PHÚC ÂM: Lc 18,9-14
"Người thu thuế ra về được khỏi tội". (Lc 18,14)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn
sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác
: 10
"Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn
người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng :
'Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất
chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con
dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.' 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng
xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng :
'Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.' 14 Tôi nói cho các ông biết : người
này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia
thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được
tôn lên."
Suy niệm:
Chìa khoá của tự do
Người Hồi giáo
nói về sự cầu nguyện bằng câu chuyện sau: có một người thợ kim hoàn nghèo nhưng
thanh liêm bị giam tù vì một tội ông không bao giờ phạm.
Vài tháng sau
khi người chồng bị giam giữ, người vợ đến gặp ban giám đốc và xin cho chồng một
ân huệ. Bà nói chồng bà là một tín hữu trung thành với các buổi cầu nguyện, bà
xin được gửi cho chồng một tấm thảm nhỏ để quì cầu nguyện năm lần một ngày theo
qui định của Hồi giáo. Lời thỉnh cầu được chấp nhận dễ dàng…
Ngày nọ, người
thợ kim hoàn đến trình bày với các quản giáo: “Tôi là thợ kim hoàn, nếu các người
cho tôi một ít kim loại, tôi có thể vừa qua được thời giờ nhàn rỗi, vừa làm được
cho các người những nữ trang có thể dùng được”. Các quản giáo không thấy trở ngại
nào về điều đó. Một ngày nọ, các canh tù bỗng phát giác ra cánh cửa nhà tù bị mở
toang và người thợ kim hoàn đã tẩu thoát. Cùng lúc đó người ta cũng bắt giữ được
thủ phạm đích thực mà họ đã qui lầm cho người thợ kim hoàn.
Bấy giờ người thợ
kim hoàn mới ra mặt và tiết lộ việc trốn thoát cuả ông. Sau khi ông bị bắt oan,
vợ ông liên lạc với kiến trúc sư đã vẽ hoạ đồ nhà tù. Ông này cho phép bà in
nguyên hoạ đồ chi tiết cuả nhà tù lên tấm thảm. Mỗi ngày năm lần dù phủ phục
trên tấm thảm để cầu nguyện, người thợ đã thuộc lòng đường ra lối vào của nhà
tù, thêm vào đó nhờ những mảnh kim loại các quản giáo cung cấp, người thợ đã có
thể mài dũa những chìa khoá để mở các cánh cửa nhà tù, đó là bí quyết đã giúp
ông trốn được khỏi nhà tù.
Cầu nguyện là
chìa khoá của tự do. Một tâm hồn khao khát tự do đích thực là một tâm hồn biết
cầu nguyện. Chúa Giêsu như muốn minh hoạ cho chân lý ấy qua dụ ngôn hai người
lên đền thờ cầu nguyện: một người Biệt phái lên giữa đền thờ đứng thẳng người để
kể về những thành tích của mình, trong khi đó người thu thuế tội lỗi đứng trong
góc đền thờ, không dám ngước mặt lên, nhưng cúi mình đấm ngực nói lên nỗi khốn
cùng tội lỗi của mình. Chúa Giêsu tuyên bố người thu thuế ra về được tha tội,
còn người Biệt phái vẫn tiếp tục ù lì trong sự tự phụ của mình. Phải chăng Chúa
Giêsu không muốn nói với chúng ta rằng câu chuyện đích thực chính là nỗi khao
khát được thoát khỏi những thứ nô lệ đang trói buộc tâm hồn con người.
Mùa Chay là trường dạy cầu nguyện. Giáo hội
mời gọi chúng ta gia tăng cầu nguyện, điều đó có nghĩa là chẳng những dành nhiều
thời giờ cho cầu nguyện, mà nhất là thanh luyện thái độ chúng ta trong khi cầu
nguyện, lời cầu nguyện đích thực trong mùa chay phải là thái độ sám hối. Khởi đầu
của cầu nguyện ấy là mọi nhận thức sâu xa về thân phận, tội lỗi của chúng ta và
từ đó nói lên tất cả tín thác của chúng ta vào tình yêu tha thứ của Chúa. Lòng
tín thác ấy sẽ xoá tan mọi tội lỗi và mang lại cho chúng ta tự do đích thực của
con cái Chúa.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Như người con
hoang đàng mong được trở về với cha, như người thu thuế nép mình nơi lòng tha
thứ của Chúa, xin cho chúng ta luôn được sống trong tâm tình sám hối thực sự và
cảm nhận được tình thương khoan dung vô bờ của Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin gìn giữ con, đừng để con rơi vào thái độ tự phụ kiêu ngạo. Xin
cho con biết sống khiêm nhường tự hạ trước tôn nhan Thiên Chúa và trước mặt anh
chị em. Và xin giúp con được canh tân đời sống trở về với Chúa, đừng bao giờ thất
vọng vì những tội lỗi của con đã phạm, nhưng luôn trông cậy vào tình thương tha
thứ của Chúa.
Lẽ sống:
Bệnh quên
Trưa ngày
25/12/1985, sau khi dự lễ Giáng Sinh ở nhà thờ về, bà cụ Anne Mc Donnell ở tiểu
bang New York, thấy một ông cụ già râu tóc bạc phơ như ông già Noel đang đứng
trước cửa nhà. Thoạt nhìn, bà cụ tưởng một người nào đó giả dạng ông già Noel để
đùa, nhưng sau khi nhìn kỹ, bà cụ nhận ra đó là chồng mình, đã biệt tích từ 15
năm qua...
Nguyên do vào
ngày 24/12/1971, ông James Mc Donnell bị té xuống thang lầu, rồi qua hôm sau bị
tai nạn xe hơi. Gần một tháng sau ông lại bị tai nạn xe hơi một lần nữa, bị chấn
động não và bất tỉnh. Vài ngày sau đó, ông đi bách bộ ngoài trời cho thoáng
khí, rồi từ đó đi biệt tích luôn.
Về sau, ông Mc
Donnell kể lại rằng: "Tôi không còn nhớ gì cả. Tôi không biết tôi đã đến Philadelphia
bằng phương tiện gì và bằng cách nào". Ông cũng không nhớ tên họ hay địa
chỉ của mình, nên khi đi ngang qua một cửa hiệu có tên là Peter, ông tự đặt tên
cho mình là Jim Peter, rồikiếm việc làm ăn trên đó gần 15 năm.
Ngày Giáng Sinh
năm 1985 vừa qua, tình cờ va đầu vào trần nhà ở sở làm, ông Mc Donnell bỗng phục
hồi được trí nhớ. Ông nhớ lại tên tuổi, nơi sinh, chỗ ở cũng như quãng đời trước
đó 15 năm. Ông liền tìm đến cuốn niên giám điện thoại để xem vợ còn ở chỗ cũ
không. Khi biết chắc vợ mình chưa thay đổi địa chỉ, ông Mc Donnell đã đáp xe lửa
về lại nhà cũ vào đúng ngày lễ Giáng Sinh...
Trong vòng 15
năm, ông Mc Donnell đã mắc một chứng bệnh: đó là bệnh quên. Quên có thể là một
chứng bệnh như trường hợp ông Mc Donnell bị té thang lầu, bị tai nạn xe hơi...
Quên cũng có thể là những chứng bệnh thông thường của nhiều người lớn tuổi, như
nhiều cụ già thường quên bẵng những sự việc vừa xảy ra, nhưng họ lại nhớ rất rõ
ràng tỉ mỉ những việc đã xảy ra hằng ba bốn chục năm về trước. Nhưng cũng có những
trường hợp con người muốn quên đi một dĩ vãng đau lòng nào đó, như trường hợp
nhiều người tìm quên lãng trong men rượu khói thuốc...
Quên lãng có thể
giúp con người tìm lại được đôi chút thanh thản trong tâm hồn, nhưng cũng có thể
đưa con người đến chỗ vô ân. Người không còn muốn nhớ đến nguồn gốc và công ơn
sinh thành của cha mẹ mình là người đáng trách. Người không còn muốn nhớ đến những
liên hệ mình với người khác cũng là một người đáng trách. Người khép mắt bịt
tai trước những nỗi đau khổ của người khác cũng là một người đáng thách...
Người Kitô luôn được nhắc nhở để tìm ra dấu
chỉ của thời gian qua các biến cố, để nhờ đó luôn nhận ra sự hiện diện và tác động
của Thiên Chúa. "Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta". Ðó là khẩu hiệu
hàng đầu của người Kitô. Họ được mời gọi để ôn lại bước chân đi qua của Thiên
Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Ðó là thái độ tỉnh thức mà Ðức Kitô không ngừng
mời gọi chúng ta hãy có trong từng giây phút.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét