PHÚC ÂM: Lc 24,13-35
“Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn
nữa” (Lc 24,28)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm
môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây
số.14 Họ trò chuyện với
nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì
chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra
Người. 17 Người hỏi họ : "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về
chuyện gì vậy ?" Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả
lời : "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay
biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." 19 Đức Giê-su hỏi : "Chuyện gì vậy
?" Họ thưa : "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy
uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng
ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập
giá. 21 Phần chúng tôi,
trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa,
những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong
nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là
đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ,
và thấy sự việc y như các bà ấy nói ; còn chính Người thì họ không
thấy."
25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng :
"Các anh chẳng hiểu gì cả ! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các
ngôn sứ ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới
vào trong vinh quang của Người sao ? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các
ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả
Sách Thánh.
28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su
làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng : "Mời ông ở lại
với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới
vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng,
và bẻ ra trao cho họ.31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến
mất. 32 Họ mới bảo nhau :
"Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta,
lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?"
33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại
Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông : "Chúa
trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn." 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy
ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Suy niệm:
Trên đường
Emmaus
Tin Mừng hôm nay
ghi lại cảm nghiệm về Ðấng Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về
lành Emmaus. Cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô Phục Sinh đã diễn ra trong lúc họ
đang trên đường trở về làng cũ trong tâm trạng chán nản, buồn bã. Chúa Giêsu đã
xuất hiện, không phải để mang lại giải đáp cho những câu hỏi được đặt ra, mà
trái lại, Người gây nên thắc mắc và dẫn họ đi cho đến cùng sự tìm kiếm của
mình.
Cảm nghiệm về Ðấng
Phục Sinh của hai người môn đệ đang trên đường đi về làng Emmaus cũng có thể diễn
ra trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người tín hữu Kitô. Ðấng Phục Sinh luôn là
người đồng hành với chúng ta. Trên mọi nẻo đường của cuộc sống chúng ta, Ngài
luôn đi bên cạnh kể chuyện, hỏi han, tra vấn và tham dự vào mọi sinh hoạt của
chúng ta. Cuộc sống của mỗi ngày chính là nơi Ngài đến để gặp gỡ con người. Cuộc
sống mỗi ngày mới là nơi hẹn hò của Ðấng Phục Sinh với con người, là bởi vì cuộc
sống ấy không bao giờ có thể làm cho con người thỏa mãn. Bên kia niềm vui và nỗi
khổ, bên kia thành công và thất bại, con người vẫn nhận ra sự vong thân và thân
phận nghèo hèn của mình. Nỗi khao khát về tuyệt đối con người không thể thỏa
mãn được trong cuộc sống này, hoặc nếu có tìm cách xoa dịu thì lại tuyệt đối
hóa những giá trị chóng qua của cuộc sống, để rồi cuối cùng vẫn thấy mình bị
vong thân và bất lực. Bất lực trước cảnh khốn cùng, bất lực trước chiến tranh
nghèo khổ, bệnh tật, bất lực trước hận thù, ích kỷ và nhất là bất lực trước cái
chết. Sống trong thân phận ấy, con người không khỏi nêu lên câu hỏi: "Ðâu
là ý nghĩa của tất cả những điều đó? Ðâu là ý nghĩa của thân phận con người?"
Chính lúc ấy,
Chúa Kitô Phục Sinh xuất hiện, Ngài đến không phải để mang lại câu giải đáp, mà
trước hết, như một con người giữa chúng ta, một con người cũng từng nêu lên những
câu hỏi ấy, và cũng đã từng nổi loạn trước những nghiệt ngã của thân phận con
người. Ngài đã từng mơ ước về một nhân loại tốt đẹp hơn. Ngài đã nói tất cả và đã
làm hết sức có thể để xây dựng nhân loại ấy. Và cuối cùng, với cái chết đau thương
trên thập giá, xem ra Ngài cũng đành bó tay bỏ cuộc. Nhưng chính lúc ấy, vì đã
vâng phục Chúa Cha một cách tuyệt đối để sống tận kiếp người và sống trọn vẹn
cho con người, Ngài đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.
Ðây chính là kinh nghiệm mà người bạn đồng
hành, Chúa Giêsu Phục Sinh, đã chia sẻ cho hai người môn đệ trên đường Emmaus.
Tâm hồn họ nóng bừng lên khi Ngài chia sẻ kinh nghiệm của Ngài, và nhất là khi
Ngài nói lên ý nghĩa về cái chết của Ngài qua cử chỉ bẻ bánh và trao ban. Mắt của
hai người môn đệ đã mở ra để nhận biết Ngài, hiểu được các biến cố vừa xảy ra,
và dĩ nhiên thấy được ý nghĩa của chính cuộc sống của họ.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Chúa Kitô Phục
Sinh cũng đang đến và đồng hành với chúng ta trong từng sinh hoạt và gặp gỡ.
Ngài có mặt trong từng niềm vui và nỗi khổ của chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận
Ngài như người bạn đồng hành, chuyện vãn và chia sẻ, đôi mắt đức tin của chúng
ta sẽ mở ra, và trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa
của cuộc sống.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu Phục sinh, xin Chúa quyền năng của Đấng Phục sinh cũng tỏ hiện nơi chúng
con; để trong mọi cảnh sống chúng con biết can trường bước theo Chúa.
Lẽ sống:
Chết thay cho người
Môn đệ của một vị
đạo sĩ kia muốn từ bỏ thế gian, nhưng anh ta quyến luyến gia đình và bảo rằng:
"Vợ con tôi quá thương yêu tôi, nên họ không bằng lòng cho tôi thoát tục".
Nghe nói thế, vị
đạo sĩ muốn cho anh ta biết sự thật nên đã dạy cho anh một kỹ thuật giả chết.
Sau một thời gian học thuần thục, vị đạo sĩ bảo anh hãy áp dụng kỹ thuật này
khi về đến nhà. Và quả thật, anh ta đã thực hành bài học cách tuyệt hảo để nhắm
mắt xuôi tay, nhưng vẫn còn nghe được mọi tiếng khóc than của vợ con và thân
nhân, bạn bè.
Ngày hôm sau, vị
đạo sĩ đến để phân ưu cùng thân quyến. Sau những giây phút tưởng niệm người quá
cố, ông nghiêm nghị bảo thân nhân đang khóc thương người đã từ biệt cõi đời rằng:
"Tôi có bí
quyết để cứu sống anh ta, nếu có ai sẵn lòng chết thay cho anh".
Anh chàng giả chết
ngạc nhiên khi nghe mọi người trong gia đình nêu ra mọi lý do để biện minh là
mình cần phải sống. Càng ngạc nhiên hơn khi anh nghe người vợ nghĩa thiết của
mình tóm lược mọi lý lẽ trên bằng một lời quả quyết: "Tôi nghĩ không ai cần chết thay cho chồng
tôi. Không có anh ta, chúng tôi vẫn có thể làm lụng để sống".
Câu chuyện trên
có thể xảy ra bất cứ ở đâu và trong bất cứ gia đình nào. Và theo sự suy luận
thông thường, chúng ta phải công nhận rằng: Người vợ và thân nhân của anh chàng
giả chết có lý của họ. Nhưng triết gia Pascal cũng có lý khi nhận định: "Con tim có những
lý lẽ của nó mà lý trí không thể hiểu nổi".
Ðó là lý lẽ của
con tim trong con người của cha Ðamien, tông đồ người hủi mà cách đây không lâu
nhiều người đã long trọng tưởng niệm một trăm ngày qua đời của Ngài. Cha Ðamien
đã dấn thân phục vụ những người bị bệnh phong hủi để rồi kết thúc cuộc đời bằng
chính căn bệnh của những người cha đã săn sóc với sự bình thản được biểu lộ
trong những dòng tâm sự cha viết cho bạn bè vài ngày trước khi trút hơi thở cuối
cùng: "Tôi
chết vì bệnh phong cùi, nhưng tôi là một thừa sai sung sướng nhất trên địa cầu
này".
Ðó cũng là lý lẽ
của con tim trong con người của cha Maximilian Kolbe, nạn nhân của chính sách bạo
tàn tiêu hủy người Do Thái của Ðức quốc xã. Cha Maximilian đã đứng ra chịu chết
thay cho một anh bạn tù.
Có thể những người
mang lý lẽ này trong con tim hiểu được câu giáo huấn của Ðức Kitô: "Không ai có
tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét