PHÚC ÂM: Ga 5,1-16
"Tức khắc người ấy được lành bệnh". (Ga 5,9)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an.
1 Sau đó, nhân dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên
Giê-ru-sa-lem. 2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần
Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành
lang. 3 Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó,
chờ cho nước động, 4 vì thỉnh thoảng có thiên
thần Chúa xuống hồ khuấy nước lên ; khi nước khuấy lên, ai xuống trước, thì dù
mắc bệnh gì đi nữa, cũng được khỏi. 5 Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. 6 Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng
đó đã lâu, thì nói : "Anh có muốn khỏi bệnh không ?" 7 Bệnh nhân đáp : "Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có
người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất
rồi !" 8 Đức Giê-su bảo :
"Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi !" 9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.
Hôm đó lại là ngày sa-bát. 10 Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi
bệnh : "Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng
!" 11 Nhưng anh đáp : "Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói
với tôi : 'Anh hãy vác chõng mà đi !'" 12 Họ hỏi anh : "Ai là người đã bảo anh: ' Vác
chõng mà đi ' ?" 13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức
Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. 14 Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền
Thờ và nói : "Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải
khốn hơn trước !" 15 Anh ta đi nói với người Do-thái : Đức Giê-su là người đã
chữa anh khỏi bệnh. 16 Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa
bệnh ngày sa-bát.
Suy niệm:
Chữa người bất toại
Cuốn phim Mỹ với
tựa đề: “Cái chết của một thiên thần” mang một ý nghĩa sâu sắc. Tại một vùng
quê hẻo lánh bên Nam Mỹ, nơi mà lòng đạo đức bình dân thường pha trộn những mê
tín dị đoan, một thanh niên nọ đã ngụy tạo ra một phép lạ thu hút được rất nhiều
người. Anh lén rạch da lấy máu mình và cho vào tượng Thánh giá mà chỉ anh mới
biết cách tháo ráp. Mỗi lần anh ôm Thánh giá vào lòng thì máu từ mão gai của tượng
chảy ra. Dân chúng từ khắp nơi, nhất là những kẻ tàn tật, mù lòa đổ vào để chứng
kiến phép lạ. Đoàn người làm thành một đám rước Thánh giá lên trên một ngọn đồi,
tại đó người thanh niên quỳ cầu nguyện bên cạnh Thánh giá và máu lại chảy ra từ
mão gai trên đầu Chúa.
Trong khi phép lạ
ngụy tạo này diễn ra mỗi ngày, thì một đám người bất lương muốn lợi dụng cơ hội
để làm tiền. Họ biết chắc đây chỉ là một sự lừa bịp, nhưng họ chưa khám phá được
bí quyết của người thanh niên. Sau một thời gian theo dõi, họ đã bắt giữ người
thanh niên và tra khảo anh khai ra bí mật ấy. Không chịu nổi cuộc tra tấn, người
thanh niên đành thú nhận sự thật và đó cũng là lúc khởi đầu của những hình ảnh đẹp
nhất trong cuộc đời anh. Trước đám đông đang chuẩn bị cuộc rước, người thanh
niên tháo gỡ tượng Chúa Giêsu khỏi Thánh giá và cho mọi người thấy sự lường gạt
của anh từ bao năm qua. Với tất cả thành tâm thống hối, anh vác Thánh giá tiến
lên đồi. Đám người bất lương bắn xối xả vào người anh, anh ngã gục, nhưng đoàn
người lại tiếp tục vác Thánh giá lên đồi, nhiều người tàn tật, mù lòa bỗng cảm
thấy được chữa lành.
Câu chuyện trên đây
có thể giúp chúng ta nhận ra phần nào sứ điệp mà Mẹ Giáo Hội muốn gửi đến chúng
ta qua bài Tin Mừng hôm nay. Đám đông trong câu chuyện trên chờ đợi những dấu lạ
từ pho tượng của Chúa Giêsu, nhưng dấu lạ lại chỉ xảy đến chính lúc họ biết khước
từ những hiện tượng bên ngoài ấy để nhận ra khuôn mặt đích thực của Chúa Giêsu
trên Thánh giá và thông hiệp vào chính cuộc khổ nạn của Ngài.
Phép lạ xảy ra cho người bất toại trong
Tin Mừng hôm nay có thể là hình ảnh của lòng tin cần được thanh luyện. Từ 38 năm
qua, con người tàn tật này chờ một phép lạ, nhưng một phép lạ gắn liền với một
hiện tượng bên ngoài là nước hồ lay động đã không bao giờ xảy đến. Chỉ khi người
tàn tật này gặp gỡ Chúa Giêsu, xưng thú nỗi bất lực của mình, và tin tưởng ở lời
Ngài, thì lúc đó phép lạ mới thực sự được thực hiện.
Ngày nay, để cảm
nhận được phép lạ của Thiên Chúa, chúng ta cũng cần vượt qua não trạng chỉ chờ đợi
những hiện tượng khác lạ trong thiên nhiên. Người ta thích đổ xô tới nơi có hiện
tượng lạ thường. Dĩ nhiên, trong một số trường hợp. Thiên Chúa đã thực hiện điều
đó. Thế nhưng điều quan trọng cho đức tin chúng ta không phải là những hiện tượng
khác thường ấy, mà là chính sự gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu. Gặp gỡ Ngài,
tin ở lời Ngài, kết hiệp với Ngài nhất là trong mầu nhiệm khổ nạn, con người mới
cảm nhận được tác động của Ngài.
Mùa chay là mùa của thanh luyện. Giáo Hội
mời gọi tín hữu kết hiệp với Đức Kitô Tử nạn bằng cách sống tâm tình tin tưởng
phó thác của Ngài, nhờ đó niềm tin của họ được thanh luyện và họ sẽ cảm nhận được
tình yêu của Chúa.
Mỗi Ngày Một Tin Vui
Sống Lời Chúa:
Đoạn Tin mừng hôm nay kêu gọi chúng ta về
trách nhiệm đối với anh em mình, họ đang cần chúng ta. Thường người ta tự hỏi
sao ngày Chúa nhật không được sống thoải mái! Nhưng ta lại không tự hỏi: Tại
sao không dùng ngày Chúa nhật để thực hiện tình bác ái, giúp đỡ bệnh nhân và kẻ
nghèo khó, đi dâng lễ. Đó là những cách nhỏ bé chúng ta có thể để tôn vinh
Thiên Chúa trong ngày của Ngài.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho con học được những bài học thiết thực khi suy niệm bài Tin
Mừng của ngày hôm nay. Xin cho con biết kiên trì hy vọng lúc gặp đau khổ, biết
lưu tâm chia sẻ những nỗi đau khổ của những người khác và biết uyển chuyển linh
động khi đáp ứng những nhu cầu bức thiết của anh chị em chung quanh.
Lẽ sống:
Phục Sinh
Một linh mục
Brazil thuật lại một kinh nghiệm Phục Sinh của mình như sau: "Mỗi ngày,
khi đi ngang qua một con đường ở Rio de Janeiro, tôi đều thấy một người đàn ông
còn trẻ ngồi dựa lưng vào tường, chìa tay xin ăn. Ông ta không đi được vì đôi
chân bị tật. Vì qua lại khá thường, nên sự hiện diện và số phận của người ăn
xin què quặt không làm tôi bận tâm suy nghĩ: thế nào là không đi được".
Nhưng một ngày
kia, số phận của ông ta bỗng đánh động tâm hồn tôi mãnh liệt. Nhất là khi dừng
lại đằng xa quan sát tôi thấy có bao nhiêu người đi ngang qua mà hình như không
trông thấy ông. Tôi quyết định đến nói chuyện và hỏi ông: "Ông có thể đứng
dậy được không? Ông có muốn đi không?". Ông ta đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn
tôi dò xét và khi đọc được sự thành thật trên khuôn mặt của tôi, ông ta nói:
"Tôi luôn luôn hy vọng là một ngày nào đó cuộc đời tôi sẽ đổi mới. Dĩ
nhiên tôi sẽ đi được nhưng chi phí mua sắm những dụng cụ quá đắt làm sao tôi với
tới. Vì thế không còn cách nào hơn là đành quên giấc mơ có thể đi được".
Nghe xong tâm sự
của ông, tôi xiết chặt tay ông giã từ và hứa: "Một ngày gần đây, giấc mơ của
ông sẽ thành sự thật".
Trong bài giảng
thánh lễ Chúa Nhật sau đó, tôi thuật về số phận của ông ăn mày và đề nghị công
đoàn hãy làm một cái gì để giúp ông ta. Một cuộc lạc quyên được tổ chức và tôi
vui mừng khi thấy số tiền quyên góp được vượt quá chi phí của cặp nạn và đôi
chân nhân tạo. Người hành khất càng hân hoan hơn khi tôi báo tin mừng: ông được
chuyên chở ngay đến một bệnh viện đặc biệt và trong những tuần lễ kế tiếp, ông
cố gắng tập đi đứng một mình.
Lễ Phục Sinh đến.
Tôi đi mời ông dự lễ và dành cho ông một chỗ đặc biệt gần bàn thờ. Trong bài giảng
hôm ấy, tôi lại đề cập về ông đại ý như sau: "Chúa Giêsu đã Phục Sinh để sống một cuộc
sống mới. Ngài sẵn sàng ban cho chúng ta thông phần vào khả năng trao tặng nhau
những cuộc sống mới. Nhờ lòng hảo tâm của anh chị em, ông bạn của chúng ta đã
được ban cho một cuộc sống mới". Nói đến đây, tôi mời ông đứng
dậy để giới thiệu ông với cộng đoàn mà kể từ nay ông đã trở nên một phần tử.
Ông đứng dậy và chống nạng đi trước mặt mọi người. Tôi cảm thấy bầu khí nhà thờ
lúc ấy tràn đầy sức sống".
Tin mừng thuật lại
như sau:
sau mẻ lưới đầy
cá, Chúa Giêsu mời các môn đệ cùng điểm tâm với Ngài và Ngài đã cầm lấy bánh và
cá trao cho các ông ăn. Phần các môn đệ, tuy không giám hỏi, nhưng họ biết rõ đó
là Ngài. Ðây là phương thế Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện giữa những kẻ tin vào
Ngài trải qua mọi thời đại: tự nhiên như trong một bữa ăn thân mật, nhưng muốn
cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài, chúng ta phải noi gương Ngài chia sẻ cho nhau
tất cả những gì mình có.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét