc liệt cho bằng
cuộc chiến để đạp đổ những bức tường của hận thù, của bạo động, của bất khoan
dung trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ thực sự có bình an
trong tâm hồn và người người mới thực sự có Hòa Bình khi những bức tường ấy được
đạp đổ trong chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét