Phúc Âm : Lc 19,28-40
“Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa”. (Lc 19,38)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.
28 Nói những lời ấy xong, Đức Giê-su đi đầu, tiến lên
Giê-ru-sa-lem. 29 Khi đến gần làng Bết-pha-ghê và làng
Bê-ta-ni-a, bên triền núi gọi là núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ và bảo : 30 "Các
anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao
giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó đi. 31 Nếu
có ai hỏi : 'Tại sao các anh cởi lừa người ta ra', thì cứ nói : 'Chúa có việc
cần dùng !' 32 Hai người được sai liền ra đi và thấy y như Người đã
nói. 33 Các
ông đang cởi dây lừa, thì những người chủ nói với các ông : "Tại sao các
anh lại cởi lừa người ta ra ?"34 Hai ông đáp : "Chúa có việc cần
dùng."
35 Các ông dắt lừa về cho Đức Giê-su, rồi lấy áo
choàng của mình phủ trên lưng lừa, và giúp Người cỡi lên. 36 Người
đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường. 37 Khi
Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn
tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. 38 Họ
hô lên : Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa ! Bình an trên cõi trời
cao, vinh quang trên các tầng trời ! 39 Trong đám đông, có vài người
thuộc nhóm Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su : "Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ
Thầy đi chứ !" 40 Người đáp : "Tôi bảo các
ông : họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên !"
Suy
niệm:
Lễ Lá
Hôm nay bắt đầu tuần
thánh, một tuần lễ trọng đại nhất trong năm phụng vụ và Chúa nhật lễ Lá là Chúa
nhật khởi đầu cho cuộc thương khó của Chúa. Chúng ta cùng nhau chia sẻ ba điểm.
Điểm thứ nhất
đó là tại sao Chúa lại phải chịu đau khổ như thế? xin thưa đó là vì quyền lực của
Satan. Chúng ta có thể nói cuộc tử nạn chính là cuộc đối đầu giữa Chúa Giêsu và
Satan, giữa sự thiện và sự ác. Hẳn chúng ta còn nhớ: Khi Chúa Giêsu bị ma quỷ
cám dỗ trong hoang địa, thánh Luca đã kết thúc biến cố ấy bằng câu: Ma quỷ rút
lui để chờ dịp khác. Thì nay dịp khác ấy đã đến. Ma quỷ chiếm hữu cõi lòng Giuđa,
tên phản bội. Ma quỷ sàng gạn Phêrô và các môn đệ như sàng gạo. Và cuộc hấp hối
trong vườn Cây Dầu được mô tả như là giờ của quyền lực tối tăm đã đến.
Điểm thứ hai,
đó là Chúa Giêsu dùng thứ khí giới nào để chiến thắng? Thánh Luca cho chúng ta
thấy Chúa Giêsu đã dùng hai thứ khí giới quen thuộc. Trước hết là sự cầu nguyện.
Người sấp mình xuống đất cầu nguyện và mồ hôi chảy ra hòa lẫn với máu. Tiếp đến
là lòng nhân từ tha thứ. Người niềm nở đón chào tên phản bội. Người chữa lành đứa
đầy tớ bị Phêrô chém đứt tai, Người quay lại nhìn Phêrô vừa mới chối Người ba lần.
Người an ủi những phụ nữ đang than khóc, Người tha thứ cho những kẻ đóng đinh
Ngài vào thập giá, Người hứa ban nước
thiên đàng cho người kẻ trộm. Và lời cuối cùng là một lời phó thác: Lạy Cha,
con xin phó hồn con ở trong tay Cha.
Điểm thứ ba
đó là sự vô tội của Chúa Giêsu. Thực vậy, Philatô đã tuyên bố: Ta không thấy người
này có tội gì. Hêrôđê cũng nhận thấy như vậy, nên đã truyền đem trả Ngài lại
cho Philatô. Các phụ nữ Giêrusalem cũng không cầm được nước mắt. Còn người trộm
lành thì xác quyết: Người này có làm điều gì trái đâu. Và sau khi Chúa đã chết,
viên đội trưởng La mã cũng kêu lên: Người này là người công chính. Còn dân
chúng vừa ra về vừa đấm ngực ăn năn vì đã đổ máu người vô tội. Phải, Người là
con chiên vô tội đã gánh lấy tội thế gian cũng như tội của mỗi người chúng ta.
Vì vậy thánh Al-phong-sô đã nói: Tuần thánh là tuần của tình yêu, chúng ta hãy đem
hết tình yêu để sống những ngày trọng đại này. Hãy trở về cùng Chúa vì Người đang
chờ đợi ta và tha thứ cho ta.
Tại một ngôi thánh đường
ở bên Đức, người ta còn thấy một pho tượng thánh giá chuộc tội đặc biệt. Chúa bị
treo trên thập giá nhưng một tay thì bị đóng đinh còn một tay thì thòng xuống.
Số là trước đây có một tội nhân đã hết lòng sám hối quỳ trước pho tượng này.
Ông ăn năn nhưng không biết Chúa có tha thứ cho hay không. Thì bỗng nhiên một
cánh tay Chúa rút ra khỏi lỗ đinh và ôm chầm lấy cổ ông trong bộ điệu yêu thương
và tha thứ. Cánh tay ấy vẫn còn như vậy cho đến hôm nay.
Hãy đến với Chúa trong
Tuần Thánh này vì Ngài đang chờ đợi để tha thứ.
Cầu
nguyện:
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Ðấng đã theo
Chúa Giêsu con Mẹ suốt chặng đường dẫn tới Canvê, xin Mẹ giúp con cùng vác thập
giá với niềm thanh thản và yêu thương bước theo Chúa, để đạt được niềm vui Mừng
Chúa Phục Sinh.
Lẽ sống:
Ánh sáng đô thị
Một
trong những cuốn phim hay nhất của Charlot và cũng có lẽ là một trong những cuốn
phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh, đó là cuốn phim có tựa đề là: "Ánh
sáng đô thị". Ðó là câu chuyện tình của một gã lang thang và một cô gái
bán hoa.
Nàng
là một cô gái mù bán hoa bên vệ đường. Một nhà tỷ phú trong vùng ngày nào cũng
dừng lại mua hoa của nàng. Ngày kia, gã lang thang là Charlot cũng dừng lại mua
hoa của nàng. Cô gái bán hoa tưởng chàng là người tỷ phú. Thế là một giấc mộng
đã chớm nở và nối kết hai tâm hồn. Nàng tưởng mình gặp được người mình mơ mộng
từ lâu nay. Chàng thì hy vọng sẽ kiếm được tiền để chữa lành tật mù lòa của
nàng.
Nhưng
chẳng may, vì một sự ngộ nhận, chàng đã bị cảnh sát giam giữ. Sau một thời gian
cầm tù, chàng được trả tự do. Chàng trở lại chỗ cũ để tìm người con gái mù,
nhưng nàng không còn ở đó nữa. Nhờ tiền bạc trước kia chàng đã gửi cho nàng,
người con gái đã được chữa lành và nay đứng trông coi một cửa hàng bán hoa rộng
lớn hơn. Chàng đi qua đi lại nhiều lần, nhưng không thể nào nhận ra nàng. Tình
cờ, một cánh hoa hồng rơi xuống đất, chàng nhặt lấy. Người con gái cười như nhạo
báng. Chàng định bỏ đi, nhưng chợt nhận ra tiếng cười, chàng quay lại. Chàng hỏi
một cách nhút nhát: "Cô đã thấy được rồi sao?". Người con gái nhận ra
tiếng nói quen thuộc. Nàng từ từ nhặt cánh hoa và gắn lên áo chàng. Và nàng thốt
lên trong cảm xúc: "Anh đấy sao?". Thế là cả hai đã nhận ra nhau và họ
sẽ không bao giờ rời nhau nữa.
Cuộc
gặp gỡ trong bất cứ một cuộc tình nào cũng là hình bóng của cuộc gặp gỡ trong đức
tin giữa chúng ta và Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta là những
con người có tự do. Do đó Thiên Chúa không nói với chúng ta bằng một ngôn ngữ
nào khác hơn là tình yêu. Tình yêu không bao giờ là một cưỡng bách, nhưng là một
mời gọi tự do.
Những
người Do Thái thời Chúa Giêsu đòi hỏi những dấu lạ, những bằng chứng hiển nhiên
về sứ mệnh của Ngài. "Ông hãy làm cho chúng tôi một dấu lạ".
Ngày
nay thì trái lại, với những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, con người dường
như không còn tin ở phép lạ nữa. Tưởng mình có thể chế ngự và làm chủ vũ trụ,
con người muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.
Chúng
ta có thể ngạc nhiên tại sao Thiên Chúa không làm phép lạ nhãn tiền cho những
người biệt phái hay cho những kẻ vô thần ngày nay. Tại sao Ngài không viết tên
Ngài trên trời để xóa tan mọi nghi ngờ trong lòng người? Thiên Chúa có lối sư
phạm của Ngài. Ngài đã không là Thiên Chúa của những điềm lạ cả thể, nhưng là một
Thiên Chúa đã chọn lựa làm tôi tớ để chinh phục tình yêu và lòng tín nhiệm của
con người. Thiên Chúa không những là một Thiên Chúa của quyền năng ở bên trên
con người, nhưng còn là Thiên Chúa ở bên trong con người. Và, cái chết và sự phục
sinh của Chúa Giêsu chính là dấu lạ cả thể nhất, bởi vì đó là dấu chứng của
tình yêu. Chúa Giêsu đã nói đến dấu chứng đó khi dùng hình ảnh của tiên tri
Giona. Giona được Thiên Chúa sai đến cho dân thành Ninivê. Ông tưởng Chúa sẽ
dùng ông để làm một dấu lạ cả thể khiến dân thành sẽ tin vào sứ mệnh của ông.
Nhưng cuối cùng, qua con người của ông, Thiên Chúa chỉ kêu mời sự hoán cải và
tình yêu.
Thiên Chúa đến gặp gỡ
chúng ta qua những sinh hoạt và những biến cố tầm thường nhất trong cuộc sống.
Ngài mời gọi chúng ta nhận ra Ngài trong cái ăn, cái uống, cái mặc, trong tiếng
cười, tiếng khóc, trong tất cả mọi gặp gỡ của chúng ta với tha nhân. Và ngay cả
trong cái chết mà con người cho là điểm cuối cùng của cuộc sống, Thiên Chúa
cũng có mặt.
Nhận ra Ngài như cô gái
bán hoa đã nhận ra giọng nói của chàng Charlot, đó là ơn gọi của người Kitô
chúng ta. Một đức tin trưởng thành không đòi hỏi và thử thách Thiên Chúa, nhưng
tín thác và nhận ra dấu chỉ của Ngài qua những cái tầm thường nhất của cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét