PHÚC ÂM: Ga 10,31-42
“Người Do Thái lại lấy đá ném Đức Giêsu” (Ga 10,31)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an.
31 Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức
Giê-su. 32 Người bảo họ : "Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt
đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm ; vì việc nào mà các ông ném đá tôi
?" 33 Người Do-thái đáp : "Chúng tôi ném đá ông, không phải
vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng : ông là người phàm mà
lại tự cho mình là Thiên Chúa." 34 Đức Giê-su bảo họ : "Trong Lề Luật
các ông, đã chẳng có chép lời này sao : "Ta đã phán : các ngươi là những
bậc thần thánh'" ? 35 Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những
bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, 36 thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai
đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi : 'Ông nói phạm thượng !' vì tôi đã
nói : ' Tôi là Con Thiên Chúa ' ? 37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi,
thì các ông đừng tin tôi. 38 Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra
cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng
: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha." 39 Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng
Người đã thoát khỏi tay họ.
40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông
Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. 41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo
nhau : "Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy
nói về người này đều đúng." 42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.
Suy niệm:
Sống
theo Chúa
Trong các cuộc
tranh luận với người Do Thái, Chúa Giêsu đã mạc khải sự thật về Ngài, về mối tương
quan giữa Ngài và Chúa Cha: “Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha”. Nhưng người Do
Thái không thể hoặc không muốn tin vào Chúa, họ vẫn khăng khăng coi Ngài chỉ là
một con người, do đó họ đã lượm đá ném Chúa vì cho Ngài lộng ngôn khi dám xưng
mình là Thiên Chúa. Những người Do Thái này đã quá chìm sâu trong tội lỗi của họ.
Họ vui lòng với những gì đang làm, họ không cảm thấy cần đến ơn cứu rỗi.
Người Kitô chúng
ta ngày nay cũng có thể bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục: chỉ muốn nhìn Chúa
Giêsu như một con người, một nhà cách mạng xã hội không hơn không kém. Chúng ta
có thể bị cám dỗ lượm đá ném Chúa và những gì liên hệ đến Ngài.
Tác giả tập sách
Đường Hy vọng đã nhắn nhủ: “Con phải hiện diện trên đường hy vọng để dâng hiến và mời gọi
người khác dâng hiến. Đó là cách con phục vụ họ tốt đẹp hơn cả, con giúp họ nên
giống hình ảnh Thiên Chúa trong Đức Kitô. Đó là trách nhiệm của người kitô hữu;
không được làm ngơ để người khác ném đá Chúa… Mỗi phút giây, con đang thực hiện
chương trình của Thiên Chúa trong lịch sử.”
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Hai cách hành xử của hai nhóm người trong đoạn
Phúc Âm là những gợi ý quý báu cho chúng ta khi phải nhận định đánh giá các nguồn
dư luận quanh ta hàng ngày về Chúa Giêsu. Là những người yêu chuộng sự thật, chắc
chắn chúng ta biết mình sẽ chọn con đường nào để đạt tới chân lý, để đến với
Chúa Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một trí óc luôn bình
tâm sáng suốt, một con tim luôn khách quan vô tư, để con có thể nhận xét mọi người
mọi việc quanh con và tìm ra sự thật mà đến với Chúa. Xin cho con cũng biết
tích cực làm chứng cho sự thật mà mình đã xác tín.
Lẽ sống:
Ðất Thánh
Một giáo xứ miền
quê nọ đã được thành lập từ lâu, nhưng chưa có được một ngôi nhà thờ xây cất hẳn
hoi. Giáo dân lại nằm rải rác trong hai ngôi làng sát cạnh nhau. Khát vọng duy
nhất của giáo dân là được có nơi thờ phượng đàng hoàng... Với sự hăng say bộc
phát của những người nông dân, mọi người đã quảng đại đáp lại lời kêu gọi của
các chức sắc trong giáo xứ: kẻ góp tiền, người cho vật dụng... Thế nhưng vấn đề
cơ bản vẫn là: đâu là địa điểm xứng hợp nhất để xây cất nhà thờ. Người trong
làng này thì muốn ngôi nhà thờ tọa lạc trong làng của mình. Người bên làng kia
thì lại muốn ngôi nhà thờ được xây cất gần bên chỗ mình ở. Thế là hai bên cứ
tranh luận, không bên nào muốn nhường bên nào. Tiền đã có sẵn, vật dụng cũng đã đầy đủ, nhưng
không biết phải đặt viên đá đầu tiên bên làng nào.
Giữa lúc vấn đề
địa điểm chưa ngã ngũ, thì một vấn đề lớn lại xảy ra: một nạn hạn hán trầm trọng
đe dọa dân chúng trong cả hai làng. Thế là người ta chỉ còn nghĩ đến việc chống
hạn hán hơn là xây cất nhà thờ. Nhưng sức người có hạn, việc dẫn thủy nhập điền
không đạt được chỉ tiêu. Năm đó, toàn dân trong hai làng đều phải chịu cảnh đói
khát.
Sống bên cạnh
nhau, cho nên mặc dù ngăn cách về hành chính, dân hai làng vẫn coi nhau như bà
con ruột thịt... Có hai gia đình nông dân nọ rất mực thương nhau và tương trợ
nhau. Một người bên làng này luôn nghĩ đến cảnh đói khổ mà người bạn bên làng
kia đang phải chịu. Thế là một đêm nọ, anh đã phân chia phần lúa thóc thu hoạch
được trong vụ mùa vừa qua và lặng lẽ vác lên vai để mang qua cứu trợ người bạn
của làng bên cạnh... Trong khi đó thì người bạn bên làng bên cạnh cũng có một ý
nghĩ tương tự.
Anh cũng hành động y
như người bạn của mình. Cũng chính đêm hôm đó, anh đã sớt bớt phần lúa của mình
để mang qua biếu người bạn ở làng kế bên... Giữa đêm tối, không hẹn hò, hai người
bạn đã gặp nhau trong cùng một ý nghĩ và hành động. Không cần một lời giải
thích, không cần một lời chào hỏi, hai người đã hiểu nhau: Họ bỏ bao lúa xuống
đất và ôm trầm lấy nhau... Ðiểm gặp gỡ của tình bạn, của
tình tương thân tương ái, của tình liên đới, của chia sẻ ấy đã được giáo dân của
hai ngôi làng gọi là đất Thánh và không cần phải mất nhiều thủ tục để giải quyết,
họ đã đồng thanh chọn địa điểm ấy làm nơi xây cất nhà thờ.
Nhà thờ là nơi hẹn hò: hẹn hò với Thiên
Chúa, hẹn hò với con người. Không ai đến nhà thờ mà không tìm gặp được sức mạnh
từ chính Chúa, sự an ủi đỡ nâng từ những người anh em của mình... Do đó, nhà thờ
phải là điểm đến của mọi nẻo đường, nhà thờ phải là nơi hội tụ của mọi xây dựng,
nhà thờ phải là giải đáp của mọi tranh luận... Người ta không thể xây dựng những
ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ mà lại làm ngơ trước những người đang dẫy chết
bên cạnh. Người ta không thể nhắm mắt đi đến nhà thờ trong khi bên lề đường có
bao nhiêu kẻ lê lết trong đói khổ... Phải chăng, nhà thờ chỉ có thể xây dựng
ngay chính trên đất Thánh của chia sẻ, của san sớt, của tình liên đới mà thôi?
Phải chăng, việc đi đến nhà thờ cũng chỉ có ý nghĩa khi nó là điểm đến, là biểu
trưng của chính những viên gạch bác ái mà người ta không ngừng xây dựng trong
cuộc sống hằng ngày?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét