PHÚC ÂM: Mt 16, 13-23
"Con là Đá, Thầy sẽ ban cho
con chìa khoá nước trời".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng:
"Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là
Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri
nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy
là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng
sống". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có
phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy,
Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ
xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho
con chìa khoá Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc;
và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở". Bấy giờ Người truyền
cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Đức Kitô.
Kể
từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem,
phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và
ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy
Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu". Nhưng
Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con
làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà
chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".
Suy
niệm: Trong bài Tin Mừng hôm nay, chương 16
câu 13-23, chúng ta cùng chú ý về 2 nhân vật chính trong cuộc đối thoại khá lý
thú này. Đó là Đức Giêsu và Tông đố Phê-rô.
Huấn quyền.
Dựa
vào các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay cho chúng ta xác tín rằng Chúa chỉ trao
quyền Giáo Huấn (ngôn sứ) riêng cho Hội Thánh của Ngài đã đặt ông Phêrô làm thủ
lãnh (Giáo hoàng tiên khởi), và Hội Thánh chỉ được xây dựng bền vững và phát
triển dựa trên nền tảng giáo lý phát xuất từ Cha trên trời, cùng Đức Tin và lòng
Mến của các Kitô hữu thể hiện qua gian khổ vì Tin Mừng.
Hội
Thánh Công Giáo.
Chúng
ta phải tin rằng quyền giáo huấn Chúa ban riêng cho Hội Thánh, mà Ngài đã đặt
ông Phêrô làm thủ lãnh, đó là quyền tự do của Ngài, kẻ nào lẩm bẩm kêu trách chủ
chăn Hội Thánh, vì cho là bất xứng, như ông Phêrô bị Chúa mắng là Satan, mà
nghĩ rằng ai cũng có Thánh Thần giúp hiểu Lời Chúa là đủ, thì sẽ mang họa, như
xưa bà Miriam lẩm bẩm phê bình ông Môsê, khi biết ông lấy vợ ngoại giáo, bà nói
: “Không lẽ Chúa chỉ mạc khải riêng cho ông Môsê hay sao, Ngài cũng mạc khải
cho cả chúng ta nữa chứ?” Thế là bà bị Chúa phạt cùi (x Ds 12). Bởi đó người
Kitô hữu phải hãnh diện về Giáo Lý đã được đón nhận từ Hội Thánh Công Giáo, mà
Cha trên trời ban cho. Chúng ta phải chứng tỏ mình hơn những anh em ly giáo mới
làm vinh hiển Chúa. Kẻ nào ngu dốt về Giáo Lý, chính nó phá Hội Thánh, Satan chẳng
cần ra tay.
Đức Pio
X vào trường Truyền Giáo Roma hỏi các Đại Chủng sinh :
-
Quyền lực nào phá Hội Thánh mạnh
nhất ?
-
Thưa những gia đình Công Giáo ly
dị nhau.
-
Không phải.
-
Thưa cộng sản vô thần duy vật.
-
Không phải.
-
Quyền lực Satan.
-
Càng không phải. Vì Chúa Giêsu đã
nói với ông Phêrô : “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi con” (Mt 16,18b).
Cuối cùng vì không ai trả lời được, Đức
Giáo hoàng nghiêm sắc mặt nói : Những người Công Giáo ngu dốt về Giáo Lý mới
chính là sức mạnh tàn phá Hội Thánh. Vì thế “ngày
hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Người phán : Các ngươi chớ cứng lòng”
(Tv 95/94,7b.8a).
Hội
Thánh được xây dựng trên đức tin và lòng mến của các Kitô hữu.
Thực
vậy, Hội Thánh được xây dựng không chỉ dựa trên quyền năng của Thiên Chúa, mà
còn được xây dựng bền vững và phát triển lệ thuộc vào cách tuyên xưng Đức Tin bằng
máu của những người Công Giáo. Vì thế Đức Giêsu không tuyên bố xây dựng Hội
Thánh trên ông Phêrô, khi Ngài mới gọi ông từ thuyền đánh cá, mà Ngài chỉ xây dựng
Hội Thánh trên con người đã chấp nhận từ bỏ mọi sự để vác Thánh Giá theo Thầy hằng
ngày (x Lc 9,23). Trong kinh Tin Kính, chúng ta vẫn tuyên xưng Hội Thánh có bốn
đặc tính : Duy Nhất - Thánh Thiện - Công Giáo - Tông Truyền.
Như thế thì còn thiếu đặc tính thứ năm là Tử
Đạo! Ý thức điều đó thánh Phaolô nói : “Tôi
vui sướng trong các nỗi thống khổ vì anh em, và trong thân xác tôi, tôi bù đắp
những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu, vì Thân Mình Ngài
là Hội Thánh” (Cl 1,24).
Sống Lời Chúa:
+ Con đường Đức Ki tô đi là con đường Thập
Giá mà người tông đồ xưa đã cản và chính chúng ta ngày nay cũng cố tình
"phớt lờ" hoặc né tránh. Đức Giêsu nói với Phêrô cũng là nói với
chúng ta "lui lại đàng sau Thầy…" (c.23) vì đó không phải là đường lối
của Thiên Chúa, không là cách thức riêng của Thầy.
+
Ngày nay, trên bước đường truyền giáo, người tông đồ có ngồi bên chân Chúa để
kiểm duyệt lại xem đây có phải là tư tưởng của Chúa hay của cá nhân tôi? Công
việc tôi đang làm có tôn vinh Chúa hay mưu cầu lợi ích cá nhân tôi? Tôi đang
làm cho danh Chúa cả sáng hay làm rạng rỡ tên tuổi của tôi? "Lui lại đàng
sau Thầy" là hãy bước vào con đường của Thầy giẫm lên dấu chân của Thầy. Đường
của Thầy là con đường Thập Giá, là hi sinh tính mạng vì bạn hữu, là yêu đến
cùng, không tính toán, vô vị lợi.
+
Trung thành với giao ước là điều kiện tiên quyết để được Thiên Chúa bảo vệ.
+ Người khác có thể dạy cho chúng ta biết về
Chúa, nhưng để nhận ra Chúa Giêsu là ai và tin vào Ngài đòi hỏi mối liên hệ của
chúng ta với Chúa và phải được trợ giúp của Chúa Cha hay Thánh Thần.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa, hôm nay Chúa vẫn đang hỏi chúng con “anh em bảo Thầy là
ai?”, xin cho mọi thành viên trong gia đình con luôn học biết về Chúa để chúng
con cũng tuyên xưng niềm tin của mình trước mặt Chúa và trước mặt mọi người:
Chúa là Đấng cứu độ con, là nguồn sống cho con, con hằng cậy trông.
Lẽ sống:
Con
bọ cạp giữa dòng sông
Một
tín đồ Ấn giáo nọ xuống dòng sông Gange để thanh tẩy và cầu nguyện...
Ông
đang trầm mình giữa dòng sông thì bỗng đâu rác rưởi tấp lại dày đặc xung quanh
ông. Trong đống rác, một con bọ cạp đang chao đảo chới với giữa dòng nước. Sẵn
lòng khoan dung đối với thú vật, người tín đồ Ấn giáo mới chìa cánh tay ra để cứu
vớt con vật. Nhưng cánh tay ông vừa đưa ra đã bị con vật dùng chiếc vòi độc của
nó đốt lấy. Người đàn ông không mất kiên nhẫn, con vật càng hung hãn, ông càng
chịu đựng để nó dùng nọc độc chích liên hồi, miễn là cứu sống nó thoát khỏi
dòng nước đang cuốn trôi.
Có
người theo dõi cảnh tượng, mới trách người tín đồ như sau: "Ông mất giờ vô
ích. Nó là con bọ cạp, bản chất của nó chỉ là dùng nọc độc để chích mà
thôi".
Người
tín đồ Ấn giáo mới điềm nhiên trả lời: "Bản chất của con bọ cạp là dùng nọc
độc để chích, nhưng bản chất của con người là cứu vớt".
Chúng ta dễ có khuynh hướng phân
biệt xã hội thành hai loại người: xấu và tốt, bạn và thù... Kẻ xấu là người
đáng xa lánh, người thù thì phải oán căm sâu sắc... Chúa Giêsu đã đánh đổ mọi
thứ óc "biệt phái". Những kẻ bị xã hội loại ra bên lề đã được Ngài biến
thành bạn hữu, những kẻ đồng bàn. Ngài đã không nhìn người bằng những nhãn hiệu
có sẵn, mà chỉ bằng hình ảnh cao quý của Thiên Chúa. Trong cái nhìn ấy, hàng
rào giữa bạn và thù, giữa tốt và xấu sẽ được tháo gỡ giữa mọi người. Trong cái
nhìn ấy, tất cả mọi người đều có chung một danh xưng; đó là anh em của nhau...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét