Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Lời Chúa: thứ Ba XVIII Thường Niên Năm A. 05.8.2014

PHÚC ÂM:   Mt 15,1-2.10-14
"Ô uế và tinh sạch".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.


Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng :  “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa ?”
          Sau đó, Đức Giê-su gọi đám đông lại mà bảo : “Hãy nghe và hiểu cho rõ : Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.” Bấy giờ các môn đệ đến gần Đức Giê-su mà thưa rằng : “Thầy có biết không ? Những người Pha-ri-sêu đã vấp phạm khi nghe Thầy nói lời ấy.” Đức Giê-su đáp : “Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. Cứ để mặc họ. Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố.”

Suy niệm:
1.     Do Thái giáo coi trọng những nghi thức thanh tẩy bằng nước.
Aharon và các tư tế con của ông, trước khi tiến đến bàn thờ để dâng lễ, phải rửa tay chân bằng nước đựng trong một cái vạc đồng. “Họ sẽ tẩy rửa tay chân để khỏi phải chết. Đó là điều luật vĩnh viễn cho Aharon và dòng dõi ông qua muôn thế hệ” (Xh 30, 20-21).
Khi khám phá ra những di tích ở Qumran, phía tây bắc Biển Chết, người ta thấy có nhiều hồ tắm (mikvah) được đào dưới lớp đất sét giữ nước. Cộng đoàn những người sống ở đây coi việc tắm rửa hằng ngày tại hồ như một nghi thức thanh tẩy không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Bài Tin Mừng hôm nay bàn đến chuyện thanh tẩy trước khi ăn. Nhóm Pharisêu trách Đức Giêsu vì môn đệ Ngài không rửa tay khi dùng bữa. Thật ra trong Kinh Thánh Cựu Ước chẳng có luật nào dạy như vậy. Người Pharisêu đã dựa trên một truyền thống truyền khẩu có từ thời ông Môsê. Họ coi truyền thống tiền nhân này cũng ràng buộc chẳng khác nào Kinh Thánh.
Đức Giêsu nặng lời vì họ đặt truyền thống của mình lên trên Lời Chúa (cc. 3-9). Khi để ý chi li những điều bên ngoài để giữ cho mình khỏi bị ô uế, họ xao lãng việc để ý đến cái ô uế bên trong con người.
2.     Ngày xưa, có người học trò hỏi Đức Khổng thế này:
“Nếu mình xấu mà người ta nói mình tốt, người đó có tốt không?” Đức Khổng trả lời: “Không!”. Cậu học trò hỏi tiếp: “Vậy ai là người tốt?”. Lần này Đức Khổng trả lời: “Người tốt là người chân thành nói sự thật. Nếu mình xấu, người ta bảo là xấu. Mình tốt, người ta bảo là tốt”.
Thật vậy, người tốt là người sống thật tâm, không nịnh bợ, tâng bốc, hai lòng, lập lờ... Người tốt là người không vụ lợi, không nhân danh tập thể để lợi dụng cho cá nhân mình, không ăn bớt của công, và cuối cùng, họ là những người không: “sợ tiếng chửi, và ăn mày tiếng khen” (x. Đường Hy Vọng số 693).
Hôm nay, Đức Giêsu đã dạy cho những người Pharisêu và các Kinh sự bài học về việc giữ Luật. Luật vì con người chứ không phải con người vì Luật. Hiểu và giữ cốt lõi của Luật là tình thương thì quan trọng và đẹp ý Thiên Chúa hơn là những thứ bề ngoài. Trong khi đó, các Pharisêu và Kinh sư lại cổ súy người ta sống xa rời cốt lõi của Luật để chỉ tuân giữ Luật cách hình thức và chú tâm vào việc giữ gìn truyền thống cha ông mà thôi.
Thật vậy, nếu chỉ có vì Luật, người ta sẽ xử với nhau trên mặt chữ hay cái đầu mà không cần cái lý, cái tình và trái tim. Nếu cứ bề ngoài mà đánh giá và lấy đó làm chuẩn mực, thì sẽ luôn xảy ra tình trạng “thấy vậy mà không phải vậy” do những kẻ cầu thân nịnh bợ gây nên. Họ là những hạng người: “bên ngoài thì trông sáng láng, đẹp đẽ như mồ mả được tô vôi, nhưng bên trong thì toàn là xương người chết, dơ bẩn, thối tha”.
Nói như thế không có nghĩa là Đức Giêsu phủ nhận giá trị của Luật hay coi thường! Không! Chúng ta nên nhớ rằng: Đức Giêsu đến, Ngài không bao giờ bỏ một chấm một phết nào của Luật, nhưng Ngài kiện toàn nó và mặc cho nó một tinh thần mới, đó là tinh thần yêu thương.
Là kitô hữu, bài học của Đức Giêsu cho các Pharisêu và Kinh sư khi xưa cũng chính là bài học cho mỗi chúng ta hôm nay. Hãy sống hài hòa giữa cái bên trong và bên ngoài chứ không chỉ vụ Luật, tức là hình thức, phô trương mà bên trong thì rỗng tuếch. Hãy sống thật tâm chứ đừng giả dối. Thương người mà không có tâm tốt thì là một sự thương hại và xúc phạm, vì thế đáng nguyền rủa.
3.     Quét rác tư tưởng.

Rác làm bẩn môi trường ; tư tưởng sai lạc làm nhơ bẩn cuộc sống, hồn bốc mùi hôi! Mà nhiều linh hồn hôi thối, thì làm cho môi trường tỏa ra mùi tử khí. Bởi vì tư tưởng hướng ra hành động : Tư tưởng tốt hành động tốt, suy nghĩ, nói bậy sinh ra hành động gian ác!

Rất nhiều người Biệt phái (Pharisêu) cùng các kinh sư cẩn thủ giữ tập tục tiền nhân, như để giữ cuộc sống không bị nhơ, thì phải tránh ăn thịt heo, không ăn huyết, con vật chết ngột… (x Dnl 14,3-21).
Trong khi đó Kinh Thánh cho biết: “Mọi vật Chúa dựng nên đều tốt lành, không có gì phải loại bỏ, nếu biết tạ ơn mà dùng” (1Tm 4,4).
Thế mà một số Pharisêu và kinh sư đến đặt câu hỏi với Đức Giêsu : “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?
Đức Giêsu trả lời: “Hãy nghe và hiểu cho rõ: Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.” (Mt 15,2.10-11 : Tin Mừng).
Vì “từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu : tà dâm,trộm cắp, giết người, trong khi đó các ông cứ cố thủ truyền thống của cha ông lấy làm thánh giáo mà gạt bỏ Lời Thiên Chúa, lại còn làm nhiều điều khác giống như vậy” (x Mc 7,21.13), trong đó có nhiều điều hoàn toàn nghịch với Giáo Lý của Chúa.
Sống Lời Chúa:

+  Trong các nhân đức, thì đức ái giống như mặt trời giữa các tinh tú, đem ánh sáng của mình truyền cho các nhân đức khác (Thánh Franciscus de Sales).
+  Biết điều tốt mà không làm thì có tội (Gc 4,17).
+  Đoán ý muốn người khác để phục vụ giống Mẹ Maria (Lc 1,39t ; Ga 2,3).
+  Cha Ta hằng làm việc, Ta cũng thế (Ga 5,17).
+ Có nóng giận thì sao cho đừng mắc tội, chớ để mặt trời lặn mà cơn giận chưa tan (Ep 4,26).
+   Có ác thì như con nít thôi (1Cr 14,20).
+  Sự nóng giận của người ta không làm nên sự công chính của Thiên Chúa (Gc 1,20).
+  Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ (Rm 12,21).

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn mặc lấy tâm tình của Chúa trong khi giữ Luật, tinh thần đó là đi vào trong trái tim Chúa và sống chan hòa với nhau.
Lẽ sống:
Tha nhân không là hỏa ngục

Có một chàng thanh niên khao khát trở thành một thánh nhân. Chàng xin vào một dòng tu. Không mấy chốc, chàng khám phá ra tính tình nóng nảy của mình. Nhưng thay vì tìm căn nguyên nơi mình, chàng quy trách cho những người xung quanh. Tha nhân đã trở thành hỏa ngục đối với chàng.

Sau cùng, không còn chịu nổi đời sống tập thể nữa, chàng nghĩ có thể tìm thấy sự yên tĩnh trong sa mạc. Thế là chàng đã lên đường tìm đến một nơi hoang vu vắng vẻ để cắm lều sống đời ẩn sĩ. Mà thật thế, chàng đã tìm lại được sự thanh thản trong tâm hồn...

Tuy nhiên, sự bình an trong cô quạnh ấy không kéo dài được. Ma quỷ đã kéo đến và chúng đã gây xáo trộn trong căn lều xinh xắn của chàng. Không còn giữ được bình tĩnh, chàng đã nổi tam bành và đạp đổ tất cả...

Sau cơn giận dữ, trở lại trạng thái bình thường, chàng mới hồi tâm suy nghĩ: Tôi đã bỏ lại tu viện các anh em của tôi, nhưng tôi lại mang chính tôi vào sa mạc. Không phải anh em tôi là căn nguyên của đau khổ của tôi, nhưng tính tình của tôi mới là đầu mối của mọi đổ vỡ...

Chúng ta được sinh ra trong một gia đình, chúng ta được mời gọi để sống trong xã hội. Tha nhân không phải là một trở ngại, nhưng chính là một trợ giúp để chúng ta phát triển nhân cách và thành toàn.

Tất cả mọi căn nguyên chính của thất bại và thành công đều nằm trong ta. Cuộc chiến cam go nhất và liên lỉ nhất của chúng ta, chính là chiến đấu chống lại bản thân chúng ta. Xã hội có thể thay đổi, cuộc sống có thể tốt đẹp hơn nếu chúng ta biết cải thiện con người của chúng ta trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét